Truyện thơ Nôm là thể loại tự sự bằng thơ, được viết bằng chữ Nôm; hình thành vào khoảng thế kỉ XVI - XVII, phát triển mạnh và đạt được nhiều thành tựu to lớn ở cuối thế kỉ XVIII và nửa đầu thế kỉ XIX. Ở giai đoạn đầu, một số truyện thơ Nôm được sáng tác bằng thể thơ Đường luật hoặc song thất lục bát; sau đó các tác giả chủ yếu sử dụng thể thơ lục bát.
Nhân vật của truyện thơ Nôm thường chia thành hai tuyến: nhân vật chính diện (đại diện cho cái tốt, cái đẹp, tiến bộ) và nhân vật phản diện (đại diện cho cái xấu, cái ác, bảo thủ).
- Nhân vật chính thường được xây dựng theo khuôn mẫu như: chàng trai tài giỏi, nghĩa khí; cô gái xinh đẹp, nết na, ...
- Bên cạnh nhân vật là con người, trong các truyện thơ Nôm mô phỏng truyện cổ tích thần kì còn có những nhân vật kì ảo như đồ vật hay loài vật thần kì.
- Đặc điểm, tính cách của nhân vật trong truyện thơ Nôm thường được thể hiện qua hành động, ngôn ngữ (lời thoại), tâm trạng, cảm xúc, ...
(Hai chị em Thuý Kiều – Thuý Vân)
(Lục Vân Tiên, Kiều Nguyệt Nga và người hầu cận – từ phải qua)
Lời thoại là lời của nhân vật, gồm đối thoại (lời của các nhân vật nói với nhau) và độc thoại (thường là những lời thoại bộc lộ tâm trạng, cảm xúc, còn gọi “độc thoại nội tâm").
Trừ một số ít truyện thơ Nôm như Truyện Kiều của Nguyễn Du có lời của nhân vật gồm cả đối thoại và độc thoại, trong các truyện thơ Nôm nói chung, lời của nhân vật phần lớn là đối thoại.
Nổi tiếng nhất phải kể đến các truyện thơ Nôm Truyện Kiều, Lục Vân Tiên, Lưu Bình Dương Lễ, Chinh phụ ngâm khúc, Nhị Độ Mai, Quan Âm Thị Kính… Hai trong số kiệt tác văn học Việt Nam nổi bật là “Truyện Kiều” và “Lục Vân Tiên” với số lượng xuất bản và nghiên cứu kèm theo đáng kể.