Đề kiểm tra giữa học kì 2 Tiếng Việt 5 - Chân trời sáng..

Đề thi giữa học kì 2 Tiếng Việt 5 - Đề số 1


Điều kì diệu của mùa đông Cây Bàng cuối phố xòe ra tán cây rộng như một cái ô xanh, đẹp như bàn tay trẻ con, vẫy đùa trong gió. Nó vừa nở những bông hoa trắng xanh, nhỏ li ti như ngàn ngôi sao lấp ló sau chùm lá. Lá Non hỏi cây mẹ: – Con có thể thành hoa không hả mẹ?

Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn

Đề bài

A. Kiểm tra đọc

I. Đọc thành tiếng

GV cho học sinh đọc một đoạn trong các bài tập đọc và trả lời một số câu hỏi về nội dung đoạn vừa đọc theo quy định.

II. Đọc thầm văn bản sau:

Điều kì diệu của mùa đông

Cây Bàng cuối phố xòe ra tán cây rộng như một cái ô xanh, đẹp như bàn tay trẻ con, vẫy đùa trong gió. Nó vừa nở những bông hoa trắng xanh, nhỏ li ti như ngàn ngôi sao lấp ló sau chùm lá. Lá Non hỏi cây mẹ:

– Con có thể thành hoa không hả mẹ?

– Ồ không ! – Cây Bàng đu đưa tán lá – Con là lá xanh của mẹ, con làm nên tán cây che nắng cho người.

– Nhưng con thích màu đỏ rực cơ!

– Mỗi vật có một sắc màu và ý nghĩa riêng con ạ.

Lá Non im lặng, nó thầm mong hoá thành chiếc lá đỏ. Mong ước của Lá Non, Cây Bàng biết. Dòng nhựa theo cành chảy vào lá, vào quả, vào hoa… giúp cây thấu hiểu hết.

Cây Bàng lặng lẽ thu hết những chùm nắng hè chói chang vào thân mình, có lúc, cây cảm thấy như sắp bốc cháy. Rễ cây vội đâm sâu vào lòng đất tìm mạch nước mát hối hả đưa lên lá cành. Cây Bàng mong làm nên điều kì diệu…

Thu đến. Muôn lá cây chuyển sang sắc vàng. Cây Bàng cần mẫn truyền lên những chiếc lá nguồn sống chắt chiu từ nắng lửa mùa hè và dòng nước ngọt của lòng đất. Thân cây sạm màu, khô cứng, gốc sần sùi, nứt nẻ…

Đông tới. Cây cối trơ cành, rụng lá. Mưa phùn mang cái lạnh thấu xương… Nhưng kia! Một màu đỏ rực rỡ bừng lên trên cây Bàng: mỗi chiếc lá như một cánh hoa đỏ màu nắng mang trong mình dòng nước mát ngọt từ lòng đất.

– Mẹ ơi!… – Chiếc lá thầm thì điều gì đó với Cây Bàng.

 

(Theo Quỳnh Trâm)

Khoanh vào chữ cái trước ý trả lời đúng nhất hoặc làm theo yêu cầu:

Câu 1. Hoa bàng được so sánh với sự vật nào?

A. Ngôi sao    

B. Chùm lá

C. Lá non       

D. Bàn tay trẻ con

Câu 2. Lá Non thầm mong ước điều gì?

A. Hoá thành một chiếc lá vàng.

B. Hoá thành một bông hoa đỏ rực.

C. Hoá thành bông hoa bàng.

D. Hoá thành một chiếc lá đỏ.

Câu 3. Vì sao Cây Bàng nói "Mỗi vật có một sắc màu và ý nghĩa riêng con ạ."?

A. Vì mỗi loài cây đều có màu sắc khác nhau.

B. Vì mỗi vật trong thiên nhiên có vai trò riêng.

C. Vì lá Non muốn thay đổi màu sắc.

D. Vì Cây Bàng thích màu đỏ.

Câu 4. Theo em, sắc đỏ của mỗi chiếc lá bàng mùa đông được tạo bởi những gì?

A. Những tán lá bàng xanh che nắng cho bao người.

B. Mưa phùn và sương sớm, cái lạnh thấu xương của mùa đông.

C. Những chùm nắng hè chói chang và dòng nước mát ngọt trong lòng đất.

D. Những bông hoa trắng xanh, ngàn ngôi sao lấp ló sau chùm lá.

Câu 5. Em hiểu từ chắt chiu trong câu “Cây Bàng cần mẫn truyền lên những chiếc lá nguồn sống chắt chiu từ nắng lửa mùa hè và dòng nước ngọt của lòng đất.” như thế nào?

A. Để dành được rất nhiều.

B. Để dành và mang cho đi.

C. Cho đi từng chút, từng chút.

D. Dành dụm cẩn thận từng tí một.

Câu 6. Đóng vai chiếc lá, viết 2 câu về những điều chiếc lá nói với Cây Bàng khi đạt được điều mong ước?

Câu 7. Xác định và nêu tác dụng của điệp từ, điệp ngữ trong đoạn thơ sau:

Tôi đạp vỡ màu nâu

Bầu trời trong quả trứng

Bỗng thấy nhiều gió lộng

Bỗng thấy nhiều nắng reo

Bỗng tôi thấy thương yêu

Tôi biết là có mẹ.

(Xuân Quỳnh)

Câu 8. Dấu gạch ngang trong câu sau có tác dụng gì?

Cây Bàng vừa nở những bông hoa trắng xanh li ti như ngàn ngôi sao lấp ló sau chùm lá. Lá Non hỏi cây mẹ:

     – Con có thể thành hoa không hả mẹ?

A. Đánh dấu lời nói trực tiếp của nhân vật.

B. Đánh dấu các ý liệt kê.

C. Nối các từ ngữ trong một liên danh.

D. Đánh dấu bộ phận chú thích, giải thích.

Câu 9. Trong câu ghép “Lá Non im lặng, nó thầm mong hoá thành chiếc lá đỏ.” có mấy vế câu? Các vế câu được nối với nhau bằng cách nào?

A. Một vế câu. Nối với nhau bằng cách .............................................................................................................................................

B. Hai vế câu. Nối với nhau bằng cách.....................................................................................................................................

C. Ba vế câu. Nối với nhau bằng cách.....................................................................................................................................

D. Bốn vế câu. Nối với nhau bằng cách.....................................................................................................................................

Câu 10. Đặt một câu ghép có sử dụng cặp kết từ “Vì … nên…”.

B. Kiểm tra viết

Đề bài: Em hãy viết bài văn tả một người hàng xóm mà em yêu quý.

-------- Hết --------

Lời giải

  HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT

THỰC HIỆN: BAN CHUYÊN MÔN LOIGIAHAY.COM

1. A

2. D

3. B

4. C

5. D

8. A

9.  B

A. Kiểm tra đọc

I. Đọc thành tiếng

II. Đọc thầm văn bản sau:

Câu 1. Hoa bàng được so sánh với sự vật nào?

A. Ngôi sao    

B. Chùm lá

C. Lá non       

D. Bàn tay trẻ con

Phương pháp giải:

Em đọc phần đầu của bài đọc.

Lời giải chi tiết:

Dựa vào câu: “Nó vừa nở những bông hoa trắng xanh, nhỏ li ti như ngàn ngôi sao lấp ló sau chùm lá.”

Hoa bàng được so sánh với ngôi sao.

Đáp án A.

Câu 2. Lá Non thầm mong ước điều gì?

A. Hoá thành một chiếc lá vàng.

B. Hoá thành một bông hoa đỏ rực.

C. Hoá thành bông hoa bàng.

D. Hoá thành một chiếc lá đỏ.

Phương pháp giải:

Em đọc phần hội thoại của Lá Non và Cây Bàng.

Lời giải chi tiết:

Lá Non thầm mong ước hóa thành một chiếc lá màu đỏ.

Đáp án D.

Câu 3. Vì sao Cây Bàng nói "Mỗi vật có một sắc màu và ý nghĩa riêng con ạ."?

A. Vì mỗi loài cây đều có màu sắc khác nhau.

B. Vì mỗi vật trong thiên nhiên có vai trò riêng.

C. Vì lá Non muốn thay đổi màu sắc.

D. Vì Cây Bàng thích màu đỏ.

Phương pháp giải:

Em hiểu như nào về câu nói: "Mỗi vật có một sắc màu và ý nghĩa riêng con ạ."?

Lời giải chi tiết:

Cây Bàng nói với Lá Non: "Mỗi vật có một sắc màu và ý nghĩa riêng con ạ." vì mỗi vật trong thiên nhiên có vai trò riêng.

Đáp án B.

Câu 4. Theo em, sắc đỏ của mỗi chiếc lá bàng mùa đông được tạo bởi những gì?

A. Những tán lá bàng xanh che nắng cho bao người.

B. Mưa phùn và sương sớm, cái lạnh thấu xương của mùa đông.

C. Những chùm nắng hè chói chang và dòng nước mát ngọt trong lòng đất.

D. Những bông hoa trắng xanh, ngàn ngôi sao lấp ló sau chùm lá.

Phương pháp giải:

Em đọc từ “Cây Bàng lặng lẽ thu hết…” đến hết.

Lời giải chi tiết:

Sắc đỏ của mỗi chiếc lá bàng mùa đông được tạo bởi những chùm nắng hè chói chang và dòng nước mát ngọt trong lòng đất.

Đáp án C.

Câu 5. Em hiểu từ chắt chiu trong câu “Cây Bàng cần mẫn truyền lên những chiếc lá nguồn sống chắt chiu từ nắng lửa mùa hè và dòng nước ngọt của lòng đất.” như thế nào?

A. Để dành được rất nhiều.

B. Để dành và mang cho đi.

C. Cho đi từng chút, từng chút.

D. Dành dụm cẩn thận từng tí một.

Phương pháp giải:

Em giải nghĩa từ “chắt chiu” được dùng trong câu văn đã cho.

Lời giải chi tiết:

Từ “chắt chiu” trong câu “Cây Bàng cần mẫn truyền lên những chiếc lá nguồn sống chắt chiu từ nắng lửa mùa hè và dòng nước ngọt của lòng đất.” có nghĩa là dành dụm cẩn thận từng tí một.

Đáp án D.

Câu 6. Đóng vai chiếc lá, viết 2 câu về những điều chiếc lá nói với Cây Bàng khi đạt được điều mong ước?

Phương pháp giải:

Em nhập vai Lá Non nói lời cảm ơn với Cây Bàng.

Lời giải chi tiết:

Mẹ ơi! Con thực sự trở thành hoa rồi, con đã có màu đỏ yêu thích, cảm ơn mẹ. Con rất biết ơn những gì mẹ làm cho con, mọi thứ … mọi thứ mẹ đều hi sinh vì con, con biết hết những gì mẹ đã làm để cho con có màu sắc rực rỡ này. Cảm ơn mẹ đã lắng nghe ước mơ xa vời ấy của con, con yêu mẹ lắm!

Câu 7. Xác định và nêu tác dụng của điệp từ, điệp ngữ trong đoạn thơ sau:

Tôi đạp vỡ màu nâu

Bầu trời trong quả trứng

Bỗng thấy nhiều gió lộng

Bỗng thấy nhiều nắng reo

Bỗng tôi thấy thương yêu

Tôi biết là có mẹ.

(Xuân Quỳnh)

Phương pháp giải:

Em đọc đoạn thơ và ghi lại từ ngữ được lặp lại nhiều lần và dựa vào nội dung đoạn thơ để nêu tác dụng của biện pháp điệp từ, điệp ngữ đó.

Lời giải chi tiết:

- Điệp từ “bỗng” trong đoạn thơ lặp lại ba lần.

- Tác dụng: nhấn mạnh niềm vui của chú gà con vì được ra khỏi quả trứng, sự tươi đẹp của thiên nhiên mà chú gà con quan sát được.

Câu 8. Dấu gạch ngang trong câu sau có tác dụng gì?

Cây Bàng vừa nở những bông hoa trắng xanh li ti như ngàn ngôi sao lấp ló sau chùm lá. Lá Non hỏi cây mẹ:

– Con có thể thành hoa không hả mẹ?

A. Đánh dấu lời nói trực tiếp của nhân vật.

B. Đánh dấu các ý liệt kê.

C. Nối các từ ngữ trong một liên danh.

D. Đánh dấu bộ phận chú thích, giải thích.

Phương pháp giải:

Em nhớ lại các tác dụng của dấu gạch ngang và xác định vị trí dấu gạch ngang.

Lời giải chi tiết:

Dấu gạch ngang trong câu có tác dụng đánh dấu lời nói trực tiếp của nhân vật.

Đáp án A.

Câu 9. Trong câu ghép “Lá Non im lặng, nó thầm mong hoá thành chiếc lá đỏ.” có mấy vế câu? Các vế câu được nối với nhau bằng cách nào?

A. Một vế câu. Nối với nhau bằng cách .............................................................................................................................................

B. Hai vế câu. Nối với nhau bằng cách.....................................................................................................................................

C. Ba vế câu. Nối với nhau bằng cách.....................................................................................................................................

D. Bốn vế câu. Nối với nhau bằng cách.....................................................................................................................................

Phương pháp giải:

Em xác định các cụm chủ - vị và phương tiện nối giữa các vế câu.

Lời giải chi tiết:

Trong câu ghép  có hai vế câu. Nối với nhau bằng dấu phẩy.

Đáp án B.

Câu 10. Đặt một câu ghép có sử dụng cặp kết từ “Vì … nên…”.

Phương pháp giải:

Em xác định hình thức của câu ghép cần đặt và chọn nội dung phù hợp.

Lời giải chi tiết:

Vì em học bài chăm chỉ nên em đã đạt điểm cao trong bài kiểm tra.

B. Kiểm tra viết

Phương pháp giải:

- Em xác định đối tượng miêu tả và lập dàn ý về đối tượng đó với bố cục 3 phần.

- Dựa trên dàn ý đã lập để viết bài văn hoàn chỉnh.

Lời giải chi tiết:

Dàn ý :

1. Mở bài: Giới thiệu về người hàng xóm

2. Thân bài:

a. Tả ngoại hình và tính tình người hàng xóm:

- Tả về ngoại hình:

+ Tuổi tác

+ Dáng người: cao, gầy, mảnh khảnh, …

+ Trang phục: mặc những bộ đồ giản dị như áo thun và quần tây,…

+ Khuôn mặt; vuông vắn, tròn trịa,..

+ Mái tóc: hoa râm, mượt mà, gọn gàng,….

+ Đôi mắt: tròn xoe, đen láy, long lanh,…

+ Mũi: cao, thẳng, dọc dừa,…

+ Đặc điểm nổi bật

- Tả về tính tình:

+ Yêu thương gia đình và mọi người xung quanh

+ Đối xử với mọi người rất thân thiện và hiền hòa

+ Luôn giúp đỡ mọi người trong bất kì công việc gì

b. Tả về hoạt động của chú:

- Công  việc

- Ngoài giờ đi làm thì chăm sóc vườn rau

- Giúp mọi người xung quanh

- Vui tính và thân thiện

3. Kết bài: Nêu cảm nghĩ của em về người hàng xóm

Bài tham khảo 1:

            Bác Kiên là hàng xóm của nhà em. Em thường gặp bác ấy vào mỗi buổi chiều, khi hai bác cháu chạy bộ quanh công viên.

            Bác Kiên là thầy giáo dạy Toán ở trường cấp ba của xã em. Năm nay bác khoảng gần 40 tuổi, nhưng nhờ thường xuyên rèn luyện nên trông vẫn trẻ trung lắm. Bác không quá cao, chỉ khoảng 1m6, với vóc dáng cân đối, rắn rỏi. Bác có mái tóc đen, hơi bông xù, trông từ xa cứ như một cục bông vậy. Điều đặc biệt ở bác Kiên là khuôn mặt rất hiền lành và thân thiện. Bác có vầng trán cao, rộng, biểu hiện của một người rất thông minh. Năm nào bác cũng ôn luyện cho đội thi học sinh giỏi toán của xã và đi thi đạt giải cả. Đôi mắt của bác rất sáng, lúc nào cũng nhìn mọi người bằng ánh mắt quan tâm, thân thiết. Đặc biệt, em thích nhất là nụ cười của bác. Bác Kiên rất hay cười. Lúc nào bác cũng chào mọi người bằng nụ cười rạng ngời, truyền thêm biết bao năng lượng tích cực. Mỗi lần em gặp bác lúc chạy bộ, bác luôn vẫy tay, cười thật tươi và gọi tên của em. Bác ấy luôn khiến em cảm thấy mình được yêu quý và trân trọng. Ngoài những hôm cùng chạy bộ trong công viên. Em cũng thường sang nhà bác Kiên chơi vào cuối tuần. Bác ấy sẽ chỉ cho em những bài Toán khó. Rồi lắng nghe những tâm sự, ước mơ của em. Bác còn dẫn em ra vườn ngắm dàn hoa do chính tay bác trồng và chăm sóc.

            Đối với em, bác Kiên vừa là một người hàng xóm tốt bụng, vừa là một người bạn tâm giao tuyệt vời. Em quý bác ấy lắm, lúc nào cũng cảm thấy vui vẻ và phấn khởi khi được gặp và nói chuyện cùng bác.

Bài tham khảo 2 :

           Dân gian có câu "Bán anh em xa, mua láng giềng gần". Những người tuy xa lạ nhưng luôn gắn bó, chan hòa tình làng nghĩa xóm là những người rất đáng trân trọng. Trong đó, em rất yêu quý bác Tâm.

            Nhà em ở trong một con ngõ nhỏ nên các nhà cứ quây quần lại với nhau, ngày nào cũng gặp gỡ chạm mặt nhau vài lần. Bác Tâm là hàng xóm đối diện nhà em từ khi em sinh ra. Giờ chỉ còn bác với bác trai còn hai đứa con đều đã lập gia đình ra ở riêng. Năm nay bác cũng ngoài năm mươi. Bác có dáng người nhỏ, mảnh khảnh. Bác bảo ngày xưa cuộc sống vất vả quá, làm việc quần quật, miếng ăn không có nên còm cõi vậy. Nhưng nhờ tập thể dục thường xuyên nên bác vẫn giữ được cơ thể khỏe mạnh. Nước da của bác cũng ngăm ngăm cộng thêm với thời gian nên nó cũng chẳng còn mịn màng mà đã dần có sự lão hóa của tuổi tác. Gương mặt bác trái xoan nhưng ẩn chứa gì đó nét khắc khổ. Gò má cao và hốc mắt sâu, sự trải đời hiện rõ trên từng đường nét. Bác không có hàm răng đều tăm tắp nhưng điều đó chẳng làm giảm đi sự rạng rỡ trong nụ cười của bác. Khi bác cười, dù ở khóe mắt xuất hiện những vết chân chim nhưng thần thái lại càng tươi trẻ ra. Hai bên má lấm tấm những tàn nhang nhưng em thấy bác càng duyên dáng hơn với chúng. Đôi mắt có phần mờ đục và hơi đỏ. Bác cũng rất hay bị đau mắt, có thể do công việc mưu sinh của bác phải tiếp xúc nhiều cát bụi. Mái tóc của bác dài đến ngang lưng thường được búi gọn sau gáy bằng một chiếc cặp dù đã cũ kỹ nhưng đó là món quà con gái đã tặng bác từ lâu. Mái tóc ấy cũng đã điểm nhiều sợi bạc. Bàn tay bác nhìn có vẻ gầy guộc với các ngón tay dài xương xẩu nhưng chính bàn tay ấy đã nuôi nấng hai anh chị nên người và đến giờ vẫn từng ngày vun vén và chăm lo cho chồng của bác. Bàn tay đó là vẻ đẹp của tình yêu thương và đức hi sinh. Sở dĩ em yêu quý bác như ruột thịt, thương cả dáng hình bác là bởi bác đã giúp đỡ gia đình em khi mới chuyển đến- bố em đã kể cho em nghe. Và cùng với gia đình, bác cũng chứng kiến năm tháng em lớn lên, thậm chí bác trông nom em nhiều lần khi còn bé, lúc bố mẹ em có việc và dạy em rất nhiều điều hay lẽ phải.

            Đúng như cái tên đẹp đẽ của bác, bác Tâm đã sống bằng tất cả tấm lòng mình. Ở bác có rất nhiều đức tính em trân trọng và cảm phục!


Bình chọn:
4.9 trên 7 phiếu

Tham Gia Group Dành Cho 2K14 Chia Sẻ, Trao Đổi Tài Liệu Miễn Phí