Yêu Bác lòng ta trong sáng hơn.


Cuộc sống của Bác giản dị biết bao, mà cũng vĩ đại biết bao. Tâm hồn Bác không chỉ lộng gió thời đại, mà còn rất gần gũi yêu thương. Bác hiểu nỗi tủi hờn của người chiến sĩ, Bác đặt lại cho anh cái tên đẹp hơn. Bác thương anh cảnh vệ nóng nực, Bác cho ngủ trên chiếc bàn quý.


    Tấm lòng của Bác Hồ đối với dân với nước như thế nào, tâm hồn của Bác đẹp như thế nào, đức tính của Bác giản dị và khiêm tốn như thế nào, nhân cách của Bác vĩ đại như thế nào, ai cũng biết. Nhưng điều quan tâm ở đây không phải là những cái đó đã làm nên những phẩm chất cao quý như thế nào, mà ở chỗ phẩm chất dó đã ảnh hưởng, cảm hoá như thế nào đến mọi người xung quanh, đến cuộc đời.

Tôi có thể khẳng định rằng, anh hoa từ con người Bác phát ra, chiếu rọi làm cho tâm hồn ta trong sáng hơn, cuộc đời đẹp hơn.

Vì sao vậy? Tục ngữ chẳng đã có câu: Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng là gì. Ở bên Bác, lẽ nào những phẩm chất của Người lại không ảnh hưởng sang ta? Hơn nữa, người Việt Nam ta yêu quý Bác lắm, mà khi người ta yêu quý ai thì người ta muốn làm cho người ấy vui, muốn được như người ấy. Yêu Bác lòng ta trong sáng hơn.

Còn nhớ sau ngày giành độc lập tháng 9 năm 1945, dân tộc ta ở thế ngàn cân treo sợi tóc, cùng một lúc phải đối phó với những khó khăn thử thách tưởng chừng như không thể vượt qua. Bác Hồ gọi chúng là giặc: giặc đói, giặc dốt, và giặc ngoại xâm. Đánh bại ba thứ giặc ấy, đâu có dễ. May thay, dân tộc ta có Bác. Chưa kể Bác là người tài giỏi như thế nào, mưu lược như thế nào, chỉ riêng việc Bác hết lòng chống ba thứ giặc đó cũng đủ là một tấm gương lớn cổ vũ mọi người. Bác Hồ kêu gọi nhường cơm xẻ áo và người gương mẫu thực hiện. Việc làm ấy khiến những ai còn chần chừ chưa muốn tham gia, tự thấy hổ thẹn và làm theo, những ai đã tham gia càng trở nên hăng hái.

Trong suốt chín năm kháng chiến, bàn chân Bác đã in dấu khắp các nẻo đường Việt Bắc. Bao nhiêu ngọn núi, con suối, cái đèo Bác đã qua, không thể đếm hết. Chiến dịch đầu tiên mở, Bác băng rừng lội suối đến tận nơi. Thương Bác tuổi cao sức yếu, anh em phục vụ tìm cho Bác một con ngựa, nhưng Bác lại nảy ra sáng kiến dùng ngựa để chở đồ đạc hộ mọi người cho đỡ mệt. Chao ôi, tấm lòng của một vị lãnh tụ! Và thế là, không còn ai thấy mệt, họ hăng hái lên đường.

Ở đâu Bác cũng quan tâm đến những người ở xung quanh mình. Cơ quan sắp chuyển chỗ ở mới, Bác vẫn trồng rau, với một suy nghĩ thật giản dị: Mình không ăn thì đồng bào ăn. Việc làm ấy khiến mấy anh cán bộ định thu hoạch cả rau non chưa đến lứa tự thấy xấu hổ mà theo gương Bác, cũng trồng thêm.

Cuộc sống của Bác giản dị biết bao, mà cũng vĩ đại biết bao. Tâm hồn Bác không chỉ lộng gió thời đại, mà còn rất gần gũi yêu thương. Bác hiểu nỗi tủi hờn của người chiến sĩ, Bác đặt lại cho anh cái tên đẹp hơn. Bác thương anh cảnh vệ nóng nực, Bác cho ngủ trên chiếc bàn quý. Cái bàn quý hơn hay anh em quý hơn? - câu nói ấy khiến người phụ trách hiểu ra tấm lòng Bác mà cảm thông hơn với đồng đội của mình.

Dù bận trăm công nghìn việc, Bác vẫn dành thì giờ thăm hỏi đồng bào. Bác thăm một trường học, học sinh ngoan hơn và chăm học hơn. Bác thăm một nhà máy, anh chị em lao động hăng say hơn. Bác thăm một cánh đồng, lúa thêm nẩy hạt nặng bông.

Vì sao vậy?

Nhà thơ Tố Hữu đã lí giải:

Ta bên Người, Người toả sáng trong ta

Ta bỗng lớn ở bên Người một chút.

Yêu Bác lòng ta trong sáng hơn!

Trích: loigiaihay.com


Bình chọn:
4.2 trên 12 phiếu

>> Xem thêm

Tham Gia Group Dành Cho 2K12 Chia Sẻ, Trao Đổi Tài Liệu Miễn Phí