Đề số 12 - Đề kiểm tra học kì 1 - Ngữ văn 12>
Tải vềĐáp án và lời giải chi tiết Đề số 12 - Đề kiểm tra học kì 1 (Đề thi học kì 1) - Ngữ văn 12
Đề bài
I. ĐỌC – HIỂU (3,0 điểm)
Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:
Trong lớp học vẽ, hai mươi sinh viên cùng vẽ một người mẫu, kết quả được hai mươi bức họa khác nhau, vừa có phần giống người mẫu, vừa giống người vẽ. Cho họ vẽ một lần nữa, lại được những bức họa khác. Điều đó chứng tỏ không ai suy nghĩ giống ai và không ai có thể lặp lại y như trước. Trong hàng trăm, hoặc hàng ngàn họa sĩ, có thể xuất hiện một người mà chúng ta công nhận là danh họa. Anh ta vừa là một cá nhân duy nhất, vừa có thể tạo ra những tác phẩm mang tính phổ quát, quyến rũ lòng người. Rồi một ngày nào đó, danh họa đó cũng trở nên cũ kỹ. Một họa sĩ mới và một phong cách mới ra đời. Việc đời đại loại cũng như vậy, như dòng sông chảy mãi không ngừng.
(Trích Nghệ thuật ngày thường, Phan Cẩm Thường, NXB Phụ nữ, 2008, tr.431)
Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích. (0,5 điểm)
Câu 2. Theo tác giả Phan Cẩm Thượng, họa sĩ được công nhận là danh họa có đặc điểm như thế nào? (0,5 điểm)
Câu 3. Xác định câu văn có sử dụng biện pháp tu từ so sánh và nêu hiệu quả của biện pháp tu từ so sánh trong đoạn trích trên. (1,0 điểm)
Câu 4. Thông điệp nào của đoạn trích có ý nghĩa nhất đối với anh/chị? Vì sao? (1,0 điểm)
II. LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1. (2,0 điểm)
Từ nội dung đoạn trích trong phần Đọc – hiểu, anh/chị hãy viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về ý nghĩa của việc sáng tạo cái mới trong cuộc sống.
Câu 2. (5,0 điểm)
Cảm nhận của anh/chị về đoạn trích sau:
Con sóng dưới lòng sâu
Con sóng trên mặt nước
Ôi con sóng nhớ bờ
Ngày đêm không ngủ được
Lòng em nhớ đến anh
Cả trong mơ còn thức
Dẫu xuôi về phương bắc
Dẫu ngược về phương nam
Nơi nào em cũng nghĩ
Hướng về anh – một phương
(Trích Sóng, Xuân Quỳnh, Ngữ văn 12, tập 1, NXB Giáo dục Việt Nam, 2016, tr.155)
Lời giải chi tiết
I. ĐỌC HIỂU
Câu 1:
* Phương pháp: Căn cứ vào các phương thức biểu đạt đã được học: tự sự, miêu tả, biểu cảm, thuyết minh, nghị luận, hành chính – công vụ.
* Cách giải:
- Phương thức biểu đạt chính: nghị luận.
Câu 2:
* Phương pháp: Đọc, tìm ý.
* Cách giải:
- Theo tác giả Phan Cẩm Thượng, họa sĩ được công nhận là danh họa có đặc điểm: Anh ta vừa là một cá nhân duy nhất, vừa có thể tạo ra những tác phẩm mang tính phổ quát, quyến rũ lòng người.
Câu 3:
* Phương pháp: Căn cứ vào đặc điểm của biện pháp tu từ so sánh, phân tích, tổng hợp.
* Cách giải:
- Câu văn có sử dụng biện pháp so sánh: Việc đời đại loại cũng như vậy, như dòng sông chảy mãi không ngừng.
- Hiệu quả: Nhấn mạnh cuộc đời là một dòng chảy bất tận, cuộc đời cũng sẽ có nhiều đổi thay, vận động không ngừng.
Câu 4:
* Phương pháp: Phân tích, tổng hợp.
* Cách giải:
- Anh/chị tự rút ra thông điệp cho mình. Đó có thể là: Cuộc sống luôn vận động không ngừng, ngay kể cả một con người cũng luôn có những thay đổi. Vì vậy mình luôn luôn cần cố gắng, phấn đấu.
II. LÀM VĂN
Câu 1:
* Phương pháp: Sử dụng các thao tác lập luận để tạo lập một đoạn văn nghị luận (bàn luận, so sánh, tổng hợp,…)
* Cách giải:
Yêu cầu về hình thức:
- Viết đúng 01 đoạn văn khoảng 200 từ.
- Trình bày mạch lạc, rõ ràng, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
- Hiểu đúng yêu cầu của đề, có kỹ năng viết đoạn văn nghị luận.
Yêu cầu về nội dung:
* Nêu vấn đề
* Giải thích vấn đề
- Sáng tạo: tạo ra những giá trị mới về vật chất hoặc tinh thần.
* Phân tích, bàn luận vấn đề
- Ý nghĩa của sự sáng tạo cái mới trong cuộc sống:
+ Tạo ra những giá trị mới, thúc đẩy sự phát triển của xã hội
+ Cái mới sẽ là nguồn động lực kích thích trí tuệ của những người xung quanh
+…
- Tại sao con người phải sáng tạo ra cái mới:
+ Cuộc sống không ngừng phát triển, con người cần tạo ra những cái mới để kịp với sự phát triển của xã hội
+ Cái mới luôn là sản phẩm của tư duy. Việc tạo ra cái mới cũng là thúc đẩy sự phát triển của tư duy.
+…
- Nếu con người không tạo ra được cái mới thì cuộc sống sẽ trì trệ, xã hội sẽ kém phát triển,..
- Phê phán những người không chịu sáng tạo, luôn bằng lòng và thỏa mãn với mình của ngày hôm nay.
* Bài học liên hệ bản thân
Câu 2:
* Phương pháp:
- Phân tích (Phân tích đề để xác định thể loại, yêu cầu, phạm vi dẫn chứng).
- Sử dụng các thao tác lập luận (phân tích, tổng hợp, bàn luận,…) để tạo lập một văn bản nghị luận văn học.
* Cách giải:
Yêu cầu hình thức:
- Thí sinh biết kết hợp kiến thức và kỹ năng làm nghị luận văn học để tạo lập văn bản.
- Bài viết phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng; văn viết có cảm xúc; diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.
Yêu cầu nội dung:
1. Giới thiệu tác giả, tác phẩm
- Xuân Quỳnh là cây bút xuất sắc của văn học Việt Nam hiện đại, thuộc số những nhà thơ lớp đầu tiêu biểu của thế hệ các nhà thơ trẻ trưởng thành trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước. Thơ Xuân Quỳnh là tiếng lòng của một phụ nữ có nhiều trắc ẩn, luôn da diết trong khát vọng về hạnh phúc bình dị đời thường.
- Sóng được sáng tác năm 1967 trong một chuyến Xuân Quỳnh đi vùng biển Diêm Điền (tình Thái Bình). Sóng là bài thơ đặc sắc viết về tình yêu, rất tiêu biểu cho phong cách thơ Xuân Quỳnh.
2. Phân tích
2.1 Khổ thứ nhất:
- Hình tượng “sóng” diễn tả nỗi nhớ trong tình yêu:
Con sóng dưới lòng sâu
....
Dù muôn vời cách trở
- Khổ năm đọng lại một chữ “nhớ”. Nỗi nhớ gắn với không gian “dưới lòng sâu”, “trên mặt nước”, với “bờ”; nó bao trùm cả thời gian “ngày đêm không ngủ được”, và xâm chiếm tâm hồn con người, ngay cả trong vô thức “Lòng em nhớ đến anh/ Cả trong mơ còn thức”. Một tiếng “nhớ” mà nói được nhiều điều. Em đã hoá thân vào sóng. Sóng đã hoà nhập vào tâm hồn em để trở nên có linh hồn thao thức.
- Nghệ thuật tương phản để gợi ra những phạm vi không gian khác nhau “dưới lòng sâu”, “trên mặt nước”, phạm vi thời gian khác nhau: "ngày” – “đêm”, nghệ thuật nhân hóa: “ngày đêm không ngủ được”, diễn tả nỗi nhớ dạt dào, triền miên của sóng với bờ cũng là nỗi nhớ của người phụ nữ khi yêu.
- Người phụ nữ bày tỏ nỗi nhớ một cách trực tiếp, mạnh dạn, chân thành “Lòng em nhớ đến anh”, cách nói thậm xưng “Cả trong mơ còn thức” thể hiện nỗi nhớ ăn sâu vào tiềm thức, thường trực trong suy nghĩ.
→ Đây là khổ duy nhất trong bài có đến 6 câu thơ, sự phá cách ấy đã góp phần diễn tả sự trào dâng mãnh liệt của nỗi nhớ trong tình yêu.
2.2 Khổ thứ hai:
- Khổ thơ là tiếng nói thủy chung son sắt trong tình yêu:
Dẫu xuôi về phương Bắc
…
Hướng về anh – một phương
- Các danh từ chỉ hướng “Bắc" – "Nam” đã gợi ra sự xa cách. Cách nói ngược xuôi Bắc, ngược Nam dường như đã hàm chứa trong nó những éo le, diễn tả những thường biến của cuộc đời.
- Đối lập lại với cái thường biến ấy là sự bất biến “Nơi nào em cũng nghĩ/ Hướng về anh – một phương”. Với cô gái đang yêu, dường như không còn khái niệm phương hướng địa lý mà chỉ còn một phương duy nhất – phương anh.
→ Tiếng lòng thủy chung son sắt, khẳng định tình yêu bất biến, trường tồn với thời gian.
3. Kết luận
- Khái quát và mở rộng vấn đề.
Loigiaihay.com
- Đề số 13 - Đề kiểm tra học kì 1 - Ngữ văn 12
- Đề số 14 - Đề kiểm tra học kì 1 - Ngữ văn 12
- Đề số 15 - Đề kiểm tra học kì 1 - Ngữ văn 12
- Đề số 16 - Đề kiểm tra học kì 1 - Ngữ văn 12
- Đề số 17 - Đề kiểm tra học kì 1 - Ngữ văn 12
>> Xem thêm