Từ điển môn Văn lớp 9 Văn bản văn học - Từ điển môn Văn 9

Văn bản văn học là gì? Một số yếu tố của văn bản văn học - Văn 9

1. Văn bản văn học là gì?

Văn bản văn học là công trình nghệ thuật ngôn từ, kết quả hoạt động sáng tác của cá nhân hoặc tập thể nhà văn và là đơn vị độc lập cơ bản của văn học.

Văn bản văn học có thể tồn tại dưới dạng truyền miệng hoặc dưới dạng viết (văn tự) với quy mô có thể chỉ là một câu, vài dòng (tục ngữ, ca dao,...) đến hàng vạn câu, hàng ngàn trang (sử thi, tiểu thuyết,... ). Về cấu trúc, văn bản văn học là một hệ thống phức tạp gồm hàng loạt yếu tố thuộc các bình diện khác nhau của nội dung và hình thức.

2. Ý tưởng, thông điệp của văn bản

- Ý tưởng là những suy nghĩ, dự định, mục tiêu của người viết. Ý tưởng thường nảy sinh qua quá trình người viết trải nghiệm, quan sát, khám phá, trăn trở trước cuộc sống, từ đó thôi thúc ý định viết.

- Thông điệp là những ý tưởng quan trọng (bài học, tư tưởng, cách ứng xử,…) được gửi gắm trong văn bản.

=> Từ ý tưởng ban đầu, người viết sẽ phát triển thành thông điệp, qua đó tác động đến suy nghĩ, hành động của người đọc.

Ví dụ:  

Trong văn bản Bức thư của thủ lĩnh da đỏ, từ những ý tưởng ban đầu về mối quan hệ giữa người da đỏ với thiên nhiên, Xi-át-tô đã gửi thông điệp về thái độ toont rọng và cách sống hài hoà với tự nhiên. Hiểu thông điệp ấy, người đọc sẽ nâng cao nhận thức và có hành động phù hợp khi ứng xử với tự nhiên.

3. Bối cảnh lịch sử, văn hoá, xã hội trong việc đọc hiểu văn bản

Bối cảnh lịch sử, văn hoá, xã hội là hoàn cảnh, điều kiện lịch sử, văn hoá, xã hội tại thời điểm văn bản ra đời giúp cho việc đọc hiểu văn bản được sâu sắc hơn; là bối cảnh tại thời điểm người đọc đọc văn bản, tác động đến cách hiểu, cách suy nghĩ, cảm xúc của người đọc.

=> Khi đọc văn bản, việc liên hệ với bối cảnh lịch sử, văn hoá, xã hội giúp người đọc hiểu thêm về mục đích viết và nội dung (bao gồm ý tưởng và thông điệp) của văn bản.

Ví dụ:

Khi đọc Bức thư của thủ lĩnh da đỏ, hiểu được bối cảnh văn hoá, xã hội (truyền thống sống hoà hợp với tự nhiên của người da đỏ), người đọc sẽ hiểu được quan điểm bảo vệ thiên nhiên và tình cảm yêu quý, gắn bó máu thịt với thiên nhiên của tác giả. Liên hệ với bối cảnh hiện nay, khi môi trường bị tàn phá, người đọc càng hiểu rõ hơn sự cấp bách của việc bảo vệ môi trường và sống hài hoà với thiên nhiên.

4. Bối cảnh tiếp nhận đối với việc đọc hiểu văn bản

Bối cảnh tiếp nhận tác phẩm bao gồm: bối cảnh thời đại, xã hội và hoàn cảnh riêng của mỗi cá nhân. Bối cảnh tiếp nhận có vai trò quan trọng, chi phối hoạt động tiếp nhận tác phẩm văn học, góp phần vào việc định hướng giá trị, trình độ tiếp nhận của người đọc.

Mỗi thời đại hay mỗi xã hội đều có định hướng giá trị riêng, có mặt bằng trình độ tiếp nhận nhất định, những điều đó có ảnh hưởng đến từng cá nhân. Hoàn cảnh riêng của cá nhân cũng chi phối sự tiếp nhận của người đọc, trong đó, hoàn cảnh sống, học tập của cá nhân và cả hoàn cảnh cụ thể tại thời điểm đọc đều ảnh hưởng đến tâm thế tiếp nhận.

5. Vai trò của người đọc trong việc đọc hiểu văn bản

Hoạt động đọc hiểu văn bản không thể thiếu nhân tố người đọc. Bằng sự tiếp nhận của mình, người đọc góp phần làm phong phú thêm ý nghĩa của tác phẩm văn học; tạo nên lịch sử tiếp nhận tác phẩn; tác động trở lại đối với hoạt động sáng tạo của nhà văn.