Câu rút gọn là câu có thành phần câu (thường là thành phần chính) bị tỉnh lược. Việc tỉnh lược chủ yếu do phương châm tiết kiệm trong việc sử dụng ngôn ngữ, nhất là khi nói (lược bỏ những thông tin đã biết hoặc bị coi là lặp, thừa), hoặc do dụng ý của người sử dụng (không muốn nêu rõ sự vật, sự việc nào đó trong câu).
Câu rút gọn phổ biến được chia thành 3 loại là: câu rút gọn chủ ngữ, câu rút gọn vị ngữ, câu rút gọn cả chủ ngữ và vị ngữ.
Câu rút gọn thường được sử dụng trong văn nói nhiều hơn văn viết và có một số tác dụng sau:
+ Giúp câu văn trở nên ngắn gọn hơn, xúc tích hơn nhưng vẫn đảm bảo cung cấp đầy đủ thông tin bạn muốn truyền đạt đến người đọc, người nghe.
+ Tránh trường hợp bị lặp từ quá nhiều khiến câu văn trở nên lủng củng, mất đi độ hay, độ trôi chảy.
+ Lược bỏ những chủ ngữ không cần thiết giúp câu bao hàm được ý một cách tổng quát hơn. Từ đó, người nghe tiếp nhận được thông tin nhanh và chính xác hơn.
+ Ngụ ý về hành động, suy nghĩ trong câu là dùng chung cho tất cả mọi người nên bất kì ai đều có thể hiểu.
Nhàn: - Thuyền trưởng của các anh ... là ai?
Tiến: - Là người đã lặn lội mưa gió, nước lũ đưa đoàn xà lan này về đây cho xã các cô.
(Lưu Quang Vũ, Bệnh sĩ)
Trong ví dụ trên, “Là người đã lặn lội mưa gió, nước lũ đưa đoàn xà lan này về đây cho xã các cô.” là một câu rút gọn. Dựa vào ngữ cảnh của câu, chúng ta có thể khôi phục lại các thành phần bị rút gọn như sau: “Thuyền trưởng của chúng tôi là người đã lặn lội mưa gió, nước lũ đưa đoàn xà lan này về đây cho xã các cô.”.
=> Việc rút gọn câu có tác dụng làm cho câu ngắn gọn hơn, tránh lặp lại những từ ngữ đã xuất hiện trước đó.