Đề thi vào 10 môn văn có đáp án - 9 năm gần nhất Đề thi vào 10 môn Văn Bà Rịa - Vũng Tàu

Đề thi vào 10 môn Văn Bà Rịa - Vũng Tàu năm 2023

Tải về

Tôi thường băn khoăn: liệu phép mầu có tồn tại trên đời? Nếu thực có phép mầu, tại sao cuộc sống vẫn còn biết bao mảnh đời bất hạnh? Và tôi đã tìm thấy câu trả lời về sự tồn tại của phép mầu trong chuyến đi thăm bệnh nhi ung thư nhân ngày hội “Ước mơ của Thủy”.

Đề bài

I. ĐỌC HIỂU

Đọc đoạn trích:

Tôi thường băn khoăn: liệu phép mầu có tồn tại trên đời? Nếu thực có phép mầu, tại sao cuộc sống vẫn còn biết bao mảnh đời bất hạnh? Và tôi đã tìm thấy câu trả lời về sự tồn tại của phép mầu trong chuyến đi thăm bệnh nhi ung thư nhân ngày hội “Ước mơ của Thủy”.

 (….) Khoảng chín giờ, nhóm tôi họp mặt với cả đoàn để gặp lại tất cả bệnh nhi. Trong không gian ấy, chúng tôi và các em ngồi thành vòng tròn, cùng ca hát, vui đùa. Giây phút đó, niềm vui như kéo dài bất tận khiến lòng người càng thêm ấm áp. Chúng tôi tặng quà cho các em. Những món quà giản đơn như bộ quần áo, một cuốn sách, một món đồ chơi, đó là tấm lòng của thầy trò trường chúng tôi gửi đến các em.

Sau chuyến đi, tôi đã tìm thấy câu trả lời cho sự tồn tại của phép mầu, đó chính là sức mạnh tình người. Bởi nơi nào tồn tại tình yêu thương và sẻ chia, nơi đó phép mầu sẽ xuất hiện, giúp đỡ và an ủi những mảnh đời bất hạnh. Qua hoạt động, chúng tôi cũng đã nhận được những món quà tinh thần quý giá từ các em: bài học sâu sắc về giá trị của sự sống, biết trân trọng cuộc sống mình đang có.

(Trích Chuyến thăm bệnh nhi tại bệnh viên Ung Bướu, SGK Ngữ văn 8 - Chân trời sáng tạo, Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2022)

Thực hiện các yêu cầu sau:

Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích.

Câu 2. Chỉ ra và nêu tác dụng của 01 biện pháp tu từ trong câu sau: “Những món quà giản đơn như bộ quần áo, một cuốn sách, một món đồ chơi, đỗ là tấm lòng của thầy trò trường chúng tôi gửi đến các em.

Câu 3. Em hiểu như thế nào về “giá trị của sự sống” được nhắc đến trong đoạn trích? Em sẽ làm gì để thể hiện sự trân trọng đối với cuộc sống mình đang có?

II. LÀM VĂN (7.0 điểm)

Câu 1. Từ nội dung đoạn trích phần Đọc hiểu, em hãy viết một đoạn văn (khoảng một trang giấy thi) trình bày suy nghĩ về ý nghĩa của việc trao đi yêu thương trong cuộc sống.

Câu 2. Cảm nhận của em về đoạn thơ sau:

Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác

Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát

Ôi! Hàng tre xanh xanh Việt Nam

Bão táp mưa sa đứng thẳng hàng.

 

Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng

Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ.

Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ

Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân...

Lời giải chi tiết

I. ĐỌC HIỂU

Câu 1: 

Phương pháp:

Căn cứ các phương thức biểu đạt đã học.

Cách giải:

Phương thức biểu đạt chính: tự sự.

Câu 2: 

Phương pháp:

Phân tích.

Cách giải:

HS lựa chọn 1 biện pháp tu từ có trong đoạn và nêu tác dụng phù hợp.

Biện pháp tu từ: Điệp ngữ (một), liệt kê.

Gợi ý:

- Biện pháp tu từ.

+ liệt kê (bộ quần áo, cuốn sách, đồ chơi).

+ điệp từ (một)

- Tác dụng:

+ Tạo nhịp điệu cho câu văn.

+ Nhấn mạnh ý nghĩa của những món quà dù nhỏ bé nhưng chứa đựng đầy ắp tình cảm của thầy trò gửi tới các em.

Câu 3: 

Phương pháp:

Phân tích.

Cách giải:

Học sinh tự trình bày theo ý hiểu của bản thân, có lý giải phù hợp.

Gợi ý:

- Giá trị của sự sống được nhắc đến trong đoạn trích có thể hiểu là những giá trị đến từ những điều rất đơn giản, đời thường mà đôi khi con người không nhận ra. Đó có thể chỉ là việc chúng ta được khỏe mạnh, được yêu thương, được chia sẻ, được sống một cách mạnh khỏe và hạnh phúc,…

- Việc cần làm để thể hiện sự trân trọng với cuộc sống:

+ Có cái nhìn tích cực vào cuộc sống, tin vào những điều tốt đẹp, trân trọng hiện tại.

+ Học cách yêu thương chính mình, những người xung quanh và biết ơn cuộc sống.

+ …

II. LÀM VĂN 

Câu 1:

Phương pháp:

Phân tích, tổng hợp.

Cách giải:

1. Giới thiệu vấn đề: ý nghĩa của việc trao đi yêu thương trong cuộc sống.

2. Giải thích

- Trao đi yêu thương được hiểu là trao đi những cử chỉ, hành động chân thành dành cho những người xung quanh mình.

=> Trao đi yêu thương trong cuộc sống có ý nghĩa vô cùng quan trọng.

3. Bàn luận

- Ý nghĩa của việc trao đi yêu thương:

+ Trao đi yêu thương bằng tình cảm chân thành sẽ giúp đỡ được nhiều mảnh đời khó khăn, bất hạnh. Giúp họ tin tưởng hơn vào cuộc sống.

+ Trao đi yêu thương giúp bạn luôn được sống trong niềm vui, hạnh phúc.

+ Người trao đi yêu thương sẽ được mọi người yêu quý, kính trọng.

+ Trao đi yêu thương sẽ giúp người với người gắn kết với nhau, qua đó thúc đẩy xã hội ngày càng phát triển.

….

HS lấy dẫn chứng minh họa phù hợp: Chương trình nấu ăn cho em – Đen Vâu và cộng sự.

- Trao đi yêu phải trao đi bằng tấm lòng chân thành, không vụ lợi, không toan tính.

4. Liên hệ bản thân và tổng kết vấn đề.

Câu 2: 

Phương pháp:

Phân tích, tổng hợp.

Cách giải:

1. Mở bài:

- Giới thiệu tác giả: Là một trong những gương mặt tiêu biểu nhất của lực lượng văn nghệ giải phóng miền Nam. Thơ Viễn Phương tập trung khám phá ngợi ca vẻ đẹp của nhân dân, đất nước trong cuộc chiến đấu chống ngoại xâm. Lối viết của ông nhỏ nhẹ, trong sáng, giàu cảm xúc và lãng mạn.

- Giới thiệu tác phẩm: Tác phẩm được in trong tập “Như mây mùa xuân” –với cảm hứng chủ đạo là niềm xúc động, thiêng liêng, thành kính, lòng biết ơn và niềm tự hào pha lẫn nỗi xót đau khi tác giả từ miền Nam ra viếng lăng Bác.

2. Thân bài:

a. Cảm xúc của nhà thơ khi đến thăm lăng Bác:

- Bồi hồi, xúc động “Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác”

+ Cặp đại từ xưng hô “con – Bác” là cách xưng hô gần gũi, thân thiết của người miền Nam, vừa thể hiện sự tôn kính với Bác vừa bộc lộ tình cảm yêu thương dành cho một người ruột thịt, một người bề trên trong gia đình. Đọc câu thơ tưởng như Viễn Phương là một người con xa xứ nay mới được trở về bên người cha của mình.

+ Cách nói giảm nói tránh “thăm” làm giảm bớt nỗi đau thương, mất mát, đồng thời khẳng định sự bất tử của Người trong lòng những người con nước Việt.

=> Câu thơ giản dị như một lời kể nhưng lại thấm đượm bao nỗi bồi hồi, xúc động của nhà thơ, sau bao mong nhớ, đợi chờ, nay mới được đến viếng lăng Bác.

- Ấn tượng đậm nét hiện lên trước mắt nhà thơ: “hàng tre bát ngát”.

+ Đây là hình ảnh thực làm nên quang cảnh đẹp cho lăng Bác, mang lại cảm giác thân thuộc, gần gũi của làng quê, đất nước Việt.

+ Đấy cũng là hình ảnh chưa nhiều sức gợi: “hàng tre xanh xanh” gợi vẻ đẹp của con người, đất nước Việt Nam với sức sống tràn trề; “bão táp…thẳng hàng” là vẻ đẹp cứng cỏi, kiên cường, bền bỉ, hiên ngang, bất khuất của con người Việt Nam. Hình ảnh hàng tre bao quanh lăng là biểu tượng của cả dân tộc đang quây quần bên Người, thể hiện tình cảm của người dân miền Nam nói riêng, con người VN nói chung dành cho Bác.

=> Khổ thơ đầu tiên là niềm xúc động sâu sắc của nhà thơ khi đứng trước lăng Bác.

b. Những cảm xúc, suy ngẫm của nhà thơ khi vào lăng viếng Bác:

- Là nỗi tiếc thương, lòng biết ơn sâu nặng dành cho công lao của Bác.

+ Sáng tạo hình ảnh thực và hình ảnh ẩn dụ sóng đôi: mặt trời trên lăng – mặt trời tự nhiên, mặt trời trong lăng - ẩn dụ cho Bác. Bác đã mang lại ánh sáng chân lí, giúp dân tộc thoát khỏi kiếp sống nô lệ, khổ đau. Hình ảnh ẩn dụ đã vừa khẳng định, ngợi ca sự vĩ đại của Người vừa thể hiện tình cảm tôn kính, biết ơn của cả dân tộc đối với Người.

+ Hình ảnh “dòng người” đi liền với điệp từ “ngày ngày” gợi dòng thời gian vô tận và sự sống vĩnh cửu; mang giá trị tạo hình, vẽ lên quang cảnh những đoàn người nối tiếp nhau không dứt, lặng lẽ và thành kính vào viếng Bác. Lối nói “đi trong thương nhớ” thể hiện nỗi tiếc thương, nhớ nhung lớn lao của bao thế hệ người dân Việt Nam trong giây phút vào lăng viếng Bác.

+ “Tràng hoa dâng 79 mùa xuân”: 79 năm cuộc đời Người đã hiến dâng trọn vẹn cho quê hương, đất nước. Nó được kết từ hàng ngàn, hàng vạn trái tim để bày tỏ niềm tiếc thương, kính yêu vị cha già dân tộc. Đó cũng là cách để nhà thơ khẳng định Bác sống mãi trong lòng dân tộc.

3. Tổng kết:

- Nội dung:

+ Thể hiện tình cảm chân thành, tha thiết của cả dân tộc Việt Nam dành cho Bác.

+ Qua đó, khám phá, ngợi ca truyền thống ân nghĩa, thủy chung của dân tộc ta.

- Nghệ thuật:

+ Ngôn ngữ giản dị, gần gũi, giàu sức gợi.

+ Giọng điệu vừa chân thành, trang nghiêm, vừa sâu lắng vừa tha thiết, đau xót tự hào.

+ Hình ảnh thơ vừa mang nghĩa thực vừa giàu giá trị tượng trưng.


Bình chọn:
4.9 trên 7 phiếu
Tải về

Luyện Bài Tập Trắc nghiệm Văn 9 - Xem ngay

Tham Gia Group 2K10 Ôn Thi Vào Lớp 10 Miễn Phí