Câu tục ngữ: Thương người như thể thương thân


Nhân ái là đạo lí cao đẹp của đất nước và con người Việt Nam xưa và nay. Thương mình và thương người, tình cảm cao quý ấy được kết tinh và hội- tụ trong một câu tục ngữ sáu chữ rất cô đúc mà lấp lánh gợi cảm:


Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn

Dàn ý

I. Mở bài

- Trong kho tàng ca dao, tục ngữ mà ông bà ta để lại có một câu thể hiện nội dung là tình thương yêu giữa con người và con người với nhau.

- Câu tục ngữ ấy chính là: “Thương người như thể thương thân”.

II. Thân bài

1. Giải thích câu tục ngữ: “Thương người như thể thương thân” nghĩa là gì?

- Thương người nghĩa là chúng ta phải luôn luôn mở rộng tấm lòng của mình để quan tâm, lo lắng cho những người xung quanh còn nhiều vất vả, khó khăn.

- Thương thân nghĩa là yêu thương chính bản thân chúng ta. Chúng ta luôn trân trọng, chăm lo đến bản thân rất nhiều và đó là điều tất yếu.

- Cả câu tục ngữ: Thương người như thể thương thân mang đến cho chúng ta suy nghĩ rằng: chúng ta yêu thương, trân trọng, chăm sóc bản thân mình như thế nào thì hãy mở rộng tấm lòng của mình yêu thương những người xung quanh mình như thế đó.

2. Biểu hiện:

- Yêu thương người khác đặc biệt là những người còn gặp nhiều khó khăn luôn là truyền thống đạo đức tốt đẹp của dân tộc Việt Nam chúng ta.

- Cạnh nhà ta có một cụ già neo đơn, bất hạnh. Trong ta cứ dấy lên niềm xót thương vô hạn. Ta day dứt vì cảnh đời một cụ già tội nghiệp: Chắc chắn mình phải làm gì đó cho cụ. Ta dành thời gian có thể để giúp đỡ, hoặc tiết kiệm những đồng tiền ăn sáng ít ỏi của mình để gửi tặng cụ. Cảm xúc và hành động đó được gọi là tình thương.

- Nếu không có một trái tim chan chứa yêu thương, nhà văn Khánh Hoài khó tạo ra giây phút chia li cảm động giữa Thủy với cả lớp, Thủy và anh trai trong văn bản “Cuộc chia tay của những con búp bê”, để rồi người đọc thấm thía giá trị của gia đình, biết trân trọng, nâng niu hạnh phúc.

- Tình yêu thương, san sẻ với những mảnh đời bất hạnh xung quanh ta còn được nhân dân tôn vinh trong nhiều truyền thuyết xa xưa như: “Con rồng cháu tiên”, “Quả bầu mẹ”,..

- Trong ca dao, dân ca cũng có một số câu thể hiện tình yêu thương như: “Lá lành đùm lá rách”, “Bầu ơi thương lấy bí cùng/ Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”,...

- Trong cuộc sống hằng ngày, ta dễ dàng bắt gặp những con người có lối sống đẹp như một con người luôn sống lành mạnh, chan hòa với cuộc sống, luôn tự vươn lên khi gặp khó khăn, vất vả.

- Hay những thanh niên, đoàn viên làm các công tác xã hội, những việc mà người dân cần như quét dọn sạch sẽ đường phố, nạo vét các kênh rạch bị nghẹt, tham gia các hoạt động tình nguyện Mùa hè xanh,… Đó chính là một trong những biểu hiện của “sống đẹp”.

3. Những biểu hiện đi ngược đạo lí

- Những kẻ này là những con người luôn thờ ơ, vô tâm với cuộc sống xung quanh mình.

- Dù cho những người nghèo khó nằm ngay trước mắt họ, họ cùng không thèm đoái hoài tới.

- Đây là những kẻ thật sự rất đáng lên án, phê phán trong xã hội ngày nay.

III. Kết bài

- Qua câu tục ngữ, bản thân là học sinh, tôi đã rút ra cho mình nhiều bài học kinh nghiệm quý báu.

- Đó là một câu tục ngữ rất hay và sâu sắc, thể hiện một phẩm chất đạo đức tốt đẹp của con người.

- Tôi nguyện hứa rằng sẽ luôn phấn đấu học tốt, luôn rèn luyện, trau dồi đạo đức, luôn quan tâm đến mọi người xung quanh mình.

Bài mẫu

Bài tham khảo số 1

      Nhân ái là đạo lí cao đẹp của đất nước và con người Việt Nam xưa và nay. Thương mình và thương người, tình cảm cao quý ấy được kết tinh và hội tụ trong một câu tục ngữ sáu chữ rất cô đúc mà lấp lánh nhân sinh: "Thương người như thể thương thân"
        Nhân dân ta đã tạo nên một so sánh cụ thể, giản dị mà thấm thía biết bao! Trong cuộc sống, có gì quý hơn, thân thiết hơn "thân mình? Chữ ''thân'' trong câu tục ngữ là chỉ số phận cuộc đời mình, niềm vui nỗi buồn, những ước mơ về hạnh phúc của mình. Những con người xa lạ, những kẻ bất hạnh trong cõi đời chẳng có mối quan hệ gì với ta, thế mà ta đã thương, đã quý mến. đồng cảm họ một cách vô cùng sâu sắc với tất cả tình người. Sự "thương" người ấy "như thể thương thân" ta vậy! Không vụ lợi! Không ban ơn! Tất cả chỉ vì tình thương người, tình yêu thương đồng loại.
        Đường đời nhiều chông gai hiểm trở. Xã hội biến động không ngừng. Cũng có thuở thái bình thịnh trị. Vì thương người, ta vui với niềm vui của mọi người, mọi nhà. Cũng có thời kì loạn lạc, mất mùa. dịch bệnh, giặc giã tung hoành khắp nơi. Người người đau khổ vật lộn trong thiên tai, địch họa. trong máu và nước mắt. Trong hoàn cảnh ấy, thương thân mình đã khó, thế mà ta còn biết "thương người" quý mến, trân trọng những kẻ bất hạnh gần xa.
        Tinh cảm ấy thật đáng quý vô ngần. Tình thương người gắn liền với đức hi sinh là thế!
        Tình thương người của nhân dân ta mênh mông và bao la, với những biểu hiện vô cùng phong phú. Đồng cảm, thương xót cho cảnh ngộ đau khổ của đồng loại.
        Đau nỗi đau, lo nỗi lo của đồng loại. Đó là Thương người như thể thương thân. Bênh vực, chở che, săn sóc cứu giúp vật chất, san sẻ tình thương cho những con người họan nạn, cho những con người "nhỏ bé" đang sống "dưới đáy" xã hội. Đó cũng là "Thương người như thể thương thân", "Lá lành đùm lá rách''; "Một miếng khi đói bằng một gói khi no"; "Một con ngựa đau cả tòa bỏ cỏ''; "Máu chảy ruột mềm ", v.v... Đó là những biểu hiện, những hành động cao quý "Thương người như thể thương thân".
        "Hũ gạo cứu đói" năm Ất Dậu 1945, phong trào rộng lớn của toàn dân giúp đỡ đồng bào bị bào lụt, giúp nạn nhân chiến tranh, giúp học sinh nghèo,... trong những năm gần đây đã nói lên sức mạnh của tình nhân ái, đạo lí tốt đẹp. "Thương người như thể thương thân" của dân tộc ta. 
        "Thương người... ” không chỉ đồng cảm san sẻ, cứu giúp, mà còn phải biết trân trọng những phẩm giá tốt đẹp của đồng loại, thấu hiểu và nâng niu những ước mơ, nguyện vọng về dân chủ tự do, về ấm no, hạnh phúc của nhân dân, nhất là của những con người lầm than, đói khổ.
        "Thương người như thể thương thân " chính là lòng chí nhân " đã làm nên sức mạnh Việt Nam như Nguyễn Trãi đã nói: "Lấy chí nhân để thay cường bạo'' (Bình Ngô đại cáo). Tình cảm cao quý ấy đã làm cho lòng người trong sáng hơn, nhân hậu hơn. Biết lấy tình người trong ứng xử là đạo lí cao quý. Nhờ thế mà bóng tối bị xua tan. Cái ác bị đẩy lùi. Tình người và tình đời toả sáng, Xã hội ngày một văn minh hơn, tốt đẹp hơn.

        Bọn bất lương, lũ "chuột lớn bất nhân” (bài thơ "Ghét chuột" của Nguyễn Binh Khiêm) thì làm sao chúng nó hiểu được câu tục ngữ: “Thương người như thể thương thân". Những kẻ giàu nứt đố đổ vách, xài bằng ngoại tệ.... nhưng chẳng bao giờ dám bỏ ra một xu để giúp người cơ nhỡ, bố thí cho kẻ hành khất ngược xuôi thì câu tục ngữ "Thương người... " ấy rất xa lạ với họ!
        Phật giáo, Thiên chúa giáo, đạo Khổng,... đều có nói đến lòng nhân ái. Từ giáo lí ấy mà chúng ta càng thêm tự hào về đạo lí "Thương người như thể thương thân " của nhân dân ta. Cộng đồng người Việt, "ban nghìn lớp người " đã lấy tình thương để xây dựng và phát triển nghĩa đồng bào, tình dân tộc. Chẳng thế mà nó đã trở thành điệu ru, câu hát dân gian, thấm sâu vào hồn người như hương lúa đồng quê bao đời nay:

   "Thấy người họan nạn thì thương,
Thấy người đói rét ta nhường áo cơm"

“Nhiễu điều phủ lấy giá gương,
Người trong một nước phải thương nhau cùng"

        Sống không có tình thương sẽ bị khô héo lương tri, cằn cỗi tâm hồn. Bởi vậy, có người đã nói: "Biết san sẻ là hạnh phúc; được san sẻ cũng là hạnh phúc". Có khi tình thương đã gắn liền với tình cảm cách mạng và kháng chiến:

"Thương nhau chia củ sắn lùi,
Bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng. "
( Việt Bắc - Tố Hữu)

        Xưa nay, ai cũng muốn được sống trong tình thương. Câu tục ngữ: "Thương ngườì như thể thương thân" là bài học luân lí vô giá đối với mọi người. Nó thanh lọc hồn người và hướng thiện.
        Thế kỉ XXI là thế kỉ của tri thức. Và còn phải là thế kỉ của tình thương. Tình thương là cái gốc của đạo lí làm người, là vẻ đẹp nhân văn của nén văn hoá dân tộc. Một xã hội văn minh phải là xã hội của tình thương.
        Tình thương mãi mãi là bài ca cuộc đời, bài ca của yên vui hạnh phúc. Phong trào "xoá đói giảm nghèo", “góp tiền vào quỹ ủng hộ người nghèo" hiện nay chính là bài ca 'Thương người như thể thương thân" của đất nước và con người Việt Nam chúng ta.

                                                                            Loigiaihay.com

Xem thêm bài tham khảo khác tại đây:

Bài tham khảo số 2

Bài tham khảo số 3

Bài tham khảo số 4

Bài tham khảo số 5 

Bài tham khảo số 6


Bình chọn:
4.3 trên 64 phiếu

>> Xem thêm

Luyện Bài Tập Trắc nghiệm Văn 8 - Xem ngay

Tham Gia Group Dành Cho 2K11 Chia Sẻ, Trao Đổi Tài Liệu Miễn Phí

>> Học trực tuyến lớp 8 trên Tuyensinh247.com Đầy đủ khoá học các bộ sách (Kết nối tri thức với cuộc sống; Chân trời sáng tạo; Cánh diều). Cam kết giúp học sinh lớp 8 học tốt, hoàn trả học phí nếu học không hiệu quả.