Đề bài

Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi:

    “Những kẻ thất bại không bao giờ chịu nhận trách nhiệm cho những gì xảy ra trong cuộc sống của họ. Thay vào đó, họ luôn tự biện hộ, đổ lỗi cho người khác hoặc tự lừa dối mình. Nếu họ đang “tuột dốc” một cách thảm hại trong trường học, họ sẽ biện hộ là “Mình vô nhầm một lớp tệ hại”, “Mình không có đủ thời gian”, “Mình sinh ra vốn đã lười biếng rồi”, “Mình bẩm sinh có trí nhớ kém”, “Môn học này không hấp dẫn”, “Ba mẹ mình cũng đâu có học giỏi”... Những kẻ thất bại lúc nào cũng có khuynh hướng đổ lỗi cho mọi người trừ bản thân họ. Họ đổ thừa cho thầy cô giáo giảng bài nhàm chán, đổ thừa kỳ thi quá khó, đổ thừa bạn bè làm họ xao nhãng việc học, đổ thừa cha mẹ suốt ngày cằn nhằn họ... Tệ hại hơn cả, một số học sinh còn tự lừa dối bản thân rằng mọi việc cũng không đến nỗi quá tệ, rằng môn toán của họ cũng không tệ đến thế, rằng thực chất họ học hành rất chăm chỉ - trong khi tự đáy lòng, họ biết rõ những điều đó không phải là sự thật.”

(Tôi tài giỏi, bạn cũng thế - Adam Khoo)


Câu 1

Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản trên.

  • A.

    Tự sự

  • B.

    Nghị luận

  • C.

    Miêu tả

  • D.

    Biểu cảm

Đáp án: B

Phương pháp giải :

Xem lại phương thức biểu đạt đã học

Lời giải chi tiết :

Phương thức biểu đạt chính: nghị luận


Câu 2

Thái độ không bao giờ nhận trách nhiệm của những kẻ thất bại được tác giả nêu trong đoạn trích là gì?

  • A.

    họ luôn tự biện hộ, đổ lỗi cho người khác hoặc tự lừa dối mình.

  • B.

    họ luôn trốn tránh sự thật

  • C.

    họ luôn đổ lỗi cho người khác

  • D.

    họ luôn có những phản ứng tiêu cực, thái quá

Đáp án: A

Phương pháp giải :

Xem lại văn bản

Lời giải chi tiết :

Thái độ không bao giờ nhận trách nhiệm của những kẻ thất bại được tác giả nêu trong đoạn trích: họ luôn tự biện hộ, đổ lỗi cho người khác hoặc tự lừa dối mình.


Câu 3

Biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong câu sau: Họ đổ thừa cho thầy cô giáo giảng bài nhàm chán, đổ thừa kỳ thi quá khó, đổ thừa bạn bè làm họ xao nhãng việc học, đổ thừa cha mẹ suốt ngày cằn nhằn họ...

  • A.

    So sánh, điệp

  • B.

    Ẩn dụ, điệp

  • C.

    Điệp, liệt kê

  • D.

    Nhân hóa, liệt kê

Đáp án: C

Phương pháp giải :

Dựa vào các biện pháp nghệ thuật đã học

Lời giải chi tiết :

- Biện pháp nghệ thuật điệp từ: điệp “đổ thừa”, liệt kê

- Tác dụng: Nhấn mạnh những việc làm của người thiếu trách nhiệm.


Câu 4

Bài học rút ra từ văn bản trên?

  • A.

    Cần dũng cảm nhận trách nhiệm về mình trước mỗi việc làm và hành động của bản thân.

  • B.

    Luôn nhận trách nhiệm về mình.

  • C.

    Cố gắng vươn lên dù hoàn cảnh khắc nghiệt.

  • D.

    Luôn nghiêm khắc với con để con trưởng thành hơn trong cuộc sống

Đáp án: A

Phương pháp giải :

Dựa vào nội dung văn bản

Lời giải chi tiết :

Bài học rút ra từ văn bản trên: Cần dũng cảm nhận trách nhiệm về mình trước mỗi việc làm và hành động của bản thân.