Phân tích tác phẩm Ông già và biển cả của Hê-minh-uê
Cùng với William Faulkner, Hê-minh-uê được xem là người khai sinh ra nền văn xuôi hiện đại Hoa Kì. Tầm ảnh hưởng của ông càng về cuối thế kỉ càng rõ nét. Tên tuổi ông vang xa khắp năm châu.
Cùng với William Faulkner, Hê-mhinh-uê được xem là người khai sinh ra nền văn xuôi hiện đại Hoa Kì. Tầm ảnh hưởng của ông càng về cuối thế kỉ càng rõ nét. Tên tuổi ông vang xa khắp năm châu. G.G. Marquez gọi ông là thầy và nhiều tác giả Hoa Kì đương đại suy tôn ông làm người khai sinh ra trường phái Chủ nghĩa cực hạn (Minimalism). Một trường phái văn học xuất hiện ở Hoa Kì từ những năm 1920 với phương châm sáng tạo cơ bản là tinh giản văn chương đến mức tối đa, kiệm lời và kiệm cả cảm xúc… Hemingway nổi tiếng với phương pháp Tảng băng trôi. Phương pháp sáng tác này yêu cầu sự cô đọng trong phản ánh hiện thực. Do vậy, nét nổi bật trong thế giới ngôn từ của kiệt tác là khả năng kiệm lời. Đặc biệt Hemingway rất hạn chế việc sử dụng tính từ. Còn động từ được dùng để diễn tả hành vi giao tiếp của con người thì hầu như chỉ độc mỗi nói (say) hoặc hành vi tự giao tiếp với chính bản thân nhân vật thì gần như chỉ là nghĩ (think). Chi tiết, hình tượng nhân vật của ông thường mang tính ẩn dụ và biểu tượng cao.
Đoạn trích Ông già và biển cả trong sách giáo khoa Ngữ văn 12, tập trung vào hành trình săn đuổi con cá kiếm của ông lão Santiago. Dưới đây là những nét đặc sắc nhất của văn bản.
1. Cuộc chiến cuối cùng với cá kiếm
Ông lão câu được con cá kiếm vào khoảng trưa ngày đầu tiên. Ngay khi đó, con cá ròng rã kéo ông lão ra khơi xa trong suốt hai ngày đêm. Một con người cô độc, ra khơi chỉ với một chai nước và quyết tâm không gì lay chuyển về việc bắt được con cá lớn xứng đáng với tài nghệ của mình, lúc này đã được đặt vào thử thách quyết định. Liệu lão có chinh phục được con cá kiếm ấy không?
Các nhà nghiên cứu khái quát đặc trưng nhân vật của Hemingway bằng thuật ngữ “Code hero”, có nghĩa là nhân vật mã. Cách định danh này gây không ít tranh cãi. Bởi vì, thông thường mọi sáng tạo nhân vật của bất cứ nhà văn nào cũng đều tuân thủ theo một mã nhất định. Nếu không tạo được cho nhân vật của mình một mã đặc trưng, không thể lẫn thì nhà văn đó được xem là thất bại. Nhân vật của họ không thể đọng lại trong tâm trí người đọc. Như vậy, khái niệm “Code hero” có thể được dùng cho bất kì nhân vật của một nhà văn nổi tiếng nào, thế mà nhân vật của riêng Hemingway lại có được đặc ân đó.
Điều này có nguyên do của nó. Có thể cắt nghĩa như sau: trong số các nhân vật đặc trưng thì nhân vật của Hemingway thuộc dạng đặc trưng nhất hoặc kiểu đặc trưng của nhân vật Hemingway cá biệt đến nỗi không lẫn vào bất kì nhân vật của nhà văn nào khác. Nếu hiểu như vậy thì việc xem nhân vật của Hemingway là nhân vật mã tức các nhà nghiên cứu đã tôn vinh sự sáng tạo tuyệt vời của nhà văn bởi đó là kiểu nhân vật trước đó chưa hề xuất hiện và về sau cũng không có nhân vật nào giống nó.
Đúng vậy, ta có thể kể một số mã của nhân vật Hemingway như sau:
Trong tiếng Anh, để chỉ danh từ nhân vật có hai từ character và hero. Từ hero ít được dùng hơn vì nó ngầm chỉ tính chất anh hùng. Do vậy, khi các nhà nghiên cứu gọi nhân vật của Hemingway là code hero thì họ nhằm ám chỉ phẩm chất anh hùng ở những con người này.
Nhân vật mã của Hemingway luôn được đặt trong môi trường “tới hạn”, có nghĩa môi trường tồn tại của họ khốc liệt đến mức họ luôn bị cái chết rình rập, buộc phải tranh đấu để vượt qua.
Để nhân vật đứng giữa ranh giới sự sống và cái chết, Hemingway muốn tìm xem đâu là cơ sở để con người tồn tại trên thế gian này và yếu tố nào khiến con người cao quý hơn tất cả các sinh vật khác từng tồn tại trên trái đất.
Nhân vật Hemingway buộc phải tự mình tìm một lối thoát theo cách của họ để bảo vệ sự sống của bản thân, tính chất anh hùng được toát lên từ khả năng chống chọi và tìm đường này.
Cách thức để các nhân vật đương đầu với mọi thử thách, ở từng trường hợp khác nhau, có thể là khác nhau nhưng họ đều có cùng điểm chung là dựa vào sự điêu luyện của tay nghề và ý chí, nghị lực.
Nhân vật của Hemingway luôn có ý thức về sự hư vô mà họ phải đương đầu. Họ biết rất rõ rằng mục tiêu tồn tại của họ là chiến đấu chống trả lại cái hư vô đó. Nhưng họ không hề ảo tưởng con người đứng cao hơn số mệnh, cao hơn tự nhiên. Họ biết một khi vượt qua được cái hư vô này họ lại phải đối diện với một cái hư vô khác. Nhưng họ không bao giờ chịu buông xuôi.
Họ chống trả lại thực trạng bằng một “phong độ dưới áp lực” (Phillip Young). Có nghĩa dù đã rơi vào cảnh ngộ sức tàn lực kiệt đến đâu chăng nữa, nhưng hễ còn sống họ phải dốc tận lực ra mà chiến đấu để có thể tồn tại đúng nghĩa một con người.
Hemingway sáng tác trong thời buổi thế giới có nhiều biến động về chiến tranh, về các khuynh hướng tư tưởng, về kinh tế,… Sự tồn tại của con người trong môi trường đó được xem như một cuộc tranh đấu gian nan. Ở góc độ nào đó, tồn tại đồng nghĩa với việc chống trả các thế lực thù nghịch xung quanh. Xuất phát từ cách nhìn này, Hemingway xem nhân vật của mình là những chiến binh trên trận chiến cuộc đời. Hình tượng Santiago được khắc hoạ theo kiểu đó.
Trước hết, nhân vật hiện lên với tư cách là một con người đơn độc. Đây là một phẩm chất thường thấy của người anh hùng. Trong thần thoại hoặc trong sử thi, truyện cổ tích,… nhân vật anh hùng luôn hành động một mình. Điều này cốt để khẳng định tầm vóc phi thường, sức lực vô biên không thế lực nào ngăn cản hoặc một ai sánh nổi. Trong văn bản của sách giáo khoa chỉ có mỗi một ông lão đương đầu với con cá kiếm. Môi trường xảy ra trận chiến là đại dương bao la, nơi không có bất kì một thế lực nào có thể can thiệp. Môi trường này được xem là “tinh khiết” để ghi nhận sức mạnh của hai đối thủ. Con cá cứ kéo, ông lão cứ giữ, cả hai cố làm kiệt sức để huỷ diệt nhau. Đến ngày thứ ba, con cá bắt đầu đuối sức phải lượn vòng. Điều này có nghĩa ông lão không bị con cá điều khiển nữa mà đang chuẩn bị bước vào quá trình điều khiển con cá. Sự thay đổi vị thế đã khẳng định sức mạnh của ông lão. Thực chất ông lão có phải là kẻ dồi dào sức lực không?
Câu trả lời không khó. Ông lão vừa già lại vừa yếu về sức mạnh cơ bắp. Hemingway thường nhấn mạnh đến yếu tố “già nua” trên cơ thể ông lão. Vậy ông lão lấy đâu ra sức lực để chinh phục con cá? Sức lực của ông lão được huy động từ nhiều nguồn. Trước hết là từ quá khứ oai hùng của lão (nhà vô địch vật tay, người ngang dọc trên đại dương săn rùa, câu cá,…), tiếp đó là sức mạnh từ việc thành thạo tay nghề (hiếm có người nào có tay nghề giỏi như ông lão ở làng chài ấy, dẫu suýt ngất vì kiệt sức nhưng chỉ cần một cú phóng lao, ông lão đã giết chết con cá kiếm), cuối cùng là sức mạnh tinh thần. Ông lão đã chứng minh được điều trước các sinh vật to lớn của đại dương, sức khoẻ cơ bắp của con người quả thật là thảm hại khi mang ra so sánh với chúng, nhưng sở dĩ con người lại trở thành “chúa tể của muôn loài” (theo cách nói của Shakespeare) là nhờ họ sở hữu được một thứ sức mạnh vô song. Đó chính là ý chí, nghị lực thuộc phạm vi tinh thần.
Hành trình đeo đuổi suốt hai ngày hai đêm của ông lão trước đó đã mang lại kết quả. Nó khẳng định chiến thắng của ông lão. Nhưng đấy mới chỉ là khởi đầu, cuộc chiến lúc này mới thực sự bước vào chặng đường gay cấn nhất. Ông lão không hề có ý định bỏ cuộc. Kinh nghiệm cũng như tài nghệ của ông lão được người kể khắc hoạ qua nhiều chi tiết cụ thể, tinh tế. Chỉ cần “cảm nhận áp lực của sợi dây hơi chùng lại”, Santiago biết con cá sắp lượn vòng.
Ông lão không hề bị phân tâm trong suốt quá trình chiến đấu. Lão là một người nhẫn nại với công việc. Không điều gì có thể dứt lão ra khỏi mục tiêu cuối cùng là bắt cho được con cá kiếm. Có thể nói, Santiago toàn tâm, toàn ý trước nhiệm vụ mà thoạt nhìn không nhiều người tin chắc ông lão có thể thực hiện được. Chính lòng cần cù, sự tập trung và quyết tâm cao độ đã cung cấp thêm nguồn sức mạnh vô biên cho lão.
Phẩm chất đáng quý nữa ở Santiago là tính cách luôn hành động. Có thể nói, ông lão là người không bao giờ chịu ngồi yên một chỗ để chờ vận may đến với mình. Trong cuộc chiến đấu đó, một phần con cá cứ liên tục kéo nên ông lão phải căng hết người lên mà chống đỡ, phần khác là vì, bản thân ông lão là con người hành động. Santiago không chịu bó tay trước hoàn cảnh. Sự vận động khẳng định tố chất muốn thể hiện giá trị tồn tại của con người, ngay cả khi sức lực đã già nua. Hơn nữa, với Santiago không hành động đồng nghĩa với việc chết. Lão không muốn chết. Do vậy, Santiago luôn tồn tại trong thế động với các động tác của cơ thể, của tư duy cũng như của ngôn từ.
Lão hết thu dây, thả dây, rồi lại nói, nghĩ (thành lời). Các động tác này cứ luân phiên nhau trong văn bản để tạo nên một con người Santiago đa diện mạo, để khiến cho câu chuyện chỉ viết về một người, một số phận nhưng lại âm vang nhiều cuộc đời, nhiều số phận.
Mở đầu tác phẩm, Hemingway đặt nhân vật Santiago vào vận rủi vô cùng tận với 84 ngày không bắt được cá. Nhưng chính nhờ hành động không mệt mỏi của mình, lúc này ông lão sắp tóm được chú cá lớn xứng đáng với tài nghệ mình như lão hằng mong muốn. Như thế, miệt mài theo đuổi khát vọng lớn trong đời là một đặc trưng của nhân vật mã Hemingway.
2. Cảm giác
Là bậc thầy xây dựng hình tượng ẩn dụ, đa nghĩa,… Hemingway còn là người khai thác rất thành công cảm giác của nhân vật. Bằng cách này, ông khiến cho thế giới nhân vật của mình hiện lên vừa cụ thể sống động nhưng lại vẫn có phần bí hiểm và đầy chiều sâu. Đặc biệt là với ông lão Santiago. Khi sức khoẻ suy kiệt, Santiago chiến đấu với con cá kiếm bằng kinh nghiệm và sức mạnh tinh thần. Kinh nghiệm chủ yếu được thể hiện bằng cảm giác. Điều kì lạ là chỉ bằng cảm giác mà ông lão có thể xử lí hoàn hảo trước mọi động thái của con cá. Điều này cho thấy tay nghề câu cá của ông lão đã vượt qua cả ngưỡng siêu việt. Khai thác cảm giác này, Hemingway mới có điều kiện thuận lợi để xâm nhập sâu vào thế giới tư duy của nhân vật. Nhờ đó mà độc thoại nội tâm của nhân vật đã trở thành phương tiện biểu đạt tính cách nhân vật một cách hoàn hảo, tài tình: “Đúng lúc đó lão cảm thấy một cú quật đột ngột và cú nảy mạnh ở sợi dây lão đang níu bằng cả hai tay. Thật là sắc và cảm thấy cứng và nặng.
“Lưỡi kiếm của con cá đang quật vào đoạn dây thép đáy, lão nghĩ. Chuyện ấy tất xảy ra”. Hành động ấy của con cá diễn ra dưới mặt nước sâu, nhưng ông lão vẫn nhận ra.
Cảm giác đóng vai trò rất quan trọng trong kĩ thuật tự sự của Hemingway. Nổi bật trong đoạn trích là hai cảm giác cơ bản của Santiago: về sức khoẻ và về việc khuất phục con cá. Văn bản xuất hiện hàng loạt câu đề cập đến các cảm giác này. Người kể sử dụng hai thủ pháp ngôn từ để khắc hoạ. Một là bằng chính ngôn ngữ của mình để miêu tả (“Nhưng lão lại cảm thấy choáng váng”, “Nhưng đã hai lần lão cảm thấy chóng mặt và choáng váng và điều ấy khiến lão sợ”,…). Hai là sử dụng ngôn ngữ của nhân vật (“Lượt tới nó lượn ra ta sẽ nghỉ”, lão nói. “Ta cảm thấy đỡ hơn nhiều. Chỉ hai ba vòng nữa thôi thì ta sẽ có nó”).
Với cách kể này, câu chuyện của Hemingway đan cài nhiều tầng “không khí”. Thường thì độ căng của truyện được đặt ngay trong hành động trực tiếp của nhân vật, nhưng với Hemingway thì trọng tâm truyện bao giờ cũng nằm ngoài câu chuyện, nằm ở cái phần “trống”, phần không nói hết của người kể.
3. Diễn biến
Cuộc chiến của Santiago với cá kiếm diễn ra vô cùng gay cấn. Để giành chiến thắng ta thấy Santiago tiến hành lần lượt các bước sau:
- Thu dây để khiến con cá quay vòng.
- Cầu con cá đừng nhảy bởi sợ mất nó: “Đừng nhảy, cá”. Lão nói. “Đừng nhảy”.
- Cầu Chúa giúp bằng cách hứa đọc kinh: “Chúa giúp ta chịu đựng. Ta sẽ đọc một trăm lần kinh Lạy Cha và một trăm lần kinh mừng Đức Mẹ”.
- Phân tích tình hình: “Mình phải giữ cho nó đừng đau quá, lão nghĩ. Nỗi đau của ta thì không thành vấn đề. Ta có thể chế ngự. Nhưng nỗi đau của con cá thì có thể khiến nó cuồng lên”.
- Di chuyển được con cá: “Ta đã di chuyển được nó”.
- Động viên bản thân: “Kéo đi, tay ơi, lão thầm giục. Hãy đứng vững, đôi chân kia. Tỉnh táo vì tao, đầu à”.
- Tập trung sức lực: “Dồn hết mọi đớn đau và những gì còn lại của sức lực và lòng kiêu hãnh đã rời bỏ từ lâu, lão mang ra đương đầu với cơn hấp hối của con cá”.
- Phóng lao giết chết con cá.
Song song với diễn biến trên là quá trình suy kiệt sức lực của ông lão:
- Khi con cá bắt đầu lượn vòng, lão hãy còn đủ sức để kéo: “Lão chỉ cảm nhận áp lực của sợi dây hơi chùng lại và dùng tay phải, lão bắt đầu nhẹ nhàng kéo vào. Sợi dây chững lại, như mọi khi, nhưng ngay lúc lão kéo đến điểm sắp đứt thì sợi dây bắt đầu thu vào. Lão lách vai và đầu ra khỏi sợi dây và bắt đầu liên tục kéo nhẹ nhàng”.
- Nhưng rồi cứ phải ra sức níu sợi dây để buộc con cá phải quay vòng, sức lực lão suy kiệt nhanh chóng: “hai giờ sau, mồ hôi ướt đẫm người ông lão và lão mệt thấu xương”, “ông lão thấy hoa mắt suốt cả tiếng đồng hồ, mồ hôi xát muối vào mắt lão và xát muối lên vết cắt phía trên mắt và trán”,…
- Tiếp đó ông lão “lại cảm thấy choáng váng”, “toát mồ hôi đầm đìa nhưng không phải vì mặt trời mà vì một nguyên nhân khác”, “lão lại thấy xây xẩm mặt mày”, “miệng lão khô khốc không thể nói nổi, nhưng lúc này lão không thể với lấy cái chai”.
- Đỉnh điểm của việc kiệt sức là sự “lú lẫn đầu óc”. Ông lão bước vào trạng thái chênh chao giữa sống và chết khi “lão nói bằng giọng mà bản thân hầu như không còn nghe nổi”.
- Tại thời khắc đó, ông lão đã biết tự động viên kịp thời: “Hãy giữ đầu óc tỉnh táo và biết cách chịu đựng như¬ một con người”, lão nghĩ. Rồi lão kêu gọi: “Đầu ơi, hãy tỉnh táo”. Bằng cách đó, từng phút giây, lão trở nên mạnh hơn con cá.
Dõi theo mạch trần thuật trên, ta thấy, diễn biến của trận đánh rất gay cấn, được tính theo từng vòng lượn của con cá và tính theo cả chút sức lực ít ỏi còn lại, dần hao mòn của ông lão: “Cứ cái đà này thì không ổn rồi, lão nghĩ. Miệng lão khô khốc không thể nói nổi, nhưng lúc này lão không thể với lấy cái chai. Lần này mình phải kéo nó cập mạn, lão nghĩ. Cứ thêm vài vòng nữa thì mình sẽ đuối sức”.
Có lúc người đọc ngỡ như ông lão để mất con cá hoặc gục chết trước nó. Thế nhưng, lần nào cũng vậy, lão biết cách xốc lại tinh thần kịp thời: “Lần này mình phải kéo nó cập mạn, lão nghĩ. Cứ thêm vài vòng nữa thì mình sẽ đuối sức. Không, mày khoẻ, lão tự nhủ. Mày luôn khoẻ”. Cuối cùng ông lão đã chiến thắng. Một chiến thắng kì vĩ cho quyết tâm không thể gì lay chuyển. Trong đoạn trích, cuộc chiến tập trung vào hai đối thủ đã rã rời thân xác. Cả hai đã đấu sức với nhau ròng rã hai ngày đêm. Bây giờ, kẻ nào không trụ vững, kẻ đó không tồn tại. Do vậy ta thấy độ căng của diễn biến được tăng dần theo sự suy kiệt sức lực của hai đối thủ. Trong lúc con cá dần ngoi lên (dấu hiệu của sự thúc thủ) thì ông lão nhiều lần suýt ngất. Nhưng ông lão vẫn gượng dậy. Cuối cùng con cá là kẻ bại trận.
4. Hành động theo cách của riêng mình
Đặc trưng nổi trội nữa trong tính cách nhân vật mã của Hemingway là họ tự xác lập một lối hành động cho riêng mình. Với cách sống đó ta thấy ở họ dáng dấp của kiểu nhân vật hiện sinh.
Santiago là người gần như bị cộng đồng (chỉ còn mỗi thằng bé Manolin quan tâm) và bị cả tạo hoá bỏ rơi (không bắt được cá suốt 84 ngày), nhưng ông lão tin vào bản thân mình. Chỉ cần lão bắt được cá thì mọi sự sẽ chấm dứt. Ở đây tồn tại xung đột ngầm giữa một Santiago bị loại bỏ ra khỏi cộng đồng và một Santiago với cách thức tồn tại riêng của lão bên cộng đồng đó.
Lão hành động như sau: không hề nản chí mà cứ miệt mài ra khơi với hi vọng bắt được con cá xứng đáng với tài nghệ lão. Mục đích ban đầu của lão không phải vì những tiêu chí đánh giá của cộng đồng mà vì ý thức của lão muốn sống một cách tử tế theo cách riêng của lão. Lão đã bắt được con cá mà ngay cả đến trong mơ lão cũng chưa từng gặp. Con cá ấy lớn hơn bất cứ con cá nào trước đó được đưa vào cảng La Havana.
Santiago cũng như các nhân vật thuộc “thế hệ mất mát” đều tin vào các giá trị xác thực, tin vào khả năng của chính bản thân mình. Santiago cầu Chúa giúp là chỉ giúp lão chịu đựng chứ không cầu giúp bắt con cá, có nghĩa lão ý thức được thành quả lao động là phải do chính tay con người làm ra chứ không thể có Chúa nào làm giúp cả. Họ không tin vào những điều trừu tượng, hoa mĩ như những gì Kinh Thánh giảng dạy. Do vậy, việc Santiago hứa đọc kinh cầu Chúa giúp sức chỉ là một “phản xạ văn hoá” nhất thời (vì hằng bao thế kỉ, người phương Tây sống theo những quy chuẩn đạo đức Thiên Chúa giáo). Bởi vì sau đó Santiago không đọc mà lão thầm nhủ: xem như đã đọc rồi. Sự bất tin ấy còn được đẩy đến mức bất kính. Tập trung nhất là ở chi tiết sau khi giết chết con cá ông lão thấy “mắt nó trông dửng dưng như những tấm kính trong kính viễn vọng hay như một vị thánh trong đám rước”.
Không dựa vào Chúa, nhân vật của Hemingway dựa vào chính bản thân mình. Đây là giá trị nhân văn vô cùng to lớn. Santiago đặt ra cho mình mục đích và cách sống. Bây giờ lão đang đi gần đến cái đích; con cá sắp bị lão chinh phục. Không có thế lực nào ngăn cản lão ngoại trừ chính bản thân lão. Đến đây ta bắt gặp một ý tưởng độc đáo của nhà văn: con người trong cuộc khám phá, chinh phục chính bản thân mình. Cuộc chinh phục của lão được tiến hành song song giữa hai đối tượng: đối tượng bên ngoài (con cá) và đối tượng bên trong (khả năng của thể trạng lão).
Hemingway không thật sự tập trung vào việc để nhân vật chinh phục thế giới bên ngoài. Tiêu điểm của ông hướng cả vào việc khai thác thái độ của nhân vật trước hoàn cảnh đó. Với Hemingway, việc đánh một con cá lớn thì ai đó cũng có thể thực hiện được, nhưng qua việc đánh cá đó để kiểm định khả năng tồn tại và ý nghĩa sống của con người, thì chỉ có Santiago thực hiện được mà thôi.
Từ quan niệm này, người đọc sẽ thấy Santiago rất nhiều lần bộc lộ mình qua những đối thoại. Trong cuộc chiến với con cá, ông lão liên tục đối thoại với bản thân với mục đích giữ cho đầu óc tỉnh táo, bàn tay khỏi bị chuột rút, cơ thể khỏi bị đổ sập xuống vì cuộc chiến không cân sức. Khẩu hiệu chiến đấu của lão là tổng động viên mọi bộ phận trong cơ thể: “Kéo đi, tay ơi, lão thầm giục. Hãy đứng vững, đôi chân kia. Tỉnh táo vì tao, đầu à. Hãy tỉnh táo vì tao. Bọn mày ch¬ưa bao giờ bại trận. Lần này ta sẽ lật được nó”. Kết quả, nhờ vào ý chí và sự điêu luyện tay nghề, ông lão đã giết được con cá kiếm. Nhưng tâm trạng của ông lão không hoàn toàn phấn khích trước thành quả đó.
5. “Mày đang giết tao, cá à”
Trong văn bản được chọn dạy, người đọc chỉ tiếp xúc với hai nhân vật, ông lão và cá kiếm. Cá kiếm là đối tượng ông lão cần chinh phục để duy trì sự sống vật chất (lão từng nhẩm tính số lượng thịt của cá kiếm có thể nuôi sống một người trong cả mùa đông), đồng thời cũng để khẳng định giá trị tinh thần, vì với lão và với dân làng chài ấy, một khi ngư dân không bắt được cá nữa thì người ấy được xem như đã chết. Cái chết về phương diện tinh thần.
Trong cuộc chinh phục cá kiếm, ông lão cảm nhận được vẻ oai hùng, sòng phẳng, cao thượng,… của con cá nên cảm phục nó, xem nó là bạn, gọi nó là “người anh em”: “Mày đang giết tao, cá à, ông lão nghĩ. Nh¬ưng mày có quyền làm như¬ thế. Tao chưa bao giờ thấy bất kì ai hùng dũng, duyên dáng, bình tĩnh, cao thượng hơn mày, ng¬ười anh em ạ. Hãy đến và giết ta đi. Ta không quan tâm chuyện ai giết ai”. Khoảng cách của người chinh phục và kẻ bị chinh phục đã được rút đến điểm không. Mối quan hệ giữa ông lão và cá kiếm lúc này không đơn thuần là quan hệ triệt tiêu một chiều mà là mối quan hệ đa diện phức tạp.
Ngợi ca con cá và hành động trung thực, sòng phẳng của nó trong cuộc đối đầu với mình, Santiago gợi cho người đọc ẩn ý thầm kín mà tác giả gửi gắm rằng trên đất liền ông lão không còn ai tri âm tri kỉ nữa, cuộc sống loài người đã bị đảo điên ghê gớm các chân giá trị. Santiago không thể và không còn thuộc về thế giới ấy. Sự thẳng thắn, cao thượng của ông lão chỉ có thể tìm được sự tri âm ở chốn biển khơi. Con cá là bạn lão, cũng như đại dương bao la mới đích thực là ngôi nhà thân thiết của con người cô độc Santiago. Giống như mọi nhân vật mã khác của mình, Hemingway kiến tạo một môi trường sống gần gũi với thiên nhiên cho nhân vật. Chỉ quay về với thiên nhiên, nhân vật Hemingway mới tìm được sự lắng dịu tâm hồn, sự đồng cảm. Mối quan hệ giữa ông lão và cá kiếm thể hiện rõ điều này.
Tuy nhiên, không phải lúc nào mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên cũng suôn sẻ như nhan đề chỉ ra (Ông già và biển cả) mà thường xuyên là phức tạp. Mục tiêu của ông lão là giết chết con cá để tìm nguồn sống, nhưng ngay tức khắc ông lão ý thức được rằng con cá là hiện thân của cái đẹp. Lão giết nó đồng nghĩa với việc giết chết cái đẹp. Nhưng lão không thể không giết chết nó. Đây chính là bi kịch muôn thuở của con người.
6. Lão cố thêm lần nữa
Để vượt qua con cá và qua những phức cảm trong tâm hồn, ông lão chỉ còn cách “cố thêm lần nữa”. “Cố gắng” chính là nền tảng thành công của ông lão. Văn bản thường xuyên lặp lại mệnh đề này bằng ngôn ngữ của người kể và ngôn ngữ của chính Santiago:
- Mình sẽ cố thêm lần nữa.
- Lão cố thêm lần nữa.
- Mình sẽ lại cố thêm.
- Lão lại cố và mọi chuyện vẫn như cũ.
- Mình sẽ lại cố thêm một lần nữa…
Cứ một lần cố, ông lão đến gần hơn với chiến thắng. Sau một lần cố, con cá thêm một lần thất thế trước lão. Sự thành công của lão và sự thành công của con người nói chung phải chăng là nhờ những nỗ lực không ngừng trong cuộc đời?
Trong chiến thắng của ông lão, không chỉ có mỗi sự nỗ lực vượt qua những đau đớn thể xác và tinh thần, mà còn có cả quá khứ và tất cả mọi thứ tốt và xấu trong chính con người lão: “Dồn hết mọi đớn đau và những gì còn lại của sức lực và lòng kiêu hãnh đã rời bỏ từ lâu, lão mang ra đương đầu với cơn hấp hối của con cá và con cá tiến gần mạn thuyền, từ từ bơi nghiêng, mõm nó gần như chạm vào ván thuyền và sắp sửa vượt qua, dài, sâu, rộng, ánh bạc, vằn tía và bất tận trong dòng nước”. Đớn đau, tàn lực và lòng kiêu hãnh của quá khứ được đặt liền kề. Sức mạnh của Santiago không phải là sức mạnh của người sung sức mà là sức mạnh của tổng thể những gì đã suy thoái. Thế mà lão vẫn chiến thắng con cá. Đấy chính là giá trị tiềm tàng mà chỉ con người mới có được trên hành trình khẳng định sự sống.
7. “Con cá là vận may của ta”
Trên đây chúng tôi đã đề cập đến việc con cá là giá trị vật chất và tinh thần của ông lão. Bên cạnh đó, nó còn là vận may của Santiago. Điều này được chính ông lão thừa nhận. Thì ra ngoài nỗ lực của bản thân, thành quả chiến thắng của ông lão còn nhờ vào sự rủi may của số mệnh. Rất nhiều lần trong tác phẩm, ông lão xem việc không bắt được cá trong suốt 84 lần ra khơi là do vận rủi. Không chấp nhận điều đó, lão vẫn nuôi hi vọng sẽ bắt được cá lớn. Cuối cùng lão toại nguyện khi câu được con cá khổng lồ. Nhưng con cá kéo lão ra khơi xa. Lão trở thành “con mồi” của con cá. Một sự hoán vị lạ lùng. Ông lão lại trở nên bị động trước con cá. Xem ra khát vọng càng lớn, con người càng bị nô lệ vào đó và rất dễ đánh mất đi sự tự do, tự chủ của chính bản thân mình. Trong trường hợp này, vận may lại trở thành vận rủi. Khi giết được con cá, vận may lại trở về với ông lão. Chỉ có điều, chẳng bao lâu vận may ấy lại chuyển sang vận rủi.
Cơ sự cũng bắt đầu bằng một hành động trái khoáy. Khi Santiago đâm chết con cá, nghỉ ngơi lại sức và tự nhủ: “Bây giờ phải kéo nó vào, buộc chặt và tròng một chiếc thòng lọng vào giữa thân và một chiếc nữa vào đuôi để buộc nó vào thuyền”. Rồi lão gọi: “Đến đây, cá. Nhưng con cá không nhúc nhích. Thay vào đó, lúc này nó nằm ườn mình trên biển và ông lão phải lôi con thuyền lại chỗ nó”. Một lần nữa, ông lão lại mất thế chủ động trước con cá, ngay cả khi nó đã chết. Điều này lại báo hiệu vận rủi và không lâu sau đàn cá mập đánh hơi được mùi máu cá đã xông tới tấn công. Cuối cùng khi đưa được thuyền về bến, Santiago chỉ còn lại bộ xương cá khổng lồ.
Có thể nói hành trình câu cá của ông lão là ẩn dụ cho hành trình rủi may của kiếp người. Trong đời rủi may luôn cận kề, không dễ gì nắm bắt và có thể hiểu hết. Hemingway khắc hoạ hình tượng nhân vật đầy ý chí, nghị lực, tài năng để vượt qua những rủi may ấy. Hành trình sống của họ hết đi từ điều may rủi này sang điều may rủi khác. Mọi phấn đấu của họ rốt cuộc sẽ cũng không thoát khỏi cái vòng rủi may kia. Và cuối cùng là cái chết – hư vô. Dẫu thế, nhân vật của Hemingway không bao giờ chịu khuất phục. Họ sống để khẳng định một điều, ngay cả lúc tả tơi nhất của số phận, con người vẫn luôn biết ngẩng cao đầu, kiên trì chịu đựng (chịu đựng như một con người), biết chiến đấu để vượt qua. Và đây là ý nghĩa sống tích cực nhất cho mọi lẽ sống: “con người có thể bị huỷ diệt chứ không chịu khuất phục” trước mọi thế lực bạo tàn.
Loigiaihay.com
Các bài khác cùng chuyên mục
- Viết đoạn văn nghị luận về hạnh phúc
- Viết đoạn văn nghị luận về sự đố kị
- Viết đoạn văn nghị luận về câu nói "Nơi nào có ý chí, nơi đó có con đường"
- Viết đoạn văn nghị luận về câu nói "Có những người không dám bước đi vì sợ gãy chân, nhưng sợ gãy chân mà không dám bước đi thì khác nào chân đã gãy"
- Viết đoạn văn nghị luận về "Đừng sống theo điều ta ước muốn, hãy sống theo điều ta có thể"
- Viết đoạn văn nghị luận về hạnh phúc
- Viết đoạn văn nghị luận về sự đố kị
- Viết đoạn văn nghị luận về câu nói "Nơi nào có ý chí, nơi đó có con đường"
- Viết đoạn văn nghị luận về câu nói "Có những người không dám bước đi vì sợ gãy chân, nhưng sợ gãy chân mà không dám bước đi thì khác nào chân đã gãy"
- Viết đoạn văn nghị luận về "Đừng sống theo điều ta ước muốn, hãy sống theo điều ta có thể"