Từ điển môn Văn lớp 9 Truyện trinh thám - Từ điển môn Văn 9

Hệ thống nhân vật, lời kể, lời đối thoại, độc thoại nội tâm trong truyện trinh thám - Văn 9

1. Truyện trinh thám là gì?

Truyện trinh thám là thể loại truyện kể lại quá trình tìm kiếm sự thật về một vụ án. Dựa vào những manh mối ban đầu, người điều tra (thám tử, cảnh sát,…) từng bước khám phá sự thật.

Ví dụ: Vụ án đường Mo-gi (Morgue), Con cánh cam vàng, Lá thư bị mất,…

2. Hệ thống nhân vật trong truyện trinh thám

Truyện trinh thám thường có những kiểu nhân vật quen thuộc: kẻ gây án giấu mặt, nạn nhân, cảnh sát, thám tử, ... trong đó, nhân vật chính là thám tử (chuyên nghiệp hoặc nghiệp dư) - người có kĩ thuật điều tra vượt trội, đồng thời có khả năng quan sát tinh tường, khả năng phân tích, suy luận, đánh giá sắc bén.

3. Lời người kể truyện trinh thám

Trong truyện trinh thám, lời của người kể chuyện (ngôi thứ ba hoặc ngôi thứ nhất) gồm lời kể, miêu tả, phân tích, bình luận thường được kết hợp với lời của các nhân vật khác, nhất là lời của nhân vật thám tử, nhằm tái hiện một cách sinh động, hấp dẫn quá trình điều tra, khám phá vụ án.

4. Lời đối thoại, độc thoại nội tâm trong truyện trinh thám

- Lời đối thoại trong truyện trinh thám thường góp phần mở ra các manh mối cho cuộc điều tra.

- Lời độc thoại nội tâm trong truyện trinh thám được sử dụng nhằm thể hiện diễn biến tâm lí của nhân vật, nhất là nhân vật thám tử.

5. Một số tác phẩm tiêu biểu

Mật mã Da Vinci – Dan Brown

Sherlock Holmes – Arthur Conan Doyle

Sự im lặng của bầy cừu - Thomas Harris

Án mạng trên sông Nile - Agatha Christie

Án mạng trên chuyến tàu tốc hành Phương Đông - Agatha Christie

Phía sau Nghi can X - Higashino Keigo

Hoả ngục - Dan Brown

Thú tội - Kanae Minato

Cô gái có hình xăm rồng - Stieg Larsson

Kỳ án ánh trăng – Quỷ Cổ Nữ

Vòng tròn máu – Edgar Wallace

Đề thi đẫm máu - Lôi Mễ

Sát nhân mạng - Jeffery Deaver