Đề thi vào 10 môn Văn Hồ Chí Minh năm 2022>
Tải vềĐọc văn bản sau và trả lời câu hỏi:
Đề bài
BỨC THÔNG ĐIỆP CỦA THỜI GIAN
Câu 1. (3 điểm) Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi:
Văn bản 1: Bất cứ thành phố lớn nào cũng có một lịch sử phát triển lâu dài. Trong dịp kỉ niệm 300 năm thành phố Sài Gòn – Hồ Chí Minh, ông Herry Chabert, phó thị trưởng thành phố Lyon, đã trân trọng viết lời tựa cho cuốn sách “Sài Gòn 1698 – 1998: kiến trúc, quy hoạch”: “Thành phố này nói cho cùng là một kí ức nhắc nhở với ta về bao thế hệ con người khác nhau đã tạo dựng nên nó, bao biến cố thăng trầm lịch sử, nhưng đồng thời cũng nói lên bao niềm ước mong”. Thật vậy, đô thị nơi đây in dấu ấn thời gian, mang theo nhiều giá trị không chỉ về kiến trúc, cảnh quan mà còn về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật mà chúng ta có thể học hỏi. Vì vậy, trong quá trình cải tạo, nâng cấp, mở rộng các công trình xưa cũ, chúng ta cần phải thật thận trọng, nghiêm cẩn. Đó cũng là cách thể hiện thái độ trân trọng quá khứ.
(Theo Nguyễn Minh Hòa, Đô thị luôn là sự tiếp nối, Báo Tuổi trẻ online)
Văn bản 2: Thời gian là chất liệu làm nên cuộc đời của mỗi người. Cuộc đời của chúng ta đều hữu hạn, thời gian thuộc về mỗi người cũng có giới hạn. Thứ nhanh nhất mà lại chậm nhất, dài nhất mà lại ngắn nhất, bình thường nhất mà lại giá trị nhất, dễ dàng làm cho ta lãng quên mất nhưng cũng dễ dàng làm cho ta hối tiếc nhất chính là thời gian. Thời gian cứ trôi đi, không bao giờ dừng lại và mãi mãi không thể quay về. Vì vậy, ngay từ khi còn trẻ, hãy biết trân trọng thời gian, hãy biết trọng trọn vẹn từng phút giây, hãy học thêm nhiều thứ, trải nghiệm thêm nhiều điều trong hiện tại để tạo dựng cuộc sống hạnh phúc.
(Theo Tiêu Vệ, Học cho ai? Học để làm gì?)
a. Dựa vào văn bản 1, hãy cho biết ông Herry Chabert, đã viết gì trong lời tựa cho cuốn sách “Sài Gòn 1698 – 1998: kiến trúc, quy hoạch”.
b. Chỉ ra một phép liên kết sử dụng trong 2 câu đầu văn bản 2.
c. Xác định thông điệp từng văn bản.
d. Trong cuộc sống, giữa hai việc học hỏi từ quá khứ và trải nghiệm trong hiện tại, em quan tâm đến việc nào hơn? Vì sao? Trả lời trong khoảng 4-6 dòng.
Câu 2. Phải chăng chỉ cần thời gian trôi qua, bạn sẽ trưởng thành?
Ở góc nhìn tuổi trẻ, em hãy viết bài văn khoảng 500 chữ để trả lời câu hỏi trên.
Câu 3. Học sinh chọn 1 trong 2 đề sau:
Đề 1:
Sông được lúc dềnh dàng
Chim bắt đầu vội vã
Có đám mây mùa hạ
Vắt nửa mình sang thu.
Vẫn còn bao nhiêu nắng
Đã vơi dần cơn mưa
Sấm cũng bớt bất ngờ
Trên hàng cây đứng tuổi.
(Sang thu, Hữu Thỉnh, Ngữ văn 9, tập 2)
Cảm nhận về hai khổ thơ trên. Từ đó liên hệ với một tác phẩm khác để thấy được những biến chuyển của thiên nhiên hoặc con người theo bước đi của thời gian.
Đề 2:
Từ tin nhắn của thời gian và từ những trải nghiệm trong quá trình đọc, hãy viết bài văn nghị luận về một quyển sách hoặc một tác phẩm văn học đã giúp em hiểu thêm về chính mình.
Lời giải chi tiết
Câu 1
a. Dựa vào văn bản 1, hãy cho biết ông Herry Chabert, đã viết gì trong lời tựa cho cuốn sách “Sài Gòn 1698 – 1998: kiến trúc, quy hoạch”. b. Chỉ ra một phép liên kết sử dụng trong 2 câu đầu văn bản 2. c. Xác định thông điệp từng văn bản. d. Trong cuộc sống, giữa hai việc học hỏi từ quá khứ và trải nghiệm trong hiện tại, em quan tâm đến việc nào hơn? Vì sao? Trả lời trong khoảng 4-6 dòng. |
Phương pháp giải:
a. Căn cứ bài đọc hiểu, tìm ý.
b. Căn cứ bài phép liên kết.
c. Căn cứ bài đọc hiểu, phân tích.
d. Phân tích, lí giải.
Lời giải chi tiết:
a.
Ông đã viết trong lời tựa cuốn sách Sài Gòn 1698 – 1998 là: “Thành phố này nói cho cùng là một kí ức nhắc nhở với ta về bao thế hệ con người khác nhau đã tạo dựng nên nó, bao biến cố thăng trầm lịch sử, nhưng đồng thời cũng nói lên bao niềm ước vọng”.
b.
Phép liên kết là: Phép lặp: thời gian, mỗi người.
c.
- Thông điệp văn bản 1: Thông điệp văn bản 1 chúng ta cần phải thật thận trọng, nghiêm cẩn khi cải tạo các công trình xưa cũ. Chúng ta phải biết ơn và trân trọng quá khứ.
- Thông điệp văn bản 2: Chúng ta phải biết trân trọng thời gian, trân trọng khoảnh khắc hiện tại để sống trọn vẹn từng phút giây.
d.
- Quan tâm đến “học hỏi từ khá khứ”:
+ Quá khứ mang đến kinh nghiệm xử lí công việc từ những thành công hoặc thất bại đã từng trải qua.
+ Quá khứ mang đến kinh nghiệm cảm xúc từ những tình huống ứng xử đã trải qua, từ đó tránh sự bốc đồng, xúc động.
+ Quá khứ giúp con người biết ơn, trân trọng với những thành quả mà thế hệ đi trước để lại.
- Quan tâm đến “trải nghiệm trong hiện tại”:
+ Hiện tại là tất cả những gì mà ta đang có, trân trọng những gì đang sở hữu chính là cho mình cảm giác hài lòng, hạnh phúc trong cuộc sống.
+ Thời gian của mỗi người có giới hạn, nếu ta không tận dụng và nắm bắt những dịp may trong hiện tại để trải nghiệm thì ta sẽ bỏ lỡ nhiều cơ hội để thành công.
Câu 2
Phải chăng chỉ cần thời gian trôi qua, bạn sẽ trưởng thành? Ở góc nhìn tuổi trẻ, em hãy viết bài văn khoảng 500 chữ để trả lời câu hỏi trên. |
Phương pháp giải:
Phân tích, giải thích, tổng hợp.
Lời giải chi tiết:
1. Giới thiệu vấn đề
- Giới thiệu vấn đề, trích dẫn ý kiến: “Phải chăng chỉ cần thời gian trôi qua, bạn sẽ trưởng thành?”
2. Giải thích, bàn luận
* Giải thích
- Thời gian là thước đo sự thay đổi không ngừng và nhất quán của mọi thứ xung quanh chúng ta; là thứ quý giá được cuộc đời ban tặng mà khi đi qua, chúng ta không bao giờ có thể lấy lại được.
- Trưởng thành là khi con người có đầy đủ nhận thức và khả năng tự chịu trách nhiệm về hành động của chính bản thân mình.
- Cần phân biệt giữa trưởng thành và lớn lên, bởi vì lớn lên không có nghĩa là trưởng thành, nhiều người chỉ là đứa trẻ to xác mà hoàn toàn không có suy nghĩ và năng lực tự chịu trách nhiệm.
=> Con người trưởng thành hay không không gắn với thời gian mà họ sống, hay nói cách khác không gắn với tuổi đời mà gắn với tuổi mà họ học hỏi, nhận thức được gì từ những thứ xung quanh. Không phải cứ thời gian qua đi là họ sẽ trưởng thành, mà sự trưởng thành của mỗi người phụ thuộc vào quá trình sống, học hỏi, làm việc và nhận thức của mỗi cá nhân.
* Phân tích
- Tại sao sự trưởng thành của con người không gắn liền với thời gian:
+ Thời gian chỉ nói lên sự tồn tại của con người, chứ không chứng minh được năng lực, bản lĩnh của họ.
+ Thời gian giúp con người lớn lên về mặt thể chất, nhưng không giúp họ lớn lên về mặt tinh thần nếu cá nhân đó không chịu học hỏi, tiếp thu.
- Con người khi trưởng thành thực sự là như thế nào?
+ Người trưởng thành sẽ có đầy đủ những nhận thức về thế giới xung quanh.
+ Người trưởng thành sẽ có bản lĩnh và năng lực suy nghĩ độc lập cũng như có trách nhiệm đối với hành vi của mình.
+ Người trưởng thành sẽ có kế hoạch và định hướng rõ ràng cho tương lai của mình, thay vì ngồi chờ đợi, hay phụ thuộc vào sự sắp xếp của bất kì ai.
- Mỗi cá nhân cần làm gì để trưởng thành, thay vì là những đứa trẻ to xác:
+ Trưởng thành từ trong suy nghĩ: Cần phải có một lối sống, lối tư duy độc lập, luôn trau dồi, phát triển bản thân.
+ Biết điều tiết cảm xúc: Cần tạo cho bản thân sự bình tĩnh, sẵn sàng đối đầu với mọi khó khăn thử thách.
+ Biết tôn trọng cảm xúc của người khác: cần học cách tôn trọng cảm xúc và ý kiến của người khác. Khi tôn trọng người khác cũng chính là tôn trọng chính bản thân mình.
+ Biết bản thân muốn gì: Nhìn nhận lại điểm mạnh, điểm yếu của mình biết bản thân cần gì, muốn gì để định hướng cho tương lai.
3. Tổng kết vấn đề
- Khẳng định lại vấn đề rằng không phải cứ thời gian qua đi thì con người sẽ trưởng thành mà sự trưởng thành thực sự phụ thuộc vào quá trình học hỏi và rèn luyện của mỗi cá nhân
Câu 3
Đề 1:
Cảm nhận về hai khổ thơ trên. Từ đó liên hệ với một tác phẩm khác để thấy được những biến chuyển của thiên nhiên hoặc con người theo bước đi của thời gian. Đề 2: Từ tin nhắn của thời gian và từ những trải nghiệm trong quá trình đọc, hãy viết bài văn nghị luận về một quyển sách hoặc một tác phẩm văn học đã giúp em hiểu thêm về chính mình. |
Phương pháp giải:
Phân tích, tổng hợp.
Lời giải chi tiết:
* Hình thức: Đáp ứng đúng yêu cầu một bài văn nghị luận (đủ bố cục mở bài, thân bài, kết bài).
* Nội dung:
I. Mở bài:
- Giới thiệu tác giả Hữu Thỉnh và tác phẩm Sang thu.
- Khái quát nội dung đoạn trích.
II. Thân bài.
* Vị trí đoạn trích: Đoạn trích là hai khổ thơ cuối của tác phẩm tái hiện lại quang cảnh thiên nhiên ngả dần sang thu và những suy ngẫm về đời ngời lúc chớm thu.
1. Phân tích hai khổ thơ:
a. Quang cảnh thiên nhiên ngả dần sang thu (khổ đầu trong đoạn trích):
- Được tái hiện vừa chân thực lại vừa sống động:
+ “Sông” “dềnh dàng”: tả thực con sông của mùa thu vô cùng trong trẻo, tĩnh lặng, êm đềm. Nghệ thuật nhân hóa khiến con sông như đang được nghỉ ngơi sau một mùa hạ vất vả với bão giông. Đó cũng là hình ảnh ẩn dụ cho con người qua chiến tranh, lửa đạn, giờ đang chậm lại, cho phép mình được nghỉ ngơi.
+ “Chim” “vội vã”: vừa tả thực những cánh chim bay vội về phương Nam tránh rét, vừa gợi những vội vã, tất bật với lo toan thường nhật của đời người.
+ Phép đối “dềnh dàng” >< “vội vã” làm nổi bật hai động thái trái ngược của thiên nhiên mà cũng là sự vận động của thiên nhiên giao mùa.
- Được khắc họa rất ấn tượng:
+ “Đám mây mùa hạ” được hữu hình hóa, vừa thực vừa hư, tái hiện được nhịp điệu của thời gian, là một chiếc cầu nối liền những ngày cuối hạ và đầu thu để sự chuyển giao giữa hai mùa không đứt đoạn.
+ Đám mây mang cả lớp nghĩa thế sự, gợi trạng thái giao thời của đời sống khi đất nước chuyển giao từ chiến tranh sang hòa bình.
➔ Khoảnh khắc giao mùa hiện lên tinh tế, sống động qua những câu thơ rất giàu chất tạo hình. Ẩn sau những hình ảnh thiên nhiên lúc thu sang ấy còn là hình ảnh của đời sống lúc sang thu.
b. Những biến chuyển của thiên nhiên và suy ngẫm về đời người lúc chớm thu (khổ thứ 2 trong đoạn trích):
- Những biến chuyển của thiên nhiên được tái hiện tài tình:
+ Phép đối: “vẫn còn” – “vơi dần”, “nắng” – “mưa” gợi sự vận động trái chiều của hai hiện tượng thiên nhiên -> biểu hiện của sự giao mùa.
+ “Mưa”, “nắng”: là những hiện tượng thời tiết dễ quan sát, nắm bắt, làm cụ thể hóa khoảnh khắc chuyển mùa. Nắng vẫn còn nhưng không chói chang, gay gắt, cơn mưa rào đặc trưng của mùa hạ đã vơi dần -> dấu hiệu của mùa thu đậm nét hơn.
+ Những từ ngữ chỉ mức độ “vẫn còn” “vơi” “bớt” được sắp xếp giảm dần cho thấy mùa hạ đang nhạt dần, mùa thu ngày càng rõ nét hơn. Mùa thu đã hiện hình giữa đất trời.
- Suy ngẫm về đời người lúc chớm thu:
+ Tiếng sấm: Theo nghĩa thực, tiếng sấm là dấu hiệu của những cơn mưa rào mùa hạ. Sang thu, tiếng sấm nhỏ dần, không đủ sức làm lay động hàng cây đã bao mùa thay lá. Nghĩa ẩn dụ: chỉ những biến động thất thường của ngoại cảnh, của cuộc đời, cho những gian nan, thử thách mà con người gặp phải trong cuộc đời.
+ “hàng cây đứng tuổi”: phép nhân hóa gợi cái xế chiều của đời người, gợi hình ảnh những con người đã trưởng thành, trầm tình và vững vàng hơn.
➔ Con người khi đã trưởng thành sẽ hiểu biết hơn, bình tĩnh, ung dung hơn trc mọi đổi thay, biến động của cuộc đời.
2. Liên hệ với tác phẩm khác để thấy được những chuyển biến của thiên nhiên hoặc con người theo bước đi của thời gian.
Học sinh có thể tùy chọn tác phẩm liên hệ.
Gợi ý: Tác phẩm Ánh trăng.
- Trong “Ánh trăng” con người có sự thay đổi biến chuyển về tâm lý theo thời gian. Trong khi thiên nhiên từ quá khứ tới hiện tại luôn thủy chung tình nghĩa thì con người lại đổi thay.
- Sự thay đổi của con người theo thời gian:
+ Trong quá khứ con người với ánh trăng gắn bó với nhau qua những kỉ niệm đẹp đẽ: tuổi thơ, chiến tranh ở rừng.
+ Ở hiện tại con người đã lãng quên, vô tâm với vầng trăng trong quá khứ.
+ Sau tình huống bất ngờ gặp lại, con người mới nhận ra tình nghĩa của trăng, giá trị của cuộc sống, của quá khứ.
=> Theo thời gian, con người lớn lên, trưởng thành đi kèm với đó là những mối bận tâm mới khiến người ta dần lãng quên những giá trị của kỉ niệm, quá khứ. Thế nhưng chỉ cần những tác động nhỏ con người có thể lắng lại để rồi nhận ra và trân trọng những giá trị đã từng lãng quên.
III. Tổng kết.
Khái quát lại nội dung, nghệ thuật của tác phẩm.
- Đề thi vào 10 môn Văn Hồ Chí Minh năm 2020
- Đề thi vào 10 môn Văn chuyên phổ thông năng khiếu Hồ Chí Minh năm 2018
- Đề thi vào 10 môn Văn chuyên Sư Phạm Hồ Chí Minh năm 2018
- Đề thi vào 10 môn Văn Hồ Chí Minh năm 2016
- Đề thi vào 10 môn Văn Hồ Chí Minh năm 2015
>> Xem thêm