Viết bài văn kể sáng tạo một câu chuyện về thiếu nhi mà em đã đọc ở nhà lớp 5>
1. Mở bài: Giới thiệu tên câu chuyện, tên tác giả,... (Nếu đóng vai nhân vật để kể lại câu chuyện, em cần giới thiệu mình là nhân vật nào.) 2. Thân bài: Kể lại câu chuyện theo trình tự hợp lí, trong đó có chi tiết được kể sáng tạo theo 1 trong 3 cách:
Dàn ý chi tiết
1. Mở bài: Giới thiệu tên câu chuyện, tên tác giả,... (Nếu đóng vai nhân vật để kể lại câu chuyện, em cần giới thiệu mình là nhân vật nào.)
2. Thân bài: Kể lại câu chuyện theo trình tự hợp lí, trong đó có chi tiết được kể sáng tạo theo 1 trong 3 cách:
– Sáng tạo thêm chi tiết (có thể lựa chọn sáng tạo một hoặc nhiều chi tiết).
– Thay đổi cách kết thúc theo tưởng tượng của em.
– Đóng vai nhân vật để kể lại câu chuyện (chú ý cách xưng hộ, cách thể hiện lời nói, suy nghĩ, cảm xúc phù hợp với nhân vật).
3. Kết bài: Nêu suy nghĩ, cảm xúc,... về câu chuyện hoặc nêu kết thúc của câu chuyện dưới góc nhìn của nhân vật (nếu đóng vai kể chuyện).
Bài văn siêu ngắn
Trong một lần tìm đọc các câu chuyện về những tấm gương thiếu nhi dũng cảm, em đã được biết đến câu chuyện Út Vịnh của nhà văn Tô Phương.
Câu chuyện kể về Út Vịnh - một cậu bé vừa dũng cảm lại có trái tim yêu thương mọi người. Nhờ có Út Vịnh thuyết phục, mà Sơn - một bạn học sinh nghịch ngợm, thường chơi thả diều trên đường tàu nhận ra sai lầm của mình và hứa sẽ không nghịch dại nữa. Những hành động dũng cảm nhất của Út Vịnh là khi cậu thành công giải cứu bé Lan khỏi nanh vuốt của tử thần.
Hôm đó, Út Vịnh đang ngồi làm bài tập ở nhà, thì bỗng nghe từng hồi còi tàu vang lên dồn dập. Cậu lấy làm lạ, có hôm nào mà tàu lại kéo còi từ xa và liên hồi như vậy đâu. Thế là, cậu liền chạy vội ra gần đường tàu để xem xét. Đến nơi, cậu giật mình khi nhìn thấy hai cô bé Lan và Hoa đang ngồi chơi chuyền trên đường tàu. Thấy tàu đang lao đến, Út Vịnh liền chạy về đường tàu, hét lên thật to để cho hai cô bé nghe thấy. Lúc này, Lan và Hoa mới giật mình nhìn lên, thấy tàu đang lao đến, sợ hãi vô cùng. Hoa vì giật mình nên ngã ra khỏi đường tàu, lăn xuống ruộng, thoát khỏi nguy hiểm. Còn Lan thì vì quá sợ hãi, nên đứng im một chỗ không dám cử động. Đúng giây phút nguy cấp, Út Vịnh lao nhanh về phía ray tàu, ôm chầm lấy Lan, lăn xuống mép ruộng. Nhờ sự dũng cảm và mạnh mẽ ấy của Vịnh, mà Lan được cứu sống trong gang tấc. Khi bố mẹ của Lan biết tin, đã chạy đến ôm chầm lấy Vịnh và cảm ơn cậu rối rít.
Nhân vật Út Vịnh trong câu chuyện đã khiến em rất ngưỡng mộ và thán phục. Cậu ấy chính là một người anh hùng nhỏ tuổi thực sự để chúng em học tập và noi theo.
Bài tham khảo Bài mẫu 1
Xung quanh chúng ta, có rất nhiều những tấm gương sáng về sự thông minh, trí tuệ hơn người. Điều thú vị là, bên cạnh những tấm gương là người trưởng thành, thì chúng ta còn có rất nhiều những tấm gương thiếu nhi thể hiện tài năng của mình từ khi còn rất nhỏ. Những câu chuyện đó rất gần gũi với lứa tuổi thiếu nhi như em. Một trong những câu chuyện kể đó chính là “Nhà phát minh 6 tuổi”.
Nhân vật chính trong câu chuyện này là Ma-ri-a - một nhân vật có thật trong lịch sử. Câu chuyện xảy ra khi Ma-ri-a chỉ vừa mới tròn 6 tuổi. Khi đó, cô bé vẫn còn rất nhỏ, tràn ngập sự tò mò và hứng thú với thế giới xung quanh. Tính cách đó ở cô bé còn lớn hơn những bạn nhỏ cùng trang lứa khác bởi cô sinh ra và lớn lên trong một gia đình sáu đời liên tiếp có giáo sư đại học. Vì thế, việc yêu thích khám phá, nghiên cứu về thế giới dường như đã trở thành truyền thống của gia đình cô. Một ngày nọ, gia đình của Ma-ri-a tổ chức tiệc tối. Những cuộc trò chuyện của người lớn chẳng khiến cô bé hứng thú. Vì vậy, cô nhàm chán quan sát các gia nhân đi qua đi lại trước mắt mình. Cũng vì thế mà cô bé tình cờ phát hiện ra một quy luật thú vị: những tách trà ở trên đĩa, thường sẽ trượ qua trượt lại khi gia nhân vừa bưng lên. Nhưng khi nước trà trong tách chảy ra đĩa một ít thì tách trà sẽ đứng yên, không di chuyển nữa, giống như đã bị một bàn tay vô hình chặn lại. Chi tiết thú vị đó lập tức khơi dậy sự hào hứng của Ma-ri-a. Cô lập tức lặng lẽ rời khỏi phòng khách và đi vào bếp, tự tìm cách giải thích cho thắc mắc của mình. Khi vào bếp, Ma-ri-a lập tức mô phỏng lại những gì mà mình đã nhìn thấy. Cô lấy ra một bộ đồ trà, rồi giả vờ làm đổ một ít trà từ cốc ra đĩa, sau đó thử bưng bộ tách trà lên, xem điều gì đã khiến chiếc cốc không di chuyển. Thí nghiệm đơn giản như thế, lại được Ma-ri-a kiên trì lặp đi lặp lại nhiều lần. Cho đến khi cô nhận ra rằng, “bàn tay vô hình” giữ chiếc cốc đứng im, chính là nước trà nằm giữa tách trà và cái đĩa. Khi cô vừa phát hiện ra điều này, thì cha của cô vừa lúc đi vào bếp. Và thế là cô đã chia sẻ với cha ngay kết quả thí nghiệm của mình. Điều đó khiến cha của cô rất vui mừng, phấn khởi. Ngay lập tức, ông bế bổng Ma-ri-a lên vai, đi thẳng ra phòng khách và khoe với mọi người rằng “Đây sẽ là giáo sư đời thứ bảy của gia tộc tôi!”. Và quả thật vậy, sau này khi trưởng thành, Ma-ri-a đã trở thành giáo sư của nhiều trường đại học nổi tiếng tại Mỹ và còn được tặng Giải thưởng Nô-ben Vật lí vô cùng danh giá.
Câu chuyện về cô bé Ma-ri-a và sự thông minh, khả năng quan sát, khám phá nhanh nhạy thật hấp dẫn và thú vị. Nó không chỉ giúp em biết thêm một thông tin bổ ích, mà còn đưa em đến gần hơn một vĩ nhân của thế giới. Từ câu chuyện, em hiểu rằng, bất kì người tài nào cũng từng có tuổi thơ ấu đầy đam mê và khát vọng. Giống như Bác Hồ đã từng nói “Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, Tùy theo sức của mình”. Bởi vậy, bản thân em cũng có thể cống hiến những điều tốt đẹp cho thế giới, cộng đồng, bằng chính tài năng của bản thân bây giờ.
Bài tham khảo Bài mẫu 2
Xung quanh chúng ta có rất nhiều những nhà khoa học, nhà nghiên cứu với trí thông minh và khả năng sáng tạo tuyệt vời. Nhưng những tài năng ấy không chỉ có ở người lớn, mà còn có ở cả các bạn thiếu nhi. Không ít các nhà khoa học đã bộc lộ khả năng của mình từ khi còn rất bé. Và Ê-đi-xơn chính là một trong số đó. Ngay từ khi rất nhỏ, ông đã khiến người khác phải kinh ngạc trước năng lực sáng tạo của mình. Câu chuyện “Ánh sáng của yêu thương” đã ghi lại một sực việc như thế.
Năm đó, Ê-đi-xơn mới chỉ là một cậu bé còn rất nhỏ tuổi. Một hôm nọ, khi bố vắng nhà do có công việc quan trọng, chỉ còn cậu với mẹ ở nhà thì mẹ bất ngờ bị ốm. Lúc đó, trời đã dần về chiều, bố còn rất lâu mới trở về, mà mẹ thì đau bụng dữ dội, không thể chờ thêm được nữa. Do đó, Ê-đi-xơn đã để mẹ ở nhà và một mình chạy đi mời bác sĩ. Sau khi kiểm tra, bác sĩ xác định rằng mẹ của cậu bị đau ruột thừa và cần phải mổ gấp, nếu không sẽ rất nguy hiểm. Tuy nhiên, trời đã tối, không có đủ ánh sáng để tiến hành mổ được, cần chờ đến sáng ngày hôm sau. Nghe bác sĩ nói, Ê-đi-xơn lòng nóng như lửa đốt. Cậu nhìn mẹ đau đớn, thở từng hơi yếu ớt trên giường mà vô cùng đau khổ. Vì thế, cậu xin bác sĩ hay ở lại, chờ cậu nghĩ cách tìm đủ nguồn sách cho ông tiến hãnh phẫu thuật.
Đứng nhìn quanh phòng, Ê-đi-xơn tập trung nghĩ cách. Bỗng cậu nhìn thấy một luồng sáng hắt ra từ mảnh sắt tây trên tủ. Cậu chợt nhận ra nguyên lí gì đó của ánh sáng. Ngay lập tức, khuôn mặt của cậu rạng rỡ hẳn lên. Cậu nhờ bác sĩ chuẩn bị dụng cụ phẫu thuật, vì đã tìm ra cách có ánh sáng rồi. Sau đó, cậu chạy vội sang nhà hàng xóm, mượn một tấm gương thật lớn. Cậu khệ nệ mang tấm gương về nhà, rồi thắp hết các ngọn nến trong nhà mình lên và đặt trước gương. Ngay lập tức, ánh nến phản chiếu qua gương, hắt ra khiến cả căn phòng sáng rực như ban ngày. Nhờ thế mà bác sĩ có thể tiến hành phẫu thuật một cách thuận lợi. Mẹ của Ê-đi-xơn cũng nhờ vậy mà được cứu sống. Khi tỉnh dậy, bà hạnh phúc hôn lên trán con trai của mình, khen ngợi sự thông minh, sáng tạo của cậu.
Từ câu chuyện “Ánh sáng của yêu thương”, em được biết thêm một thông tin thú vị về nhà bác học thiên tài Ê-đi-xơn khi ông vẫn còn rất nhỏ. Cùng với đó, câu chuyện còn khiến em nhận ra rằng bất kì ai, ở độ tuổi nào và ở đâu cũng có thể tạo nên những phát minh và kì tích. Chứ không phải chỉ các nhà nghiên cứu ở trong phòng thí nghiệm.
Bài tham khảo Bài mẫu 3
Trong một ngôi làng nằm bên đường sắt, có một nhà cậu bé tên là Út Vịnh. Nhà cậu nằm ngay gần đoạn đường sắt mà suốt nhiều năm qua luôn xảy ra những sự cố nguy hiểm. Có lúc, đá tảng lớn lẻn xuống đường tàu, có lúc, có người tháo cắt các thanh ray, và cũng có lúc, những đứa trẻ chăn trâu lại ném đá lên những chuyến tàu qua lại.
Tháng trước, trường học của Út Vịnh đã tổ chức phong trào "Em yêu đường sắt quê em". Các học sinh cam kết sẽ không chơi trên đường tàu, không gây rối trên đường sắt, và cùng nhau bảo vệ an toàn cho những chuyến tàu qua lại. Nhưng công việc khó khăn nhất là phải thuyết phục Sơn, một cậu bạn rất nghịch ngợm, thường xuyên chạy trên đường tàu và thả diều. Sau nhiều lần thuyết phục, cuối cùng Sơn cũng hiểu và không còn gây rối như trước nữa.
Một buổi chiều, khi gió từ sông Cái thổi vào mang theo cảm giác mát lạnh, Út Vịnh đang ngồi học bài thì bất ngờ nghe thấy tiếng còi tàu vang lên từ xa. Tiếng còi kéo dài không ngớt, khiến cậu cảm thấy lạ. Khi nhìn ra đường tàu, Út Vịnh phát hiện ra hai cô bé Hoa và Lan đang ngồi chơi trên đường tàu, không biết rằng một đoàn tàu hỏa đang lao tới gần. Út Vịnh không suy nghĩ, liền chạy ra và la lớn để cảnh báo. Hoa nhảy dựa mình ra khỏi đường tàu, nhưng Lan lại ngơ ngác đứng đó không biết phải làm gì.
Không còn thời gian suy nghĩ, Út Vịnh lao tới, ôm chầm Lan và cuốn cô bé lăn xuống mép ruộng. Đoàn tàu chỉ cách họ một phần nhỏ thôi, nhưng nhờ Út Vịnh, Lan đã được cứu sống khỏi nguy cơ đáng sợ.
Khi ba mẹ Lan đến, họ không kìm được nước mắt xúc động và ôm chầm lấy Út Vịnh, biết ơn cậu đã cứu con mình khỏi sự nguy hiểm. Từ đó, cả làng biết ơn và kính trọng Út Vịnh hơn bao giờ hết, và câu chuyện về anh chàng nhỏ bé này trở thành một câu chuyện đầy ý nghĩa về lòng can đảm và tình bạn.