Cách dẫn trực tiếp là sử dụng nguyên văn từ ngữ, câu, đoạn,… của một văn bản gốc vào bài viết, bài nói.
Nói cách khác, dẫn trực tiếp là nhắc lại nguyên văn lời nói hay ý nghĩ của một người/ một nhân vật.
Ví dụ: Thành xem trăn trở, tự nhủ: “Phải chăng bức vẽ này chỉ cho ta chỗ bắt dế?”.
(Bồ Tùng Linh, Dế chọi)
Cách dẫn gián tiếp là sử dụng ý tưởng của người khác và diễn đạt lại theo cách của mình. Tuy được diễn đạt lại nhưng ý tưởng trong văn bản gốc cần được thể hiện một cách trung thành.
Ví dụ: Phần “chuyện kia do ai nói ra” trong câu “Nhưng nàng hỏi chuyện kia do ai nói ra, thì lại giấu không kể lời con nói;…” (Nguyễn Dữ, Chuyện người con gái Nam Xương) là lời nói của Vũ Nương được dẫn gián tiếp.
|
Cách dẫn trực tiếp |
Cách dẫn gián tiếp |
Khái niệm |
Nhắc lại nguyên văn lời nói hay ý nghĩ của một người/ một nhân vật. |
Thuật lại lời nói hay ý nghĩ của một người/ một nhân vật theo cách diễn đạt của mình. |
Dấu hiệu nhận biết |
Thường đặt trong dấu ngoặc kép |
Thường dùng kèm các từ “rằng”, “là”,… và không đặt trong ngoặc kép |
Ví dụ |
Anh ta nói: "Tôi không thể tham gia buổi họp sáng mai vì lịch trình của tôi đã đầy." |
Người đó cho biết rằng anh ta sẽ không tham gia buổi họp sáng mai do lịch trình của họ đã bận rộn. |
Khi chuyển từ cách dẫn trực tiếp sang cách dẫn gián tiếp, cần:
- Lược bỏ dấu ngoặc kép, dấu hai chấm đánh dấu phần trích dẫn trực tiếp.
- Diễn đạt lại nội dung phần dẫn trực tiếp sao cho thích hợp, đảm bảo trung thành với ý được dẫn trong văn bản gốc.