Đề thi học kì 2 Văn 12 Kết nối tri thức - Đề số 3
Học sinh đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi kế tiếp: 10.4.72 (Nghi Lộc – Nghệ An)
Đề thi
I. ĐỌC HIỂU (4đ)
Học sinh đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi kế tiếp
10.4.72
(Nghi Lộc – Nghệ An)
[…] D. tập trung nghe chiến thắng của miền Nam, ta đã chiếm hoàn toàn cảng Cửa Việt – Và vùng đồng bằng Sông Cửu Long đang ào ào khí thế nổi dậy của hàng chục vạn đồng bào. Lúc ấy, mình ao ước được đến thẳng chiến trường, đến giữa chiến trường mà tận mắt thấy cảnh tượng hào hùng ấy. Hay ít ra, được đến gần, rất gần chiến trường được đến Quảng Bình chẳng hạn - ở đó địch đang bắn phá mình dân cư cũng phải sơ tán về Hà Nội – và cũng ở đó đang thắng lớn có ngày bắn rơi mười mấy bay, có chiếc B.52… “cầu được, ước thấy” – Vừa ao ước thế, vừa buồn vì mình đang ngồi ở đây, dưới trời mưa thanh thản, rồi sắp lên tàu Mỏ Trạng, Yên Thế diễn tập. Nhưng ra ga, thì lính òa lên phấn khởi, đầu tàu hướng về Hà Nội – “Đi” rồi! Thế là nhất định vào trong ấy. Vội vàng viết thư – Tàu qua Cửa Nam những cánh thư trắng bay ào ạt xuống đường gửi hộ nhé, gửi hộ nhé – Báo cho những người thân chúng tôi rằng, chúng tôi đã xa Hà Nội lúc ấy là 12 giờ trưa 9.4.72.
Biết bao nhiêu lần hành quân, nhưng chẳng lần nào xúc động như chuyến tàu này cả - Chuyến tàu đi đúng con đường dành cho nó – Vào Nam. Ở đó, chiến trường đang cần đến những cánh tay khỏe mạnh đang thò ra cửa sổ toa tàu mà vẫy gọi khách qua đường – Phải, lúc mà một anh bộ đội gặp được người nhà trên sân ga hay dọc theo đường sắt – Thì đó không phải chỉ một mình anh xúc động và vui sướng. Mà đó là niềm vui và nỗi xúc động của tất cả đoàn tàu. Con đi mẹ nhé! Đi nhé! Đi nhé! Những cô gái cũng hết cả rụt rè cũng giơ cả hai tay lên vẫy, vẫy mãi… rồi tinh nghịch lấy ngón tay nhỏ xíu chỏ lên đầu nhắc anh bộ đội hãy giữ gìn cuộc sống của mình. Ừ, chết làm sao được cơ chứ, đùa một chút cho vui. Ai cũng bị lây cái không khí rạo rực khí thế lên đường ấy, cả những em bé vừa đứng vững dấu mặt sau những hàng rào xi măng mà vẫy. Y cứ xuýt xoa mãi vì ngồi bên cửa sổ, nó nghe rành rọt tiếng một đứa bé chỉ 5,6 tuổi ở ga Phủ Lý. Các chú đánh xong giặc Mỹ mà về nhé! – Đấy tiếng nói của trẻ thơ, là ước muốn day dứt của hàng triệu, hàng triệu người trên trái đất.
Ta đi theo tiếng gọi của miền Nam, và cả sự thôi thúc của miền Bắc đang khôi phục – Một nhà ga Ninh Bình vừa dựng bên núi đá, một dòng sông Đáy xanh lững lờ trôi vào bài thơ trữ tình ngọt lịm của Tố Hữu, một chùa Non Nước còn âm vang chiến công của tổ ba người Giáp Văn Khương… Tất cả đang giục giã anh chiến sĩ, hãy đi đi, hãy đi – và chiến thắng.
( Nguồn Nguyễn Văn Thạc, Mãi mãi tuổi hai mươi, NXB Thanh niên, 2005, Tr189 -190)
Câu 1. Sự kiện gì được đề cập đến trong văn bản?
Câu 2. Tìm câu văn có sử dụng ngôn ngữ thân mật và câu văn có sử dụng ngôn ngữ trang trọng
Câu 3. Trong văn bản, hình ảnh những người lính trẻ với trái tim đầy nhiệt huyết, khí thế rạo rực trong buổi lên đường gợi cho em tình cảm, cảm xúc gì về họ?
Câu 4. Phân tích tác dụng của yếu tố phi hư cấu trong văn bản trên.
Câu 5. Ta đi theo tiếng gọi của miền Nam, và cả sự thôi thúc của miền Bắc đang khôi phục. Câu văn trên cho em nhận thức gì về hiện thực đất nước và lẽ sống của những người lính trong hoàn cảnh lúc bấy giờ?
II. LÀM VĂN (6,0 điểm)
Câu 1. Viết đoạn văn nghị luận khoảng 200 chữ so sánh cảm xúc tâm trạng của chủ thể trần thuật (người kể chuyện) qua hai đoạn trích sau:
(1)… 23/4/1968
[…] Một ngày mệt nhọc vô cùng. Ba ca thương nặng vào một lúc. Suốt một ngày bên bàn mổ đầu óc căng thẳng vì những vết thương, tiếng khóc xé ruột xé lòng của chú Công (cha Hường) và những tin buồn dồn dập. Dường như đã bị bắt sống trên đường đi công tác. Cậu bé sôi nổi nhiệt tình ấy không hiểu có chịu nổi những đòn tra tấn của quân thù hay không. Thương Đường vô tận. Lá thư viết gửi Đường vậy là chưa đến nơi. Người cầm thư đã chết còn người nhận thư thì bị bắt!!!
(Nguồn Nhật kí Đặng Thùy Trâm, NXB Hội nhà văn, 2005, Tr41)
(2) 10.4.72
[…] D. tập trung nghe chiến thắng của miền Nam, ta đã chiếm hoàn toàn cảng Cửa Việt – Và vùng đồng bằng Sông Cửu Long đang ào ào khí thế nổi dậy của hàng chục vạn đồng bào. Lúc ấy, mình ao ước được đến thẳng chiến trường, đến giữa chiến trường mà tận mắt thấy cảnh tượng hào hùng ấy. Hay ít ra, được đến gần, rất gần chiến trường được đến Quảng Bình chẳng hạn - ở đó địch đang bắn phá mình dân cư cũng phải sơ tán về Hà Nội – và cũng ở đó đang thắng lớn có ngày bắn rơi mười mấy bay, có chiếc B.52… “cầu được, ước thấy” – Vừa ao ước thế, vừa buồn vì mình đang ngồi ở đây, dưới trời mưa thanh thản, rồi sắp lên tàu Mỏ Trạng, Yên Thế diễn tập. Nhưng ra ga, thì lính òa lên phấn khởi, đầu tàu hướng về Hà Nội – “Đi” rồi! Thế là nhất định vào trong ấy.
(Nguồn Nguyễn Văn Thạc, Mãi mãi tuổi hai mươi, NXB Thanh niên, 2005,tr189)
Câu 2. Từ nội dung phần Đọc hiểu, anh/ chị hãy viết bài nghị luận xã hội tối thiểu 500 chữ bàn về: Tuổi trẻ ngày nay cần phải làm gì để thể hiện ý thức, trách nhiệm đối với đất nước
Đáp án
Câu 1.
Phương pháp giải:
Đọc kĩ văn bản
Lời giải chi tiết:
Sự kiện chiến thắng của miền Nam, quân ta đã chiếm hoàn toàn cảng Cửa Việt
Câu 2
Phương pháp giải:
Đọc kĩ văn bản
Vận dụng kiến thức về ngôn ngữ thân mật và ngôn ngữ trang trọng
Lời giải chi tiết:
Gợi ý:
- Ngôn ngữ thân mật: Ừ, chết làm sao được cơ chứ, đùa một chút cho vui
- Ngôn ngữ trang trọng: D. tập trung nghe chiến thắng của miền Nam, ta đã chiếm hoàn toàn cảng Cửa Việt – Và vùng đồng bằng Sông Cửu Long đang ào ào khí thế nổi dậy của hàng chục vạn đồng bào.
Câu 3.
Phương pháp giải:
Đọc kĩ văn bản, chú ý hình ảnh khắc họa người lính trẻ trong buổi lên đường
Nêu suy nghĩ, tình cảm của bản thân
Lời giải chi tiết:
- Người lính trẻ trong buổi lên đường được khắc họa: “chẳng lần nào xúc động như chuyến tàu này cả”, “Thì đó không phải chỉ một mình anh xúc động và vui sướng. Mà đó là niềm vui và nỗi xúc động của tất cả đoàn tàu.”, “Ai cũng bị lây cái không khí rạo rực khí thế lên đường ấy”
- Tình cảm, cảm xúc về họ:
+ Yêu mến, xúc động, tự hào
Câu 4
Phương pháp giải:
Liệt kê yếu tố phi hư cấu trong văn bản và phân tích tác dụng
Lời giải chi tiết:
- Yếu tố phi hư cấu trong văn bản:
+ 10.4.72
(Nghi Lộc – Nghệ An)
D. tập trung nghe chiến thắng của miền Nam, ta đã chiếm hoàn toàn cảng Cửa Việt – Và vùng đồng bằng Sông Cửu Long đang ào ào khí thế nổi dậy của hàng chục vạn đồng bào.
+ Báo cho những người thân chúng tôi rằng, chúng tôi đã xa Hà Nội lúc ấy là 12 giờ trưa 9.4.72.
+ Một nhà ga Ninh Bình vừa dựng bên núi đá, một dòng sông Đáy xanh lững lờ trôi vào bài thơ trữ tình ngọt lịm của Tố Hữu, một chùa Non Nước còn âm vang chiến công của tổ ba người Giáp Văn Khương…
- Ý nghĩa của việc sử dụng tính phi hư cấu:
+ Câu chuyện trở nên chân thực, gần gũi
+ Bảo đảm tính xác thực trong việc ghi chép những sự kiện, nhân vật của tác giả
Câu 5
Phương pháp giải:
Đọc kĩ văn bản
Liên hệ với hoàn cảnh đất nước lúc bấy giờ (miền Nam đang trong quá trình đấu tranh thoát khỏi ách thống trị của kẻ thù, đồng thời miền Bắc đang trong quá trình xây dựng sau khi kết thúc chiến tranh)
Lời giải chi tiết:
Câu nói tuyên bố mục đích và động lực của việc tham gia cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc
Nhấn mạnh tầm quan trọng của tình yêu quê hương, lòng trung thành với Tổ quốc và tinh thần đoàn kết dân tộc trong bối cảnh khó khăn và thử thách
Nó cũng gợi lên hình ảnh về sự hi sinh và cống hiến của những người lính nói riêng và toàn thể nhân dân Việt Nam nói chung trong công cuộc đấu tranh giành độc lập cho đất nước
II. VIẾT (6,0 điểm)
Câu 1.
Phương pháp giải:
Đọc kĩ văn bản
Chú ý các chi tiết xây dựng nhân vật để phân tích nghệ thuật xây dựng nhân vật và phong cách sáng tác
Lời giải chi tiết:
* Giống nhau:
+ Đều sáng tác trong hoàn cảnh đất nước chiến tranh, qua góc nhìn của thế hệ thanh niên
+ Đều thể hiện tinh thần nhiệt huyết, tinh thần sôi sục của tuổi trẻ muốn cống hiến cho đất nước
+ Hai tác phẩm đều là biểu tượng của tinh thần yêu nước, sự hy sinh và lòng kiên cường của thế hệ trẻ Việt Nam trong chiến tranh
* Khác nhau
- "Nhật ký Đặng Thùy Trâm":
+ "Nhật ký Đặng Thùy Trâm" được viết trong bối cảnh chiến tranh Việt Nam, khi tác giả Đặng Thùy Trâm là một bác sĩ trẻ, đối mặt với những khó khăn và hiểm nguy nơi chiến trường. Tâm trạng của tác giả trong đoạn văn được thể hiện qua từng trang nhật ký, đầy lòng quyết tâm, hy sinh và tinh thần lạc quan dù trong hoàn cảnh khắc nghiệt.
+ Đoạn văn sử dụng giọng văn trang trọng, mang đậm tinh thần chiến đấu và cống hiến. Đặng Thùy Trâm kể về công việc, những khó khăn hàng ngày tại chiến trường.
+ Thể hiện lòng xót xa, nỗi đồng cảm của nữ y sĩ Đặng Thùy Trâm đến những người lính trực tiếp tham gia cuộc chiến
- “Mãi mãi tuổi hai mươi”
+ Giọng điệu, tình cảm bao trùm toàn bộ văn bản là giọng điệu hân hoan, háo hức, bâng khuâng, trăn trở của một người lính trẻ.
- Giọng điệu này được tạo nên bởi:
+ Lời độc thoại nội tâm với rất nhiều những trăn trở, tự vấn
+ Hình thức câu văn nghi vấn và cảm thán xuất hiện với một tần suất dày đặc trong suốt văn bản
+ Điểm nhìn trần thuật bên trong, cho phép soi tỏ những suy tư, thậm chí cảm giác thoáng qua của người trần thuật.
Câu 2.
Phương pháp giải:
Xác định yêu cầu về hình thức và nội dung bài văn
Vận dụng kĩ năng viết bài văn nghị luận về một vấn đề xã hội
Lời giải chi tiết:
1. Mở đoạn
Giới thiệu và dẫn dắt vào vấn đề cần nghị luận: trách nhiệm của thế hệ trẻ hôm nay trước đất nước dân tộc.
2. Thân đoạn
a. Giải thích
- Trách nhiệm của thế hệ trẻ hôm nay trước đất nước dân tộc: trách nhiệm giữ gìn nền độc lập, tích cực xây dựng nước nhà ngày càng vững mạnh. Bên cạnh đó còn là ý thức học tập, rèn luyện bản thân, cống hiến, giúp ích cho nước nhà.
b. Phân tích
- Trách nhiệm của thế hệ trẻ hôm nay trước đất nước dân tộc:
+ Nỗ lực học tập, trau dồi bản thân, rèn luyện đạo đức, sống có ước mơ, hoài bão, mục tiêu và cố gắng vươn lên.
+ Tích cực tham gia vào các hoạt động công ích, các hoạt động tình nguyện, sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ người khác.
+ Sống có tinh thần tập thể, đi theo cái hay, cái đúng, bỏ qua cái tôi vì lợi ích chung của cộng đồng.
- Ý nghĩa của trách nhiệm:
+ Trách nhiệm của công dân đối với tổ quốc là nền tảng của đoàn kết, khi tất cả con người đoàn kết lại với nhau thì đất nước ngày càng vững mạnh hơn.
+ Sự cống hiến sẽ giúp con người đẩy xa cái tôi cá nhân, sự ích kỉ, nhỏ nhen của mình để từ đó hướng tới những điều tốt đẹp hơn.
+ Người sống có trách nhiệm với tổ quốc sẽ là người có tình yêu thương, tính tự giác cao, từ đó làm cho cuộc sống của mình ngày càng phát triển theo hướng tốt hơn.
c. Liên hệ bản thân
+ Là một học sinh trước hết chúng ta cần học tập thật tốt, nghe lời ông bà cha mẹ, lễ phép với thầy cô. Có nhận thức đúng đắn về việc giữ gìn và bảo vệ tổ quốc. Luôn biết yêu thương và giúp đỡ những người xung quanh,…
3. Kết đoạn
+ Khái quát lại vấn đề nghị luận: trách nhiệm của thế hệ trẻ hôm nay trước đất nước dân tộc và rút ra bài học cho bản thân.


Luyện Bài Tập Trắc nghiệm Văn 12 - Kết nối tri thức - Xem ngay
>> Lộ Trình Sun 2025 - 3IN1 - 1 lộ trình ôn 3 kì thi (Luyện thi TN THPT & ĐGNL; ĐGTD - Click xem ngay) tại Tuyensinh247.com. Đầy đủ theo 3 đầu sách, Thầy Cô giáo giỏi, 3 bước chi tiết: Nền tảng lớp 12; Luyện thi chuyên sâu; Luyện đề đủ dạng đáp ứng mọi kì thi.
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |