Thuyết minh về một nét đẹp văn hóa truyền thống ở Việt Nam ( Hội Chùa Hương )


Chùa Hương Tích là một danh lam thắng cảnh miền Bắc Việt Nam thuộc làng Yên Vỹ, phủ Mỹ Đức, tỉnh Hà Đông.


Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn

Dàn ý

1. Mở bài

Chùa Hương Tích là một danh lam thắng cảnh miền Bắc Việt Nam thuộc làng Yên Vỹ, phu Mỳ Đức, tỉnh Hà Đông.

2. Thân bài

a. Thời gian

-      Vào tháng hai âm lịch có Hội chùa Hương, hội mở vào trung tuần tháng giêng tới hết trung tuần tháng hai âm lịch..

b. Đặc điểm

-      Chùa Hương Tích thực ra là một quần thể gồm nhiều chùa, hang, động trong một khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, núi rừng trùng điệp.

-       Đến Bến Đục, địa đầu của chùa Hương, khách cũng phải đi đò suối sau khi đi bộ một khoảng 500m.

-       Khách trẩy hội rất đông, kẻ mới tới để vào lễ, người lễ rồi ra về, nườm nượp, nhộn nhịp khiến các con đò đều chật ních người.

-        Trên mặt suối, đầy những con đò chở khách ra vào lưu chuyển san sát như thoi đưa.

-        Tiếng niệm kinh, tiếng chào nhau “Nam mô a di đà Phật” giữa khách hành hương.

-        Con suối uốn mình chạy giữa cánh đồng chiêm, con suối lại lọt giữa hai bên vách đá dựng đứng, xanh rì.

-        Từ thuyền nhìn lên, khách hành hương thấy những ngọn núi cái đậm, cái nhạt, đủ mọi hình thù.

-       Cảnh đi đò suối vừa nên thơ lại vừa đậm màu thoát tục khiến lòng người trở nên rộng mở vị tha, cơ hồ gột bỏ được hết bụi trần, tạm quên hết mọi muộn phiền, bệ lụy của cuộc đời, vút lại sau lưng những tư tưởng hẹp hòi tranh đua, phân biệt.

-      Trên con đường đi vào đất Phật, mọi người sang hèn giàu nghèo đều thân thiết, giúp đỡ nhau. Lúc này người ta đang ngụp lặn trong tứ vô lượng tâm: “từ, bi, hỉ, xả”.

-      Đi chùa Hương về lại có quà, có lộc cho mọi người.

-     Có trò chơi là những cỗ chuyền, con quay, quả bóng, các cỗ giải ranh băng sỏi nhằn bóng... là niềm vui thích hân hoan cùa những người ở nhà và các em.

c. Ý nghĩa

-      Làm giàu có thêm bản sắc văn hóa Việt Nam.

-      Hướng con người vươn tới lối sống tích cực, tu tâm, rèn luyện đạo đức.

3. Kết bài

-     Hội chùa Hương là một trong những hội mang ý nghĩa tâm linh rất cao.

-     Cần phải giữ gìn và phát huy truyền thống nhiều hơn nữa.

 

 

Bài mẫu

“Hôm nay đi chùa Hương

Hoa cỏ mờ hơi sương

Cùng thầy me em dậy

Em vấn đầu soi gương

Khăn nhỏ, đuôi gà cao

Em đeo dải yếm đào

Quần lĩnh, áo the mới

Tay cầm nón quai thao…”

      Hẳn ai trong chúng ta cũng đã từng nghe và từng yêu những câu thơ dung dị mà đẹp lạ lùng ấy. Nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp đã vô cùng khéo léo khi diễn tả những ý nghĩ ngây thơ, trong sáng của một nàng “gái quê” trong lễ hội Chùa Hương.

      Liệu bao người con gái đi lễ chùa Hương mà lòng lại không thổn thức như thế? Dù trong quá khứ hay hiện tại, lễ hội Chùa Hương vẫn là một nét đẹp không thể thiếu trong phong tục tập quán của người Việt, bởi đây là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thông dân tộc, cũng là hành trình trở về với cõi Phật.

      Hội chùa Hương diễn ra trên địa bàn xã Hương Sơn, trong địa phận huyện Mỹ Đức, tỉnh Hà Tây cách trung tâm Hà Nội khoảng 70 km. Lễ hội chùa Hương kéo dài từ mùng 6 tháng giêng đến hết tháng 3 âm lịch. Đỉnh cao của lễ hội là từ rằm tháng riêng đến 18 tháng hai âm lịch. Đây là một lễ hội lớn, cùng với lễ hội chùa Yên Tử và lễ hội chùa Bái đính là những lễ hội gây được tiếng vang nhất miền Bắc.

      Chùa Hương là tổng thể kiến trúc hài hòa được tạo hóa ban tặng cho con người. Chùa hương có nhiều động, nhiều chùa, núi, đồi, suối rừng, chùa tháp… vẻ đẹp của thiên nhiên hòa quyện với bàn tay lao động của con người tạo thành một quần thể thắng cảnh tuyệt đẹp.

      Từ xưa cho đến nay du khách trẩy hội Chùa Hương đã biết đến một quần thể hang động mang đậm màu sắc tín ngưỡng dân gian – đạo Phật với nền văn hoá nông nghiệp (ao bèo, con trâu, đàn lợn, nong tằm, né kén…) và phảng phất cả văn hoá phồn thực (bầu sữa mẹ, núi cô, núi cậu…) du khách đến Chùa Hương cầu mong được thăp một nén tâm hương trước đấng siêu phàm và lời nguyện cầu mọi sự tốt lành.

      Chùa Hương gắn liền với tín ngưỡng dân gian thờ Chúa Ba: Theo truyền thuyết thì ở vùng “linh sơn phúc địa này “vào thế kỷ đầu tiên đã có công chúa Diệu Thiện tục gọi là chúa Ba ứng thân của Bồ Tát Quán Thế Âm đã vào tu hành 9 năm, đắc đạo thành phật đi cứu độ chúng sinh (ngày phật đản là ngày 19 tháng Hai hàng năm theo Lịch Âm). Bởi vậy mà hàng năm, mỗi độ xuân về hoa mơ nở trắng núi rừng Hương Sơn, hàng triệu phật tử cùng tao nhân mặc khách khắp 4 phương lại nô nức trẩy hội chùa Hương.

      Ở trong chùa có lễ dâng hương, gồm hương, hoa, đèn, nến, hoa quả và thức ăn chay.Trước ngày mở hội một ngày, tất cả các đền, chùa, đình, miếu đều khói hương nghi ngút, không khí lễ hội bao trùm cả xã Hương Sơn. Phần lễ có nghiêng về “thiền”. Ở chùa ngoài lại thờ các vị sơn thần thượng đẳng với đủ màu sắc của đạo giáo. Đền Cửa Vòng là “chân long linh từ” thờ bà chúa Thượng Ngổn, là người cai quản cả vùng rừng núi xung quanh với cái tên là “tì nữ tuý Hồng” của sơn thần tối cao.

      Chùa Bắc Đài, chùa Tuyết Sơn, chùa Cả và đình Quân thờ ngũ hổ và tín ngưỡng cá thần.phần lễ là toàn thể hệ thống tín ngưỡng gần như là cả một tổng thể tôn giáo ở Việt Nam; có sự sùng bái tự nhiên, có Đạo, có Phật và có cả Nho. Màu sắc tôn giáo hòa lẫn với màu sắc của tình yêu, của tình cảm cộng đồng…làm cho hội chùa chùa hương vừa thanh cao vừa trần tục mang vẻ đẹp thẩm mĩ hiếm có.

      Ngày hội, làng tổ chức rước thần từ đền ra đình. Cờ trống đi trước dàn nhạc bát âm kế theo, trai thanh gái lịch phù kiệu, ông già bà cả thành tâm tiễn thần. Không khí lễ hội ấy làm tâm hồn con người thanh thản, thuần khiết hơn.Trong lễ hội có rước lễ và rước văn. Người làng dinh kiệu tới nhà ông soạn văn tế, rước bản văn ra đền để chủ tế trịnh trọng đọc, điều  khiển các bô lão của làng làm lễ tế rước các vị thần làng.

      Vào những ngày tổ chức lễ hội, chùa Hương tấp nập vào ra hàng trăm thuyền. Nét độc đáo của hội chùa Hương là thú vui ngồi thuyền vãng cảnh lạc vào non tiên cõi Phật.

      Rời con thuyền, giã từ sông nước, con người được hòa nhập vào núi vãn cảnh chùa chiền và bắt đầu hành trình mới – hành trình leo núi. Không khí của lễ hội, vẻ đẹp của những hang động kì thú khiến du khách cứ dạo bước đi mà không cảm thấy mệt. Chùa Hương đẹp, một vẻ đẹp không hề phô diễn mà vẫn làm say đắm lòng người.

      Giờ đây lễ hội Chùa Hương đã trở thành một nét văn hoá tâm linh của người dân Việt Nam. Năm 2013 sẽ là năm mà lễ hội Chùa Hương được tổ chức lớn nhất với chủ đề “ Nét đẹp truyền thống văn hóa Việt”. Ai đã từng đến với Chùa Hương, sống cùng không khí của lễ hội Chùa Hương chắc hản sẽ nhớ mãi không quên.

” Không đi thì nhớ thì thương
Ra đi mến cảnh Chùa Hương không về “

 

Mai Kim Ngân
Loigiaihay.com

Bình chọn:
3 trên 6 phiếu

>> Xem thêm

Luyện Bài Tập Trắc nghiệm Văn 8 - Xem ngay

Tham Gia Group Dành Cho 2K10 Chia Sẻ, Trao Đổi Tài Liệu Miễn Phí

>> Học trực tuyến lớp 8 trên Tuyensinh247.com cam kết giúp học sinh lớp 8 học tốt, hoàn trả học phí nếu học không hiệu quả.