Văn học mang lại những tri thức tổng hợp về cuộc sống, mở rộng hiểu biết của người đọc về nhiều lĩnh vực khác nhau: chính trị, lịch sử, địa lí, văn hoá, phong tục,… Đặc biệt, văn học giúp độc giả thấu hiểu thế giới phức tạp của con người cá nhân, từ đó thấu hiểu chính mình.
Ngoài những điều trên, văn học còn có khả năng nhận thức về điều có thể xảy ra hay về một số phương diện phi lí, “bất khả tri” của cuộc sống. Do đó, văn học có thể hỗ trợ người đọc xây dựng được tâm thế sống tích cực, sẵn sàng ứng phó với bao biến cố khó lường ở phía trước.
Văn học tác động sâu sắc đến nhân sinh quan của người đọc. Qua việc tạo nên những hình tượng nghệ thuật giàu sức hấp dẫn, văn học giúp con người thể nghiệm, đồng cảm với những nhân vật, tình huống trong tác phẩm, khơi dậy những cảm xúc tốt đẹp như sự ngưỡng mộ trước cái đẹp, cái cao cả, sự căm phẫn trước cái xấu, cái ác. Bằng cách đánh thức sự tự suy ngẫm, văn học khiến con người tự chuyển hoá, tự hoàn thiện bản thân.
Văn học giúp định hướng lí tưởng thẩm mĩ, mài sắc giác quan thẩm mĩ của con người. Nhờ tiếp xúc với ngôn từ và hình tượng giàu tính thẩm mĩ, thể hiện rõ lí tưởng thẩm mĩ của tác giả, người đọc biết rung động trước cái đẹp, biết thẩm định, thưởng thức cái đẹp nghệ thuật và biết phát hiện ra cái đẹp trong cuộc sống.
Văn học là một thành tố quan trọng của văn hoá. Thông qua văn học, người đọc hiểu được lời ăn tiếng nói, lối sống, cách nghĩ, truyền thống và phong tục, quan niệm về giá trị, ... của một cộng đồng. Văn học vừa góp phần bảo tồn những giá trị văn hoá truyền thống, vừa không ngừng tìm tòi, phát hiện và sáng tạo ra những giá trị văn hoá mới.