Soạn Lịch sử 12, giải Sử 12 Cánh diều Chủ đề 2: ASEAN: Những chặng đường lịch sử

Bài 5: Cộng đồng ASEAN: Từ ý tưởng đến hiện thực SGK lịch sử 12 Cánh Diều


Ý tưởng xây dựng Cộng đồng ASEAN khởi nguồn từ khi tô chức này được thành lập năm 1967

Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn

? mục 1 a

Trả lời câu hỏi 1 mục 1 trang 23, SGK lịch sử 12 Cánh Diều

Nêu ý tưởng xây dựng Cộng đồng ASEAN? 

Phương pháp giải:

- Đọc kỹ phần 1a. Ý tưởng xây dựng Cộng đồng ASEAN (SGK trang 22)

- Chỉ ra ý tưởng xây dựng Cộng đồng ASEAN.

Lời giải chi tiết:

- Ý tưởng xây dựng Cộng đồng ASEAN khởi nguồn từ khi tô chức này được thành lập năm 1967. Trong Tuyên bố Băng Cốc (1967), các nước thành viên đã nêu mục tiêu xây dựng một cộng đồng hòa bình và thịnh vượng ở Đông Nam Á.

- Năm 1997, ý tưởng xây dựng Cộng đồng ASEAN được chính thức khẳng định nhân dịp kỉ niệm 30 năm ngày thành lập ASEAN. Cũng trong năm 1997, Hội nghị cấp cao ASEAN không chính thức lần thứ hai tại Ma-lai-xi-a đã thông qua văn kiện mang tên Tầm nhìn ASEAN 2020.

- Tầm nhìn ASEAN 2020 là văn bản đầu tiên đề xuất ý tưởng xây dựng một Cộng đồng ASEAN có nhận thức về các mối quan hệ lịch sử, gắn bó với nhau trong một bản sắc khu vực chung, cùng nhau giữ gìn hòa bình, hướng tới ổn định, tương trợ, hợp tác phát triển phần vinh, tăng cường vị thế ASEAN trên trường quốc tế.

? mục 1 b

Trả lời câu hỏi 2 mục 1 trang 23, SGK lịch sử 12 Cánh Diều

Nêu mục tiêu xây dựng Cộng đồng ASEAN?

Phương pháp giải:

- Đọc kỹ phần 1b. Mục tiêu xây dựng Cộng đồng ASEAN (SGK trang 23)

- Chỉ ra mục tiêu xây dựng Cộng đồng ASEAN.

Lời giải chi tiết:

- Mục tiêu tổng quát của Cộng đồng ASEAN là xây dựng một tổ chức hợp tác liên chính phủ có liên kết sâu rộng, dựa trên cơ sở pháp lí là Hiến chương ASEAN.

- Cộng đồng ASEAN được hình thành dựa trên ba trụ cột là Cộng đồng Chính trị -An ninh, Cộng đồng Kinh tế và Cộng đồng Văn hóa - Xã hội.

? mục 1 c

Trả lời câu hỏi 3 mục 1 trang 24, SGK lịch sử 12 Cánh Diều

Nêu những nét chính về kế hoạch xây dựng Cộng đồng ASEAN.Tại sao khẳng định sự ra đời của Cộng đồng ASEAN đánh dấu bước phát triển mới của hợp tác khu vực ở Đông Nam Á?

Phương pháp giải:

- Đọc kỹ phần 1c. Kế hoạch xây dựng Cộng đồng ASEAN (SGK trang 23)

- Chỉ ra những nét chính về kế hoạch xây dựng Cộng đồng ASEAN.Tại sao khẳng định sự ra đời của Cộng đồng ASEAN đánh dấu bước phát triển mới của hợp tác khu vực ở Đông Nam Á .

Lời giải chi tiết:

- Trên cơ sở văn bản Tầm nhìn ASEAN 2020, các nước thành viên trải qua một thập kỉ xây dựng mô hình và cơ sở pháp lí cho Cộng đồng ASEAN thông qua Tuyên bố Ba-li II (2003) và Hiến chương ASEAN (2007).

- Kế hoạch xây dựng Cộng đồng ASEAN được thể hiện thông qua Lộ trình xây dựng

Cộng đồng ASEAN (2009 - 2015) cùng với các hoạt động triển khai cụ thể trên ba nội dung: chính trị - an ninh, kinh tế, văn hóa - xã hội.

- Trong giai đoạn 2009 - 2015, nhiều biện pháp tích cực đã được triển khai nhằm chuẩn bị cho sự xác lập của Cộng đồng ASEAN. Các chương trình hợp tác được thúc đẩy trong đó có Sáng kiến hội nhập ASEAN giai đoạn 2.

- Ngày 22-11-2015, các nhà lãnh đạo ASEAN đã nhóm họp tại Ma-lai-xi-a, kí

Tuyên bố Cua-la Lăm-pơ, chính thức thành lập Cộng đồng ASEAN. Cộng đồng ASEAN có hiệu lực từ ngày 31-12-2015.

- Sự ra đời của Cộng đồng ASEAN đánh dấu bước phát triển mới của hợp tác khu vực Đông Nam Á bởi vì việc chuyển từ Hiệp hội ASEAN sang một cộng đồng đòi hỏi sự cam kết mạnh mẽ hơn từ các quốc gia thành viên. Cộng đồng ASEAN không chỉ tập trung vào việc hợp tác kinh tế mà còn mở rộng sang các lĩnh vực như an ninh, văn hóa, xã hội, và phát triển bền vững. Việc này giúp tăng cường sự đồng thuận và hiệu quả của hợp tác trong khu vực, đồng thời nâng cao tầm ảnh hưởng của ASEAN trên trường quốc tế. Do đó, Cộng đồng ASEAN đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hòa bình, ổn định và phát triển bền vững cho khu vực Đông Nam Á.

? mục 2 a

Trả lời câu hỏi 4 mục 2 trang 25, SGK lịch sử 12 Cánh Diều

Trình bày nội dung chính của Cộng đồng Chính trị - An ninh ASEAN. Nguyên tắc chính trị cơ bản của Cộng đồng Chính trị - An ninh ASEAN là gì?

Phương pháp giải:

- Đọc kỹ phần 2a. Cộng đồng Chính trị-An ninh ASEAN (SGK trang 24)

- Chỉ ra nội dung chính của Cộng đồng Chính trị - An ninh ASEAN. Nguyên tắc chính trị cơ bản của Cộng đồng Chính trị - An ninh ASEAN.

Lời giải chi tiết:

- Cộng đồng Chính trị - An ninh ASEAN (APSC) là khuôn khổ hợp tác chính trị - an ninh toàn diện nhằm mục tiêu xây dựng một môi trường hoà bình và an ninh cho phát triển ở khu vực Đông Nam A thông qua việc nâng cao hợp tác chính trị - an ninh trong khối ASEAN, kết hợp với sự tham gia của các đối tác bên ngoài.

- APSC không tạo ra một khối phòng thủ chung mà dựa trên cơ sở tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của ASEAN là đồng thuận, không can thiệp vào công việc nội bộ, không sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực, thúc đẩy hòa bình, ổn định và hợp tác khu vực.

? mục 2 b

Trả lời câu hỏi 5 mục 2 trang 25, SGK lịch sử 12 Cánh Diều

Trình bày nội dung chính của Cộng đồng Kinh tế ASEAN?

Phương pháp giải:

- Đọc kỹ phần 2b. Cộng đồng Kinh tế ASEAN (SGK trang 25)

- Chỉ ra nội dung chính của Cộng đồng Kinh tế ASEAN.

Lời giải chi tiết:

- Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) là khuôn khổ hợp tác xây dựng ASEAN thành một thị trường và một nền tảng sản xuất thống nhất, trong đó có sự lưu chuyển tự do của hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, vốn và lao động có tay nghề.

- AEC thúc đẩy chính sách cạnh tranh về kinh tế, bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ sở hữu trí tuệ, phát triển cơ sở hạ tầng, thương mại điện tử,... hướng tới sự thịnh vượng chung của các quốc gia thành viên.

? mục 2 c

Trả lời câu hỏi 6 mục 2 trang 26, SGK lịch sử 12 Cánh Diều

Trình bày nội dung chính của Cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN?

Phương pháp giải:

- Đọc kỹ phần 2c. Cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN (SGK trang 26)

- Chỉ ra nội dung chính của Cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN.

Lời giải chi tiết:

- Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN (ASCC) xây dựng một ASEAN lấy con người làm trung tâm; có trách nhiệm xã hội nhằm xây dựng tinh đoàn kết và thống nhất bền lâu giữa các quốc gia và dân tộc ASEAN bằng cách tạo dựng bản sắc chung; xây dựng một xã hội chia sẻ, đùm bọc, hòa thuận và rộng mở, nơi cuộc sống và phúc lợi của người dân được nâng cao. Trên cơ sở đó, tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 10 (2004), Kế hoạch tổng thể xây dựng ASCC được thông qua, gồm 6 nội dung chính:

1, Phát triển con người 

2, Phúc lợi và bảo hiểm 

3, Các quyền và bình đẳng xã hội 

4, Đảm bảo bền vững môi trường 

5, Tạo dựng bản sắc ASEAN

6, Thu hẹp khoảng cách phát triển 

? mục 3

Trả lời câu hỏi 7 mục 3 trang 28, SGK lịch sử 12 Cánh Diều

Nêu những thách thức và triển vọng của Cộng đồng ASEAN. Lấy ví dụ minh họa?

Phương pháp giải:

- Đọc kỹ phần 3. Cộng đồng ASEAN sau năm 2015 (SGK trang 26)

- Chỉ ra những thách thức và triển vọng của Cộng đồng ASEAN. Lấy ví dụ minh họa.

Lời giải chi tiết:

Tháng 11-2015, cùng với việc tuyên bố thành lập Cộng đồng ASEAN, các nhà lãnh đạo ASEAN đã thông qua văn kiện Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 nhằm thúc đẩy hợp tác, gắn kết trong Cộng đồng ASEAN. Tháng 11-2020, Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 diễn ra tại Hà Nội đã thông qua văn kiện Tuyên bố Hà Nội về Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau năm 2025, hướng tới thúc đẩy hợp tác và hội nhập ngày càng chặt chẽ hơn trên các trụ cột AEC, APSC, ASCC. Gần một thập kỉ sau khi thành lập, Cộng đồng ASEAN đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, trong bối cảnh mới, sự phát triển của Cộng đồng ASEAN đang đứng trước cả những thách thức và triển vọng lớn.

- Về thách thức của Cộng đồng ASEAN: Thách thức an ninh đến từ cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn; thay đổi cấu trúc địa - chính trị khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói riêng và toàn cầu nói chung. Sự đa dạng của các nước thành viên về chế độ chính trị, tôn giáo; khoảng cách về phát triển kinh tế giữa các nước…Nguy cơ chia rẽ của ASEAN về các vấn đề khu vực và quốc tế, đặc biệt là khi ASEAN vận hành dựa trên nguyên tắc đồng thuận.Thách thức an ninh phi truyền thống gia tăng, như ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, tội phạm xuyên quốc gia, dịch bệnh... đe dọa môi trường hòa bình, an ninh, ổn định để phát triển của Cộng đồng ASEAN.

VD: Vấn để Biển Đông, biến đổi khí hậu, quản trị lưu vực sông Mê Công,... đang là những thách thức hàng đầu đe dọa sự ổn định và phát triển của Cộng đồng ASEAN nói riêng và Đông Nam Á nói chung. Thách thức này có tính khu vực, đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ giữa các quốc gia ASEAN và giữa ASEAN với đối tác bên ngoài.

- Về triển vọng của Cộng đồng ASEAN: Sự vươn lên của khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói chung và Đông Nam Á nói riêng là cơ sở để Cộng đồng ASEAN tiếp tục phát triển với mức độ liên kết ngày càng chặt chẽ và sâu rộng trên cả ba trụ cột. Cộng đồng ASEAN đang ngày càng hoàn thiện thể chế, chính sách, cơ chế hợp tác và đạt được nhiều thành tựu về chính trị, kinh tế, giáo dục, khoa học, kĩ thuật,...; từng bước gắn kết các quốc gia Đông Nam Á để trở thành khu vực phát triển năng động, thịnh vượng mới của thế giới. Về đối ngoại, vị thế của ASEAN ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế. ASEAN có quan hệ rộng mở với các đối tác bên ngoài, tham gia và đóng vai trò quan trọng tại nhiều diễn đàn lớn trên thế giới.

VD: Cộng đồng ASEAN đặt mục tiêu phát triển các nguồn năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời và năng lượng thủy điện. Việc đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo không chỉ giúp giảm lượng khí thải gây hại mà còn tạo ra cơ hội mới cho phát triển kinh tế và tạo việc làm trong khu vực.


Bình chọn:
4.9 trên 7 phiếu

Group Ôn Thi ĐGNL & ĐGTD Miễn Phí