Đề tham khảo thi vào 10 môn Văn Hồ Chí Minh năm 2025 - Đề số 4


Chủ đề: BƯỚC RA KHỎI VÙNG AN TOÀN

Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn

Đề thi

Chủ đề: BƯỚC RA KHỎI VÙNG AN TOÀN

I. Đọc hiểu văn bản văn học và viết đoạn văn nghị luận văn học (5.0 điểm)

NGƯỜI TRONG BAO

(Sê-khốp)

[Tóm tắt: Bê-li-cốp là giáo viên trung học dạy tiếng Hy Lạp cổ. Ông có cách ăn mặc kì quái vì tất cả những vật dụng của ông đều được đựng trong cái bao. Đến ngay bản thân ông cũng luôn sống trong một cái bao do chính mình tạo ra. Ai cũng sợ Bê-li-cốp và chẳng muốn lại gần. Sống một mình nhưng Bê-li-cốp vẫn nghĩ đến chuyện lấy vợ. Người mà ông nghĩ đến đó là Va-ren-ca, là chị gái của Cô-va-len-cô, giáo viên trẻ mới ra trường. Một ngày có người gửi cho Bê-li-cốp một bức tranh châm biếm. Ngay hôm sau khi nhìn thấy hai chị em Varenca và Covalenco đi xe đạp mặc váy. Bê-li-cốp góp ý với Va-ren-ca không được làm vậy và hai người họ cãi nhau. Vì dọa sẽ tố cáo Va-ren-ca với hiệu trưởng nên Bê-li-cốp bị Cô-va-len-cô xô ngã.]

Một tháng sau, Bê-li-cốp chết. Bấy giờ, khi nằm trong quan tài, vẻ mặt hắn trông hiền lành, dễ chịu, thậm chí còn có vẻ tươi tỉnh nữa, cứ hệt như hắn mừng rằng cuối cùng hắn đã được chui vào trong cái bao mà từ đó không bao giờ phải thoát ra nữa. Phải rồi, thế là hắn đã đạt được mục đích của đời! [ ... ]

Từ nghĩa địa trở về, lòng chúng tôi đều cảm thấy nhẹ nhàng, thoải mái. Nhưng chưa đầy một tuần sau, cuộc sống đã lại diễn ra như cũ, nặng nề, mệt nhọc, vô vị, một cuộc sống chẳng bị chỉ thị nào cấm đoán nhưng cũng chẳng được tự do hoàn toàn, chẳng tốt đẹp gì hơn trước. Trên thực tế, Bê-li-cốp đã chầu âm phủ nhưng hiện còn bao nhiêu người trong bao, trong tương lai cũng sẽ còn bao nhiêu kẻ như thế nữa!

(Trích Người trong bao, Sê-khốp)

Chú thích: Truyện ngắn Người trong bao ra đời vào năm 1898, khi Sê-khốp đang dưỡng bệnh tại thành phố Yalta, trên bán đảo Krym, biển Đen. Lúc bấy giờ hoàn cảnh xã hội Nga dưới chế độ Nga hoàng Nikolai II đang khủng hoảng và bế tắc, ngạt thở trong bầu không khí chuyên chế nặng nề cuối thế kỉ XIX.

Câu 1 (3.0 điểm)

a. Xác định thể loại của văn bản trên.

b. Chi tiết “khi nằm trong quan tài, vẻ mặt Bê-li-cốp lại hiền lành, dễ chịu, thậm chí còn có vẻ tươi tỉnh” có ý nghĩa gì?

c. Vì sao Bê-li-cốp chết đi rồi nhưng chưa đầy một tuần sau, cuộc sống đã lại diễn ra như cũ, nặng nề, mệt nhọc, vô vị?

d. Phân tích giọng điệu của tác giả trong câu văn: Trên thực tế, Bê-li-cốp đã chầu âm phủ nhưng hiện còn bao nhiêu là người trong bao, trong tương lai cũng sẽ còn bao nhiêu kẻ như thế nữa!

Câu 2 (2.0 điểm): Viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) phân tích nội dung chủ đề của văn bản Người trong bao (Sê-khốp)

II. Đọc hiểu văn bản nghị luận và viết bài văn nghị luận xã hội (5.0 điểm)

  Có rất nhiều người trên thế giới này không chịu vượt ra khỏi vùng an toàn của mình chỉ vì họ sợ bị thất bại. Họ không muốn thử sức mình với các kỳ thi quốc gia vì họ không tin rằng họ sẽ chiến thắng. Họ sợ phải nhận những bức thư từ chối, nên họ không nộp đơn xin việc ở nước ngoài. Họ ngại tham gia khóa học để cải thiện một kỹ năng còn yếu vì lo sợ phải đối mặt với những sự chế giễu. Nhưng nhiều thách thức, rủi ro hoặc tình huống khó chịu chính là những cơ hội đã được ngụy trang.

  Có chắc không? là câu hỏi khiến chúng ta cảm thấy bất ổn khi có ý muốn thoát ra khỏi vùng an toàn. Chắc hẳn mà là câu trả lời mà chúng ta luôn muốn nghe. Chúng ta muốn chắc chắn sẽ nhận được học bổng khi đăng ký, chúng ta muốn chắc chắn sẽ không bị hổ vồ khi đi thám hiểm Safari, chúng ta muốn chắc chắn rằng người mà chúng ta chọn là vợ hay chồng sẽ ở với chúng ta mãi mãi. Nhưng có gì trên thế giới này mà không có độ rủi ro nhất định? Sự rủi ro có thể đến với từng người trong chúng ta bất kỳ lúc nào. Rủi ro có thể đến với bạn ngay trong khi bạn chấp nhận làm bất cứ việc gì. Để chắc chắn rằng rủi ro không đến với mình, việc duy nhất bạn có thể làm là không làm gì cả, nằm trên giường và… mơ về những thứ mà bạn không dám làm trong thế giới thật. Nhưng bạn có dám chắc là trong cơn mơ, bạn sẽ không bị giật mình và ngã xuống đất? Nếu rủi ro có thể ập đến với bạn cả khi bạn đang mơ, vậy tại sao bạn lại không dám ra ngoài và dám biến những ước mơ của bạn trở thành hiện thực?

(Trích Hộ chiếu xanh đi quanh thế giới; Hồ Thu Hương, Nguyễn Phan Linh, Phạm Anh Đức, NXB Thế giới; 2016; trang 147 – 148)

Câu 1 (1.0 điểm): Theo tác giả, vì sao “có rất nhiều người trên thế giới này không chịu vượt ra khỏi vùng an toàn của mình”?

Câu 2 (4.0 điểm): Từ đoạn trích phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết 01 đoạn văn (khoảng 200 chữ) nêu suy nghĩ về vấn đề nên sống trong vùng an toàn hay bước ra khỏi vùng an toàn để khám phá thế giới rộng lớn ngoài kia?

Đáp án

Phần I.

Câu 1.

a.

Xác định thể loại của văn bản trên.

Phương pháp:

Dựa vào đặc trưng thể loại

Lời giải chi tiết:

Thể loại: truyện ngắn

b.

Chi tiết “khi nằm trong quan tài, vẻ mặt Bê-li-cốp lại hiền lành, dễ chịu, thậm chí còn có vẻ tươi tỉnh” có ý nghĩa gì?

Phương pháp:

Chú ý vào chi tiết và liên hệ với các dữ liệu trong văn bản

Lời giải chi tiết:

Năm trong quan tài, vẻ mặt Bê-li-cốp lại hiển lành, dễ chịu, thậm chí còn có vẻ tươi tỉnh bởi cuối cùng Bê-li-cốp cũng đã toại nguyện mục đích của cuộc đời mình, đó là chui vào trong cái bao (chiếc quan tài) mà từ đó không bao giờ phải thoát ra nữa.

c.

Vì sao Bê-li-cốp chết đi rồi nhưng chưa đầy một tuần sau, cuộc sống đã lại diễn ra như cũ, nặng nề, mệt nhọc, vô vị?

Phương pháp:

Dựa vào bối cảnh của tác phẩm

Lời giải chi tiết:

Bê-li-cốp chết đi rồi nhưng chưa đẩy một tuần sau, cuộc sống đã lại diễn ra như cũ, nặng nề, mệt nhọc, vô vị vì Bê-li-cốp chết nhưng tinh thần Bê-li-cốp chưa chết hẳn. Trong mỗi con người đều có một phần Bê-li-cốp. Phần ấy là nỗi sợ hãi cuộc sống. Bởi sợ hãi cuộc sống nên mọi người mới thu mình trong bao, không dám bước ra khỏi vùng an toàn.

d.

Phân tích giọng điệu của tác giả trong câu văn: Trên thực tế, Bê-li-cốp đã chầu âm phủ nhưng hiện còn bao nhiêu là người trong bao, trong tương lai cũng sẽ còn bao nhiêu kẻ như thế nữa!

Phương pháp:

Đọc kĩ câu văn, xác định giọng điệu

Lời giải chi tiết:

Gợi ý: giọng điệu châm biếm, mỉa mai nhưng cũng đầy day dứt, lo lắng và trăn trở.

- Châm biếm, mỉa mai: cụm từ “chầu âm phủ” diễn tả cái chết của Bê-li-cốp theo lối nói dân gian, thể hiện thái độ mỉa mai về một con người cả đời thu mình trong “cái bao”.

- Xót xa, trăn trở: Câu văn không chỉ nói về cái chết của Bê-li-cốp mà còn mở rộng đến thực trạng xã hội với những con người sống hèn nhát, rụt rè, tự giam mình trong những khuôn khổ cứng nhắc.

- Giọng điệu cảnh tỉnh: câu hỏi tu từ “hiện còn bao nhiêu là người trong bao, trong tương lai cũng sẽ còn bao nhiêu kẻ như thế nữa!” nhấn mạnh sự phổ biến và nguy hiểm của lối sống “trong bao”, từ đó kêu gọi con người cần dũng cảm bước ra khỏi sự sợ hãi để sống ý nghĩa hơn.

Câu 2.

Viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) phân tích nội dung chủ đề của văn bản Người trong bao (Sê-khốp)

Phương pháp:

Đọc phần tóm tắt, trích đoạn để xác định nội dung chính của chủ đề

Vận dụng kĩ năng lập luận, phân tích

Lời giải chi tiết:

Trong truyện ngắn Người trong bao của Sê-khốp, nhân vật Bê-li-cốp là biểu tượng của những con người sống thu mình trong nỗi sợ hãi và quy tắc khắt khe, tự trói buộc bản thân trong một “cái bao” vô hình. Ông luôn lo lắng, dè chừng, không dám bứt phá hay chấp nhận sự đổi mới, ngay cả khi yêu cũng đặt trong khuôn khổ cứng nhắc. Cái chết của Bê-li-cốp tượng trưng cho sự an toàn tuyệt đối mà ông hằng mong muốn, nhưng cũng là sự lụi tàn của một lối sống bóp nghẹt tự do và sáng tạo. Truyện không chỉ phản ánh thực trạng xã hội Nga cuối thế kỷ XIX mà còn mang ý nghĩa thời đại, cảnh tỉnh con người trước tư tưởng bảo thủ, rập khuôn. Thông qua kết thúc truyện, Sê-khốp nhấn mạnh rằng, dù một “người trong bao” có mất đi, vẫn còn biết bao người như thế tồn tại, bởi xã hội vẫn còn những ràng buộc khiến con người sống co cụm, e dè. Tác phẩm thôi thúc mỗi cá nhân dám bước ra khỏi vùng an toàn, sống cởi mở và dũng cảm đối mặt với cuộc đời.

Phần II.

Câu 1.

Theo tác giả, vì sao “có rất nhiều người trên thế giới này không chịu vượt ra khỏi vùng an toàn của mình”?

Phương pháp:

Đọc kĩ văn bản

Lời giải chi tiết:

Theo tác giả, có rất nhiều người trên thế giới này không chịu vượt ra khỏi vùng an toàn của mình vì: họ sợ thất bại

Câu 2.

Từ đoạn trích phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết 01 đoạn văn (khoảng 200 chữ) nêu suy nghĩ về vấn đề nên sống trong vùng an toàn hay bước ra khỏi vùng an toàn để khám phá thế giới rộng lớn ngoài kia?

Phương pháp:

Xác định được yêu cầu của kiểu bài: nghị luận xã hội.

Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: thuyết phục các bạn trẻ rằng: “có những lúc cần phải thoát ra khỏi vùng an toàn do mình tự tạo ra”

Lời giải chi tiết:

Dàn ý

* Giới thiệu vấn đề nghị luận: Lựa chọn cách sống: sống trong vùng an toàn hay bước ra khỏi vùng an toàn để khám phá thế giới rộng lớn ngoài kia?

* Triển khai vấn đề nghị luận:

- Giải thích: Vùng an toàn được định nghĩa là một trạng thái tâm lý thỏa mãn về mặt cảm xúc khiến cho bản thân người đó cảm thấy thoải mái, quen thuộc với môi trường hiện tại mà không muốn đi ra khỏi môi trường đó.

- Lựa chọn cách sống và lí giải:

Học sinh có thể chọn một trong 2 hướng sau hoặc kết hợp cả 2, song cần đảm bảo tính thuyết phục, không vi phạm các chuẩn mực đạo đức và pháp luật.

+ Chọn sống trong vùng an toàn vì:

      ++ Mỗi người có một năng lực, sở trường nhất định. Khi ở trong môi trường thuận lợi với mình, họ sẽ phát huy được hết năng lực để khẳng định bản thân

       ++ Mang lại cảm giác bảo đảm và yên tâm, giúp cá nhân ổn định cuộc sống.

+ Chọn cách sống bước ra khỏi vùng an toàn vì:

      ++ Việc dũng cảm dấn bước, rời khỏi vùng an toàn của mình sẽ mang lại cho người trẻ nhiều cơ hội mới trong công việc và cuộc sống.

       ++ Khám phá được những năng lực mới của bản thân

       ++ Mang đến nhiều mối quan hệ mới, mở mang hiểu biết về thế giới

* Kết thúc vấn đề: Khẳng định lựa chọn của bản thân.


Bình chọn:
4.9 trên 7 phiếu

Luyện Bài Tập Trắc nghiệm Văn 9 - Xem ngay

Tham Gia Group 2K10 Ôn Thi Vào Lớp 10 Miễn Phí