Đề thi học kì 2 Văn 12 Kết nối tri thức - Đề số 2>
Học sinh đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi kế tiếp: MẸ VÀ CHIẾC BÚT (Nhật kí Mã Yến)
Đề thi
I. ĐỌC HIỂU (4đ)
Học sinh đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi kế tiếp
MẸ VÀ CHIẾC BÚT
(Nhật kí Mã Yến)
Thứ sáu, ngày 22/9/2000
Trời quang.
Chiều nay tan học, chúng tôi về nhà ăn cơm. Ăn tối xong, mẹ bảo hai chị em tôi lên nương trồng mạch ba góc để vác những bó đã cắt về nhà. Lúc này, tôi gần như không cất nổi bước, nhưng mẹ nói nhất định phải đi. Mẹ đã cắt bao nhiêu là lúa, chúng tôi chỉ có việc chuyển về mà còn không giúp mẹ ư, nhất là bây giờ bố lại đi vắng, tìm việc ở mãi tận Nội Mông?
Mẹ vì cái ăn, cái mặc của chúng tôi mà phải lam lũ vất vả, nếu không mẹ chẳng phải cắt lúa mạch làm gì. Mẹ bảo chúng tôi đi làm là phải lắm, và chúng tôi cũng đi thôi. Nếu không thì không xứng công sức của mẹ! Mẹ đã kiệt sức kiếm
miếng ăn cho chúng tôi, khi nhà chẳng còn gì, mẹ còn vắt kiệt sức hơn nữa, chẳng biết sống sung sướng là gì. Mẹ không muốn chúng tôi sau này phải khổ sở. Không có ăn thì khổ lắm! Vì vậy còn phải học thật tốt, để không phải khổ như bố mẹ.
Thứ sáu, 24/11/2000
Trước trưa hôm nay, bố và mẹ đến trường thăm hai chị em chúng tôi. Còn mang theo một ít gạo và bảo chúng tôi nộp cho thầy giáo chủ nhiệm.
Chuông báo tới giờ học đã vang lên. Chúng tôi lên lớp. Khi tan học, vào buổi chiều, tôi và em trai chạy luôn ra phố. Khi chúng tôi xuống phố thì bố và mẹ đã
chuẩn bị đi thăm ông bà ngoại. Bố mẹ nghe nói bà ngoại ốm, cho nên muốn đi thăm bà. Bố mẹ đưa cho tôi một đồng để mua táo, để ăn với bánh bao.
Ngày hôm nay tôi cảm thấy rất buồn. Bạn muốn biết tại sao tôi buồn chứ? Bởi vì buổi sáng tới thăm, bố mẹ nói với tôi: “Khi con về nhà thì hãy cho bò ăn.... Tôi đã từ chối. Lúc về đến nhà, tôi vẫn cho bò ăn. Vì phải cho bò ăn, nên cả hai tay tôi đều bị cứa nứt hết, trông rất đáng sợ. Vậy là, tôi suy nghĩ: tôi chỉ cho bò ăn có một lần, hai tay tôi đã nứt nẻ ra thế này. Còn mẹ, mẹ ngày nào cũng cho bò ăn, thế cho nên tay mẹ mới sưng phồng ra như vậy. Tất cả những gì mẹ làm, thực ra chỉ vì tương lai của các em tôi, của tôi.
Càng nghĩ, tôi càng xúc động, đến mức phát khóc, không nói được nên lời. Bố mẹ hãy về nhanh lên, con cần tình thương yêu của bố mẹ. Con biết sai rồi, được
chưa? Hãy về nhanh lên, con nhớ bố mẹ! Về nhanh lên, bố mẹ ơi!
Thứ bảy, 28/7/2001
Trời quang.
Chiều nay, chừng ba bốn giờ gì đó, mẹ ốm đến nỗi không dậy được. Tôi và em trai phải đi tìm thuốc để chữa cho mẹ. Chúng tôi xoa bụng cho mẹ bằng thuốc cao.
Chúng tôi còn chưa xoa xong thì anh Mã Nghĩa Vũ, con trai của bác là anh ruột bố tôi đã đến. Ông anh 20 tuổi này vừa mới tốt nghiệp trường kĩ thuật nhưng không kiếm được việc làm. Anh khẳng định rằng muốn có một công việc tốt trong một cơ quan thì phải chạy chọt bằng tiền bạc.
Anh vào nhà ngồi lên giường, có vẻ như đang phiền muộn. Mẹ hỏi: “Cháu đã tìm được việc làm chưa?” Anh họ nói: “Tìm được việc thì dễ nhưng phải lo lót.
Nếu cháu có hai nghìn đồng, cháu có thể vào làm trong một công ty ngay. Vấn đề là chỉ cần có tiền. Nhưng nhà cháu làm gì có tiền. Mấy ngày nữa cháu sẽ đi kiếm bất cứ việc gì để làm. Khi cháu đã có tiền rồi thì tìm được một công việc tốt cũng không khó”.
Tôi ngồi trên ghế, nhìn thấy nước mắt như sắp trào ra khỏi mắt anh. Khi tôi nhìn
mái đầu đã có tóc trắng và khuôn mặt đau khổ của anh, lòng tôi như tan nát. Vì sao con cháu của gia đình có hai đời là quân nhân mà không có việc để làm? Ngày hôm nay, người cháu của một quân nhân đã tốt nghiệp, nhưng không có tiền, không tìm được việc. Xem ra ông trời có mắt mà như mù, chỉ giúp những kẻ độc ác, không hề để ý tới sự sống chết của người lương thiện. Sao lại bất công đến như vậy!
Tôi không biết anh họ phải đi đến tận đâu. Tôi mong sao anh sớm kiếm được một công việc tốt, chỉ thế là tôi đã mừng cho anh ấy.
Thứ hai, 30/7/2001
Chiều nay, khi tôi muốn viết nhật kí thì tìm không thấy bút. Tôi hỏi hai đứa em thì chúng cũng đều nói không thấy. Tôi đến chỗ ngồi viết nhật kí chiều hôm qua tìm cũng không thấy. Tôi bèn hỏi mẹ xem có thấy bút không. Mẹ nói rằng hôm qua thấy tôi để sách bút trên giường sợ rơi mất, mẹ đã cất vào trong ngăn kéo. Nhưng khi tìm ở đó vẫn không thấy, lòng tôi gần như tan nát.
Hẳn các bạn sẽ bật cười: “Một cái bút có gì là ghê gớm! Làm sao chỉ vì một cây bút mà mi đã xót xa đến như vậy?”. Các bạn chưa thấy hết nỗi khổ mà tôi phải chịu để có được cái bút này. Trong suốt cả hai học kì tôi đã không tiêu đồng tiền nào mới mua được nó! Các bạn khác trong lớp đều có đến hai, ba cái bút, tôi thì một cái cũng không có, nên tôi phải chắt bóp mãi mới mua được nó.
Nỗi khổ sở mãi mới có được bút của tôi cũng xuất phát từ chính nỗi khổ của nhà tôi. Số tiền mẹ cho tôi là để mua bánh ăn. Nhưng suốt ngày tôi chỉ ăn cơm hẩm. Tôi quyết nhịn đói, không ăn bánh, để tiết kiệm tiền mua được nó. Vì chiếc bút máy đó, tôi đã khổ sở biết bao nhiêu!
Sau đó, tôi được một cái bút khác. Tôi được tặng vào dịp Tết thiếu nhi 1/6. Vì tôi là “học sinh ba tốt”. Từ đó, tôi không thiếu bút nữa.
Nhưng chiếc bút thân thiết kia mới là chiếc bút để lại cho tôi ấn tượng sâu sắc nhất. Qua nó, tôi hiểu thế nào là cuộc sống khổ ải, thế nào là cuộc sống hạnh phúc.
Mỗi lần thấy nó, tôi như thấy bóng dáng của mẹ. Như là mẹ vẫn động viên tôi chăm chỉ học tập để có thể thi vào trường nữ sinh trung học. Nhưng tôi đã làm mẹ phải thất vọng. Tôi thật vô dụng. Ở trường tôi đã sống một cuộc sống không xứng đáng.
Ngay trường nữ sinh trung học cũng không vào được. Sống như vậy còn có ích gì?
Có điều tôi vẫn còn lòng tin. Tôi nhất định phải thành công. Tôi sẽ tìm được một công việc lí tưởng, thoả lòng tôi mong đợi.
Ngọc Quỳnh dịch, Trác Phong hiệu đính.
(Nhật kí Mã Yến, NXB Hội Nhà văn, 2010)
*Mã Yến là cô bé 12 tuổi sống tại thôn Trương Gia Thụ, nam Ninh Hạ, Trung Quốc. Cuốn nhật kí của cô bé đã khiến hàng vạn người đọc cảm động vì một mong ước giản dị là được tiếp tục đi học.
*Một phóng viên nước ngoài đến Ninh Hạ tìm hiểu cuộc sống của người dân, cán bộ xã dẫn đi vòng quanh, xem qua loa và nói những lời hoa mĩ về mức sống khá giả tưởng tượng của nhân dân. Bà mẹ mù chữ của Mã Yến không thể chịu đựng được nữa. Bà vùng lên chạy về lấy cuốn nhật kí của cô bé ra dúi vào tay người phóng viên: “Sự thật không phải thế. Tôi không biết nó viết gì vì không đọc được nhưng trẻ con thì bao giờ cũng nói thật, hãy đọc rồi sẽ biết.”
Câu 1. Đọc chú thích, văn bản và cho biết: Văn bản nhật kí trên phản ánh hiện thực nào? Yếu tố nào làm nên tính xác thực, phi hư cấu của văn bản? (0.5 điểm)
Câu 2. Xác định những sự việc xảy ra trong gia đình Mã Yến. Từ đó, cho biết cô bé Yến tự trách mình về điều gì nhiều nhất? (0.5 điểm)
Câu 3. Đọc nhật kí ngày thứ bảy, 28/7/2001 của Mã Yến và trả lời các câu hỏi a, b. (1.0 điểm)
a) Xác định và đánh giá chủ quan của chủ thể và nhận xét bút pháp viết nhật kí của Mã Yến.
b) Thông qua cái nhìn của cá nhân, Mã Yến đã bao quát những vấn đề nào của cộng đồng?
Câu 4. Nêu cảm nhận của em về chủ thể của nhật kí trên. Điều gì ở Mã Yến khiến em suy nghĩ nhiều nhất? (1.0 điểm)
Câu 5. Nhận xét giá trị thẩm mĩ, ý nghĩa xã hội của những trang nhật kí trên.
(1.0 điểm)
II. LÀM VĂN (6,0 điểm)
Câu 1. Đánh giá khả năng tác động của văn bản đối với người đọc và tiến bộ xã hội. (Trả lời bằng đoạn văn 200 chữ ) (2.0 điểm)
Câu 2.
Viết văn bản nghị luận (600 chữ) so sánh, đánh giá làm rõ nét tương đồng và khác biệt về nội, ý nghĩa trong 2 đoạn nhật kí sau. Từ đó cho biết những trang nhật kí đó đã tác động tới em như thế nào?
Thứ sáu, 24/11/2000
Trước trưa hôm nay, bố và mẹ đến trường thăm hai chị em mang theo một ít gạo và bảo chúng tôi nộp cho thầy giáo chủ nhiệm.
Chuông báo tới giờ học đã vang lên. Chúng tôi lên lớp. Khi tan học, vào buổi chiều, tôi và em trai chạy luôn ra phố. Khi chúng tôi xuống phố thì bố và mẹ đã chuẩn bị đi thăm ông bà ngoại. Bố mẹ nghe nói bà ngoại ốm, cho nên muốn đi thăm bà. Bố mẹ đưa cho tôi một đồng để mua táo, để ăn với bánh bao,
Ngày hôm nay tôi cảm thấy rất buồn. Bạn muốn biết tại sao tôi buồn chứ? Bởi vì buổi sáng tới thăm, bố mẹ nói với tôi: “Khi con về nhà thì hãy cho bò ăn”... Tôi đã từ chối. Lúc về đến nhà, tôi vẫn cho bò ăn. Vì phải cho bò ăn, nên cả hai tay tôi đều bị cứa nứt hết, trông rất đáng sợ. Vậy là, tôi suy nghĩ: tôi chỉ cho bò ăn có một lần, hai tay tôi đã nứt nẻ ra thế này. Còn mẹ, mẹ ngày nào cũng cho bò ăn, thế cho nên tay mẹ mới sưng phồng ra như vậy. Tất cả những gì mẹ làm, thực ra chỉ vì tương lai của các em tôi, của tôi.
Càng nghĩ, tôi càng xúc động, đến mức phát khóc, không nói được nên lời. Bố mẹ hãy về nhanh lên, con cần tình thương yêu của bố mẹ. Con biết sai rồi, được chưa? Hãy về nhanh lên, con nhớ bố mẹ! Về nhanh lên, bố mẹ ơi!
Thứ ba, 13/11/2001
Tôi không biết tối qua mẹ tôi ngủ ở đâu, chẳng biết mẹ ngủ yên trên nền đất ẩm hay ở nơi phiến đá ven đường. Tôi chỉ chắc một điều là chắc chắn mẹ không
được một đêm ngon giấc. Lúc này là mùa đông, khí trời giá buốt, nhất là lúc nửa đêm. Nhiệt độ xuống dưới 0 độ C. Thế mà mẹ lại còn bị đau dạ dày...
Tôi không biết đi kiếm rau phát thái khó khăn đến chừng nào. Có lần tôi đã đi kiếm rau phát thái cùng với bố. Lúc đó là vào dịp hè, khoảng 1 giờ đêm, máy kéo hết sạch dầu. Chúng tôi xuống xe, chúng tôi đành chấp nhận ngủ lại trên một cánh đồng.
(...) Tôi nhớ ra bài học từ hồi còn ở tiểu học: “Chú bé đếm sao. Ngày xưa có
một chú bé, vào ban đêm, dựa vào người của bà để đếm những vì sao. Bà của chú nói rằng những ngôi sao đếm không hết được đâu. Nhưng chúng bé đáp lại rằng “Một khi có lòng tin thì ta cũng sẽ đếm được hết”
(Nhật kí Mã Yến, NXB Hội Nhà văn, 2010)
Đoạn 2:
Thứ tư, 8/7/1942
Từ sáng chủ nhật, dường như các sự việc dồn dập xảy ra như nhiều năm dồn lại. Nhiều chuyện đã xảy đến – toàn thế giới đã bị đảo lộn. Nhưng tôi vẫn còn sống, đấy là điều quan trọng hơn cả.
Buổi xế trưa chủ nhật, chúng tôi nghe bọn Đức sắp bắt Bố đi. Chúng tôi hiểu đó là thế nào – là đưa đến trại tập trung. Chị Margot nói: “Mẹ dò hỏi ông Van Daan về chỗ ẩn nấp của nhà mình”. Ông Van Daan cùng làm một chỗ với bố và ông là một người bạn tốt của Bố. Sau đó, chị Margot nói với mình rằng đã có sự nhầm lẫn – bọn Đức gọi chị chứ không phải Bố. Chúng sao có thể bắt một cô gái 16 tuổi ra khỏi gia đình kia chứ. Và chị không đi.
Một nơi ẩn nấp – chúng tôi sẽ trốn ở đâu? Trong thành phố? Ở thôn quê? Khi nào? Ở đâu? Bằng cách nào? Những câu hỏi đó nằm trong đầu óc của mình nhưng mình không thể hỏi họ. Margot và mình bắt đầu sắp xếp hành lí. Mình xếp những thứ vật dụng khùng điên nhất. Cuốn nhật kí đầu tiên, sau đó những chiếc khăn tay, những cuốn sách giáo khoa, một cái lược và vài bức thư cũ. Kỉ vật đối với mình quan trọng hơn cả áo quần. Miep và chồng của chị – tên Jan – đến giúp và chia sẻ công việc. Họ giúp chúng tôi mang túi áo quần. Miep và Jan làm việc cùng công ty của
bố, họ đều là bạn thân của gia đình. Đêm nay, đêm cuối cùng ngủ trên giường của mình và Mẹ đánh thức mình dậy lúc 5 giờ 30 phút. Chúng tôi mặc rất nhiều quần áo. Không một người Do Thái nào dám rời khỏi nhà với một cái va-linh
Đúng 7 giờ 30 chúng tôi ra khỏi nhà. Mình giã biệt con mèo Moontje. Người hàng xóm sẽ chăm sóc con mèo. Chúng tôi vội vàng rời khỏi nhà – Chúng tôi muốn đến nơi ẩn trốn một cách an toàn. Đó là điều quan trọng nhất.
Thứ năm, 9/7/1942
Chỗ ẩn nấp nằm trong tòa nhà văn phòng của Bố. Ở tầng trệt là kho hàng và kề bên đó là lối vào văn phòng, văn phòng nằm các tầng trên. Có hai văn phòng - phòng phía trước thì lớn và sáng, phía sau thì nhỏ và tối. Không có nhiều người làm trong văn phòng của bố, chỉ có ông Kugler và ông Kleiman và Miep và một người thư kí 23 tuổi có tên gọi là Bep – Voskuijl. Ông Vosluijl là bố của Bep, làm việc trong kho hàng với hai người giúp việc. Họ không biết bất cứ việc gì của chúng tôi. Từ văn phòng của Kugler ở phía sau, bạn đi lên bốn tầng lầu và bạn đến văn phòng riêng, phòng này rất trang nhã, trang trí lịch sự. Bên trên tầng ba là “gian nhà bí mật”. Có vài gác mái để chứa đồ phía bên trái, và phía bên phải là cửa vào nơi chúng tôi ẩn nấp. Thật đáng ngạc nhiên khi có rất nhiều phòng phía sau cái cửa nhỏ màu xám. Margot và tôi được chia một phòng nhỏ, phòng ngủ của Bố và Mẹ cũng là phòng khách của chúng tôi. Tầng trên nữa là một căn phòng lớn đầy ánh sáng, đó là nhà bếp và phòng ngủ của ông bà Van Daan. Có một phòng nhỏ dành cho Peter, con trai của họ, và có một gác mái khác đấy chính là nơi ở phụ đáng yêu của chúng tôi.
(Nhật kí Anne Frank, NXB Thế giới, 2016)
Đáp án
Câu 1.
Phương pháp giải:
Dựa vào chú thích để nêu hiện thực mà nhật kí phản ánh
Vận dụng kiến thức về tính chất phi hư cấu của thể loại nhật kí
Lời giải chi tiết:
- Nhật kí phản ánh hiện thực: Cuộc sống nghèo khổ của gia đình Mã Yến
- Tính xác thực, phi hư cấu của văn bản:
+ Văn bản là suy nghĩ của Mã Yến trong 4 ngày: Thứ Sáu, ngày 22/9/2000; Thứ sáu 24/11/2000; Thứ bảy, ngày 28/7/2001; Thứ hai, ngày 30/7/2001
+ Thông tin về cuốn nhật kí đến tay phóng viên: Bà vùng lên chạy về lấy cuốn nhật kí của cô bé ra dúi vào tay người phóng viên: “Sự thật không phải thế. Tôi không biết nó viết gì vì không đọc được những trẻ con thì bao giờ cũng nói thật, hãy đọc rồi sẽ biết”
Câu 2
Phương pháp giải:
Đọc kĩ văn bản, chú ý những sự việc nổi bật
Tìm kiếm thông tin trong văn bản để suy ra điều cô bé tự trách mình nhiều nhất (Chú ý đoạn Thứ hai, 30/7/2001)
Lời giải chi tiết:
- Những sự việc sảy ra trong gia đình Mã Yến:
+ Mẹ bảo hai chị em tôi lên nương trồng mạch ba góc để vác những bó đã cắt về nhà
+ Bà ngoại ốm, bố mẹ nói với tôi: “Khi con về nhà thì hãy cho bò ăn”
+ Mẹ ốm, anh Mã Nghĩa Vũ, con trai của bác đến
+ Mã Yến tìm chiếc bút của mình
- Điều khiến cô bé tự trách mình nhiều nhất: chưa đỗ vào trường nữ sinh trung học
Câu 3
Phương pháp giải:
a. Tìm kiếm thông tin trong văn bản (chú ý đoạn Vì sao… như vậy)
Nhật xét thuật kể của tác giả (miêu tả kết hợp với biểu cảm)
b. Rút ra nội dung bao quát của toàn văn bản, từ đó suy ra vấn đề của cộng đồng
Lời giải chi tiết:
a. Đánh giá chủ quan của chủ thể: Vì sao con cháu của gia đình có hai đời là quân nhân mà không có việc để làm? Ngày hôm nay, người cháu của một quân nhân đã tốt nghiệp, nhưng không có tiền, không tìm được việc. Xem ra ông trời có mắt mà như mù, chỉ giúp những kẻ độc ác, không hề để ý tới sự sống chết của người lương thiện. Sao lại bất công đến như vậy!
- Thuật kể nhiều chi tiết, miêu tả kĩ trạng thái đau khổ của người anh họ; sau thuật kể là suy nghĩ và cảm xúc của chủ thể (cảm thông, cảm nhận sự đau khổ bất lực của người anh họ: Tôi ngồi trên ghế, nhìn thấy nước mắt như sắp trào ra khỏi mắt anh. Khi tôi nhìn mái đầu đã có tóc trắng và khuôn mặt đau khổ của anh, lòng tôi như tan nát → kết hợp miêu tả để biểu cảm)
b. Vấn đề của cộng đồng: Phản ánh được những bất công phi lí tồn tại ở xã hội Trung Quốc những năm 2000 (người anh họ không xin được việc vì không có tiền lo lót)
Câu 4
Phương pháp giải:
Dựa vào nội dung văn bản, những suy nghĩ, cảm xúc của chủ thể và vấn đề được phản ánh để nêu góc nhìn, cảm xúc cá nhân
Lời giải chi tiết:
- Học sinh thể hiện góc nhìn, cảm xúc cá nhân
- Gợi ý: Bán sát văn bản và suy nghĩ, cảm xúc của chủ thể:
+ Cô bé giàu cảm xúc, yêu thương
+ Cô bé giàu nghị lực sống, luôn nỗ lực vươn lên
+ Suy nghĩ lớn hơn lứa tuổi về trách nhiệm, tình cảm của cá nhân mình, về bất công tồn tại trong xã hội
Câu 5
Phương pháp giải:
Nhận xét về lối sống được thể hiện và hiện thực được phản ánh trong văn bản
Từ đó suy ra ý nghĩa tác động của văn bản
Lời giải chi tiết:
- Thể hiện lối sống đẹp: Yêu thương, cảm thông với người cùng cảnh ngộ, giàu ước mơ, khát vọng
- Ý nghĩa xã hội: Nói lên sự thật về cuộc sống nghèo khổ của nông dân ở thời hiện đại (năm 2000 – điểm giao của thế kỉ XX – XXI)
- Lay động trái tim những người nhân hậu, kêu gọi mọi người hãy quan tâm đến số phận nghèo khổ trong xã hội; khiến những người giàu có suy nghĩ và dùng đồng tiền của mình hữu ích hơn
II. VIẾT (6,0 điểm)
Câu 1.
Phương pháp giải:
Dựa vào nội dung và ý nghĩa của văn bản, học sinh nêu bài học bản thân rút ra được
Dựa vào kiến thức và kĩ năng viết đoạn văn phân tích văn bản văn học
Lời giải chi tiết:
Đoạn văn đảm bảo đủ dung lượng, nội dung hướng vào các ý chính sau:
- Tác động của nhật kí Mã Yến (đoạn trích đọc hiểu) tới cá nhân: Học sinh nêu bài học bản thân rút ra được
- Học sinh có thể tìm thêm thông tin về Nhật kí Mã Yến để thấy sức lan tỏa, sự tác động tích cực của cuốn nhật kí này (Mẹ Mã Yến được đi học, Mã Yến được sang Pháp học hành và giúp đỡ nhiều học sinh nghèo ở quê hương mình)
Câu 2.
Phương pháp giải:
Xác định hình thức và nội dung đề bài yêu cầu
Vận dụng kiến thức viết bài văn nghị luận so sánh hai tác phẩm văn học
Lời giải chi tiết:
Viết văn bản nghị luận (600 chữ) so sánh, đánh giá làm rõ nét tương đồng và khác biệt về nội, ý nghĩa trong 2 đoạn nhật kí sau. Từ đó cho biết những trang nhật kí đó đã tác động tới em như thế nào? |
||
Phần chính |
Điểm |
Nội dung cụ thể |
Mở bài |
0,5 |
– Giới thiệu vấn đề nghị luận. - Nêu luận đề: nét khác biệt, điểm tương đồng và thành công riêng của mỗi tác giả |
Thân bài |
3,0 |
* Nét tương đồng: - Tác giả là hai cô bé ở lứa tuổi ngang nhau, đều đối mặt với hoàn cảnh khó khăn - Nội dung và ý nghĩa xã hội của hai đoạn nhật kí: + Thể hiện chủ thể sống giàu tình cảm, nghị lực trong hoàn cảnh tăm tối + Trạng thái lo lắng cho hoàn cảnh sống của gia đình, người thân (Học sinh đưa dẫn chứng) * Nét khác biệt: - Nhật kí Anne Frank: Phản ánh hiện thực rộng lớn hơn; sự tác động của biến động xã hội tới cá nhân và gia đình sâu sắc hơn |
Kết bài |
0,5 |
Tác động của hai nhật kí tới bản thân (cảm xúc suy nghĩ; có thể so sánh với hoàn cảnh sống của bản thân để có những điều chỉnh về tình cảm và hành động sống) |


Luyện Bài Tập Trắc nghiệm Văn 12 - Kết nối tri thức - Xem ngay