Giải Bài tập tình huống Giáo dục công dân 8 Bài 8: Tôn trọng và học hỏi các dân tộc khác

I. Tình huống - vấn đề - Bài 8: Tôn trọng và học hỏi các dân tộc khác


Giải câu hỏi 1, 2, 3, 4 trang 21, 22, 23 sách bài tập tình huống Giáo dục công dân 8. Thời mở cửa, nhiều người Việt Nam thích dùng hàng ngoại, ăn diện theo “mốt” Tây, ....

Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn

Câu 1

Thời mở cửa, nhiều người Việt Nam thích dùng hàng ngoại, ăn diện theo “mốt” Tây, dùng tiếng Việt, pha tiếng nước ngoài, đổ xô đi học ngoại ngữ, đua nhau tổ chức mừng sinh nhật tại nhà hàng sang trọng ...

Gợi ý: Những biếu hiện trên có gì đúng ? Có gì sai ?

Lời giải chi tiết:

Những biểu hiện trên có đúng có cả sai. Những biểu hiện trên có điều đúng vì chúng ta đã có tinh thần học hỏi văn hóa nước ngoài, mọi người đi học ngoại ngữ giúp nâng cao kiến thức và dễ dàng giao lưu với nước khác. Nhưng cũng thể hiện mặt tiêu cực là không biết chọn lọc để phù hợp với hoàn cảnh đất nước, dùng tiếng Việt pha tiếng nước ngoài, ăn diện theo “mốt” Tây khiến cho văn hóa bản sắc dân tộc bị pha tạp.

Câu 2

Em hãy cho biết, trong những năm qua nước ta đã xuất khẩu được những mặt hàng gì ? Mặt hàng nào được bạn bè thế giới ưa chuông ? Mặt hàng nào chưa được ưa chuộng ? Nêu suy nghĩ của em về hiện tượng này.

Lời giải chi tiết:

Trong những năm qua nước ta đã xuất khẩu được những mặt hàng như cà phê, chè, hồ tiêu, lúa gạo, xăng dầu, giầy da, cá ba sa ...

Trong đó cà phê, lúa gạo rất được bạn bè thế giới ưa chuộng. Hiện tượng này đánh dấu bước phát triển của nước ta ở chỗ không chỉ đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước mà những mặt hàng ấy còn đáp ứng đúng cả nhu cầu và chất lượng của nước ngoài.

Mặt hàng chưa được ưa chuộng liên quan đến công nghệ và mặt hàng chế biến.

Hiện tượng trên là do chúng ta chỉ phát triển nặng tính thuần nông, chưa chú trọng đến chất lượng sản phẩm nên chưa được các nhà thị trường khó tính chấp nhận.

Câu 3

“Mỗi dân tộc có cách chào nhau riêng. Người Ấn, người Thái, người Lào, người Khơ-me khi gặp nhau chắp tay lên ngực và thốt ra những tiếng “namaxtê” (Ấn), “xămbaiđi” (Thái, Lào), “chumriêpxua” (Khơ-me). Người Nhật đứng ngay tại chỗ, cúi gập lưng, thận trọng ngước mắt lên nhìn, vì đứng thẳng trước người khác là bất nhã. Người Anh không hay bắt tay mà chỉ bắt tay sau khi xa nhau lâu ngày hoặc tỏ ý cảm ơn. Các đồng nghiệp gặp nhau buổi sáng thì không bắt tay nhau. Trong một giờ nói chuyện thoải mái, người Anh không một lần nào làm điệu bộ trong khi đó người Mê-hi-cô có 180 cử chỉ, điệu bộ ; người Pháp có 120 lần ; người I-ta-li-a có 80 lần ; người Phần Lan có 1 lần.

Người Đức và người Hà Lan rất trọng tính chính xác, đúng giờ, điều này lại bị coi nhẹ ở Tây Ban Nha và nhất là ở Mĩ La-tinh. Đối với người Mĩ, khi nói chuyện về công việc thì khoảng cách giữa hai người là 60 - 70 cm, nhưng khoảng cách đó lại quá xa đối với người Mê-hi-cô, Cu Ba, Tây Ban Nha, vì họ có thói quen khi nói chuyện thì tiến gần lại bên nhau. Người Mĩ La-tinh không rõ đặc điểm này, cứ tiến sát lại gần khi nói chuyện với người Mĩ khiến người Mĩ phải đứng ra xa và sau đó khi đánh giá người bạn mới từ Mĩ La-tinh tới, người Mĩ nghĩ rằng “thằng cha” Mĩ La-tinh này bất nhã quá, cứ muốn có quan hệ gần gũi. Còn người Mĩ La-tinh thì tưởng rằng “cha nội” Mĩ này tự cao, tự đại, lạnh nhạt, quan cách ...”

Theo MINH TRANG

(Báo Hànộimới tháng 2-1995)

Gọi ý : Em sẽ ứng xử như thế nào ở bước đầu giao tiếp, chào hỏi của một trong những người nước ngoài trên đây? Tại sao ?

Lời giải chi tiết:

Em sẽ cúi đầu, gập lưng chào người Nhật và dùng ngôn ngữ Anh để giao tiếp với họ. Bởi vì, việc làm đó thể hiện sự tôn trọng người Nhật, cũng thể hiện sự tôn trọng chính dân tộc mình, em không thể nói Tiếng Việt vì sẽ bất đồng ngôn ngữ nhưng em sẽ nói tiếng Anh là ngôn ngữ phổ thông.

Câu 4

“... Từ một nước nghèo tài nguyên, thiên nhiên khắc nghiệt, bại trận và bị tàn phá trong Chiến tranh thế giới thứ hai, Nhật Bản trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới. Ngọn nguồn sức mạnh của Nhật Bản là tính cộng đồng của dân tộc Nhật, là do sớm xác định “giáo dục là quốc sách” ngay từ thời Minh Trị Thiên Hoàng. Giờ đây giới trẻ tại các trường học vẫn đua tranh quyết liệt để giành lấy tri thức, thông thường học sinh đi học từ 8 giờ sáng đến 8 giờ tối (ở trường và ở các trung tâm luyện thi...).

Khi tiếp cận với thế giới, người Nhật khiêm nhường đến mức nhẫn nhục đi học hỏi, với một ý chí thép . “Không lẽ người khác làm được mà mình không làm được”. Hiếm kỉ lục phát minh, nhưng Nhật Bản là nước ứng dụng nhiều phát minh hết sức linh hoạt, cải tiến và nâng cao phát minh của người khác đến độ bất ngờ! Người Nhật dùng phương pháp “lạt mềm buộc chặt” bước vào đàm phán với đối tác nước ngoài bằng cái chào cúi gập, nụ cười trên môi nhưng ít khi từ bỏ mục tiêu lợi nhuận của mình. Đáng lưu ý là người Nhật chưa thoả mãn với những gì đã đạt được, vẫn muốn tiếp tục mạnh lên về kinh tế và có vị trí cao hơn trên chính trường quốc tế... Người Nhật làm việc nhiệt tình đến mức say mê, chu đáo đến mức nghệ thuật...

Theo QUANG TUẤN
(Báo Nhân Dân tháng 2-1995)

Gợi ý : Đọc bài trên đây và căn cứ thêm vào những điều được nghe về người Nhật (qua báo chí, phim Ôsin, các phim khác...). Em hãy suy nghĩ về người Việt Nam ta và riêng em nên học hỏi những gì ở người Nhật ?

Lời giải chi tiết:

Người Việt Nam cũng có nhiều điều giống người Nhật như rất chịu khó, kiên cường, vượt khó. Tuy nhiên người Việt Nam ta nói chung và riêng em cần học hỏi ở người Nhật rất nhiều, tiêu biểu như :

- Học tính quyết liệt, say mê: dám nghĩ, dám thay đổi và dốc sức để thay đổi và đạt kết quả mong muốn.

- Học cách nề nếp: tuân thủ nguyên tắc, quy định mà pháp luật đề ra để từ đó tạo thói quen tốt cho bản thân mình.

- Học sự tôn trọng con người.

- Học tính kiên nhẫn và ý chí kiên cường giống như cách mà họ đã vượt qua thử thách, dồn toàn tâm trí để xây dựng đất nước.

Loigiaihay.com


Bình chọn:
4.4 trên 5 phiếu

Tham Gia Group Dành Cho 2K10 Chia Sẻ, Trao Đổi Tài Liệu Miễn Phí

>> Học trực tuyến lớp 8 trên Tuyensinh247.com cam kết giúp học sinh lớp 8 học tốt, hoàn trả học phí nếu học không hiệu quả.