Đề bài

Đọc câu chuyện sau và trả lời câu hỏi:
     Sự thiếu trung thực sẽ ảnh hưởng đến bản thân ta rất nhiều: Sự thiếu trung thực trong kinh doanh, những mối quan hệ của doanh nhân cũng trở nên hời hợt, dẫn đến thiếu vắng những tình cảm chân thành, những điều giá trị hơn trong cuộc sống; sự thiếu trung thực trong học tập làm người học sinh trở nên coi thường kiến thức, coi thường giá trị của sự khổ công trong học tập, rèn giũa của mình, mà chỉ còn chú ý đến những con điểm, đến những mánh khóe để đạt được điểm cao; sự thiếu sự trung thực trong đời sống gia đình sẽ dẫn đến sự mất niềm tin lẫn nhau của mọi thành viên, là một nguy cơ làm gia đình tan rã... Thói quen thực dần dần khiến con người cũng phải tự lừa dối chính mình, huyễn hoặc mình, và không còn nhìn thấy những nguy cơ, thách thức sắp đến nên không có phản ứng kịp lúc và nhấn chìm mình trong sai lầm triền miên... Chính vì vậy, mỗi khi định làm gì đó thiếu trung thực, trái với lương tâm của mình, bạn hãy nhớ kĩ: những gì mà việc đó đem lại cho bạn không thể bù đắp được “cái giá” mà bạn và những người xung quanh phải trả. (1)
     Mỗi người đều có một “la bàn” cho chính mình, đó không phải là tài năng, không phải là ước mơ, nó không chỉ cho bạn cái đích cần đến, nhưng nó giữ cho bạn đi đúng hướng và không bị lạc đường, không bị sa ngã. Chiếc la bàn ấy là thứ tối quan trọng để bạn có thể “lãnh đạo chính mình”, nó được cất trong tim mỗi người, luôn sẵn sàng cho bạn, chỉ tùy thuộc vào bạn có đủ dũng khí sử dụng nó hay không thôi. Chiếc la bàn ấy có tên là Trung thực. (2)
(Nhiều tác giả, Thắp ngọn đuốc xanh, NXB Trẻ, 2018)


Câu 1
Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản.
  • A.
    Tự sự
  • B.
    Miêu tả
  • C.
    Nghị luận
  • D.
    Biểu cảm

Đáp án: C

Phương pháp giải :

Xem lại phương thức biểu đạt đã học

Lời giải chi tiết :

Phương thức biểu đạt chính: Nghị luận


Câu 2

Theo tác giả, mỗi khi định làm việc gì thiếu trung thực, trái với lương tâm của mình thì cần nhớ kĩ điều gì?

  • A.
    Những gì mà việc đó đem lại cho bạn không thể bù đắp được “cái giá” mà bạn và những người xung quanh phải trả. 
  • B.
    Những gì mà việc đó đem lại sẽ khiến bạn phải nhận “cái giá” rất đắt.
  • C.
    Những gì mà việc đó đem lại không xứng với “cái giá” mà bạn phải trả.
  • D.
    Bạn sẽ không tưởng tượng được “cái giá” phải trả cho những việc làm thiếu trung thực.

Đáp án: A

Phương pháp giải :
Xem lại văn bản
Lời giải chi tiết :
Theo tác giả, mỗi khi định làm việc gì thiếu trung thực, trái với lương tâm của mình thì cần nhớ kĩ: Những gì mà việc đó đem lại cho bạn không thể bù đắp được “cái giá” mà bạn và những người xung quanh phải trả. 

Câu 3
Biện pháp nghệ thuật nổi bật được sử dụng trong đoạn thứ (1) là gì?
  • A.
    So sánh, liệt kê
  • B.
    Điệp cấu trúc, liệt kê
  • C.
    Điệp cấu trúc, so sánh
  • D.
    Liệt kê, nhân hóa

Đáp án: B

Phương pháp giải :
Xem lại nội dung văn bản
Lời giải chi tiết :
- Biện pháp nghệ thuật: điệp cấu trúc, liệt kê
- Tác dụng: diễn tả một cách đầy đủ, cụ thể, sâu sắc những biểu hiện của sự thiếu trung thực, qua đó nhấn mạnh tác hại của lối sống này.

Câu 4

Thông điệp tác giả muốn gửi gắm qua văn bản trên?

Chọn đáp án phù hợp:

  • A.
    Sự trung thực vô cùng quan trọng đối với người học sinh
  • B.
    Tác hại của sự không trung thực trong học đường
  • C.
     Vai trò, ý nghĩa của lối sống trung thực
  • D.
    Sống trung thực để tạo dựng niềm tin với người khác.

Đáp án: C

Phương pháp giải :
Xem lại nội dung văn bản
Lời giải chi tiết :

Thông điệp tác giả muốn gửi gắm qua văn bản trên:

- Vai trò, ý nghĩa của lối sống trung thực.

….