Đọc hiểu văn bản Chữ người tử tù


1. Nguyễn Tuân (1910 – 1987) quê làng Mọc, huyện Từ Liêm, nay thuộc phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội, là nhà văn có tài năng và tài hoa đặc biệt của văn học Việt Nam


I - Tìm hiểu chung

1. Nguyễn Tuân sinh ra trong một gia đình nhà nho vào thời buổi Hán học đã lụi tàn, chịu ảnh hưởng từ người cha là một nhà nho tài hoa bất đắc chí – ông tú Nguyễn An Lan. Nhiều tác phẩm của Nguyễn Tuân thể hiện sự hoài niệm về những nét đẹp văn hoá cổ truyền đã mất đi. Trong đó, tiêu biểu nhất là tập truyện Vang bóng một thời.

2. Chữ người tử tù là một truyện ngắn tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật Nguyễn Tuân trước Cách mạng. Truyện ngắn này có một tình huống truyện rất độc đáo. Huấn Cao là một tử tù nhưng lại là người đại diện cho thiên lương, là một nghệ sĩ ban phát cái đẹp. Viên quản ngục là người đại diện cho chính quyền nhưng lại là người được nhận cái đẹp từ người tử tù. Huấn Cao và viên quản ngục là hai hình tượng nghệ thuật đẹp của Nguyễn Tuân.

3. Cảnh cho chữ là cảnh tượng xưa nay chưa từng có, cuộc tương phùng kì ngộ của những liên tài tri kỉ giữa chốn ngục tù xoay quanh việc xin chữ và cho chữ của tử tù, quản ngục và thầy thơ lại.

- Tình huống độc đáo : cái đẹp được sáng tạo trong tù ngục.

- Người cho chữ là tử tù, người nhận chữ là quản ngục. Cái ác cúi đầu trước thiên lương, cái thiên lương được tôn vinh nơi cái ác ngự trị. Vẻ đẹp của tài năng và thiên lương đã toả sáng nơi tăm tối nhất. Đó là sự vững bền và bất khuất của chân lí.

4. Đọc lướt văn bản một lượt, chú ý các chú thích từ cổ. Cần phân biệt giọng kể và lời thoại.

II - Kiến thức cơ bản

1. Tình huống truyện là “cái tình thế xảy ra truyện”, là “một khoảnh khắc mà trong đó sự sống hiện ra rất đậm đặc”, là cái “khoảnh khắc chứa đựng cả một đời người” (Nguyễn Minh Châu).

Tình huống truyện còn được hiểu là mối quan hệ đặc biệt giữa nhân vật này với nhân vật khác, giữa nhân vật với hoàn cảnh và môi trường sống, qua đó, nhân vật bộc lộ tâm trạng, tính cách, hay thân phận của nó góp phần thể hiện sâu sắc tư tưởng của tác phẩm.

Trong truyện ngắn Chữ người tử tù, Nguyễn Tuân đã xây dựng được một tình huống truyện độc đáo. Hai nhân vật Huấn Cao và quản ngục, trên bình diện xã hội, họ hoàn toàn đối lập nhau. Một người là tên “đại nghịch”, cầm đầu cuộc nổi loạn nay bị bắt giam, đang chờ ngày ra pháp trường để chịu tội ; còn một người là quản ngục, kẻ đại diện cho cái trật tự xã hội đương thời. Nhưng họ đều có tâm hồn nghệ sĩ. Trên bình diện nghệ thuật, họ là tri âm, tri kỉ với nhau. Tạo dựng tình thế như vậy, đồng thời cho họ gặp nhau giữa chốn ngục tù, tối tăm nhơ bẩn, tạo nên một cuộc kì ngộ kì lạ và đáng nhớ.

Tình huống truyện độc đáo thể hiện ở mối quan hệ éo le, đầy trớ trêu giữa những tâm hồn tri kỉ. Hai nhân vật được đặt trong một tình thế đối địch : tử tù và quản ngục. Chính tình huống độc đáo này đã giúp làm nổi bật trọn vẹn vẻ đẹp của hình tượng Huấn Cao, đồng thời cũng làm sáng tỏ tấm lòng biệt nhỡn liên tài của viên quản ngục. Từ đó mà chủ đề của tác phẩm cũng được thể hiện sâu sắc.

2. Trong Chữ người tử tù, ngòi bút Nguyễn Tuân đã tập trung khắc hoạ vẻ đẹp của hình tượng nhân vật Huấn Cao. Vẻ đẹp của Huấn Cao là vẻ đẹp lãng mạn, một vẻ đẹp được lí tưởng hoá, được thể hiện một cách khác thường chừng như không thể xảy ra được. Huấn Cao hiện lên một cách rực rỡ, chói sáng nhờ được tô đậm bằng những tương phản gay gắt.

Vẻ đẹp của Huấn Cao trong Chữ người tử tù được thể hiện ở ba phẩm chất :

- Huấn Cao là một con người tài hoa siêu việt, đầy uy lực. Ông có tài viết chữ, chữ ông “đẹp và vuông lắm”. Nó nức tiếng khắp vùng tỉnh Sơn. Nó khiến cho viên quản ngục say mê đến mê muội, ngày đêm mong có được chữ của ông để treo trong nhà.

- Khí phách hiên ngang, bất khuất. Huấn Cao là một trang anh hùng, dũng liệt. Huấn Cao là một kẻ “đại nghịch” đã đành, ngay cả khi bắt đầu đặt chân vào nhà lao này, ông vẫn giữ được cái thế hiên ngang. Sự ngang tàng của Huấn Cao còn thể hiện thái độ không quỵ luỵ trước cường quyền và tù ngục nữa.

- Huấn Cao còn là một người có “thiên lương” trong sáng và cao đẹp. Nó thể hiện ở thái độ tôn trọng trước một nhân cách đẹp (viên quản ngục), trước một người nghệ sĩ có cái sở nguyện trong sáng. Ông sẵn sàng cho chữ, sẵn sàng chia sẻ những lời gan ruột chân thành với viên quản ngục trước khi vào kinh thành thụ án. Đó là sự ứng xử đáng trọng của một nhân cách cao cả.

Qua hình tượng nhân vật Huấn Cao, Nguyễn Tuân muốn bày tỏ những quan niệm của mình về cái đẹp. Trong truyện, Huấn Cao được xây dựng không chỉ là người có tài mà còn có tâm, có “thiên lương” (bản tính tốt lành). Huấn Cao không chỉ có thái độ hiên ngang, bất khuất, coi thường cái chết và tiền bạc mà còn có tấm lòng yêu quý cái thiện, mềm lòng trước tấm lòng “biệt nhỡn liên tài” của viên quản ngục (sẵn lòng cho chữ khi hiểu rõ thiện căn và sở thích cao quý của ông ta) và thậm chí còn biết sợ cái việc chút nữa “phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ”. Có thể nói đó là hai mặt thống nhất của một nhân cách lớn. Như thế, trong quan điểm của Nguyễn Tuân, cái tài phải đi đôi với cái tâm. Cái đẹp và cái thiện không thể tách rời nhau. Đó là một quan điểm thẩm mĩ tiến bộ của tác giả.

3. Dù có thể được coi là nhân vật phụ, song qua ngòi bút của Nguyễn Tuân, viên quản ngục cũng là một nhân vật độc đáo :

- Là một người làm nghề coi ngục, là công cụ trấn áp của bộ máy thống trị đương thời, nhưng viên quản ngục lại có thú chơi thanh cao, tao nhã – thú chơi chữ. Ngay từ khi còn trẻ, khi mới “biết đọc vỡ nghĩa sách thánh hiền”, ông đã có cái sở nguyện “một ngày kia được treo ở nhà riêng mình một đôi câu đối do tay ông Huấn Cao viết”.

- Viên quản ngục là người biết trân trọng giá trị con người. Điều đó thể hiện rõ qua hành động “biệt đãi” của ông đối với Huấn Cao – một kẻ tử tù đại nghịch.

- Cái sở nguyện thanh cao muốn có được chữ của Huấn Cao để treo bất chấp nguy hiểm, cùng thái độ thành kính đón nhận chữ từ tay Huấn Cao cho thấy, viên quản ngục là một người có tấm lòng “biệt nhỡn liên tài”, là người biết trân trọng những giá trị văn hoá.

- Diễn biến nội tâm, hành động và cách ứng xử của viên quản ngục cho thấy đây cũng là một nhân cách đẹp, một “tấm lòng trong thiên hạ” tri âm, tri kỉ với Huấn Cao. Đó là “một thanh âm trong trẻo chen vào giữa một bản đàn mà nhạc luật đều hỗn loạn xô bồ”.

- Có thể nói, viên quản ngục là một người biết giữ “thiên lương”, biết trân trọng giá trị văn hoá và tài năng, là người có tâm hồn nghệ sĩ, không có tài nhưng yêu tài, không sáng tạo được cái đẹp nhưng biết yêu và trân trọng thật lòng cái đẹp.

4. Vẻ đẹp của hình tượng nhân vật Huấn Cao được bộc lộ một cách chói sáng, rực rỡ nhất trong cái đêm ông cho chữ viên quản ngục. Cảm hứng mãnh liệt trước một “cảnh tượng xưa nay chưa từng có” đã khiến Nguyễn Tuân thoả sức thể hiện khả năng sử dụng vốn ngôn từ phong phú, sắc sảo của ông. Những lớp ngôn từ vừa trang trọng cổ kính, vừa sống động như có hồn, có nhịp điệu riêng, giàu sức truyền cảm. Bút pháp dựng người, dựng cảnh của nhà văn đạt đến mức điêu luyện. Những nét vẽ của nhà văn trong đoạn này rất giàu sức tạo hình. Thủ pháp tương phản được sử dụng rộng rãi và có hiệu quả đã làm nổi bật hơn bao giờ hết vẻ đẹp trang trọng, uy nghi, rực rỡ hào quang bất tử của hình tượng nhân vật Huấn Cao.

Có thể nói : cảnh Huấn Cao cho chữ viên quản ngục là một “cảnh tượng xưa nay chưa từng có”, vì :

- Việc cho chữ vốn là một việc thanh cao, một hoạt động sáng tạo nghệ thuật lại diễn ra trong một căn buồng tối tăm, chật hẹp, ẩm ướt, hôi hám của nhà tù (tường đầy mạng nhện, tổ rệp, đất bừa bãi phân chuột, phân gián). Cái đẹp lại được sáng tạo giữa chốn hôi hám, nhơ bẩn ; thiên lương cao cả lại toả sáng ở chính cái nơi mà bóng tối và cái ác đang ngự trị.

- Người nghệ sĩ tài hoa đang say mê tô từng nét chữ không phải là người được tự do mà là một kẻ tử tù đang trong cảnh cổ đeo gông, chân vướng xiềng, và chỉ sớm tinh mơ ngày mai đã bị giải vào kinh để chịu án tử hình. Trong cảnh này, người tù thì nổi bật lên uy nghi, lồng lộng, còn quản ngục, thơ lại (những kẻ đại diện cho quyền thế) thì lại “khúm núm”, “run run” bên cạnh người tù đang bị gông xiềng kia…

- Trật tự, kỉ cương trong nhà tù hoàn toàn bị đảo ngược : tù nhân trở thành người ban phát cái đẹp, răn dạy ngục quan ; còn ngục quan thì khúm núm, vái lạy tù nhân.

Thì ra, giữa chốn ngục tù tàn bạo, không phải những kẻ đại diện cho quyền lực thống trị làm chủ mà là người tử tù làm chủ. Đó là sự chiến thắng của ánh sáng đối với bóng tối, của cái đẹp đối với cái xấu xa, nhơ bẩn, của cái thiện đối với cái ác,… Đó là sự tôn vinh cái đẹp, cái thiện và nhân cách cao cả của con người bằng một bức tranh nghệ thuật đầy ấn tượng.

5. Các nhân vật của Nguyễn Tuân tuy chỉ được miêu tả trong những khoảnh khắc nhưng đó là những khoảnh khắc đặc biệt, bởi thế đều rất ấn tượng. Nhân vật rất giàu tính cách, rất ngang tàng, rất tài năng nhưng cái tâm cũng luôn trong sáng. Đó là những biểu tượng về cái đẹp, là những con người hoàn mĩ.

Trong truyện, đáng chú ý nhất là đoạn miêu tả cảnh vật và không khí thiêng liêng, cổ kính của cảnh cho chữ. Đoạn văn này thể hiện tài năng sắc sảo của Nguyễn Tuân không chỉ trong việc sử dụng ngôn ngữ một cách điêu luyện mà còn ở khả năng sử dụng bút pháp đối lập trong tạo dựng cảnh. Chính nhờ thủ pháp đối lập (một thủ pháp đặc trưng của văn học lãng mạn) mà cảnh tượng này hiện lên với đầy đủ vẻ đẹp trang trọng, uy nghi, rực rỡ của nó.

6. Quan điểm nghệ thuật của Nguyễn Tuân được thể hiện ở chỗ nhà văn luôn tiếp cận đối tượng từ phương diện văn hoá thẩm mĩ. Ông đặc biệt chú ý đến cái tài và cái tâm của nhân vật. Trước Cách mạng, nhà văn đặc biệt chú ý đề cao cái đẹp, nhất là những nét đẹp văn hoá truyền thống. Quan điểm nghệ thuật của nhà văn được tập trung thể hiện ở nhân vật Huấn Cao. Qua nhân vật này, nhà văn đề cao vẻ đẹp của tài năng, thiên lương và khí phách. Huấn Cao là sự kết hợp hoàn mĩ giữa tài và tâm. Còn nhân vật viên quản ngục là một chứng minh của nhà văn về sức mạnh cảm hóa của cái đẹp. Người sáng tạo ra cái đẹp là người tài và người biết thưởng thức cái đẹp cũng là người có thiên lương.

III - Liên hệ

1. Những nhà văn có phong cách đều tạo ra cho mình một thế giới nhân vật riêng. Thế giới nhân vật của Nguyễn Tuân, nói chung gồm hai loại người đối lập nhau : Loại người tài hoa nghệ sĩ, có nhân cách, có “thiên lương”, tự đặt mình lên trên hạng người thứ hai gồm những kẻ tiểu nhân phàm tục, bằng thái độ ngạo đời, khinh bạc. Loại người thứ nhất, theo Nguyễn Tuân, thường là những linh hồn đẹp còn sót lại của một thời gian đã qua, nay chỉ còn “vang bóng”. Loại người ấy cố nhiên là hiếm hoi. Còn kẻ tiểu nhân phàm tục thì đầy rẫy trong thiên hạ.

Chữ người tử tù dựng lên một thế giới tối tăm, tù ngục, trong đó kẻ tiểu nhân, bọn độc ác bất lương làm chủ. Trên cái tăm tối ấy, hiện lên ba đốm sáng lẻ loi, cô đơn : Huấn Cao, người quản ngục và viên thơ lại – những con người có tài và biết trọng tài, có nghĩa khí và biết trọng nghĩa khí. Họ tình cờ gặp nhau trong một tình thế oái oăm, từ chỗ ngờ vực nhau, đối địch nhau, dần dần đi đến hiểu nhau và trở thành tri kỉ.

Ba đốm sáng cô đơn ấy cuối cùng tụ lại, tạo thành ngọn lửa ngùn ngụt rực sáng giữa chốn ngục tù – “một cảnh tượng xưa nay chưa từng có”. Cái đẹp, cái tài, sự trong sạch của tâm hồn đã tập hợp họ lại giữa cái nơi xưa nay chỉ có gian ác, thô bỉ và hôi hám : “ánh sáng đỏ rực của một bó đuốc tẩm dầu rọi lên ba cái đầu người đang chăm chú trên một tấm lụa bạch còn nguyên vẹn lần hồ”.

Đây là sự chiến thắng của ánh sáng đối với bóng tối, của cái tài, cái đẹp đối với cái nhem nhuốc, tục tằn, của thiên lương đối với tội ác…

                (Nguyễn Đăng Mạnh, Con đường đi vào thế giới nghệ thuật của nhà văn,

                                                                                    NXB Giáo dục, 1994)

2. Con người nghệ sĩ, nghệ sĩ thực sự, nghệ sĩ xứng tên, dấu ấn chính ở điểm đó, theo tôi nghĩ. Hãy gạt sang bên trường hợp liên quan đến cá nhân tôi cho dễ nói. Nghệ sĩ, người yêu cái đẹp, vươn tới cái đẹp, mở rộng tâm hồn mà thâu nhận mọi biểu hiện của cái đẹp ấy ở mọi hướng mọi nguồn. Nguyễn Tuân – nghệ sĩ, không thể không yêu văn chương, nghệ thuật trong tất cả mọi dạng thức biểu hiện khác nhau chân thực và đích thực của nó, như là những thành quả tái tạo kì diệu cái muôn màu muôn vẻ của cuộc sống…

Có thể cảm nhận Nguyễn Tuân yêu văn chương say mê trân trọng biết ngần nào. Không phải chỉ như một sự điểm tô mà như một phần cốt lõi của chính chân lí cuộc đời. Yêu văn chương, Nguyễn Tuân tất phải yêu chữ nghĩa, yêu tiếng nói của dân tộc, yêu dân tộc, yêu con người. Tình yêu ấy khi được rọi sáng để hướng tụ về một mục tiêu chân chính cao đẹp, thì vang vọng của nó vào văn học nghệ thuật ngày càng sâu bền rực rỡ xiết bao.

Loigiaihay.com


Bình chọn:
4 trên 5 phiếu

>> Xem thêm

Luyện Bài Tập Trắc nghiệm Ngữ Văn 11 - Xem ngay

Tham Gia Group Dành Cho 2K8 Chia Sẻ, Trao Đổi Tài Liệu Miễn Phí