Đề thi vào 10 môn Văn Thừa Thiên - Huế năm 2023>
Tải vềCon gái Huế làm quen với áo dài rất sớm, áo dài quen thuộc đến bất li thân. Xung quanh, họ luôn thấy mẹ, thấy bà, thấy những người phụ nữ khoác trên mình chiếc áo dài bình dân có, sang trọng có. Huế một thời là kinh đô của áo dài, mảnh đất của những con người nghiện áo dài.
Đề bài
I. ĐỌC HIỂU
Đọc kĩ ngữ liệu sau:
Con gái Huế làm quen với áo dài rất sớm, áo dài quen thuộc đến bất li thân. Xung quanh, họ luôn thấy mẹ, thấy bà, thấy những người phụ nữ khoác trên mình chiếc áo dài bình dân có, sang trọng có. Huế một thời là kinh đô của áo dài, mảnh đất của những con người nghiện áo dài. Chiếc áo tôn vinh vẻ đẹp của người con gái Huế, phục sức cho tâm hồn hướng đến nét đẹp truyền thống. Áo dài tô thêm dáng vẻ trầm mặc của Huế. Người
sông Hương lung linh hơn khi mặc áo dài. Và nhờ những người sông Hương, chiếc áo dài trở nên lộng lẫy hơn bao giờ.
Câu 1 (0,75 điểm) Theo tác giả, chiếc áo dài tôn vinh vẻ đẹp của ai?
Câu 2 (0,75 điểm) Chiếc áo dài và người sông Hương có mối quan hệ như thế nào?
Câu 3 (1,0 điểm) Xác định hai phép liên kết về hình thức có trong ngữ liệu.
Câu 4 (0,5 điểm) Ngữ liệu trên thể hiện tình cảm gì của tác giả?
II. TẬP LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1. Viết một đoạn văn nghị luận (không quá một trang giấy thi) bàn về ý nghĩa của lời khen đối với con người.
Câu 2. Viết bài văn trình bày cảm nhận của em về vẻ đẹp con người Việt Nam trong hai đoạn thơ sau:
Thuyền ta lái giỏ với buồm trăng
Lướt giữa mây cao với biển bằng,
Ra đậu dặm xa dò bụng biển,
Dàn đan thế trận lưới vây giăng.
(Huy Cận, Đoàn thuyền đánh cá, Ngữ văn 9, Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2019, tr. 140)
Ta làm con chim hót
Ta làm một cành hoa
Ta nhập vào hòa ca
Một nổi trầm xao xuyến.
(Thanh Hải, Mùa xuân nho nhỏ, Ngữ văn 9, Tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2019, tr. 56)
Lời giải chi tiết
I. ĐỌC HIỂU
Câu 1:
Phương pháp:
Căn cứ bài đọc hiểu, tìm ý.
Cách giải:
Theo tác giả chiếc áo dài tôn vinh vẻ đẹp của người con gái Huế, phục sức cho tâm hồn hướng đến nét đẹp truyền thống.
Câu 2:
Phương pháp:
Đọc, tìm ý.
Cách giải:
Mối quan hệ giữa chiếc áo dài và người sông Hương là:
+ Người sông Hương lung linh hơn khi mặc áo dài.
+ Nhờ những người sông Hương chiếc áo dài trở nên lộng lẫy hơn bao giờ.
=> Giữa chiếc áo dài và người sông Hương có mối quan hệ tác động qua lại với nhau, tôn lên vẻ đẹp, giá trị của nhau.
Câu 3:
Phương pháp:
Căn cứ các phép liên kết câu.
Cách giải:
Phép lặp: áo dài, Huế, con gái,…
Phép nối: Và
Phép thế: “Họ”
Câu 4:
Phương pháp:
Phân tích.
Cách giải:
Ngữ liệu trên cho thấy: Tác giả rất yêu quý, tự hào với vẻ đẹp của tà áo dài và người sông Hương. Qua đó cũng thấy được tác giả mong muốn giữ gìn, phát huy vẻ đẹp ấy.
II. LÀM VĂN
Câu 1:
Phương pháp:
Phân tích, giải thích, tổng hợp.
Cách giải:
1. Giới thiệu vấn đề: ý nghĩa lời khen trong cuộc sống.
2. Giải thích vấn đề:
- Lời khen là những ngôn ngữ thể hiện sự đánh giá tốt, vừa lòng về một người, sự vật hay hành động nào đó.
=> Lời khen có ý nghĩa quan trọng trong cuộc sống con người.
3.Phân tích, bàn luận vấn đề
- Ý nghĩa của lời khen trong cuộc sống:
+ Lời khen thể hiện sự công nhận của ai đó về một việc làm có ảnh hưởng tích cực của người nào đó. Việc biết công nhận thành quả của người khác thể hiện người khen ngợi là một người hiểu biết và biết chia sẻ.
+ Lời khen là lời động viên, truyền cảm hứng cho người được khen ngợi.
+ Lời khen chân thành giúp cho người được khen ngợi có động lực để cống hiến, tin tưởng vào khả năng của mình.
- Những trường hợp xứng đáng được khen ngợi:
+ Trẻ con có thành tích học tập tốt, vâng lời cha mẹ, giúp đỡ người già,…
+ Ai đó hoàn thành công việc xuất sắc so với khả năng của họ
…
- Phân biệt khen ngợi chân thành với nịnh hót.
- Phê phán những người không bao giờ biết khen ngợi người khác.
4. Liên hệ bản thân và tổng kết
Câu 2:
Phương pháp:
Phân tích, tổng hợp.
Cách giải:
1. Giới thiệu chung
- Giới thiệu tác giả, tác phẩm: Đoàn thuyền đánh cá (Huy Cận), Mùa xuân nho nhỏ (Thanh Hải)
- Cả hai bài thơ đã cho thấy vẻ đẹp tâm hồn, nhân cách của con người Việt Nam
2. Phân tích
2.1 Đoạn thơ trong bài Đoàn thuyền đánh cá
Khung cảnh đánh cá hiện lên vô cùng đẹp đẽ, sinh động.
- Không gian vũ trụ bao la được mở ra nhiều chiều:
+ Cao: bầu trời, mặt trăng.
+ Rộng: mặt biển.
+ Sâu: lòng biển.
- Để thấy đoàn thuyền đánh cá hoàn toàn tương xứng với không gian ấy:
+ Khi sóng biển cồn lên, cánh buồm như chạm vào cả mây trời.
+ Khi buông lưới con thuyền như dò thấu tận đáy đại dương.
+ Hệ thống động từ: “lái”, “lướt”… -> tư thế làm chủ của đoàn thuyền…
+ Hệ thống hình ảnh: “lái gió”, “buồm trăng”, “mây cao”, “biển bằng” -> con thuyền như mang sinh lực của đất trời để đánh cá trên biển.
- Gợi hình tượng người lao động trên biển:
+ Tầm vóc lớn lao sánh cùng vũ trụ.
+ Làm chủ cả vũ trụ.
2. Đoạn thơ trong bài Mùa xuân nho nhỏ
Nguyện ước cống hiến tha thiết, chân thành của tác giả.
- Mùa xuân đất nước đã khơi dậy trong lòng nhà thơ những khát vọng sống cao quý:
“Ta làm…
… xao xuyến”
+ Điệp từ “ta làm”, lặp cấu trúc, liệt kê -> giúp tác giả bày tỏ ước nguyện được hiến dâng cuộc đời mình cho quê hương, xứ sở.
+ Các hình ảnh “con chim hót” “một cành hoa” “nốt nhạc trầm”: giản dị, tự nhiên mà đẹp, thể hiện ước nguyện khiêm nhường mà đáng quý.
+ Có sự ứng đối với các hình ảnh ở đầu bài thơ -> lí tưởng cống hiến cho đời là một lẽ tự nhiên, tất yếu; gợi liên tưởng đến mối quan hệ giữa cá nhân và cộng đồng, giữa con người – đất nước.
=> Tấm lòng thiết tha được hòa nhập, được cống hiến cho cuộc đời, cho đất nước.
3. Vẻ đẹp của con người Việt Nam qua hai bài thơ
- Yêu và hăng say lao động tha thiết.
- Nguyện ước chân thành cống hiến trọn đời cho đất nước.
=> Họ đều mang trong mình những phẩm chất đẹp đẽ, đó là biểu hiện của lòng yêu nước nồng nàn.
4. Tổng kết vấn đề