Đề thi học kì 2 Văn 12 Kết nối tri thức - Đề số 1>
Học sinh đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi kế tiếp: TỆ THAM NHŨNG TRONG BỘ MÁY CAI TRỊ (Bản án chế độ thực dân Pháp, Nguyễn Ái Quốc)
Đề thi
I. ĐỌC HIỂU (4đ)
Học sinh đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi kế tiếp
TỆ THAM NHŨNG TRONG BỘ MÁY CAI TRỊ
(Bản án chế độ thực dân Pháp, Nguyễn Ái Quốc)
(1) Ngân sách Nam Kì chẳng hạn, năm 1911 là 5.561.680 đồng (12.791.000 phrăng); năm 1912 là 7.321.817 đồng (16.840.000 phrăng). Năm 1922, ngân sách đó lên tới 12.821.325 đồng (96.169.000 phrăng). Một con tính đơn giản cho chúng ta thấy giữa hai năm 1911 và 1922, trong ngân sách của thuộc địa này có một sự chênh lệch là 83.369.000 phrăng. Số tiền đó chạy vào đâu? Tất nhiên là vào các khoản chi về nhân sự, vì các khoản này ngốn gần hết 100% tổng số thu.
Hết hành vi điên rồ này đến hành vi điên rồ khác đã phung phí đồng tiền mà người dân An Nam khốn khổ đã phải đổ mồ hôi nước mắt mới kiếm được. Chúng tôi chưa biết đích xác số tiền chi tiêu cho vua An Nam sang ngao du bên Pháp, chỉ biết rằng, để đợi ngày lành cho con Rồng tre xuống tàu, người ta đã phải bồi thường cho tàu Poóc-tốt-xơ trong bốn ngày chờ đợi, mỗi ngày 100.000
phrăng (tức là 400.000 phrăng tất cả). Tiền tàu hết 400.000 phrăng. Tiền chiêu đãi hết 240.000 phrăng (chưa kể tiền lương trả cho bọn mật vụ để theo dõi người An Nam ở Pháp), 77.600 phrăng trả tiền ăn ở tại Mác-xây cho lính khố xanh dùng để “bồng súng chào” Cụ lớn và Hoàng thượng.
Vì nói đến Mác-xây, nên nhân tiện cũng thử xem cuộc triển lãm thuộc địa ở đây đã tốn phí bao nhiêu. Trước hết, ngoài bọn có thế lực ở chính quốc ra, người ta còn cho mời ba chục viên chức cao cấp ở các thuộc địa về; bọn này phè phỡn ở
đường phố Cannơbie mà vẫn được lĩnh phụ cấp cả ở triển lãm lẫn ở thuộc địa. Riêng Đông Dương phải bỏ ra 12 triệu cho cuộc triển lãm này. Và các bạn có biết người ta đã chi tiêu số tiền đó như thế nào không? Một ví dụ: việc dựng lại cái mô hình nổi tiếng của các cung điện Ăngco đã tốn 3.000 mét khối gỗ, giá 400 hoặc 500 phrăng một mét khối. Tức là: từ 1 triệu 200 nghìn đến 1 triệu 500 nghìn phrăng!
Còn nhiều ví dụ khác về sự phung phí nữa. Trong việc đi lại của quan toàn quyền, xe hơi và xe luých vẫn chưa đủ, còn phải có một toa xe lửa đặc biệt nữa kia; việc sửa sang toa xe đó tốn cho ngân khố 125.250 phrăng.
Trong vòng mười một tháng hoạt động, nha kinh tế đã làm hao phí công quỹ Đông Dương một số tiền 464.000 phrăng.
Tại trường thuộc địa, nơi “chế tạo” ra những nhà khai hoá tương lai, 44 giáo
sư đủ các loại được đài thọ để dạy từ 30 đến 35 học viên. Lại phải tốn hàng nghìn phrăng nữa.
Công việc thanh tra thường xuyên các công trình phòng thủ thuộc địa hằng năm tốn cho ngân sách 785.168 phrăng. Thế nhưng các ngài thanh tra thì không bao giờ rời khỏi Pari và đối với các thuộc địa thì các ngài cũng không hiểu biết gì hơn là hiểu biết ông trăng già!
Nếu chúng ta đến các thuộc địa khác, thì ở đâu chúng ta cũng thấy một tình trạng tệ lậu như vậy. Để đón tiếp một phái đoàn “kinh tế” không chính thức, ngân khố Mác-ti-ních “nhẹ bỗng đi mất 400.000 phrăng. Trong vòng 10 năm, ngân sách Marốc từ 17 triệu lên 290 triệu phrăng, mặc dầu người ta đã giảm 30% các khoản chi tiêu cho lợi ích địa phương, tức là những khoản chi tiêu có thể có lợi cho nhân dân bản xứ!
(2) Một cựu nghị sĩ đi thăm thuộc địa về, đã phải kêu lên: “So với bọn viên chức thuộc địa thì những tên cướp đường còn là những người lương thiện!”. Mặc dù đồng lương rất hậu (một nhân viên Pháp mới bổ dụng, dù có dốt đặc đi nữa, lương ít nhất cũng 200 đồng = 2.000 phrăng mỗi tháng), nhưng các ngài viên chức ấy vẫn không bao giờ thoả mãn, họ muốn kiếm chác nhiều hơn, bằng đủ cách.
Học bổng thì cấp cho các cậu ấm con các quan công sứ, hoặc các quan cai trị
tại chức mà lương được coi như quá thấp (từ 4 vạn đến 10 vạn phrăng).
Có thể nói một số phiên họp của hội đồng quản hạt chỉ là để bàn việc cướp giật công quỹ một cách có phương pháp. Riêng một ông chủ tịch nào đó của hội đồng đã được lãnh thầu những công việc trị giá hai triệu phrăng rồi. Ông đồng lí sự vụ nọ, đại diện của chính phủ trong hội đồng, đã xin tăng lương mình lên gấp
đôi và đã được chấp thuận.
Kho bạc có vơi đi chút ít thì đã có những quý quan làm cho nó đầy lại một cách nhanh chóng. Với quyền hành sẵn có, họ sức cho dân bản xứ biết nhà nước cần một khoản tiền bao nhiêu đó, rồi họ phân bổ cho các làng phải đóng góp. Và các làng lo vội vàng tuân lệnh để khỏi bị trừng phạt ngay lập tức.
Khi một viên khâm sứ cần thanh toán một khoản tiền gì đó thì ngài phát hành các bằng sắc để bán. Người ta kể lại ở một tỉnh nọ, một vụ kinh doanh kiểu ấy đã thu được tới 10.620 phrăng. Mà những vụ như thế không phải hiếm.
Một trong những quan khâm sứ của chúng ta, vì tiêu hết trước hạn mấy tháng tất cả kinh phí cho chiếc xà-lúp đã bắt công quỹ hoàn lại cho ngài các khoản chi phí về một cuộc lễ tiết nào đó không ai biết rõ, nhưng nói rằng nhà vua đã được mời ngự trên xà-lúp. Các tay chào hàng cho văn minh và dân chủ quả thật thông thạo về cái ngón xoay xở kiểu D.
(3) Một cựu toàn quyền Đông Dương, một hôm đã thú nhận rằng thuộc địa này đầy rẫy những viên chức ăn hại ngân sách mà thường chẳng được tích sự gì cả.
Một người thực dân viết: quá nửa số viên chức ấy, từ các quan đầu tỉnh đến các quan chức khác, đều không đủ tư cách cần thiết của những con người được giao phó những quyền hạn rộng rãi và ghê gớm như thế.
Tất cả bọn chúng chỉ có mỗi cái tài là phung phí công quỹ, còn người An Nam
khốn khổ thì cứ nai lưng đóng góp, đóng góp mãi. Họ đóng góp không những để trả lương cho những viên chức giữ những chức vụ vô dụng, mà còn để trả lương cho cả những viên chức không có chức vụ gì cả! Năm 19..., 250.000 phrăng đã tan biến đi như thế.
Một chiến hạm đã được dành riêng cho sự đi lại của một cụ lớn. Việc sửa sang chiếc chiến hạm đã tốn 250.000 phrăng, ấy là chưa kể những khoản “chi phí linh tinh” mà Đông Dương phải đài thọ cho mỗi chuyến đi là trên 80.000 phrăng.
Quan toàn quyền chưa vừa ý với những lâu đài tráng lệ mà ngài ở tại Sài Gòn và Hà Nội, còn phải cần thêm cho ngài một biệt thự ở bãi biển nữa. Ngân sách Đông Dương lại phải “è lưng ra gánh”
Năm 19... một tay nước ngoài tai to mặt lớn nào đó ghé qua Sài Gòn, đã được viên thống đốc đón tiếp một cách đế vương. Bốn ngày liền ăn chơi phè phỡn thả cửa, yến tiệc, rượu chè lu bù, rốt cuộc xứ Nam Kì tội nghiệp phải tính sổ trả 75.000 phrǎng.
Các quan cai trị đều là những ông vua con. Họ muốn xung quanh mình cái gì cũng xa hoa tráng lệ, và nói rằng, có thế mới nâng cao được uy tín của họ đối với người bản xứ.
Một viên công sứ nọ đã lập cả một đội kỵ mã cận vệ và không bao giờ hắn
đi đâu mà không có đội ấy theo hầu. Ở tất cả các toà sứ đều có từ 6 đến 11 con ngựa và 5, 6 cỗ xe sang trọng đủ kiểu: độc mã, song mã, tứ mã, v.v.. Ngoài những phương; tiện đi lại đã quá thừa ấy, còn thêm những xe hơi mĩ lệ, tổn cho công quỹ hàng vạn đồng. Một viên quan cai trị nọ còn có cả một tàu ngựa đua.
Tiền nhà cửa, bàn ghế, điện nước của các vị đó đều do công quỹ dài thọ cả. Ngoài ra, những người đánh xe, lái xe, giữ ngựa, làm vườn, tóm lại, tất cả những kẻ hậu người hạ của họ cũng đều do nhà nước trả tiền công.
Thậm chí những cuộc giải trí về văn chương của những người tốt số ấy cũng lại do nhà nước trang trải. Một viên quan cai trị đã ghi vào ngân sách 900 đồng tiền sưởi ấm, và 1.700 đồng mua báo chí! Một vị khác đã dùng mánh lới kế toán khoản vật liệu tu bổ toà sứ, hoặc những khoản tương tự như thế để bắt ngân sách để biến tiền mua sắm áo khoác ngoài, đàn dương cầm, đồ trang sức thành những nhà nước phải chịu.
(Tổng tập Văn học Việt Nam, tập 38, NXB Khoa học xã hội, 2000)
(1) La Cannebière: Tên một đường phố đông đúc ở Mác-xây.
(2) Nguyên văn: “Un Tartempion de marqué étranger”, “Tartempion” là một danh từ riêng đặt ra dùng để chỉ một anh chàng cha căng chú kiết nào đó.
Câu 1. Luận đề của văn bản có được thể hiện ở nhan đề không? Nhận xét mức độ phù hợp giữa nội dung của văn bản với nhan đề. (0.5 điểm)
Câu 2. Tóm lược nội dung từng phần của văn bản (theo số thứ tự) và nêu mối quan hệ giữa các phần. (0.5 điểm)
Câu 3. Nhận xét cách triển khai luận điểm 1 (sử dụng bằng chứng và thao tác lập luận). Từ đó cho thấy mục đích và vai trò của luận điểm đối với luận đề. (1.0 điểm)
Câu 4. Những căn cứ nào làm cơ sở để tác giả khẳng định bọn viên chức trong bộ máy cai trị là một đội quân bất lương, bất tài? Dẫn ra một số câu văn, yếu tố
thể hiện rõ tính khẳng định, phủ định trong lập luận của tác giả. (1.0 điểm)
Câu 5. Nhận xét cách lập luận và sử dụng ngôn ngữ trong luận điểm số 3 và ngôn ngữ, giọng điệu trong toàn văn bản Tệ tham nhũng trong bộ máy cai trị. (1.0 điểm)
II. LÀM VĂN (6,0 điểm)
Câu 1. Xác định mục đích của văn bản đọc hiểu trên. Từ đó cho biết: Vấn đề tác giả nêu lên trong văn bản có ý nghĩa như thế nào đối với xã hội ngày nay? (Trả lời bằng đoạn văn 200 chữ) (2.0 điểm)
Câu 2.
Đọc ngữ liệu sau và viết bài luận (600 chữ) thể hiện suy nghĩ của em về hiện tượng nghèo nhưng phải “sang chảnh” trong thanh niên hiện nay.
Nghèo nhưng phải “sang chảnh”
“Nghèo nhưng phải sang chảnh”, cụm từ nghe có vẻ mâu thuẫn nhưng thực chất đây là một lối sống khá phổ biến hiện nay của giới trẻ. “Nghèo sang chảnh
hay còn được hiểu là lối sống chạy theo vật chất, chi tiêu và đòi hỏi những thứ quá khả năng của bản thân.
Nhiều người trẻ hiện đại cho biết họ sẵn sàng mua những món đồ hiệu đắt
tiền, mĩ phẩm cao cấp, điện thoại đồ xa xỉ. trong khi những thứ đồ đó vượt qua
thu nhập hàng tháng. Đối với họ, việc đó “đáng” đánh đổi để có được những lời
tán thưởng, sự ghen tị của người ngoài hay đơn giản chỉ là vỏ bọc bên ngoài.
Chuyển lên sinh sống và học tập tại Hà Nội từ năm lớp 11, T.M.Q (26 tuổi,
sống tại quận Hoàng Mai, Hà Nội) từng có những tháng ngày “hết mình” trước
khi trở thành một con người điềm đạm như hiện tại. Rời xa vòng tay gia đình
trong độ tuổi còn “nông nổi”, chàng trai trẻ đã không thể tránh khỏi vòng xoáy
“đua đòi” từ bạn bè.
“Khi học hết cấp 3 và bước chân vào cánh cổng đại học, mình đã “hưởng thụ cuộc sống một cách “hết mình”. Những gì mà mình làm hồi đó là các buổi cà phê sang chảnh rồi bữa ăn tiền triệu và cả nhiều món đồ hiệu để bằng bạn bằng bè.
Trong khi đó, gia đình đang phải cố gắng từng ngày để tiết kiệm cho mình học
trên đây. Thú thật là lúc đó chúng cũng đã đem lại cho mình sự thoả mãn, nhưng chỉ thoáng qua, không có ý nghĩa gì cả”– Q chia sẻ.
Biến cố đến với Q trong một lần trót hứa với bạn bè sẽ “làm một bữa ra trò vào ngày sinh nhật của mình. Để có tiền mời bạn bè đi “ăn chơi”, Quang đã vay lãi bên ngoài. Buổi đi chơi đó đã khiến Q có một khoản nợ bằng tiền học và sinh hoạt cả năm của anh tại Hà Nội. Khi rơi vào hoàn cảnh éo le, những người bạn “chí cốt” đó lại bỗng “mất tích”, Q phải cầu cứu sự giúp đỡ từ gia đình.
“Mình chợt nhận ra rằng bản thân đã “giàu có” ở tuổi 26, nhưng là giàu kinh nghiệm và bài học rút ra từ chính những vấp ngã. Giàu bởi ý thức được việc phải tiết kiệm, quản lí tài chính cá nhân một cách hiệu quả và tối ưu, không lãng phí.
Nếu cứ mải chạy theo sự phù phiếm, cái giá phải trả đã có thể không chỉ là tiến bạc”. − Q bày tỏ.
(tuoitrethudo.com.vn)
Đáp án
Câu 1.
Phương pháp giải:
Đọc kĩ văn bản, rút ra nội dung chính
Vận dụng kiến thức về luận đề của văn bản để rút ra nội dung của luận đề
Suy ra qua nhan đề, độc giả có xác định được nội dung của văn bản hay không (nhan đề có phù hợp với nội dung của văn bản hay không)
Lời giải chi tiết:
- Luận đề của văn bản: tập trung làm sáng tỏ luận đề tệ tham nhũng trong bộ
máy cai trị của thực dân Pháp ở thuộc địa (Việt Nam).
nob
- Luận đề được thể hiện ở nhan đề: Tệ tham nhũng trong bộ máy cai trị (nội
dung và đối tượng bàn luận)
- Nhan đề phù hợp với nội dung của văn bản, qua nhan đề, độc giả xác định
được nội dung cụ thể của văn bản.
Câu 2
Phương pháp giải:
Đọc kĩ văn bản, chia văn bản theo từng phần và nêu nội dung chính
Từ đó suy ra mối quan hệ giữa các phần
Lời giải chi tiết:
– Nội dung từng phần của văn bản
+ Phần/Đoạn 1: Sự lãng phí, tham nhũng cho việc ăn chơi, hưởng thụ quan
chức thuộc bộ máy cai trị.
+ Phần/Đoạn 2: Bọn viên chức thuộc địa là những kẻ bất lương.
+ Phần/Đoạn 3: Những viên chức của bộ máy cai trị là những kẻ ăn hại ngân sách.
– Mối quan hệ giữa các phần/đoạn
+ Đi từ khái quát đến cụ thể: Đoạn 1 khái quát sự lãng phí, tham nhũng của
bộ máy cai trị đầu não; Đoạn 2, 3 làm rõ sự lãng phí, tham nhũng ở bọn viên chức thuộc bộ máy cai trị.
+ Nội dung ở 3 luận điểm làm sáng tỏ luận đề: Tệ tham nhũng trong bộ máy cai trị.
Câu 3
Phương pháp giải:
Chú ý đến các con số cụ thể trong luận điểm 1
Chỉ ra các luận cứ và thao tác lập luận chính của luận điểm
Dựa vào câu 1 (nội dung của luận đề) để rút ra mục đích và vai trò của luận điểm với luận đề
Lời giải chi tiết:
– Đi thẳng vào vấn đề bằng hàng loạt con số cụ thể. Con số ấy là cơ sở để tác
giả khẳng định: việc ăn chơi, hưởng thụ quan chức thuộc bộ máy cai trị đã tiêu
tốn rất nhiều tiền của ngân sách.
- Triển khai luận điểm bằng 5 luận cứ: chi cho nhân sự, vua An Nam sang
ngao du bên Pháp, ba chục viên chức cao cấp ở các thuộc địa ăn chơi, việc đi lại
của quan toàn quyền, chi cho các giáo sư ở trường học và công việc thanh tra.
Sử dụng bằng chứng là các con số; thao tác lập luận chính: chứng minh, so
sánh và tổng hợp.
- Mục đích của luận điểm: chứng minh, làm rõ biểu hiện của tham nhũng
lãng phí trong bộ máy cai trị của thực dân Pháp tại thuộc địa (Việt Nam) – Luận
điểm này là bộ phận quan trọng làm sáng tỏ luận đề (Tệ tham nhũng trong bộ
máy cai trị).
Câu 4
Phương pháp giải:
Tìm kiếm thông tin trong văn bản
Vận dụng kiến thức về tính khẳng định, phủ định trong văn bản
Lời giải chi tiết:
- Những căn cứ để tác giả khẳng định một đội quân bất lương, bất tài:
+ Bất lương: Chúng kiếm chác nhiều hơn, bằng đủ cách; cấp học bổng cho các cậu ấm con các quan công sứ; họp hội đồng quản hạt chỉ là để bàn việc cướp giật công quỹ; làm đầy công quỹ bằng nhiều cách bất lương (phân bổ cho các làng phải đóng góp để làm đầy công quỹ, phát hành các bằng sắc để bán).
+ Bất tài: Không đủ tư cách cần thiết để thực hiện nhiệm vụ, phụ trách, chỉ có tài phung phí công quỹ.
+ Bằng chứng là những con số xác thực về việc sử dụng lãng phí đồng tiền (phrăng)
- Câu văn thể hiện rõ tính phủ định, khẳng định:
+ Các quan cai trị đều là những ông vua con; Tất cả bọn chúng chỉ có mỗi cái tài là phung phí công quỹ.
+ Không đủ tư cách cần thiết của những con người được giao phó những quyền
hạn rộng rãi và ghê gớm như thế.
+ Thế nhưng các ngài thanh tra thì không bao giờ rời khỏi Pa-ri và đối với các thuộc địa thì các ngài cũng không hiểu biết gì hơn là hiểu biết ông trăng già!
+ Một cựu toàn quyền Đông Dương, một hôm đã thú nhận rằng thuộc địa này
đầy rẫy những viên chức ăn hại ngân sách mà thường chẳng được tích sự gì cả.
Câu 5
Phương pháp giải:
Đọc kĩ luận điểm số 3, phân tích việc tác giả thành ngữ “gậy ông đập lưng ông” và việc sử dụng các cụm từ gần nghĩa để vạch trần tệ tham nhũng
Nhận xét các tác giả sử dụng các thao tác lập luận
Chú ý phân tích lối nói ngược, phủ định và câu cảm thán để suy ra nhận xét về ngôn ngữ, giọng điệu trong toàn văn bản
Lời giải chi tiết:
- Nhận xét cách lập luận và sử dụng ngôn ngữ trong luận điểm số 3:
+ Dùng “gậy ông đập lưng ông” để vạch mặt tệ nạn tham nhũng, phủ nhận vai
trò của bọn cai trị tại thuộc địa: “Một cựu toàn quyền Đông Dương, một hôm đã thú nhận rằng thuộc địa này đầy rẫy những viên chức ăn hại ngân sách mà thường chẳng được tích sự gì cả”.
+ Sử dụng một loạt các cụm từ gần nghĩa để vạch tệ tham nhũng: tốn cho công
quỹ; do công quỹ đài thọ cả; do nhà nước trang trải; bắt ngân sách nhà nước phải chịu
+ Sử dụng linh hoạt, hiệu quả các thao tác lập luận: chứng minh, so sánh, đối
lập, bình luận, tổng hợp,...
- Ngôn ngữ, giọng điệu trong toàn văn bản: mỉa mai, châm biếm, đả kích sâu
cay bằng lối nói ngược, phủ định, câu cảm (Hết hành vi điên rồ này đến hành vi điên rồ khác; để “bồng súng chào” Cụ lớn và Hoàng thượng; các ngài cũng không hiểu biết gì hơn là hiểu biết ông trăng già!; So với bọn viên chức thuộc địa thì những tên cướp đường còn là những người lương thiện!”; có mỗi cái tài là phung phí công quỹ,...).
II. VIẾT (6,0 điểm)
Câu 1.
Phương pháp giải:
Đọc kĩ văn bản, rút ra nội dung văn bản từ đó xác định mục đích
Liên hệ đến thực tế xã hội ngày nay
Vận dụng kiến thức và kĩ năng viết đoạn văn nghị luận đề một vấn đề đời sống
Lời giải chi tiết:
Văn bản đảm bảo dung lượng 200 chữ và hướng vào những nội dung chính sau đây
- Mục đích của văn bản:
+ Tố cáo sự bất nhân, tham lam – căn bệnh tham nhũng, lãng phí của bọn quan chức cai trị ở thuộc địa.
+ Phơi bày nỗi thống khổ của người dân thuộc địa, bị bóc lột, bị ăn cướp khiến
đời sống của họ vô cùng cực khổ.
→ Quân cai trị thực chất là ăn cướp, vơ vét của cải.
→ Người dân bị mất nước là thân phận nô lệ, phải đè lưng làm để nuôi lũ ăn cướp.
Vấn đề tác giả nêu lên trong văn bản có ý nghĩa đối với xã hội ngày nay:
+ Phê phán sự lãng phí, hưởng thụ xa hoa ở một số đối tượng trong xã hội
+ Đánh thức người đọc: Hãy quan tâm đến cảnh ngộ, số phận của người dân lao
động ở những vùng khó khăn.
Câu 2.
Phương pháp giải:
Xác định hình thức và nội dung đề bài yêu cầu
Vận dụng kiến thức viết bài văn nghị luận về một vấn đề đời sống
Lời giải chi tiết:
Đọc ngữ liệu sau và viết bài luận (600 chữ) thể hiện suy nghĩ của em về hiện tượng nghèo nhưng phải “sang chảnh” trong thanh niên hiện nay. |
||
Phần chính |
Điểm |
Nội dung cụ thể |
Mở bài |
0,5 |
– Giới thiệu vấn đề nghị luận. - Nếu khái quát: Tính cấp thiết vấn đề đối với tuổi trẻ. |
Thân bài |
2,75 |
* Làm rõ cách hiểu lối sống: nghèo nhưng phải “sang chảnh”. * Biểu hiện lối sống nghèo nhưng phải “sang chảnh” trong giới trẻ: – Các dạng biểu hiện lối sống nghèo nhưng phải “sang chảnh” với những ví dụ cụ thể. - Phân tích nguyên nhân, tác hại (qua các góc nhìn). * Quan niệm, chính kiến của bản thân (đồng tình/phản đối). – Nhận thức cá nhân về hiện tượng sống nghèo nhưng phải “sang chảnh” trong giới trẻ. – Thái độ trước hiện tượng sống nghèo nhưng phải “sang chảnh” trong giới trẻ. * Đề xuất một số giải pháp để khắc phục lối sống nghèo nhưng phải “sang chảnh” trong giới trẻ. |
Kết bài |
0,5 |
- Nhận thức của cá nhân về vấn đề – Hành động của cá nhân thể hiện lối sống văn minh, phù hợp với hoàn cảnh gia đình, với môi trường hoạt động cụ thể. |
Yêu cầu khác |
0,25 |
– Sử dụng các thao tác phân tích so sánh, chứng minh, bình luận - Dẫn chứng đa dạng, phong phú phù hợp với lí lẽ, luận điểm - Kết nối được nội dung từ hai văn bản “Tệ tham nhũng trong bộ máy cai trị” “Nghèo nhưng phải “sang chảnh” ” (trong lập luận hoặc đưa dẫn chứng). |


Luyện Bài Tập Trắc nghiệm Văn 12 - Kết nối tri thức - Xem ngay