Một số bài làm tham khảo bài viết tập làm văn số 2 - Văn kể chuyện Ngữ văn 6>
Đề 3. Kể về một tấm gương vươn lên trong học tập.
Bài mẫu 1
Đề 1. Kể về một thầy, cô giáo
Thầy Thành lên lớp
Thầy giáo Nguyễn Tất Thành bận bộ đồ dài trắng cổ đứng, đi guốc mộc, ôm cặp da bò màu vàng cam, bước khoan thai vào lớp. Cả lớp học đón thầy với một không khí ấm cúng, trật tự và lễ phép. Thầy Thành nở một nụ cười tươi, nhìn các em âu yếm nói:
- Thầy chúc các trò ngoan, học giỏi.
Cả lớp đáp lại:
- Chúng con vâng lời thầy...
Cả lớp hướng mắt về thầy và thầy Thành giọng ấm áp điểm danh. Sau đó, thầy viết bảng...
Thầy đi từ trên bục xuống. Đến cạnh em Lê Trung Liệt, thầy ân cần hỏi:
- Bữa nay ở nhà chắc có chuyện chi... thầy thấy trò không được vui?
- Dạ, thưa thầy, má con bệnh nặng. Con lo má con không qua khỏi! Mà... ba con lại đang đi trẩy nước mắm, đi xa lắm.
Thầy Thành chớp chớp mắt nhớ về một thời thơ ấu của mình... Giọng thầy buồn buồn:
- Nhà có đủ tiền thuốc thang cho má không?
- Thưa thầy, má con bệnh nặng kéo dài, nghe mấy anh chị của con biểu “Hết kiệt vốn liếng trong nhà rồi”...
- Tan học, trò đưa thầy về thăm má của trò. Thầy vừa được lĩnh tiền giảng phí. (Em Liệt xúc động bật lên tiếng khóc). Trò đừng buồn phiền.
Thầy Thành an ủi.
- Thầy đã từng nhận được tình thương của nhiều người. Thầy chia sẻ với em chút tình người hôm nay là sự nhớ ơn của thầy đối với những người đã chia sẻ với thầy lúc tối lửa tắt đèn.
Thầy Thành đi lên bục, vẻ mặt còn phảng phất buồn. Thầy nói:
- Hôm nay, chúng ta học bài sử kí: Hùng Vương dựng nước, đời Hồng Bàng. - Thầy cầm viên phấn viết lên bảng đầu đề bài lịch sử. Nét chữ của thầy thanh như dáng người thầy.
- Hồng Bàng là thời kì mở đầu của mười tám đời vua Hùng. Công lớn nhất của các vua Hùng là dựng nước.
Các em lắng cả tâm trí theo dòng ánh sáng những lời thầy. Giọng thầy giảng bài ấm và vang: “Chuyện tích Con Rồng cháu Tiên là sự thể hiện niềm tự hào về giống nòi người Việt Nam ta”...
- Các trò có hiểu được những điều thầy giảng không?
- Chúng con hiểu được ạ.
Một học sinh lớn tuổi nhất đứng lên xin phép:
- Thưa thầy, con xin thầy được phép hỏi ạ.
- Trò mạnh dạn hỏi vậy là tốt.
- Thưa thầy, tích Lạc Long Quân lấy nàng Âu Cơ đẻ một bọc trứng, nở ra trăm con, một nửa theo cha xuống bể, một nửa theo mẹ lên ngàn, chuyện hoang đường ấy có ý nghĩa chi, thưa thầy?
Thầy Thành xuống bục, đi qua đi lại trước lớp, mắt mơ màng giọng tha thiết:
"... Các truyền thuyết thường tưởng tượng hoang đường, vì nó bắt nguồn từ trong đời sống xã hội thời còn hoang sơ nhưng truyện nào cũng đều có ý nghĩa. Cái bọc ấy chính là lòng mẹ. Chung một lòng mẹ nghĩa là một nòi giống. Vì vậy mà dân ta có hai tiếng nghe rất thiêng liêng, đó là - thầy Thành viết chữ hoa - Đồng bào. Có nghĩa là cùng một bọc, cùng một dòng máu.
Thầy Thành lại hỏi:
- Các trò rõ chưa?
- Dạ, rõ rồi ạ.
- Còn sự tích một nửa số người đi lên ngàn, một nửa số người đi xuống bể, nó nói lên người Việt mình đã trải qua bao mưa nắng, người đi phương này, kẻ đi nơi kia để khai phá, mở mang bờ cõi, dựng xây đất nước. Nước Việt Nam ta được như ngày nay ta đừng quên công lao của bao đời đã đổ mồ hôi và máu...
Giọng thầy đọc thơ trầm bổng thiết tha:
Sông sâu nước chảy nặng dòng,
Lòng ta có khó chi lòng mình đâu.
Dầu nam, dầu bắc mặc dầu,
Cùng chung Tổ quốc, cùng sầu Nước Non.
Cả lớp không một em nào động tay, động chân, lắng hồn đón nhận từng lời thầy như đêm dày được ánh sáng soi vào.
Trống ra chơi điểm từng tiếng. Bóng nắng xao động theo chân của đám học trò chạy nhảy tung tăng trên sân trường.
(Sơn Tùng - Trích Búp sen xanh)
Bài mẫu 2
Đề 2. Kể một kỉ niệm khó quên.
Thời thơ ấu của tôi biết bao kỉ niệm vui, buồn và kỉ niệm không phải trong tôi là một đêm văn nghệ.
Lần đó, trường tôi chào mừng ngàỵ Quốc tế phụ nữ. Mỗi lớp phải có một tiết mục để trình diễn. Tôi được chọn vào đội văn nghệ của lớp. Chúng tôi tập rất hăng say, rất tuyệt vời. Ai cũng hi vọng được giải nhất, sắp đến ngày trình diễn, cô mang trang phục cho chúng tôi thử. Khi đến lượt tôi, cô cười bảo: “Mai à, vì người cho thuê không đủ thời gian để may hoàn chỉnh bộ của em, nên họ đã sửa thành váy quấn rồi. Mặc nó hơi phiền hà một chút, em chịu khó nhé”. Tôi cười một cách miễn cưỡng. Tôi chỉ sợ nó làm hỏng tiết mục thôi!
Và cái ngày thảm hoạ đã đến. Trước khi tiết mục của lớp tôi bắt đầu, tôi đã cẩn thận kiểm tra lại chiếc váy xoè của mình. Ngắm nó trong gương, tôi thấy mình như một nàng công chúa. Trước lúc ra sân khấu, cô còn bảo tôi: “Để cô ghim thêm mấy cái kim băng cho chắc” nhưng đang háo hức, tôi bảo cô: "Chỉ cần cái thắt lưng này là chắc lắm rồi cô ạ. Em đảm bảo không có sự cố đâu”. Bước ra sân khâu, tôi thấy mình như một nàng công chúa thực sự. Hàng trăm con mắt đang hướng lên sân khấu. Tôi cảm thấy tự hào về mình. Đoạn đầu diễn ra suôn sẻ, đoạn sau chiếc váy rực rỡ của tôi dở chứng. Nó bắt đầu lỏng dần, lỏng dần, tôi cũng biết chuyện gì đang xảy ra với mình. Cái dây buộc đã không còn tác dụng. Tôi vội vàng ngồi thụp xuống, khuôn mặt đỏ bừng. Một vài tiếng cười đã cất lên. Tôi bỗng dưng muốn khóc. Bọn nó vẫn tiếp tục biểu diễn. Rồi tiếng cười ngày càng nhiều hơn, rõ hơn, một vài giọt nưồc mắt đã nhỏ xuống. Khán giả cười to lên. Tại sao lại cười công chúa như tôi chứ? Bỗng ánh đèn sân khấu vụt tắt, nhân lúc dó, tôi chạy nhanh vào sau cánh gà. Ánh sáng trở lại, mọi người lại háo hức theo dõi những tiết mục khác.
Tôi vào phòng thay đồ nhanh chóng và lặng lẽ ra về. Mấy hôm sau, tôi mới biết cô là ân nhân của tôi, cô đã dập cầu dao để cắt điện. Cô đã cứu tôi. Bây giờ nhớ lại mới thấy ân hận vì không nghe lời cô. Kỉ niệm của tôi là như thế đấy các bạn ạ!
Bài mẫu 3
Đề 3. Kể về một tấm gương vươn lên trong học tập.
Tôi tin chắc rằng bạn cùng lớp với tôi là Xtac-đi có đủ can đảm để làm như cậu bé thành Phi-ren-zê.
Sáng nay ở trường có 2 người sung sướng: Ga-rôp-phi sướng điên lên vì được trả lại cuốn an-bom, trong đó người ta còn cho thêm ba chiếc tem nước Cộng hoà Goa-tê-ma-la nữa (cậu ao ước được thứ tem này đã ba tháng rồi), và cậu Xtac-di đứng đầu lớp sau Đê-rôt-xi thôi! Mọi người đều ngạc nhiên và hân hoan. Nào ai có thể ngờ được? Dạo tháng mười, cậu được bố đưa đến trường, mình mặc chiếc va-rơ màu lục, chật bó; bố cậu nói với thầy giáo: "Xin thầy kiên nhẫn, thật kiên nhẫn vì con tôi nó tối dạ lắm".
Từ đó, tất cả học trò đều gọi cậu là thằng "đầu gỗ". Nhưng về phần mình thì Xtac-đi tự nhủ: "hoặc là mình chết, hoặc là mình thành công". Và cậu bắt đầu học: Học đêm, học ngày, học ở nhà, học trong lớp, học khi đi dạo, cần cù chịu khó như một con bò, gan lì như một con la. Và thế là, vì hết lòng siêng năng, trả đũa lại những kẻ chế giễu, đá những kẻ quấy rầy đi, cậu ta vượt lên tất cả mọi người, cái cậu rắn đầu ấy!
Trước đây, cậu ta không biết một tí gì về phép tính; bài văn thì rặt những điều nhảm nhí, không thể nhớ nổi một ngày tháng nào, thế mà bây giờ cậu giải được các bài học không chút lầm lẫn. Chỉ nhìn cái dáng thô lùn của cậu ta, cái đầu bè bè rụt vào giữa đôi vai, hai bàn tay ngắn ngủn, to tướng, chỉ nghe tiếng nói ồm ồm của cậu, là người ta đoán ngay ra cậu có một nghị lực sắt thép. Mỗi khi nhận được mười xu là cậu mua ngay một quyển sách: cậu đã lập được một tủ sách nhỏ rồi, và trong một phấn chấn, cậu đã buột mồm hứa sẽ cho tôi xem khi nào tôi đến chơi nhà cậu. Xtac-đi không hề nói năng gì với ai, không hề chơi bời với ai, lúc nào cũng ngồi ghế một mình, cằm tựa vào hai bàn tay nắm chặt nghe thầy giảng bài.
Chắc cậu đã phải làm việc nhiều lắm, cậu Xtac-đi tội nghiệp này. Sáng hôm nay, khi trao huy chương cho cậu, thầy giáo dù đang sốt ruột cũng phải thốt lên: "Hoan hô Xtac-đi! Có chí thì nên". Xtac-đi thì dường như chẳng chút nào tự hào vì thành công của mình; cậu cũng chẳng hề mỉm cười nữa, và trở về chỗ ngồi, lại tựa cằm vào hai nắm tay và càng chú ý hơn bao giờ hết.
Nhưng cái cảnh đẹp nhất là lúc tan học bố cậu đến đón cậu. ông cũng to, lùn như cậu, khuôn mặt bành bạnh, tiếng nói oang oang. Vì ông không hề ngờ rằng con mình lại được huy chương, nên nghe chuyện, ông ta vẫn không tin. Phải có thầy giáo đến xác nhận, và thế là ông ta phá lên cười khanh khách, vỗ đánh bốp một cái vào gáy con và nói rất to: "Giỏi lắm, giỏi hết sức! Cái đầu to thân yêu này!", ông ta lại nhìn con, rất đỗi ngạc nhiên. Những người có mặt chung quanh đều mỉm cười vui vẻ. Chỉ mình Xtac-đi thì vẫn yên lặng, và đã lẩm nhẩm bài học ngày hôm sau.
Loigiaihay.com
- Kể về một tấm gương tốt trong học tập hay trong việc giúp đỡ bạn bè mà em biết
- Kể về một kỉ niệm đẹp hồi ấu thơ
- Kể về một cô giáo mà em quý mến
- Kể vể một thầy giáo mà em quý mến
- Đã có lần em mắc lỗi. Em hãy kể lại lỗi lầm đó
>> Xem thêm
Các bài khác cùng chuyên mục
- Viết một đoạn văn ngắn nêu cảm nghĩ của em về động Phong Nha
- Viết đoạn văn cảm nhận về vấn đề được đặt ra trong văn bản Bức thư của thủ lĩnh da đỏ
- Viết đoạn văn ngắn cảm nhận về văn bản "Bức thư của thủ lĩnh da đỏ"
- Viết đoạn văn 6 đến 8 dòng nêu cảm nhận của em sau khi học xong văn bản Lao xao
- Từ văn bản Lao xao, viết một đoạn văn tả khu vườn vào buổi sáng
- Viết một đoạn văn ngắn nêu cảm nghĩ của em về động Phong Nha
- Viết đoạn văn cảm nhận về vấn đề được đặt ra trong văn bản Bức thư của thủ lĩnh da đỏ
- Viết đoạn văn ngắn cảm nhận về văn bản "Bức thư của thủ lĩnh da đỏ"
- Viết đoạn văn 6 đến 8 dòng nêu cảm nhận của em sau khi học xong văn bản Lao xao
- Từ văn bản Lao xao, viết một đoạn văn tả khu vườn vào buổi sáng