Đề thi vào lớp 6 môn Tiếng Việt có đáp án - 9 năm gần nhất Đề thi vào lớp 6 môn Tiếng Việt trường THCS Archimedes ..

Đề thi vào lớp 6 môn Tiếng Việt trường Archimedes năm 2023 - Đề mẫu


Đọc văn bản sau rồi trả lời các câu hỏi từ câu 1 đến câu 5: Một người đàn ông được người quen biếu một túi cam ngon. Bác sống một mình nên tự nhủ: “Mình ăn cam một mình thì buồn lắm. Mình chia cho những đứa trẻ nhà hàng xóm một vài quả cho các cháu mừng.”.

Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn

Đề bài

 

HỆ THỐNG GIÁO DỤC ARCHIMEDES SCHOOL

Bài kiểm tra rà soát kiến thức

Khối: Tiểu học | Môn: Tiếng Việt | Thời gian: 45’ | Mã đề: Demo

 

PHẦN I – TRẮC NGHIỆM: Chọn đáp án đúng A, B, C hoặc D cho các câu hỏi dưới đây.

A. Đọc – hiểu

Đọc văn bản sau rồi trả lời các câu hỏi từ câu 1 đến câu 5:

Một người đàn ông được người quen biếu một túi cam ngon. Bác sống một mình nên tự nhủ: “Mình ăn cam một mình thì buồn lắm. Mình chia cho những đứa trẻ nhà hàng xóm một vài quả cho các cháu mừng.”.

Thế là bác mang biếu nhà hàng xóm mấy quả cam. Những đứa con nhà hàng xóm khi nhận được món quà đều vui mừng khôn xiết.

Rồi bác cũng quên luôn chuyện cho hàng xóm mấy quả cam ngon. Bẵng đi mấy năm, bỗng một ngày, cậu con trai nhà hàng xóm gõ cửa nhà bác, tay cầm túi cam đứng trước cửa, lễ phép chào: “Bố mẹ bảo cháu sang biếu bác túi cam. Đây là giống cam mà trước đây, bác đã cho chúng cháu ăn và gia đình cháu quyết định gieo những hạt của nó để lấy giống tốt. Năm nay, cây bói quả, gia đình cháu biếu bác một nửa số quả đầu mùa mà chúng cháu thu hoạch được.”.

Người đàn ông vô cùng cảm động. Bác không ngờ những quả cam của bác cách đây mấy năm lại có tác dụng to lớn như thế. Từ đó, mỗi năm, đến mùa cam, gia đình hàng xóm lại biếu bác một túi cam.

(Sưu tầm)

Câu 1. Khi được biếu một túi cam, người đàn ông đã làm gì?

A. biếu nhà hàng xóm toàn bộ số cam          

B. một mình thưởng thức món quà thơm ngon

C. gieo hạt cam để lấy giống tốt        

D. biếu nhà hàng xóm mấy quả cam ngon

Câu 2. Khi nhận được mấy quả cam, những đứa con nhà hàng xóm cảm thấy như thế nào?

A. xúc động   

B. vui mừng   

C. ngạc nhiên 

D. tự hào

Câu 3. Gia đình hàng xóm quyết định làm gì với những hạt cam?

A. cho chúng vào thùng rác   

B. quẳng chúng ra sau vườn

C. gieo chúng xuống đất để lấy giống tốt      

D. dùng chúng làm thuốc

Câu 4. Người đàn ông cảm thấy như thế nào khi nhận được món quà từ hàng xóm mà cậu bé mang sang biếu mình?

A. xúc động, tự hào   

B. vui mừng, hãnh diện

C. xúc động, bất ngờ 

D. tự hào, bất ngờ

Câu 5. Câu chuyện gửi tới người đọc thông điệp gì?

A. Hãy biết trân trọng những gì mình đang có.

B. Hãy luôn giúp đỡ những người xung quanh.

C. Hãy ghi nhớ công sức và những điều lớn lao mà người khác đã làm cho mình trong lúc khó khăn.

D. Hãy biết sẻ chia và ghi nhớ, đáp đền công ơn của người khác.

B. Luyện từ và câu – Tập làm văn

Câu 6. Từ nào dưới đây viết sai chính tả?

A. giận giữ     

B. giận dữ      

C. giận dỗi     

D. giận hờn

Câu 7. Trường hợp nào dưới đây viết đúng theo quy tắc viết hoa của tiếng Việt?

A. Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh

B. Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ chí minh

C. Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh  

D. Đội Thiếu Niên Tiền Phong Hồ Chí Minh

Câu 8. Tìm từ ghép tổng hợp trong số các từ sau:

A. đường làng

B. đường sá    

C. đường quê 

D. đường thủy

Câu 9. Từ nào sau đây là từ láy?

A. ngẫm nghĩ 

B. ngon ngọt  

C. ngoan ngoãn          

D. ngọc ngà

Câu 10. Từ láy nào dưới đây không cùng nhóm với các từ còn lại?

A. mát mẻ      

B. trong trẻo  

C. lấm tấm     

D. rực rỡ

Câu 11. Có mấy tính từ trong câu dưới đây? Đó là những từ nào?

“Nó chỉ là một giọt nước nhỏ xíu, hiền lành, trong vắt, trong đến nỗi soi mình vào đó, bạn sẽ thấy được cả vườn cây, con đường, dòng sông, bầu trời mùa thu biếc xanh với những cụm mây trắng bay lững thững.” (Trần Đức Tiến)

A. 5 tính từ: nhỏ xíu, hiền lành, trong vắt, biếc xanh, lững thững.

B. 5 tính từ: nhỏ xíu, hiền lành, trong vắt, trong, biếc xanh.

C. 6 tính từ: nhỏ xíu, hiền lành, trong vắt, biếc xanh, trắng, lững thững.

D. 6 tính từ: nhỏ xíu, hiền lành, trong vắt, trong, biếc xanh, lững thững.

Câu 12. Có mấy quan hệ từ trong câu “Người Thái rất yêu hoa ban nên ngày Tết, bàn thờ của họ luôn có cành hoa ban để dâng cúng, tỏ lòng thành kính với tổ tiên.”?

A. 3 quan hệ từ          

B. 4 quan hệ từ          

C. 5 quan hệ từ          

D. 6 quan hệ từ

Câu 13. Từ nào dưới đây không cùng nhóm với các từ còn lại?

A. hồi hộp      

B. lo lắng       

C. nhút nhát   

D. háo hức

Câu 14. Từ nào sau đây đồng nghĩa với từ “kiên trì”?

A. kiên cường

B. kiên trung  

C. nhẫn nhịn  

D. nhẫn nại

Câu 15. Yếu tố “nhạt” trong hai câu dưới đây thuộc hiện tượng nào của từ?

– “Món canh này nhạt quá!”

– “Bức ảnh đã cũ kĩ, nhạt màu.”

A. đồng nghĩa

B. trái nghĩa   

C. đồng âm    

D. nhiều nghĩa

Câu 16. Xác định chủ ngữ của câu sau:

“Một buổi sáng nhiều gió, bác Loa Kèn vươn cái tay dài lòng thòng, mướt xanh của mình vuốt vào những chiếc lá của cái cây xấu xí ấy.”

A. một buổi sáng

B. bác Loa Kèn

C. một buổi sáng nhiều gió, bác Loa Kèn

D. bác Loa Kèn vươn cái tay dài lòng thòng, mướt xanh của mình

Câu 17. Xác định vị ngữ của câu sau:

“Chỉ vài ngày sau đó, cô bé ra ban công với vẻ mặt tươi vui và thì thầm cảm ơn cây Tần Dày Lá.”

A. ra ban công với vẻ mặt tươi vui và thì thầm cảm ơn cây Tần Dày Lá

B. với vẻ mặt tươi vui và thì thầm cảm ơn cây Tần Dày Lá

C. tươi vui và thì thầm cảm ơn cây Tần Dày Lá

D. thì thầm cảm ơn cây Tần Dày Lá

Câu 18. Trạng ngữ trong câu dưới đây bổ sung ý nghĩa gì cho câu?

“Với sự phát triển nhanh chóng của khoa học và công nghệ, chúng ta không chỉ có rô-bốt làm thay những việc nặng nhọc và nguy hiểm mà còn có rô-bốt giúp việc thường ngày.”

A. nguyên nhân          

B. phương tiện

C. mục đích   

D. nơi chốn

Câu 19. Câu nào dưới đây không cùng kiểu câu kể với các câu còn lại?

A. “Cả khu vườn tí hon lại xôn xao ca ngợi người bạn thân thương Tần Dày Lá.”

B. “Mẹ của cô bé nói rằng chỉ cần chưng lá này với đường phèn cùng vài trái quất là cổ họng cô bé sẽ êm dịu, những cơn ho sẽ không có cơ hội làm cô mất ăn, mất ngủ nữa.”

C. “Buổi mai hôm ấy, mẹ âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp.”

D. “Tần Dày Lá run run khi thấy hai mẹ con cô bé đến bên mình.”

Câu 20. Nêu cấu tạo của vị ngữ trong câu dưới đây:

“Thân cây lộc vừng vững chãi như người lính đứng canh cho một khoảng sân.”

A. tính từ       

B. tính từ và cụm danh từ      

C. cụm tính từ

D. cụm động từ

Câu 21. Câu nào dưới đây là câu cảm?

A. “A, chữ, chữ cô giáo!”

B. “Sao lại có bông bằng lăng nở muộn thế kia?”

C. “Tôi sẽ trả lời câu hỏi của các bạn sau khi mặt trời lặn nhé!”

D. “Khi quay trở lại trường sau kì nghỉ, các bạn hò reo vui sướng vì phát hiện ra một điều tuyệt vời.”

Câu 22. Dấu gạch ngang trong câu dưới đây có tác dụng gì?

“Chị Hồng Nhung – người điệu đà nhất ban công – đang khó chịu vì một cơn gió đẩy mùi hăng hăng của cây Tần Dày Lá về phía mình.”

(Theo Võ Thu Hương)

A. đánh dấu chỗ bắt đầu lời nói của nhân vật trong đối thoại

B. đánh dấu phần chú thích trong câu

C. đánh dấu các ý trong một đoạn liệt kê

D. đánh dấu các bộ phận cùng chức vụ trong câu

Câu 23. Tác giả Trần Đăng Khoa đã sử dụng biện pháp nghệ thuật nào trong đoạn thơ sau? “Trăng ơi, từ đâu đến?

Hay từ một sân chơi Trăng bay như quả bóng Bạn nào đá lên trời.”

A. so sánh      

B. nhân hóa

C. so sánh và nhân hóa          

D. không sử dụng biện pháp nghệ thuật

Câu 24. Hình ảnh nhân hóa trong câu thơ dưới đây có tác dụng gì?

“Mặt trời xuống biển như hòn lửa

Sóng đã cài then, đêm sập cửa.”

(Huy Cận)

A. gợi tả vẻ đẹp rực rỡ, huy hoàng của cảnh hoàng hôn trên biển

B. gợi tả vẻ sinh động của sóng biển và màn đêm

C. gợi tả vẻ đẹp rực rỡ, huy hoàng của cảnh bình minh trên biển

D. gợi tả vẻ đẹp rực rỡ của mặt trời và sự sinh động của biển khơi lúc hoàng hôn

Câu 25. Tác giả Nguyễn Đình Ảnh đã sử dụng những giác quan nào để quan sát và miêu tả cảnh vật trong đoạn thơ dưới đây?

“Vạt áo chàm thấp thoáng

Nhuộm xanh cả nắng chiều

Và gió thổi, suối reo

Ấm giữa rừng sương giá.”

A. thị giác, thính giác, xúc giác         

B. thị giác, thính giác

C. thị giác, xúc giác   

D. thị giác, thính giác, cảm giác

PHẦN II – TỰ LUẬN: Thực hiện các yêu cầu dưới đây.

Bài 1. Đọc đoạn trích dưới đây và thực hiện các yêu cầu:

“(1) Ngày xửa ngày xưa, ở xứ Mường Bi xuất hiện một đôi vợ chồng cao lớn khác thường. (2) Họ đứng cao hơn năm lần đỉnh núi cao nhất. (3) Người Mường gọi họ là ông Đùng, bà Đùng. […] (4) Hồi ấy, đất thì cao thấp, lồi lõm. (5) Cây cối hoang dại mọc chằng chịt. (6) Nước thì chảy từ lòng đất, ngập lênh láng khắp nơi. (7) Thấy vậy, ông Đùng, bà Đùng liền ra tay. (8) Chỉ một ngày, ông bà đã nhổ cây, san đất, làm thành cánh đồng bằng phẳng, rộng rãi để lấy chỗ cho dân ở và cày cấy.”

(Trích “Sự tích ông Đùng, bà Đùng”)

a. Tìm đại từ ở câu văn số (3): “Người Mường gọi họ là ông Đùng, bà Đùng.” và cho biết nó được dùng để thay thế cho từ ngữ nào trong đoạn trích.

b. Tìm trong đoạn trích trên các từ ghép tổng hợp là tính từ.

c. Xác định trạng ngữ, chủ ngữ và vị ngữ của câu văn số (8): “Chỉ một ngày, ông bà đã nhổ cây, san đất, làm thành cánh đồng bằng phẳng, rộng rãi để lấy chỗ cho dân ở và cày cấy.”. Cho biết câu đó có mấy vị ngữ nhỏ.

Bài 2. Trong bài “Quê hương”, tác giả Nguyễn Đình Huân có viết:

“Quê hương là cánh đồng vàng

Hương thơm lúa chín mênh mang trời chiều

Quê hương là dáng mẹ yêu

Áo nâu nón lá liêu xiêu đi về."

Bằng việc nêu tác dụng của biện pháp so sánh, hãy nêu cảm nhận của em về hình ảnh quê hương trong đoạn thơ trên. (Trình bày bằng một đoạn văn từ 5 đến 7 câu.)

--- Hết ---

Lời giải

HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT

PHẦN I – TRẮC NGHIỆM

1. D

2. B

3. C

4. C

5. D

6. A

7. A

8. B

9. C

10. C

11. C

12. B

13. C

14. D

15. D

16. B

17.A

18. B

19. D

20. C

21. A

22. B

23. C

24. B

25. A

Câu 1. Khi được biếu một túi cam, người đàn ông đã làm gì?

A. biếu nhà hàng xóm toàn bộ số cam          

B. một mình thưởng thức món quà thơm ngon

C. gieo hạt cam để lấy giống tốt        

D. biếu nhà hàng xóm mấy quả cam ngon

Phương pháp giải:

Em đọc đoạn thứ hai để chọn đáp án đúng.

Lời giải chi tiết:

Khi được biếu một túi cam, người đàn ông đã biếu nhà hàng xóm mấy quả cam ngon.

Đáp án: D.

Câu 2. Khi nhận được mấy quả cam, những đứa con nhà hàng xóm cảm thấy như thế nào?

A. xúc động   

B. vui mừng   

C. ngạc nhiên 

D. tự hào

Phương pháp giải:

Em đọc đoạn thứ hai để chọn đáp án đúng.

Lời giải chi tiết:

Khi nhận được mấy quả cam, những đứa con nhà hàng xóm cảm thấy vui mừng.

Đáp án: B.

Câu 3. Gia đình hàng xóm quyết định làm gì với những hạt cam?

A. cho chúng vào thùng rác   

B. quẳng chúng ra sau vườn

C. gieo chúng xuống đất để lấy giống tốt      

D. dùng chúng làm thuốc

Phương pháp giải:

Em đọc đoạn thứ ba để chọn đáp án đúng.

Lời giải chi tiết:

Gia đình hàng xóm quyết định gieo những hạt cam xuống đất để lấy giống tốt.

Đáp án: C.

Câu 4. Người đàn ông cảm thấy như thế nào khi nhận được món quà từ hàng xóm mà cậu bé mang sang biếu mình?

A. xúc động, tự hào   

B. vui mừng, hãnh diện

C. xúc động, bất ngờ 

D. tự hào, bất ngờ

Phương pháp giải:

Em đọc đoạn thứ tư để chọn đáp án đúng.

Lời giải chi tiết:

Người đàn ông cảm thấy xúc động, bất ngờ khi nhận được món quà từ hàng xóm mà cậu bé mang sang biếu mình.

Đáp án: C.

Câu 5. Câu chuyện gửi tới người đọc thông điệp gì?

A. Hãy biết trân trọng những gì mình đang có.

B. Hãy luôn giúp đỡ những người xung quanh.

C. Hãy ghi nhớ công sức và những điều lớn lao mà người khác đã làm cho mình trong lúc khó khăn.

D. Hãy biết sẻ chia và ghi nhớ, đáp đền công ơn của người khác.

Phương pháp giải:

Qua hành động của người đàn ông và hàng xóm em học tập được điều gì.

Lời giải chi tiết:

Câu chuyện gửi tới người đọc thông điệp: Hãy biết sẻ chia và ghi nhớ, đáp đền công ơn của người khác.

Đáp án: D.

Câu 6. Từ nào dưới đây viết sai chính tả?

A. giận giữ     

B. giận dữ      

C. giận dỗi     

D. giận hờn

Phương pháp giải:

Em xác định các từ viết đúng chính tả.

Lời giải chi tiết:

Từ viết đúng chính tả:

B. giận dữ      

C. giận dỗi     

D. giận hờn

Từ viết sai chính tả là giận giữ.

Đáp án: A.

Câu 7. Trường hợp nào dưới đây viết đúng theo quy tắc viết hoa của tiếng Việt?

A. Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh

B. Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ chí minh

C. Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh  

D. Đội Thiếu Niên Tiền Phong Hồ Chí Minh

Phương pháp giải:

Em nhớ lại quy tắc viết hoa danh từ riêng.

Lời giải chi tiết:

Trường hợp viết đúng theo quy tắc viết hoa của tiếng Việt là Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh.

Đáp án: A.

Câu 8. Tìm từ ghép tổng hợp trong số các từ sau:

A. đường làng

B. đường sá    

C. đường quê 

D. đường thủy

Phương pháp giải:

Em nhớ lại khái niệm từ ghép tổng hợp.

Lời giải chi tiết:

Từ ghép tổng hợp là “đường sá”.

Đáp án: B.

Câu 9. Từ nào sau đây là từ láy?

A. ngẫm nghĩ 

B. ngon ngọt  

C. ngoan ngoãn          

D. ngọc ngà

Phương pháp giải:

Em nhớ lại khái niệm từ láy.

Lời giải chi tiết:

Từ láy: ngoan ngoãn.

Từ ghép: ngẫm nghĩ, ngon ngọt, ngọc ngà.

Đáp án: C.

Câu 10. Từ láy nào dưới đây không cùng nhóm với các từ còn lại?

A. mát mẻ      

B. trong trẻo  

C. lấm tấm     

D. rực rỡ

Phương pháp giải:

Em giải nghĩa các từ láy.

Lời giải chi tiết:

Các từ “mát mẻ, trong trẻo, rực rỡ” đều là từ láy mô tả tính chất, trạng thái hoặc đặc điểm thường liên quan đến cảm giác, màu sắc, hoặc âm thanh.

Từ “lấm tấm” là từ láy mô tả sự phân bố hoặc hình dạng (nhỏ, rải rác).

Từ láy “lấm tấm” không cùng nhóm với các từ còn lại.

Đáp án: C.

Câu 11. Có mấy tính từ trong câu dưới đây? Đó là những từ nào?

“Nó chỉ là một giọt nước nhỏ xíu, hiền lành, trong vắt, trong đến nỗi soi mình vào đó, bạn sẽ thấy được cả vườn cây, con đường, dòng sông, bầu trời mùa thu biếc xanh với những cụm mây trắng bay lững thững.” (Trần Đức Tiến)

A. 5 tính từ: nhỏ xíu, hiền lành, trong vắt, biếc xanh, lững thững.

B. 5 tính từ: nhỏ xíu, hiền lành, trong vắt, trong, biếc xanh.

C. 6 tính từ: nhỏ xíu, hiền lành, trong vắt, biếc xanh, trắng, lững thững.

D. 6 tính từ: nhỏ xíu, hiền lành, trong vắt, trong, biếc xanh, lững thững.

Phương pháp giải:

Em nhớ lại khái niệm tính từ.

Lời giải chi tiết:

Có 6 tính từ trong câu dưới đây. Đó là: nhỏ xíu, hiền lành, trong vắt, biếc xanh, trắng, lững thững.

Đáp án: C.

Câu 12. Có mấy quan hệ từ trong câu “Người Thái rất yêu hoa ban nên ngày Tết, bàn thờ của họ luôn có cành hoa ban để dâng cúng, tỏ lòng thành kính với tổ tiên.”?

A. 3 quan hệ từ          

B. 4 quan hệ từ          

C. 5 quan hệ từ          

D. 6 quan hệ từ

Phương pháp giải:

Em nhớ lại khái niệm về quan hệ từ.

Lời giải chi tiết:

Có 4 quan hệ từ trong câu, đó là “nên, của, để, với”.

Đáp án: B.

Câu 13. Từ nào dưới đây không cùng nhóm với các từ còn lại?

A. hồi hộp      

B. lo lắng       

C. nhút nhát   

D. háo hức

Phương pháp giải:

Em giải nghĩa các từ.

Lời giải chi tiết:

Từ “hồi hộp, lo lắng, nhút nhát” đều miêu tả cảm xúc của con người.

Từ “nhút nhát” miêu tả tính cách của con người.

Từ “nhút nhát” không cùng nhóm với các từ còn lại.

Đáp án: C.

Câu 14. Từ nào sau đây đồng nghĩa với từ “kiên trì”?

A. kiên cường

B. kiên trung  

C. nhẫn nhịn  

D. nhẫn nại

Phương pháp giải:

Em giải nghĩa từ “kiên trì” và các đáp án.

Lời giải chi tiết:

Từ “kiên trì” nghĩa là không thay đổi ý định, ý chí để làm việc gì đó đến cùng, mặc dù gặp khó khăn, trở lực.

Từ “nhẫn nại” đồng nghĩa với từ “kiên trì”

Đáp án: D.

Câu 15. Yếu tố “nhạt” trong hai câu dưới đây thuộc hiện tượng nào của từ?

– “Món canh này nhạt quá!”

– “Bức ảnh đã cũ kĩ, nhạt màu.”

A. đồng nghĩa

B. trái nghĩa   

C. đồng âm    

D. nhiều nghĩa

Phương pháp giải:

Em giải nghĩa từ “nhạt” trong từng trường hợp.

Lời giải chi tiết:

Yếu tố “nhạt” trong hai câu là hiện tượng nhiều nghĩa của từ vì từ “ nhạt” trong câu thứ hai chỉ sự không đậm màu của màu sắc.

Đáp án: D.

Câu 16. Xác định chủ ngữ của câu sau:

“Một buổi sáng nhiều gió, bác Loa Kèn vươn cái tay dài lòng thòng, mướt xanh của mình vuốt vào những chiếc lá của cái cây xấu xí ấy.”

A. một buổi sáng

B. bác Loa Kèn

C. một buổi sáng nhiều gió, bác Loa Kèn

D. bác Loa Kèn vươn cái tay dài lòng thòng, mướt xanh của mình

Phương pháp giải:

Em xác định thành phần câu để tìm chủ ngữ.

Lời giải chi tiết:

Một buổi sáng nhiều gió (TN), bác Loa Kèn (CN) // vươn cái tay dài lòng thòng, mướt xanh của mình vuốt vào những chiếc lá của cái cây xấu xí ấy (VN).

Chủ ngữ của câu là bác Loa Kèn.

Đáp án: B.

Câu 17. Xác định vị ngữ của câu sau:

“Chỉ vài ngày sau đó, cô bé ra ban công với vẻ mặt tươi vui và thì thầm cảm ơn cây Tần Dày Lá.”

A. ra ban công với vẻ mặt tươi vui và thì thầm cảm ơn cây Tần Dày Lá

B. với vẻ mặt tươi vui và thì thầm cảm ơn cây Tần Dày Lá

C. tươi vui và thì thầm cảm ơn cây Tần Dày Lá

D. thì thầm cảm ơn cây Tần Dày Lá

Phương pháp giải:

Em xác định thành phần câu để tìm vị ngữ.

Lời giải chi tiết:

Chỉ vài ngày sau đó (TN), cô bé (CN) // ra ban công với vẻ mặt tươi vui và thì thầm cảm ơn cây Tần Dày Lá (VN).

Vị ngữ của câu là ra ban công với vẻ mặt tươi vui và thì thầm cảm ơn cây Tần Dày Lá.

Đáp án: A.

Câu 18. Trạng ngữ trong câu dưới đây bổ sung ý nghĩa gì cho câu?

“Với sự phát triển nhanh chóng của khoa học và công nghệ, chúng ta không chỉ có rô-bốt làm thay những việc nặng nhọc và nguy hiểm mà còn có rô-bốt giúp việc thường ngày.”

A. nguyên nhân          

B. phương tiện

C. mục đích   

D. nơi chốn

Phương pháp giải:

Em xác định trạng ngữ và nội dung của trạng ngữ ấy.

Lời giải chi tiết:

Trạng ngữ trong câu là “Với sự phát triển nhanh chóng của khoa học và công nghệ” bổ sung ý nghĩa về phương tiện cho câu.

Đáp án: B.

Câu 19. Câu nào dưới đây không cùng kiểu câu kể với các câu còn lại?

A. “Cả khu vườn tí hon lại xôn xao ca ngợi người bạn thân thương Tần Dày Lá.”

B. “Mẹ của cô bé nói rằng chỉ cần chưng lá này với đường phèn cùng vài trái quất là cổ họng cô bé sẽ êm dịu, những cơn ho sẽ không có cơ hội làm cô mất ăn, mất ngủ nữa.”

C. “Buổi mai hôm ấy, mẹ âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp.”

D. “Tần Dày Lá run run khi thấy hai mẹ con cô bé đến bên mình.”

Phương pháp giải:

Em xác định kiểu câu kể của các đáp án.

Lời giải chi tiết:

Câu không cùng kiểu câu kể với các câu còn lại là “Tần Dày Lá run run khi thấy hai mẹ con cô bé đến bên mình.”.

Đáp án: D.

Câu 20. Nêu cấu tạo của vị ngữ trong câu dưới đây:

“Thân cây lộc vừng vững chãi như người lính đứng canh cho một khoảng sân.”

A. tính từ       

B. tính từ và cụm danh từ      

C. cụm tính từ

D. cụm động từ

Phương pháp giải:

Em xác định từ loại của bộ phận vị ngữ.

Lời giải chi tiết:

Vị ngữ trong câu là “vững chãi như người lính đứng canh cho một khoảng sân” được cấu tạo bởi tính từ “vững chãi” kết hợp với cụm “như người lính đứng canh cho một khoảng sân”.

Cấu tạo của vị ngữ là cum tính từ.

Đáp án: C.

Câu 21. Câu nào dưới đây là câu cảm?

A. “A, chữ, chữ cô giáo!”

B. “Sao lại có bông bằng lăng nở muộn thế kia?”

C. “Tôi sẽ trả lời câu hỏi của các bạn sau khi mặt trời lặn nhé!”

D. “Khi quay trở lại trường sau kì nghỉ, các bạn hò reo vui sướng vì phát hiện ra một điều tuyệt vời.”

Phương pháp giải:

Em dựa vào từ ngữ và dấu câu của câu cảm để chọn đáp án đúng.

Lời giải chi tiết:

Câu B là câu nghi vấn, câu C, D là câu kể.

Câu A là câu cảm.

Đáp án: A.

Câu 22. Dấu gạch ngang trong câu dưới đây có tác dụng gì?

“Chị Hồng Nhung – người điệu đà nhất ban công – đang khó chịu vì một cơn gió đẩy mùi hăng hăng của cây Tần Dày Lá về phía mình.”

(Theo Võ Thu Hương)

A. đánh dấu chỗ bắt đầu lời nói của nhân vật trong đối thoại

B. đánh dấu phần chú thích trong câu

C. đánh dấu các ý trong một đoạn liệt kê

D. đánh dấu các bộ phận cùng chức vụ trong câu

Phương pháp giải:

Em xác định vị trí và nhớ lại tác dụng của dấu gạch ngang.

Lời giải chi tiết:

Dấu gạch ngang trong câu có tác dụng đánh dấu phần chú thích trong câu.

Đáp án: B.

Câu 23. Tác giả Trần Đăng Khoa đã sử dụng biện pháp nghệ thuật nào trong đoạn thơ sau?

“Trăng ơi, từ đâu đến?

Hay từ một sân chơi

Trăng bay như quả bóng

Bạn nào đá lên trời.”

A. so sánh      

B. nhân hóa

C. so sánh và nhân hóa          

D. không sử dụng biện pháp nghệ thuật

Phương pháp giải:

Em giải nghĩa từ “bay” trong từng trường hợp.

Lời giải chi tiết:

Tác giả Trần Đăng Khoa đã sử dụng biện pháp nghệ thuật so sánh và nhân hóa trong đoạn thơ trên.

Hình ảnh so sánh là “Trăng bay như quả bóng”. Biện pháp nhân hoá thể hiện ở từ “bay” vì Trăng không biết bay.

Đáp án: C.

Câu 24. Hình ảnh nhân hóa trong câu thơ dưới đây có tác dụng gì?

“Mặt trời xuống biển như hòn lửa

Sóng đã cài then, đêm sập cửa.”

(Huy Cận)

A. gợi tả vẻ đẹp rực rỡ, huy hoàng của cảnh hoàng hôn trên biển

B. gợi tả vẻ sinh động của sóng biển và màn đêm

C. gợi tả vẻ đẹp rực rỡ, huy hoàng của cảnh bình minh trên biển

D. gợi tả vẻ đẹp rực rỡ của mặt trời và sự sinh động của biển khơi lúc hoàng hôn

Phương pháp giải:

Em dựa vào nội dung của hai câu thơ để nêu tác dụng của hình ảnh nhân hoá.

Lời giải chi tiết:

Hình ảnh nhân hóa trong câu thơ có tác dụng gợi tả vẻ sinh động của sóng biển và màn đêm.

Đáp án: B.

Câu 25. Tác giả Nguyễn Đình Ảnh đã sử dụng những giác quan nào để quan sát và miêu tả cảnh vật trong đoạn thơ dưới đây?

“Vạt áo chàm thấp thoáng

Nhuộm xanh cả nắng chiều

Và gió thổi, suối reo

Ấm giữa rừng sương giá.”

A. thị giác, thính giác, xúc giác         

B. thị giác, thính giác

C. thị giác, xúc giác   

D. thị giác, thính giác, cảm giác

Phương pháp giải:

Em kể các giác quan thông qua nội dung từng câu thơ.

Lời giải chi tiết:

Tác giả Nguyễn Đình Ảnh đã sử dụng thị giác, thính giác, xúc giác để quan sát và miêu tả cảnh vật trong đoạn thơ.

Đáp án: A.

PHẦN II – TỰ LUẬN

Bài 1. Đọc đoạn trích dưới đây và thực hiện các yêu cầu:

“(1) Ngày xửa ngày xưa, ở xứ Mường Bi xuất hiện một đôi vợ chồng cao lớn khác thường. (2) Họ đứng cao hơn năm lần đỉnh núi cao nhất. (3) Người Mường gọi họ là ông Đùng, bà Đùng. […] (4) Hồi ấy, đất thì cao thấp, lồi lõm. (5) Cây cối hoang dại mọc chằng chịt. (6) Nước thì chảy từ lòng đất, ngập lênh láng khắp nơi. (7) Thấy vậy, ông Đùng, bà Đùng liền ra tay. (8) Chỉ một ngày, ông bà đã nhổ cây, san đất, làm thành cánh đồng bằng phẳng, rộng rãi để lấy chỗ cho dân ở và cày cấy.”

(Trích “Sự tích ông Đùng, bà Đùng”)

a. Tìm đại từ ở câu văn số (3): “Người Mường gọi họ là ông Đùng, bà Đùng.” và cho biết nó được dùng để thay thế cho từ ngữ nào trong đoạn trích.

b. Tìm trong đoạn trích trên các từ ghép tổng hợp là tính từ.

c. Xác định trạng ngữ, chủ ngữ và vị ngữ của câu văn số (8): “Chỉ một ngày, ông bà đã nhổ cây, san đất, làm thành cánh đồng bằng phẳng, rộng rãi để lấy chỗ cho dân ở và cày cấy.”. Cho biết câu đó có mấy vị ngữ nhỏ.

Phương pháp giải:

a. Em nhớ lại khái niệm về đại từ và tìm từ ngữ được thay thế ở câu (1).

b. Em nhớ lại khái niệm về từ ghép tổng hợp rồi xác định từ loại đề bài yêu cầu.

c. Em nhớ lại cách phân tích thành phần câu.

Lời giải chi tiết:

a. Đại từ ở câu văn số (3): “họ”

- Đại từ “họ” dùng để thay thế “một đôi vợ chồng cao lớn khác thường”.

b. Các từ ghép tổng hợp là tính từ: cao lớn, cao thấp, lồi lõm, hoang dại, bằng phẳng.

c. Chỉ một ngày, ông bà đã nhổ cây, san đất, làm thành cánh đồng bằng

Bài 2. Trong bài “Quê hương”, tác giả Nguyễn Đình Huân có viết:

“Quê hương là cánh đồng vàng

Hương thơm lúa chín mênh mang trời chiều

Quê hương là dáng mẹ yêu

Áo nâu nón lá liêu xiêu đi về."

Bằng việc nêu tác dụng của biện pháp so sánh, hãy nêu cảm nhận của em về hình ảnh quê hương trong đoạn thơ trên. (Trình bày bằng một đoạn văn từ 5 đến 7 câu.)

Phương pháp giải:

Em xác định nội dung và hình thức của đoạn văn cần viết.

Lời giải chi tiết:

Gợi ý:

- Học sinh cần nêu được tác dụng của biện pháp so sánh để làm nổi bật nội dung của bốn câu thơ

- Tác giả so sánh quê hương với những hình ảnh vừa quen thuộc, gần gũi nhưng đầy ý nghĩa và

thiêng liêng.

+ Quê hương được liên tưởng đến cánh đồng lúa chín vàng với hương thơm mát

=> Gợi lên một vùng quê vừa thanh bình, trù phú nhưng rất đỗi thân quen.

+ Nhắc đến quê hương, còn gợi nhớ đến " dáng mẹ yêu" tần tảo, sớm hôm vất vả nuôi con khôn lớn.

=> Tình cảm thiêng liêng, cao quý

=> Từ đó , ta thấy được tình yêu quê hương sâu sắc và nỗi nhớ da diết của tác giả khi phải xa nơi mình đã sinh ra và lớn lên.

Đoạn văn tham khảo:

Trong đoạn thơ trích từ bài “Quê hương” của Nguyễn Đình Huân, biện pháp so sánh được sử dụng tài tình để khắc họa hình ảnh quê hương vừa gần gũi, thân thương vừa thiêng liêng, sâu sắc. Tác giả so sánh quê hương với “cánh đồng vàng” với hương lúa chín thơm ngát gợi lên một vùng quê thanh bình, trù phú, nơi những vụ mùa no đủ thấm đẫm mồ hôi và tình yêu đất đai. Hình ảnh “dáng mẹ yêu” với “áo nâu nón lá liêu xiêu đi về” được ví như biểu tượng của quê hương, toát lên vẻ tần tảo, hy sinh thầm lặng, nuôi dưỡng con cái khôn lớn. Qua đó, biện pháp so sánh không chỉ làm nổi bật vẻ đẹp giản dị, thân quen của quê hương mà còn khơi gợi tình cảm thiêng liêng, sâu đậm trong lòng người đọc. Đoạn thơ thể hiện tình yêu quê hương nồng nàn và nỗi nhớ da diết của tác giả khi xa cách chốn quê. Những hình ảnh này như một bức tranh sống động, mãi in sâu trong tâm hồn mỗi người con xa xứ.


Bình chọn:
4.9 trên 7 phiếu

Tham Gia Group Dành Cho 2K14 Chia Sẻ, Trao Đổi Tài Liệu Miễn Phí