Đề tham khảo thi vào 10 môn Văn Hồ Chí Minh năm 2025 - Đề số 5


Chủ đề: MỐI QUAN HỆ GIỮA CHA MẸ VÀ CON CÁI

Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn

Đề thi

Chủ đề: MỐI QUAN HỆ GIỮA CHA MẸ VÀ CON CÁI

I. Đọc hiểu văn bản văn học và viết đoạn văn nghị luận văn học (5.0 điểm)

ĐI QUA ĐỜI CON

(Bình Nguyên Trang)

Những mùa thu đi qua đời con

Gieo âm thanh bình yên

Trái chín rụng thơm triền miên lối ngõ

Rất chênh vênh là chiếc cầu ao nhỏ

Ngồi với mùa thu con đợi mẹ về.

 

Men theo lối quen đá sỏi gồ ghề

Con đi giữa hai bờ toàn hoa dại

Nhưng cổ tích buồn cứ theo con mãi

Lạc một dòng sông con chẳng có thuyền về

 

Cha đi tìm con suốt dọc bờ đê

Có loài dế trầm ngâm không hát

Nỗi đợi chờ khiến hoa bìm rất nhạt

Màu tím buồn chạm cánh buốt vào tim

Con gào lên vô thanh trong lặng im

Cha không thấy con lạc dòng mười tám tuổi

Mẹ không thấy con một mình rong ruổi

Ai qua những mùa thu không heo may.

 

Con nước ngàn năm đập nhịp vơi đầy

Con lênh đênh giữa hai bờ cha mẹ

Rồi mùa thu đi qua, rồi mùa thu lặng lẽ

Thả nỗi niềm riêng lên gió mây.

(thivien.net)

Bình Nguyên Trang tên thật là Vũ Thị Quỳnh Trang (1977), tốt nghiệp Học viện Báo chí và Tuyên truyền Hà Nội, hiện chị công tác tại chuyên đề Văn nghệ công an của bào Công an nhân dân. Chị đã từng là một thành viên trong hội bút Hương đầu mùa của báo Hoa học trò.

Câu 1 (3.0 điểm)

a. Xác định thể thơ của bài thơ Đi qua đời con.

b. Xác định cảm xúc chủ đạo của bài thơ.

c. Khổ thơ 2 và 3 cho người đọc biết điều gì về tuổi thơ của nhân vật trữ tình? Hãy tìm một số từ ngữ, hình ảnh tiêu biểu làm rõ điều đó.

d. Nhân vật trữ tình khao khát điều gì ở khổ thơ 4? Từ đó nhận xét cung bậc cảm xúc của nhân vật trữ tình trong bài thơ

Câu 2 (2.0 điểm): Viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) phân tích vẻ đẹp của khổ thơ sau:

Con nước ngàn năm đập nhịp vơi đầy

Con lênh đênh giữa hai bờ cha mẹ

Rồi mùa thu đi qua, rồi mùa thu lặng lẽ

Thả nỗi niềm riêng lên gió mây.

II. Đọc hiểu văn bản nghị luận và viết bài văn nghị luận xã hội (5.0 điểm)

Mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái được xem là khá quan trọng bởi nhờ đó các bậc phụ huynh có thể hiểu, kịp nắm rõ tâm lý hay suy nghĩ của các con để kịp thời uốn nắn hay chỉ bảo.

Còn với giới trẻ, việc có mối quan hệ thân thiết, gắn bó với cha mẹ sẽ là một trong những yếu tố quan trọng trong việc định hình nhân cách và sự phát triển trong tương lai.

Cha mẹ khiến các con cảm thấy nhận được tình yêu thương, sẵn sàng ủng hộ hay không trách phạt nếu chúng làm sai sẽ trở nên tự tin và dễ dàng chia sẻ nhiều điều với phụ huynh.

Ngược lại, nếu cha mẹ luôn tạo cảm giác cho các con một sự bất an, cô đơn và tự loay hoay giải quyết vấn đề của mình sẽ khiến trẻ nhỏ trở nên nhút nhát, khép kín và từ đó không muốn chia sẻ suy nghĩ với bất cứ ai.

Chính vì thế, nhiều chuyên gia tâm lý cho rằng, việc xây dựng mối quan hệ thân thiết giữa cha mẹ - con cái sẽ giúp gia đình luôn ở trong trạng thái vui vẻ, thoải mái và gắn bó với nhau nhiều hơn.

(Cách hay giúp xây dựng mối quan hệ tốt giữa cha mẹ và con cái, Tuấn Đạt, laodong.vn)

Câu 1 (1.0 điểm): Vì sao sự thấu hiểu giữa cha mẹ và con cái lại quan trọng trong việc định hình nhân cách trẻ?

Câu 2 (4.0 điểm): Từ nội dung văn bản trên, viết bài văn trình bày giải pháp để xây dựng mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái trong xã hội hiện đại.

Đáp án

Phần I.

Câu 1.

a. 

Phương pháp:

Dựa vào đặc trưng thể loại

Lời giải chi tiết:

Thể thơ tự do

b. 

Phương pháp:

Từ nội dung rút ra cảm xúc chủ đạo

Lời giải chi tiết:

Cảm xúc chủ đạo: khao khát hiểu mình, được cha mẹ thấu hiểu

c. 

Phương pháp:

Đọc kĩ khổ 2 và 3, xác định các chi tiết, hình ảnh miêu tả tuổi thơ của nhân vật trữ tình

Lời giải chi tiết:

- Tuổi thơ của nhân vật trữ tình:

+ Mải miết đi tìm khát vọng, ước mơ cho mình; Đã từng chìm trong nỗi buồn; Đã từng lạc bước.

+ Cha con chưa hiểu nhau, cả 2 đều rất buồn

- Từ ngữ, hình ảnh tiêu biểu:

+ Lối quen đá sỏi gồ ghề; hai bờ toàn hoa dại => gợi không gian, hành trình nhân vật trữ tình đi tìm khát vọng, ước mơ cho mình.

+ Lạc một dòng sông con chẳng có thuyền về => Hình ảnh ẩn dụ gợi nỗi buồn, hành trình dài dặc, trống vắng, lẻ loi, thiếu sự thấu hiểu, sẻ chia.

+ Cổ tích buồn; Màu tím buồn =>Nỗi buồn ngự trị trong tâm hồn, khiến cảnh vật, sắc màu thấm đẫm nỗi buồn

d. 

Phương pháp:

Đọc kĩ khổ 4 để tìm ra những khao khát của nhân vật, từ đó xác định cảm xúc của nhân vật trữ tình

Lời giải chi tiết:

- Khao khát của nhân vật trữ tình:

+ Con gào lên vô thanh trong lặng im => diễn tả trực tiếp tâm trạng của nhân vật trữ tình: bất lực, tự gào thét - sự quằn quại diễn ra âm thầm nhưng quyết liệt, đòi được thấu hiểu, được chỉ bảo, yêu thương...

+ Điệp cấu trúc câu (Cha không thấy con lạc dòng mười tám tuổi/Mẹ không thấy con một mình rong ruổi), liên tiếp 2 cụm từ phủ định để khẳng định cha mẹ chưa thấu hiểu con: rằng cha không nhận thấy con lạc bước, con đang chông chênh ở tuổi 18; mẹ không hề nhận thấy con đang cô đơn, lẻ loi trong hành trình của mình. 

=> Thể hiện nỗi thất vọng và sự khao khát cháy bỏng được thấu hiểu sẻ chia, được cha mẹ nâng đỡ, vỗ về...

=> Khẳng định vai trò quan trọng của cha mẹ trên hành trình tìm khát vọng của con ...

- Các cung bậc cảm xúc của nhân vật trữ tình.

+ Chờ đợi - buồn - thất vọng - khao khát - nhận thức về cuộc sống (Rồi mùa thu đi qua, rồi mùa thu lặng lẽ) - Giữ lấy niềm riêng (Thả nỗi niềm riêng lên gió mây).

Câu 2.

Phương pháp:

Xác định nội dung chính của khổ thơ

Đoạn thơ đủ dung lượng, bố cục rõ ràng

Khai thác giá trị nội dung, đặc sắc nghệ thuật

Vận dụng kĩ năng lập luận, phân tích

Lời giải chi tiết:

1. Mở đoạn

Giới thiệu ngắn gọn về bài thơ, vị trí đoạn trích

2. Thân đoạn

- Hai câu đầu: cảm nhận về cuộc đời nhiều thăng trầm, tâm trạng thổn thức, khao khát được thấu hiểu trong tâm hồn người con, trong mối quan hệ với cha mẹ (vơi đầy, lênh đênh… giữa hai bờ cha mẹ)

- Hai câu cuối:

+ Nhận thức về dòng chảy của thời gian và sự sống

+ Thể hiện khát vọng âm thầm, mãnh liệt được hiểu mình, được thấu hiểu của người con dù chưa được đáp ứng/ thoả mãn nhưng câu kết vẫn vút lên cảm xúc đẹp – phản ứng/ lối sống tích cực, chủ động, độc lập (thả… Lên gió mây)

- Khai thác đặc sắc nghệ thuật nhân hoá (con nước đập nhịp), ẩn dụ (hai bờ che mẹ), từ láy (lênh đênh)…

3. Kết đoạn

Tổng kết lại vấn đề

Phần II.

Câu 1.

Phương pháp:

Xác định vấn đề

Lời giải chi tiết:

Sự thấu hiểu giữa cha mẹ và con cái rất quan trọng trong việc định hình nhân cách trẻ vì nó giúp trẻ cảm nhận được tình yêu thương, sự tin tưởng và hỗ trợ từ gia đình. Khi có mối quan hệ tốt với cha mẹ, trẻ sẽ tự tin, dễ dàng chia sẻ suy nghĩ, từ đó phát triển nhân cách tích cực. Ngược lại, nếu thiếu sự thấu hiểu, trẻ dễ trở nên nhút nhát, khép kín hoặc gặp khó khăn trong giao tiếp. Vì vậy, xây dựng sự kết nối giữa cha mẹ và con cái là nền tảng quan trọng cho sự phát triển của trẻ.

Câu 2.

Phương pháp:

Vận dụng hiểu biết của mình về vấn đề

Vận dụng thao tác lập luận, kĩ năng viết bài

Lời giải chi tiết:

1. Mở bài

- Giới thiệu vấn đề: giải pháp để xây dựng mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái trong thời hiện đại

2. Thân bài

a. Giải thích vấn đề

- Từ ngữ quan trọng: mối quan hệ, cha mẹ – con cái, xã hội hiện đại.

- Kết nối nghĩa bộ phận để làm rõ vấn đề bàn luận.

=> Nhận thức đúng đắn về mối quan hệ cha mẹ – con cái, phù hợp với bối cảnh văn hoá, xã hội hiện đại.

b. Thực trạng mối quan hệ cha mẹ – con cái hiện nay

- Nhiều gia đình thiếu thời gian dành cho nhau.

- Sự khác biệt trong cách nghĩ, cách sống dẫn đến hiểu lầm, mâu thuẫn.

- Cha mẹ có thể quá bận rộn hoặc áp đặt; con cái có thể sống khép kín, thiếu chia sẻ.

- Nguyên nhân:

+ Áp lực từ công việc, học tập, công nghệ số.

+ Khoảng cách thế hệ ngày càng rõ rệt.

+ Thiếu kỹ năng giao tiếp, thấu cảm trong gia đình.

c. Giải pháp xây dựng mối quan hệ cha mẹ – con cái

- Tăng cường giao tiếp, trò chuyện hằng ngày để hiểu nhau hơn.

+ Dành thời gian trò chuyện, hỏi han để hiểu suy nghĩ và cảm xúc của nhau.

+ Tránh im lặng hoặc giao tiếp hời hợt, qua loa.

- Lắng nghe và tôn trọng cảm xúc, suy nghĩ của nhau, thay vì áp đặt hay phớt lờ.

+ Cha mẹ nên lắng nghe con cái bằng sự kiên nhẫn, không vội vàng phán xét.

+ Con cái cần học cách hiểu cho những áp lực, khó khăn của cha mẹ.

- Cùng nhau tham gia các hoạt động chung (ăn cơm, dã ngoại, làm việc nhà…): những khoảnh khắc này giúp tình cảm thêm gắn bó và tạo nên kỷ niệm đẹp.

- Ứng xử bằng sự yêu thương, bao dung, học cách xin lỗi và tha thứ khi có mâu thuẫn.

+ Tạo không gian để mỗi thành viên được lắng nghe, được là chính mình.

+ Tránh tạo áp lực, căng thẳng khiến các mối quan hệ trở nên xa cách.

+ Cha mẹ không nên áp đặt ước mơ, lựa chọn cho con.

+ Con cái cần tôn trọng kinh nghiệm và giá trị truyền thống của cha mẹ.

- Trang bị kỹ năng làm cha mẹ và kỹ năng sống cho con cái, thông qua sách vở, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm.

+ Cha mẹ học cách đồng hành, định hướng nhẹ nhàng thay vì áp đặt.

+ Con cái học cách bày tỏ suy nghĩ, cảm xúc một cách văn minh, có trách nhiệm.

d. Ý nghĩa của mối quan hệ cha mẹ – con cái

- Tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển của con cái

- Xây dựng gia đình hạnh phúc, hoà thuận

- Tạo điều kiện cho sự thấu hiểu và hỗ trợ lẫn nhau

- Đóng góp cho sự phát triển của xã hội

- Dẫn chứng: HS lấy dẫn chứng minh hoạ phù hợp

3. Kết bài

- Tổng kết vấn đề


Bình chọn:
4.9 trên 7 phiếu

Luyện Bài Tập Trắc nghiệm Văn 9 - Xem ngay

Tham Gia Group 2K10 Ôn Thi Vào Lớp 10 Miễn Phí