Đề thi học kì 2 Ngữ Văn 12 - Chân trời sáng tạo

Đề thi học kì 2 Văn 12 Chân trời sáng tạo - Đề số 4


Đọc văn bản sau: CHÍNH SÁCH NGU DÂN (Bản án chế độ thực dân Pháp – Nguyễn Ái Quốc)

Tổng hợp đề thi học kì 2 lớp 12 tất cả các môn - Chân trời sáng tạo

Toán - Văn - Anh - Hoá - Sinh - Sử - Địa

Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn

Đề thi

I. ĐỌC HIỂU (4 điểm)

Đọc văn bản sau:

CHÍNH SÁCH NGU DÂN

(Bản án chế độ thực dân Pháp – Nguyễn Ái Quốc)

Để có thể đánh lừa dư luận bên Pháp và bóc lột dân bản xứ một cách êm thấm, bọn cá mập của nền văn minh không những đầu độc nhân dân An Nam bằng rượu và thuốc phiện, mà còn thi hành một chính sách ngu dân triệt để.

Sắc lệnh đó viết: “Việc lưu hành báo chí bất cứ bằng thứ tiếng gì, đều có thể bị

cấm do nghị định của quan toàn quyền”. “Báo tiếng Việt không được xuất bản, nếu không được phép của quan toàn quyền. Giấy phép chỉ cấp với điều kiện là các bài báo phải được quan thống đốc duyệt trước. Giấy phép ấy có thể rút lúc nào cũng được”. “Mọi cuộc trưng bày hoặc phổ biến những bài hát, biếm hoạ hoặc tranh ảnh làm thương tổn đến sự tôn kính đối với các nhà cầm quyền đều bị trừng trị”.

Đấy, bạn thấy bà kiểm duyệt ở thuộc địa cầm kéo khéo đến mức nào! Với biện pháp đó, chính quyền Đông Dương có thể im được tất cả mọi vụ nhơ nhớp và tha hồ mà lạm quyền. Trong một cuộc bầu cử hội đồng thành phố Sài Gòn, viên thống đốc cấm ba ông chủ nhiệm báo tiếng Việt không được đăng lên báo của họ bản sắc lệnh quy định thể lệ bầu cử hội đồng thành phố ở Nam Kỳ. Họ là ứng cử viên, thế mà báo của họ bị cấm tuyệt không được đăng một cái gì dính dáng, dù xa hay gần, đến chương trình của họ! Vì người An Nam không có quyền hội họp quá số 20 người, nên ứng cử viên phải gặp 3.000 cử tri lần lượt từng người một. Cũng trong lúc ấy, ông thống đốc còn thông tri cho các tờ báo tiếng Việt khác biết là sở kiểm duyệt sẽ thẳng tay cắt những bài báo, cột báo, đầu đề hoặc bất cứ một lời bóng gió nào nói đến các cuộc bầu cử thuộc địa hoặc thành phố.

Bàn tay bỉ ổi của kiểm duyệt không dừng lại ở các xuất bản phẩm tiếng Việt mà còn rờ mó cả vào thư từ riêng và các tờ báo tiếng Pháp không chịu ca tụng đức độ của các “Cụ lớn” thuộc địa: Sở bưu điện và sở mật thám Nam Kỳ (giám đốc sở này là con rể ông Anbe Xarô) đã nhận được lệnh không để lọt – bất cứ với lý do gì – những thư từ, bài vở, v.v. gửi cho báo Le Paria xuất bản ở Pari hoặc của tờ báo ấy gửi về. Một người Mangát nguyên là lính tính nguyện tham gia đại chiến trong quân đội Pháp và có vợ người Pháp, đã bị trục xuất khỏi tổ quốc Anh, và bị kết án 5 năm đầy biệt xứ, chỉ vì đã viết bài cho báo Le Paria và vài tờ báo khác ở Pháp, để tố cáo những sự nhũng lạm của bọn quan cai trị Pháp ở xứ sở Anh.

Nhân dân Đông Dương khẩn khoản đòi mở trường học vì trường học thiếu một

cách nghiêm trọng. Mỗi năm, vào kỳ khai giảng, nhiều phụ huynh phải đi gõ cửa, chạy chọt mọi nơi thần thế, có khi chịu trả gấp đôi tiền nội trú, nhưng vẫn không tìm được chỗ cho con học. Và hàng ngàn trẻ em đành chịu ngu dốt vì nạn thiếu trường. Tôi còn nhớ một người anh em họ tôi muốn được vào một trong những "thiên đàng trường học” kia, đã phải chạy chọt đủ kiểu, gửi hết đơn này đến đơn khác cho quan khâm sứ, cho quan công sứ, cho quan đốc trường quốc học và quan đốc trường tiểu học. Tất nhiên, chẳng ai thèm trả lời anh. Một hôm, anh đánh bạo mang đơn đến xin quan đốc, một người Pháp, phụ trách cái trường mà tôi đã được đặc ẩn vào học trước đó ít lâu. “Quan đốc” thấy anh cả gan như thế, nổi khùng quát tháo. “Ai cho phép mày đến đây?” rồi xé vụn lá đơn trước những cặp mắt ngơ ngác của cả lớp học. Người ta bảo ngân sách không cho phép chính phủ mở trường mới. Không hẳn thế đâu. Trong số 12 triệu đồng của ngân sách Nam Kỳ, thì 10 triệu đã tìm đường chui sâu vào túi các ngài viên chức rồi.

Ngoài ra, chính phủ thuộc địa lại tìm đủ mọi cách để ngăn cản không cho thanh niên An Nam sang du học bên Pháp, vì sợ nhiễm phải chủ nghĩa cộng sản. Điều 500 (bis) trong nghị định ngày 20 tháng 6 năm 1921 về học chính ở Đông Dương quy định:

“Người bản xứ nào, vô luận là dân thuộc địa Pháp hoặc dân do Pháp bảo hộ muốn sang chính quốc du học đều phải được quan toàn quyền cho phép. Quan toàn quyền sẽ quyết định, sau khi hỏi ý kiến quan thủ hiến kỳ và quan giám đốc nha học chính. Học bạ ấy phải được quan toàn quyền chứng thực. [....]

 “Làm cho dân ngu để dễ trị”, đó là chính sách mà các nhà cầm quyền ở các thuộc địa của chúng ta ưa dùng nhất.

(Hồ Chí Minh toàn tập, tập 2. NXB Chính trị Quốc gia – Sự thật, 2011)

Câu 1. Xác định thể loại và thời kỳ sáng tác văn bản Chính sách ngu dân.

Câu 2.  Văn bản Chính sách ngu dân gồm những luận điểm chính nào? Hãy gọi lên các luận điểm đó.

Câu 3. Nhận xét cách triển khai luận điểm 1 (sử dụng bằng chứng, lí lẽ và thao tác lập luận). Từ đó cho thấy mục đích và vai trò của luận điểm đối với luận đề.

Câu 4. Vì sao thực dân Pháp mở ít trường học và ngăn cản thanh niên An Nam sang du học bên Pháp? Thái độ của tác giả đối với vấn đề này?

Câu 5. Xác định mục đích của văn bản đọc hiểu trên. Từ đó cho biết giá trị nhận thức của văn bản và ý nghĩa của văn bản đối với xã hội ngày nay?

II. LÀM VĂN (6,0 điểm)

Câu 1. Viết đoạn nghị luận (200 chữ) nhận xét, đánh giá về nghệ thuật lập luận (chú ý dẫn chứng và giọng điệu, câu khẳng định, phủ định) của tác giả Nguyễn Ái Quốc trong văn bản Chính sách ngu dân ở trên.

Câu 2. Viết bài nghị luận (600 chữ) so sánh, đánh giá làm nổi bật nét tương đồng và khác biệt ở 2 bài thơ Dặn con – Huy Cận và Dặn con – Trần Nhuận Minh.

DẶN CON

(Huy Cận, Hạt lại gieo, NXB Văn học, 1984)

Con lớn lên, con ơi

Yêu đời và yêu người

Yêu tình yêu say đắm

Nghìn năm mặn muối đời;

 

Yêu tạo vật thiên nhiên

Yêu tổ tiên đất nước

Yêu mộng đẹp nối liền

Tuổi trẻ, già sau trước.

 

Lòng con rồi tha thiết

- Cha đoán chẳng sai đâu!

Cứ lòng cha cha biết

Yêu người đến khổ đau

Nhưng con ơi, cha dặn

Trong trái tim vô hạn

Dành riêng chỗ, con nghe

Cho ngói ngời tình bạn

 

Lớn lên con sẽ rõ

Tình đó chẳng có nhiều

Lại càng nên chăm chút

Cho đời thêm phì nhiêu.

 

Cha làm thơ dặn con

Mà cũng là tặng bạn

Ôi tình nghĩa vẹn tròn

Chẳng bao giờ nứt rạn.

DẶN CON

(Trần Nhuận Minh – www.thivien.net)

Chẳng ai muốn làm người hành khất

Tội trời đày ở nhân gian

Con không được cười giễu họ

Dù họ hôi hám úa tàn

 

Nhà mình sát đường, họ đến

Có cho thì có là bao

Con không bao giờ được hỏi

Quê hương họ ở nơi nào

Con chó nhà mình rất hư

Cứ thấy ăn mày là cắn

Con phải răn dạy nó đi

Nếu không thì con đem bán

 

Mình tạm gọi là no ấm

Ai biết cơ trời vần xoay

Lòng tốt gửi vào thiên hạ

Biết đâu nuôi bố sau này…

Đáp án

Câu 1.

Phương pháp giải:

Chú ý các lý lẽ, lập luận của tác giả

Liên hệ với lịch sử

Lời giải chi tiết:

- Thể loại: văn bản nghị luận.

- Thời kỳ sáng tác: trong khoảng những năm 1921–1925, khi tác giả đang hoạt động tại Pháp (viết bằng tiếng Pháp) và được xuất bản đầu tiên năm 1925 tại Paris (Thủ đô nước Pháp).

Câu 2

Phương pháp giải:

Đọc kĩ văn bản và xác định các luận điểm chính

Lời giải chi tiết:

- Gồm 3 luận điểm chính.

- Tên gọi 3 luận điểm chính.

+ Kiểm duyệt báo chí tại bản xứ.

+ Mở ít trường học.

+ Ngăn cản thanh niên An Nam sang du học bên Pháp

Câu 3

Phương pháp giải:

Dựa vào câu trả lời của câu 2 để xác định luận điểm 1

Rút ra kết luận về thao tác lập luận chính

Rút ra mục đích, vai trò của luận điểm đối với toàn văn bản

Lời giải chi tiết:

– Sử dụng bằng chứng xác thực là lời dẫn trực tiếp (trong ngoặc kép) cụ thể (HS tự đưa dẫn chứng); con số, chuyện về người lính tình nguyện Mangát bị tù 5 năm vì dám nói lên sự thật → bằng chứng ở đầu và cuối luận điểm

– Dùng lí lẽ: Với biện pháp đó, chính quyền Đông Dương có thể im được tất cả mọi vụ nhơ nhớp và tha hồ mà lạm quyền → để phân tích sự áp chế của thực dân Pháp với thuộc địa thể hiện trắng trợn ngay ở chính sách

- Thao tác lập luận chính: phân tích, chứng minh

- Mục đích, vai trò của luận điểm:

+ Bóc trần bộ mặt của thực dân Pháp trong lĩnh vực báo chí, truyền thông nhằm che đậy sự thật, điều khiển mọi việc theo ý muốn của họ, tuyệt đối không có dân chủ, tự do.

+ Là luận điểm chính, có dung lượng lớn nhất văn bản chứng minh cho một chính sách ngu dân của thực dân Pháp ở thuộc địa (Việt Nam)

Câu 4

Phương pháp giải:

Tìm kiếm thông tin trong văn bản

Chú ý cách tác giả miêu tả tình cảnh của nhân dân ta và cách ứng xử của thực dân Pháp để rút ra thái độ của tác giả

Lời giải chi tiết:

– Thực dân Pháp mở ít trường học, ngăn cản thanh niên An Nam du học vì:

+ Để dân thuộc địa ít học, ít hiểu biết cho dễ bề cai trị; vì kinh phí mở trường đã bị quan chức thực dân ở thuộc địa nham nhũng gần hết.

+ Ngăn cản thanh niên An Nam du học: vì không muốn dân An Nam có tri thức; để bưng bít thông tin ở thuộc địa để người dân tiến bộ Pháp không biết sự thật là thực dân Pháp đang bóc lột, đàn áp người dân ở thuộc địa...

– Tác giả vô cùng căm phẫn khi kể câu chuyện người anh em họ xin học cho con:

+ Miêu tả tình cảnh khổ sở, nhục nhã vì bị xúc phạm: chạy chọt đủ kiểu, gửi hết đơn này đến đơn khác cho quan khâm sứ, cho quan công sứ, cho quan đốc trường học mà chẳng ai thèm trả lời.

+ Miêu tả ứng xử thô bỉ, vô nhân đạo của quan đốc trường tiểu học: “Ai cho phép mày đến đây?” rồi xé vụn lá đơn trước những cặp mắt ngơ ngác của cả lớp học.

Câu 5

Phương pháp giải:

Dựa vào nội dung văn bản và thực tế lịch sử nước ta giai đoạn đó

Rút ra ý nghĩa hiện thực của văn bản, từ đó suy ra kết luận của em về giá trị của văn bản và ý nghĩa đối với xã hội ngày nay

Lời giải chi tiết:

- Mục đích của văn bản:

+ Tố cáo chính sách ngu dân của thực dân Pháp ở thuộc địa (Việt Nam).

+ Phơi bày nỗi thống khổ của người dân thuộc địa: sống dưới sự áp chế, không có quyền tự do, quyền học tập... sẽ phải sống triển miền trong mu muội và sự áp bức.

- Vấn đề tác giả nêu lên trong văn bản có ý nghĩa đối với xã hội ngày nay:

+ Độc giả nhận thức bộ mặt của bọn thực dân, nỗi thống khổ của người dân mất nước.

+ Đánh thức người đọc: khao khát được học là khao khát cao đẹp của của con

người; muốn không bị lừa gạt, bóc lột cần phải có tri thức; con người dễ bị cai trị nhất là những người thất học.

II. VIẾT 

Câu 1

Phương pháp giải:

Xác định yêu cầu về hình thức và nội dung đoạn văn

Vận dụng kĩ năng viết đoạn văn phân tích nhận xét, đánh giá nghệ thuật văn bản nghị luận

 Lời giải chi tiết:

Đoạn đủ dung lượng, hướng vào nội dung sau:

- Dẫn chứng xác thực (dẫn trực tiếp); bằng chứng xác thực từ thực tế (số liệu, tên tuổi của người được nêu).

- Ngôn ngữ, giọng điệu mỉa mai thâm thúy, châm biếm sâu cay (bóc lột dân bản xứ một cách êm thấm, bọn cá mập của nền văn minh; làm thương tổn đến sự tôn kính đối với các nhà cầm quyền; còn rờ mó cả vào thư từ riêng; “thiên đàng trường học”...)

- Câu khẳng định, phủ định:

+ Phủ định: Không hẳn thế đâu.

+ “Làm cho dân ngu để dễ trị”, đó là chính sách mà các nhà cầm quyền ở các

thuộc địa của chúng ta ưa dùng nhất.

- Mục đích, ý nghĩa của văn bản (xem đáp án câu 5).

Câu 2

Phương pháp giải:

Xác định yêu cầu về hình thức, dung lượng và vấn đề nghị luận

Vận dụng kĩ năng viết bài nghị luận so sánh, đánh giá hai tác phẩm thơ

 Lời giải chi tiết:

Phần chính

Nội dung cụ thể

Mở bài (0,5đ)

- Giới thiệu vấn đề (điểm chung giữa 2 tác phẩm đề yêu cầu so sánh); 2 tác phẩm và tác giả cần so sánh.

- Nêu bình diện cần so sánh, vị trí của chúng đối với tác phẩm/ dư luận.

Thân bài (2,75đ)

* Điểm tương đồng:

- Thể loại, hình thức của 2 tác phẩm: tác phẩm thơ để dặn con; câu từ giản dị sâu sắc, chân thành (không dùng thủ pháp nghệ thuật cầu kỳ, xa lạ).

– Về đề tài, nội dung, nhan đề, khát vọng mong muốn, tình cảm của người cha dành cho con: có chung đề tài, nhan đề và thể hiện nỗi lòng, tình cảm tha thiết trìu mến.

* Điểm khác biệt:

- Lời cha dặn:

+ Dặn con – Huy Cận: con hãy là người sống giàu tình yêu (yêu đời, người, yêu thiên nhiên đất nước, đặc biệt là xây đắp tình bè bạn và phải yêu đến tận cùng, đừng hời hợt – Yêu người đến khổ đau)

+ Dặn con – Trần Nhuận Minh: dặn con yêu thương qua ứng xử cụ thể với người ăn mày, chú ý đến lòng tự trọng của người bất hạnh, sa cơ (Con không bao giờ được hỏi/Quê hương họ ở nơi nào); Dặn con quy luật cuộc đời (Ai biết cơ trời vần xoay...)

- Mạch cảm xúc, hình ảnh, các thủ pháp nghệ thuật:

+ Dặn con – Huy Cận: điệp từ, câu cảm.

+ Dặn con – Trần Nhuận Minh: như một câu chuyện, lời tâm tình.

+ Mạch cảm xúc: HS tự làm.

* Ấn tượng của cá nhân về hình thức, nội dung nổi bật của từng tác phẩm (HS tự trình bày)

Kết bài (0,25đ)

- Khẳng định thành công của 2 tác phẩm về giá trị giáo dục và nhận thức, ý nghĩa...

- Đánh giá sự đóng góp của 2 tác giả đối với nền văn học nước nhà.

Yêu cầu khác (0,5đ)

– Sử dụng thao tác lập luận so sánh, phân tích, chứng minh, tổng hợp.

- Thể hiện rõ sự đánh giá của cá nhân về nhân vật được so sánh.


Bình chọn:
4.9 trên 7 phiếu

Luyện Bài Tập Trắc nghiệm Văn 12 - Chân trời sáng tạo - Xem ngay

Group 2K8 ôn Thi ĐGNL & ĐGTD Miễn Phí