Đề thi học kì 2 Ngữ Văn 12 - Chân trời sáng tạo

Đề thi học kì 2 Văn 12 Chân trời sáng tạo - Đề số 3


Học sinh đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi: NỖI NHỚ MIỀN TRUNG (Thuận Hữu)

Tổng hợp đề thi học kì 2 lớp 12 tất cả các môn - Chân trời sáng tạo

Toán - Văn - Anh - Hoá - Sinh - Sử - Địa

Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn

Đề thi

I. ĐỌC HIỂU (4đ)

Học sinh đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:

NỖI NHỚ MIỀN TRUNG

(Thuận Hữu)

Con đường nhỏ vắt ngang triền cát

Vạt cỏ cháy khô hàng dương gầy xơ xác

Đường về nhà em trưa nắng cát mù tung

Ơi gió Lào thổi rát miền Trung

 

Mười năm trước

Nón che nghiêng đi về trên cát

Bụi xương rồng ngơ ngác bước em qua

Giờ đường cũ xương rồng khô héo cả

Hỏi người làng: – em đã lấy chồng xa

 

Em bỏ lại miền Trung đầy bão gió

Bỏ cả vùng quê vật vã dưới nắng hè

Trên cát bỏng mình anh đi như chạy

Ở đâu rồi một bóng nón nghiêng che?

Ở đâu, ở đâu một mái tóc thề

Như dòng sông chảy qua triền cát hạ

 

Gió Lào trưa nay cát bay cồn cào quá

Đường vắng nắng chang trắng loá chân trời

Nóng bỏng quê nghèo nỗi nhớ em ơi!

Có thể nơi xa tìm thấy niềm vui

Em sẽ quên đi gió Lào cát trắng

Nhưng miền Trung, miền Trung vẫn tảo tần thầm lặng

Nhớ thương em nỗi nhớ chẳng đâu bằng

Mẹ gọi em về khắc khoải những mùa trăng.

(Thuận Hữu, Biển gọi, NXB Đà Nẵng, 2000)

Câu 1. Xác định thể thơ và nhân vật trữ tình của bài thơ. (0.5đ)

Câu 2.  Nhân vật trữ tình bộc lộ cảm xúc ở hoàn cảnh nào? (0.5đ)

Câu 3. Người “em” xuất hiện như thế nào trong cảm xúc của nhà thơ? Tác giả muốn gửi gắm điều gì tới người “em”? Phân tích một số hình ảnh, biện pháp tu từ làm rõ điều đó (1.0đ)

Câu 4. Hãy phân tích một số hình ảnh, từ ngữ, biện pháp tu từ tiêu biểu để làm nổi bật đặc điểm quê hương, con người miền Trung trong dòng cảm xúc của nhân vật trữ tình. (1.0đ)

Câu 5. Nhan đề Nỗi nhớ miền Trung có phù hợp với tác phẩm không? Nhận xét cách thể hiện nỗi nhớ của nhà thơ, bức thông điệp của tác phẩm. (1.0đ)

II. LÀM VĂN (6,0 điểm)

Câu 1. Viết đoạn nghị luận để làm nổi bật một điểm tương đồng, một điểm khác biệt trong hai đoạn thơ sau:

(1) Miền Trung

Mảnh đất nghèo mồng tơi không kịp rớt

Lúa con gái mà gầy còm úa đỏ

Chỉ gió bão là tốt tươi như cỏ

Không ai gieo mọc trắng mặt người

 

Miền Trung

Eo đất này thắt đáy lưng ong

Cho tình người đọng mật

Em gắng về

Đừng để mẹ già mong

(Miền Trung– Hoàng Trần Cương)

 

(2) Em bỏ lại miền Trung đầy bão gió

Bỏ cả vùng quê vật vã dưới nắng hè

Trên cát bỏng mình anh đi như chạy

Ở đâu rồi một bóng nón nghiêng che?

Ở đâu, ở đâu một mái tóc thề

Như dòng sông chảy qua triền cát hạ

 

Gió Lào trưa nay cát bay cồn cào quá

Đường vắng nắng chang trắng loá chân trời

Nóng bỏng quê nghèo nỗi nhớ em ơi...

Nhưng miền Trung, miền Trung vẫn tảo tần thầm lặng

Nhớ thương em nỗi nhớ chẳng đầu bằng

Mẹ gọi em về khắc khoải những mùa trăng.

(Nỗi nhớ miền Trung– Thuận Hữu)

Câu 2. Đọc thông tin sau và viết bài luận (600 chữ) bàn luận thể hiện suy nghĩ của anh/chị về việc tự bảo vệ mình trước những thông tin xấu và những lừa đảo trên mạng internet.

Vô tư “biếu” thông tin cá nhân cho tội phạm

Ở Việt Nam hiện đang có hơn 77,93 triệu người sử dụng internet, chiếm hơn 79% dân số, xếp thứ 12 trên toàn thế giới về tỷ lệ người sử dụng internet. Tuy nhiên, khi người dân chuyển từ không gian thực lên không gian mạng ảo và thực hiện nhiều giao dịch điện tử thì các loại hình tội phạm cũng di chuyển theo.

Theo số liệu của Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông, trong 6 tháng đầu năm, tình hình lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam tăng gần 65% so với cùng kỳ năm 2022.

 

Đáp án

Đáp án đề 3

Câu 1. (0,5đ)

Phương pháp giải:

Đọc kĩ bài thơ

Chú ý số từ trong câu, số câu trong bài

Lời giải chi tiết:

- Thể thơ tự do

- Nhân vật trữ tình: người con của vùng đất miền Trung (yêu tha thiết con người và vùng quê nghèo khó của mình)

Câu 2 (0,5 điểm)

Phương pháp giải:

Tìm kiếm thông in trong bài thơ (chú ý khổ 2,3)

Lời giải chi tiết:

- Nhân vật trữ tình bộc lộ tâm trạng khi trở về quê miền Trung, nhớ về kí ức của 10 năm trước, khi biết tin “em” đi lấy chồng xa

- Dòng thơ gợi hoàn cảnh: Hỏi người làng: - Em đã lấy chồng xa/ Em bỏ lại miền Trung đầy bão gió

Câu 3 (1đ)

Phương pháp giải:

Chú ý phân tích hình ảnh “nón che nghiêng đi trên cát, bóng nón nghiêng che, mái tóc thề”

Chú ý phân tích câu thơ: “Em bỏ lại miền Trung đầy bão gió/ Bỏ cả vùng quê vật vã dưới nắng hè” và “Nhớ thương em nỗi nhớ chẳng đâu bằng”

Lời giải chi tiết:

- Người “em” xuất hiện

+ Nón che nghiêng đi về trên cát; Ở đâu rồi một bóng nón nghiêng che? Ở đâu , ở đâu một mái tóc thề

→Hình ảnh giàu sức gợi (bóng nón nghiêng che; mái tóc thề), gợi bóng dáng, sự tươi trẻ, e ấp trong em, gợi cái nắng bỏng, khắc nghiệt của miền Trung.

→Câu hỏi tu từ: Ở đâu rồi; ở đâu diễn tả nỗi nhớ, nhớ khắc khoải của nhân vật trữ tình về những ngày xưa, về người em với mái tóc thề và vành nón nghiêng che

- Tác giả muốn gửi gắm đến người “Em”:

+ Trách em đã bỏ quê nghèo mà đi (Em bỏ lại miền Trung đầy bão gió/ Bỏ cả vùng quê vật vã dưới nắng hè; Em sẽ quên đi gió Lào cát trắng)

+ Quê miền Trung luôn thương nhớ em bằng nỗi nhớ thương sâu nặng (Nhớ thương em nỗi nhớ chẳng đâu bằng)

Câu 4 (1 điểm)

Phương pháp giải:

Tìm kiếm các chi tiết miêu tả không gian và con người miền Trung

Lời giải chi tiết:

- Quê hương miền Trung với không gian cụ thể

+ Con đường nhỏ vắt ngang triền cát

+ Vạt cỏ cháy khô hàng dương gầy xơ xác

+ Miền Trung đầy bão gió; vùng quê vật vã dưới nắng hè; gió Lào thổi rát miền Trung

→Ngôn ngữ thơ giàu chi tiết, hình ảnh của hiện thực, với các điệp ngữ “gió, cát, nắng” gợi khung cảnh miền Trung với khắc nghiệt chỉ có nắng, gió và cát

- Con người miền Trung

+ Nhưng miền Trung, miền Trung vẫn tảo tần thầm lặng

+ Nhớ thương em nỗi nhớ chẳng đâu bằng

+Mẹ gọi em về khắc khoải những mùa trăng.

+ Nghệ thuật tương phản (thiên nhiên>

Câu 5 (1đ)

Phương pháp giải:

Rút ra nội dung, chú ý các cảm xúc được tác giả thể hiện trong tác phẩm

Chú ý lời hô gọi và các câu thơ bộc lộ nỗi nhớ

Lời giải chi tiết:

- Nhan đề Nỗi nhớ miền Trung phù hợp với nội dung và cảm xúc thể hiện trong tác phẩm: cả bài thơ là nỗi nhớ da diết về con người cảnh sắc miền Trung. Những dấu ấn đặc biệt của con người, vùng đất miền Trung trở đi, trở lại trong tác phẩm...

- Cách thể hiện nỗi nhớ.

+ Lời hô gọi: Ơi gió Lào thổi rát miền Trung; Nóng bỏng quê nghèo nỗi nhớ em ơi!

+ Bộc lộ trực tiếp nỗi nhớ: Gió Lào trưa nay cát bay cồn cào quá.

+ Anh chạy mải miết kiếm tìm bóng dáng em: Trên cát bỏng mình anh đi như chạy/Ở đâu rồi một bóng nón nghiêng che?

+Tinh tế trong thể hiện nỗi nhớ, tình cảm sâu nặng ở cuối tác phẩm: Nhớ thương em nỗi nhớ chẳng đâu bằng/Mẹ gọi em về khắc khoải những mùa trăng.

- Bức thông điệp: Hãy gắn bó với quê hương dẫu quê hương còn gian khổ, đói nghèo.

II. VIẾT (6,0 điểm)

Câu 1.

Phương pháp giải:

Xác định yêu cầu về dung lượng và vấn đề nghị luận

Chỉ ra nét tương đồng về chủ đề, nội dung và thông điệp

Chỉ ra nét khác biệt về cách thể hiện nỗi nhớ và việc dùng các thủ pháp nghệ thuật

 Lời giải chi tiết:

- Nét tương đồng.

+ Miền Trung khắc nghiệt, cằn cỗi nghèo.

+ Con người miền Trung tần tảo, nặng nghĩa tình.

+ Nhân vật trữ tình, người con miền Trung, yêu tha thiết và tự hào quê hương mình.

+ Bộc lộ tâm tình với nhân vật “em”: mong em về bên người mẹ đang mong chờ.

- Nét khác biệt:

+ Nỗi nhớ miền Trung – Thuận Hữu: Tha thiết và trách cứ người “em”, bộc lộ nỗi nhớ trực tiếp; Miền Trung – Hoàng Trần Cương: Tha thiết mời “em” về thăm quê miền Trung.

+ Có thể chỉ ra nét khác biệt trong việc dùng các thủ pháp nghệ thuật của 2 tác giả.

Câu 2.

Phương pháp giải:

Xác định yêu cầu về hình thức, dung lượng và vấn đề nghị luận

Vận dụng kĩ năng viết bài nghị luận về một vấn đề đời sống

 Lời giải chi tiết:

Phần chính

Nội dung cụ thể

Mở bài (0,5đ)

– Giới thiệu luận đề: việc tự bảo vệ mình trước những thông tin xấu và những lừa đảo trên mạng internet.

- Nêu khái quát: Tính cấp thiết vấn đề đối với tuổi trẻ

Thân bài (2,75đ)

*Nêu cách hiểu về thông tin xấu và những lừa đảo trên mạng internet.

– Nhận diện tin xấu

- Biểu hiện đa dạng của thông tin xấu và những lừa đảo trên mạng internet.

* Bàn luận về các góc nhìn, cách sử dụng thông tin trên mạng internet.

- Nhìn nhận mặt tích cực của thông tin trên mạng internet

– Nhìn nhận mặt trái của thông tin trên mạng internet (tin xấu và lừa đảo): ví dụ cụ thể

→ phân tích nguyên nhân và tác hại (cả tin vì mục đích kiếm tiền, làm giàu nhanh)

* Đề xuất cách tự bảo vệ mình trước những thông tin xấu và những lừa đảo trên mạng internet: HS đề xuất các giải pháp cụ thể

– Tham khảo gợi ý: Hiểu biết các tính năng, cách sử dụng các tính năng của một số ứng dụng thanh toán, trò chơi; Không tham gia các lời mời gọi làm giàu, có thưởng...; Cập nhật các trò lừa đảo mới...

Dành thời gian học tập, nghiên cứu, giảm thời gian lướt mạng...

Kết bài (0,25đ)

- Nhận thức của cá nhân về vấn đề

- Hành động/ dự định của cá nhân (để không lãng phí thời gian)

Yêu cầu khác (0,5đ)

- Sử dụng các thao tác phân tích, đối chiếu chứng minh, bình luận

- Dẫn chứng phù hợp với lí lẽ, luận điểm


Bình chọn:
4.9 trên 7 phiếu

Luyện Bài Tập Trắc nghiệm Văn 12 - Chân trời sáng tạo - Xem ngay

Group 2K8 ôn Thi ĐGNL & ĐGTD Miễn Phí