Văn bản Đường vào trung tâm vũ trụ>
[…] Chúng tôi dừng chân ở một bãi cỏ vắng người phía bên kia đền và trốn trong rừng. Sẽ rất bất tiện nếu để khách du lịch phát hiện ra một con ngựa có cánh đang lai vãng gần khu thánh địa của Hy Lạp!
Đường vào trung tâm vũ trụ
(Trích Thiên Mã, Hà Thủy Nguyên)
[…] Chúng tôi dừng chân ở một bãi cỏ vắng người phía bên kia đền và trốn trong rừng. Sẽ rất bất tiện nếu để khách du lịch phát hiện ra một con ngựa có cánh đang lai vãng gần khu thánh địa của Hy Lạp! Chúng tôi thả Thần Thoại trong rừng và nó cũng đủ thông minh để biết cách tự bảo vệ mình. Thần Đồng rủ tôi đi xuống bảo tàng dưới chân núi, nơi trưng bày bức tượng Nhân Sư quý giá.
Pho tượng đã bị bào mòn, không còn sắc nét nhưng vẫn nguyên vẹn vẻ cao ngạo và thần thánh. Trong khi tôi xem xét pho tượng để tìm kiếm manh mối thì hắn lại lang thang ở quầy tạp phẩm. Tính mua quà lưu niệm chắc! Hừ! Hắn thật rảnh rỗi, chẳng biết lo công việc gì cả! Tôi đành cặm cụi làm một mình vậy. Mất một lúc lâu, tôi vẫn không tìm thấy dấu vết gì.
Bộp! Tôi bị giáng một cú vào đầu đau điếng trong khi đang cúi xem từng vết tích. Hắn! Và một cuốn sách!
- Làm cái quái gì vậy? Sao lại đánh người ta!
Hắn nhún vai như không có gì, chìa cho tôi xem quyển sách.
- Xem đi… Đây là nơi đặt hòn đá trung tâm của vũ trụ!
“Trung tâm của vũ trụ”? Tôi lặp lại lời hắn. Câu đố cũng nhắc tới “trung tâm của vũ trụ”. Tôi không thể hình dung trung tâm của vũ trụ sẽ như thế nào! Nhưng tôi nóng lòng khám phá nơi ấy quá… Ai ngờ hòn đá lại hiện diện ngay trong bảo tàng này. Hòn đá Ôm-phe-lốt (Omphalos) đó được điêu khắc, chạm trổ tinh vi. Nhưng cũng chỉ là một tác phẩm nghệ thuật bình thường, chẳng ra dáng của tầm vũ trụ gì cả. Có thể đây chỉ là bản cóp-pi mà người xưa tạc nên để đánh lạc hướng thiên hạ chăng!
- Tớ nghĩ rằng phiến đá đó vẫn nằm đâu đó trong đền thờ! Để tôi vào đó xem… - Thần Đồng băm môi suy tính.
Chúng tôi phải đợi đến lúc tối mù tối mịt mới dắt Thần Thoại đột nhập đền. Dưới trăng, những cột đá hoa cương ánh lên sắc sáng bạc như những ngọn nến trắng khổng lồ. Theo sơ đồ, chúng tôi lần đến vị trí đặt hòn đá trung tâm của vụ trụ. Chẳng hiểu thật giá thế nào nhưng câu đố đã đề cập đến thì hẳn phải có một manh mối nào đó.
Theo truyền thuyết, thần Dớt (Zeus) cho hai con đại bàng bay theo chiều vuông vóc với nhau, một con bay dọc và một con bay ngang; điểm giao nhau giữa chúng chính là “cái rốn” của vũ trụ. Cả Thần Đồng và tôi đều tin “cái rốn” ấy hẳn vẫn còn ở trong đền chứ không thể là hòn đá Ôm-phe-lốt kia. Chúng tôi lần mò từng ngóc ngách, từ điện thờ thần A-pô-lô (Apollo) đến thánh đường A-then-na Pờ-rô-nai-a (Athena Pronaia), thậm chí không bỏ sót những vết tích còn lại của đấu trường, rạp hát,… bên bờ suối Cát-xta-líc (Castalic)
– Tớ nghĩ ta nên quay lại điện thờ thần A-pô-lô, vì trong câu đố có nhắc đến vị thần đội vòng nguyệt quế và nhấn mạnh rằng chúng ta cần phải bày tỏ lòng thành kính... − Tôi kết luận sau khi đã kiểm tra một vòng.
– Có lí! Nhưng mà cái khoản bày tỏ lòng thành kính ấy, cậu bày tỏ đi nhé...
Tôi nguýt một cái xa lơ xa lắc. Đàn ông con trai, đa phần đều là những kẻ vô thần, vậy mà tại sao trong thế giới thần linh, lại chủ yếu là các nam thần nhỉ? Chúng quay lại điện thờ thần A-pô-lô. Nửa đêm, mặt trăng cao vút và trong vắt. Theo thần thoại, nữ thần Mặt Trăng Ác-tê-mít (Artemis) chính là em gái song sinh của thần A-pô-lô. Đêm nay, nữ thần trị vì bầu trời và biết đâu chẳng mang cho chúng tôi ít nhiều may mắn!
Bỗng nhiên, Thần Đồng bị hụt chân, ngã dúi dụi. Một cái hố vô duyên nằm ngay giữa lối đi. Tôi đỡ Thần Đồng dậy.
– Cái hố vô duyên! — Hắn làu bàu.
- Chẳng qua chỉ là cái... Ổ voi thôi mà! Ai bảo có người “mắt toét”! — Tôi khích.
Chẳng thèm để ý cái trò trẻ con của tôi, hắn đi một vòng quanh hố. Hố không rộng nhưng khá sâu so với một cái ổ gà thông thường. Hắn bắt tôi cầm đèn pin còn hắn cúi xuống, sờ soạng dưới đáy. Cái hố đã vô tình trở thành một hố rác với đủ các loại sỏi cát, lá khô, giấy vụn,... Hắn chẳng nề hà, bới hết rác rưởi lên. Hắn bới mãi, bới mãi, cho đến khi chạm vào bề mặt đá. Dưới ánh đèn hiển hiện một cái rãnh tròn nhỏ, giống như vòng xoay của một động cơ cổ.
– Cần một cái gì đó để lắp vào đây! – Thần Đồng xoa cằm ngẫm nghĩ.
Tôi áng chừng kích cỡ của hố; nó tương đương với cái gì nhỉ? Phải rồi! Hòn đá Ôm-phe-lốt! Thần Đồng chắc cũng đã đoán ra, hắn nói rất nhanh như ra lệnh:
- Cậu đợi ở đây một lát! Tớ đi đằng này với Thần Thoại!
Rồi chẳng để tôi kịp phản ứng, hắn nhảy lên mình ngựa. Con ngựa cất cánh, bay đi trong nháy mắt. Giờ chỉ còn mình tôi giữa bốn bề quạnh quẽ, y như cái buổi bị lạc trên sa mạc. Ở đây tuy không hoang vắng nhưng chẳng hiểu sao tôi lại thấy đáng sợ hơn. Tôi sợ một hồn ma bóng quế nào đó đột ngột hiện lên doạ tôi. Hắn thừa biết con gái, nhất là một tiểu thư cành vàng lá ngọc như tôi, rất nhát gan, vậy mà hắn nỡ lòng vứt tôi chơ vơ ở đây! Hắn đi đâu không biết? Việc gì mà bí mật tới mức không thể cho tôi đi cùng được.
Tôi chợt nhớ ra chiếc đồng hồ hắn cho tôi. Bật chức năng định vị, tôi thấy rõ sự di chuyển của hắn trên bản đồ. Cái gì thế này? Hắn đang ở Bảo tàng khu di tích Đen-phi (Delphi). Hắn làm gì ở đấy? Chẳng lẽ hắn đến tìm hòn đá Ôm-phe-lốt? Nhưng tìm thì cũng có mang tới đây được đâu; chẳng phải người ta đã đặt chình ình tấm biển đề “Không sờ vào hiện vật” ở đó hay sao. Có khi nào hắn định... ăn trộm? Nghĩ đến đây tôi càng thêm lo lắng. Đời nào hệ thống an ninh trong bảo tàng lại để hắn lượn ra lượn vào tự do rồi chôm đồ như chốn không người chứ.
Chưa đầy nửa tiếng sau tôi đã thấy hắn cưỡi Thần Thoại trở về. Sau lưng hẳn gùi hòn đá Ốm-phe-lốt mà mới hồi chiều chúng tôi còn cho rằng vô giá. Tôi cau có:
– Cậu làm trò gì thế? Sao lại ăn trộm hòn đá này?
Chúng ta không ăn trộm! – Hắn nhún vai. – Chúng ta chỉ mượn tạm thôi! Dùng xong sẽ mang trả lại! Tớ cũng tò mò muốn biết nơi nào được gọi là trung tâm của vũ trụ.
Nói đoạn, hắn đặt hòn đá xuống hố. Vừa như in! Mặt Trăng chiếu một chùm sáng vào chính giữa hòn đá. Hòn đá toả hào quang rực rỡ khiến chúng tôi chói mắt, lùi vài bước. Chợt, mặt đất rung chuyển. Tôi thấy hắn ôm chầm lấy tôi, nấp trong đôi cánh của Thần Thoại. Chúng tôi cảm thấy mình đang di chuyển, lúc lên cao, lúc xuống thấp, với tốc độ nhanh chóng mặt như đi trên một chiếc thang máy siêu tốc.
“Uỳnh”! Chúng tôi mở mắt ra và thấy mình đang đứng giữa một không gian kì lạ. Đó là một thung lũng lọt thỏm dưới những núi đá cao vời vợi, không biết đến tận cùng. Tít tít trên cao xanh không có mây, không có mặt trời, cũng chẳng trăng sao; không gì cả, ngoài một tầng cao hoăm hoắm. Xung quanh được thắp sáng bằng bột lân tinh, giống như thứ bột mà Thần Đồng đã dùng để thắp sáng căn phòng của Nhân Sư.
- Có phải... có phải chúng ta ... Tôi lắp bắp, không nói nên lời
- Chúng ta đang ở trung tâm của vũ trụ! – Hắn khẳng định.
Thần Thoại cũng ngoái ngang ngoái dọc, cảnh sắc này quá kì lạ với nó! Chính tôi cũng há hốc mồm, không tin vào cảnh tượng trước mắt. Một thế giới trong lòng thế giới! Hòn đá Ôm-phe-lốt đã tạo ra một bước nhảy không gian, đưa chúng tôi tới nơi được gọi là “cái rốn của vũ trụ”. Tôi cứ lắp ba lắp bắp hai tiếng “trung tâm” khiến Thần Đồng sốt ruột.
- Cậu lắp bắp gì thế? Chúng ta còn cả một không gian mênh mông để khám phá đấy, chẳng phải chuyện chơi đâu!
Tôi vẫn chôn chân tại chỗ, chưa hết ngạc nhiên. Chẳng nói chẳng rằng, tôi mở ba lô của Thần Đồng, tìm cái máy tính đa-di-năng của hắn. Tôi truy cập in-tơ-nét mãi mà chẳng được! Sực nhớ ra chúng tôi đã xa Trái Đất lâu rồi, đã nằm ngoài vùng phủ sóng rồi. Tôi bừng tỉnh, thở dài. Hắn quan tâm vỗ về tôi:
– Sao rồi? Có gì nghiêm trọng à? Cậu biết điều gi à?
- Cậu đã đọc Giuyn Véc-nơ chưa?
- Thời giờ đâu mà quan tâm tới văn học! — Hắn lắc đầu. – Đam mê của tớ không phải là chữ nghĩa! Nhưng tớ biết, đó là tác giả của Hai vạn dặm dưới biển. Mà liên quan gì đến ông ta...
Tôi chạy lại gần những cây nấm khổng lồ cao hơn hai mét xen giữa những gốc dương xỉ cao ngất, rậm rạp. Đặt nhẹ tay lên đó, rồi vỗ thật mạnh một cái để kiểm chứng, tôi nói một lèo như thuyết trình:
- Giuyn Véc-nơ là tác giả tiểu thuyết khoa học viễn tưởng vĩ đại nhất thế giới. Từ thế kỉ XIX ông ta đã có thể tiên tri về viễn cảnh những tàu điện ngầm, những toà cao ốc, thậm chí cả việc con người đặt chân lên Mặt Trăng. Ông ta từng viết một quyển sách nhan đề Hành trình vào Tâm Trái Đất. Trong đó kể về những cây nấm cổ đại khổng lồ, những con khủng long từ thời tiền sử, những con chim điện quý hiếm,... Nói chung, cái gọi là Tâm Trái Đất ấy cũng giống như một bảo tàng sống động, lưu giữ tất cả những gì đã biến mất khỏi mặt đất!
Thần Đồng mê mải nghe những lời giảng giải của tôi. Hắn là nhà khoa học. Câu hỏi đầu tiên chạy qua đầu hắn chắc chắn là: Sao có thể lưu giữ được những “hiện vật” này? Hắn cũng sờ lên thân cây để chắc chắn đó không phải là hư ảnh được thời gian lưu giữ tại một chiều không gian thứ tư.
Chúng tôi nghe đâu đó tiếng vo ve của côn trùng đang đến gần. Ngẩng lên, chúng tôi thấy một con chuồn chuồn khổng lồ đang bay qua với sải cánh rộng như của loài đại bàng. Thân hình nó óng ánh lân tinh! Bốn cái cánh khoẻ khoắn, đập nhanh như cánh quạt. Đứng giữa khu rừng cổ sinh này, chúng tôi chẳng khác gì loài vật kí sinh nhỏ bé, thậm chí, còn chẳng to hơn một con côn trùng.
– Theo Giuyn Véc-nơ thì đây là Tâm Trái Đất. Chẳng lẽ Tâm Trái Đất chính là Tâm Vũ Trụ? – Tôi thắc mắc.
- Tớ cho rằng Giuyn Véc-nơ đã sai! Đây đúng ra là Tâm Vũ Trụ! Tâm Trái Đất chỉ có khoáng chất. Bằng cách nào đó, Giuyn được biết về nơi này, có thể là nhờ bước dịch chuyển không gian bất ngờ như vừa rồi... Và người phương Tây thế kỉ XIX chẳng thể nghĩ xa hơn tầng ô-dôn!
Lập luận của Thần Đồng rất hợp lí. Nhưng bất kể đây là tâm của cái gì thì việc quan trọng với chúng tôi lúc này là phải tìm ra mảnh ghép thứ hai và nghĩ cách thoát khỏi đây. Không thể chậm trễ, bởi nếu những điều ông nhà văn mà người đời vẫn cho là huyễn tưởng ấy nói đúng thì nhiệt độ ngày đêm nơi đây chênh lệch khá lớn. Càng về đêm, nhiệt độ càng tăng và đỉnh điểm sẽ lên tới 70°C, thế thì chúng tôi sẽ trở thành món bít tết nướng tái.
Chở chúng tôi trên lưng, Thần Thoại bay qua những ngọn cây cao nhất của khu rừng cổ sinh. Tôi ngó xuống dưới và thấy một con khủng long Spi-nô-sô-rớt Ê-gip-ti-cớt (Spinosaurus Aegipticus), loài bạo chúa mà tôi nhớ mãi khi xem phần ba bộ phim Công viên kị Giu-ra (Jurassic Park), đang ăn thịt một con voi ma mút. Nếu không có Thần Thoại, có lẽ chúng tôi cũng trở thành món lót dạ của những con vật tồn tại cách đây một trăm sáu mươi triệu năm rồi.
Bay qua khu rừng cổ sinh, chúng tôi lại tiếp tục kinh ngạc trước vẻ đẹp yên bình như chốn thần tiên. Chúng tôi đứng trước một dòng suối hiền hoà với cây cầu vồng đủ bảy sắc màu rực rỡ. Dường như cây cầu vồng ấy vĩnh viễn không bao giờ biến mất. Nhưng nó vẫn chưa kì lạ bằng hình ảnh đoàn người cá ngồi trên mỏm đá. Người chải đầu, người đọc sách, người chơi nhạc,... Họ có khuôn mặt của loài người, mỗi người một vẻ, và đặc biệt là những cái đuôi cá giống hệt như miêu tả của An-đéc-xen trong các câu chuyện cổ. Riêng chi tiết này thì không thấy Giuyn Véc-nơ nhắc tới. Có lẽ ông ta chưa từng biết tới nơi đây cũng nên! Như vậy là chúng tôi may mắn hơn vị tiểu thuyết gia đại
Theo miêu tả của Giuyn Véc-nơ, chốn này như một phòng trưng bày lưu giữ tất cả những sinh vật đã tuyệt diệt. Tôi nhớ lại lời của Nhân Sư rằng xưa kia, giống sư tử đầu người cùng với các sinh vật huyền bí (khác đã từng làm chủ Địa Cầu trước loài người. Vừa rồi, chúng tôi đã gặp người cá. Liệu chúng tôi còn gặp sinh vật nào nữa? Ngược lên thượng nguồn là một cánh đồng cỏ rộng mênh mông. Hương thơm của loài dã thảo khiến tôi dễ chịu vô cùng. Thần Thoại sà cánh, chạm xuống mặt đất. Nó có vẻ thích thú khi được giẫm lên cỏ non. Thần Đồng và tôi xuống ngựa, để Thần Thoại có một lúc tận hưởng không gian bát ngát của thảo nguyên mà nó vẫn gặp trong những giấc
Luyện Bài Tập Trắc nghiệm Văn 7 - Kết nối tri thức - Xem ngay
Các bài khác cùng chuyên mục
- Tóm tắt, bố cục, nội dung chính văn bản Bản tin về hoa anh đào
- Tóm tắt, bố cục, nội dung chính văn bản Lễ rửa làng của người Lô Lô
- Tóm tắt, bố cục, nội dung chính văn bản Thủy tiên tháng Một
- Tóm tắt, bố cục, nội dung chính văn bản Nói với con
- Tóm tắt, bố cục, nội dung chính văn bản Hãy cầm lấy và đọc
- Tóm tắt, bố cục, nội dung chính văn bản Bản tin về hoa anh đào
- Tóm tắt, bố cục, nội dung chính văn bản Lễ rửa làng của người Lô Lô
- Tóm tắt, bố cục, nội dung chính văn bản Thủy tiên tháng Một
- Tóm tắt, bố cục, nội dung chính văn bản Nói với con
- Tóm tắt, bố cục, nội dung chính văn bản Hãy cầm lấy và đọc