Đề ôn hè Văn 7 lên 8 - Đề 9>
Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi: PHỐ XƯA (Huỳnh Mai Liên)
Đề bài
I. ĐỌC HIỂU (4.0 điểm)
Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi:
PHỐ XƯA
(Huỳnh Mai Liên)
Ông ơi vì sao Mỗi lần lên phố Đứng trước nhà cổ Dừng chân thật lâu
Bức tường phai màu Ban công gỉ sét Cửa gỗ kẽo kẹt Mái ngói xô nghiêng
Ông cười thật hiền Phố xưa nhà cũ Thời gian nhắn nhủ Ký ức đã qua |
Ông nhớ ngôi nhà Nhớ từng góc phố Tháng năm gian khổ Lắng đọng bình yên
Phố kể chuyện riêng Nhiều thương nhiều nhớ Gần như hơi thở Nhẹ nhõm tiếng chim
Ông đứng lặng im Ngăm ngôi nhà cũ Còn cháu chăm chú Ngắm ông ngày xưa. |
(Bay qua Hồ Gươm, Huỳnh Mai Liên, NXB Hội nhà văn, 2024, tr.32-33)
Câu 1. Xác định nhân vật trữ tình trong bài thơ.
Câu 2. Chỉ ra những câu thơ nhân vật trữ tình miêu tả ngôi nhà cổ trên phố.
Câu 3. Phân tích hiệu quả thẩm mĩ của biện pháp tu từ trong hai câu thơ:
Thời gian nhắn nhủ
Ký ức đã qua.
Câu 4. Theo em, vì sao người cháu lại chăm chú “Ngắm ông ngày xưa"?
Câu 5. Từ nội dung bài thơ, theo em thế hệ trẻ ngày nay cần có cách ứng xử như thế nào với quá khứ của dân tộc? (trình bày khoảng 5-6 dòng).
II. VIẾT (6.0 điểm)
Câu 1. (2.0 điểm)
Viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) phân tích vẻ đẹp của đoạn thơ dưới đây:
Ông nhớ ngôi nhà
Nhớ từng góc phố
Tháng năm gian khổ
Lắng đọng bình yên
Phố kể chuyện riêng
Nhiều thương nhiều nhớ
Gần như hơi thở
Nhẹ nhõm tiếng chim
(Bay qua Hồ Gươm, Huỳnh Mai Liên, NXB Hội nhà văn, 2024, tr.32-33)
Câu 2 (4.0 điểm)
Viết bài văn nghị luận (khoảng 500 chữ) trình bày suy nghĩ của em về vấn đề: “Con người nên sống khiêm tốn”
Lời giải chi tiết
Phần I. ĐỌC HIỂU
Câu 1
Phương pháp giải:
Đọc và xác định nhân vật trữ tình
Lời giải chi tiết:
Nhân vật trữ tình: người cháu
Câu 2
Phương pháp giải:
Đọc và xác định những câu thơ miêu tả ngôi nhà cổ trên phố
Lời giải chi tiết:
Những câu thơ miêu tả ngôi nhà cổ:
- “Bức tường phai màu”
- “Ban công gỉ sét”
- “Cửa gỗ kẽo kẹt”
- “Mái ngói xô nghiêng”
Câu 3
Phương pháp giải:
Vận dụng kiến thức về biện pháp nhân hoá
Lời giải chi tiết:
Hai câu thơ sử dụng biện pháp nhân hóa ("thời gian nhắn nhủ") để gợi cảm giác thân quen, gần gũi với quá khứ. Việc nhân hóa thời gian giúp làm nổi bật sự kết nối giữa hiện tại và những ký ức xa xưa. Cụm từ "ký ức đã qua" mang ý nghĩa hoài niệm, tạo chiều sâu cảm xúc và làm nổi bật giá trị thiêng liêng của những kỷ niệm xưa cũ. Qua đó, người đọc cảm nhận được sự trân trọng và lưu luyến đối với quá khứ.
Câu 4
Phương pháp giải:
Nêu suy nghĩ của em, lí giải phù hợp
Lời giải chi tiết:
Vì khi thấy ông đứng lặng ngắm ngôi nhà cũ, người cháu như nhìn thấy cả một thời tuổi trẻ, quá khứ của ông hiện về trong ánh mắt, dáng đứng, nụ cười. “Ngắm ông ngày xưa” là cách người cháu tưởng tượng, thấu hiểu và đồng cảm với những kỷ niệm, những năm tháng mà ông đã trải qua, từ đó thêm yêu thương và trân trọng ông hơn.
Câu 5
Phương pháp giải:
Liên hệ thực tế
Vận dụng thao tác lập luận
Lời giải chi tiết:
Thế hệ trẻ ngày nay cần biết trân trọng quá khứ, ghi nhớ công lao của cha ông và những giá trị lịch sử, văn hóa đã được vun đắp qua bao thế hệ. Cần học cách lắng nghe, tìm hiểu, giữ gìn ký ức dân tộc qua lời kể, hình ảnh, di tích xưa. Đồng thời, sống có trách nhiệm, tích cực học tập và cống hiến để phát triển đất nước, làm rạng danh truyền thống quý báu của dân tộc.
PHẦN II. VIẾT
Câu 1
Phương pháp giải:
Đọc kĩ đoạn thơ
Xác định nội dung chính, các từ ngữ, hình ảnh đặc sắc
Vận dụng thao tác lập luận, phân tích
Lời giải chi tiết:
1. Mở đoạn
- Giới thiệu khái quát nội dung chính đoạn thơ
2. Thân đoạn
- Vẻ đẹp nội dung:
+ Đoạn thơ thể hiện nỗi nhớ thiết tha của ông với Hà Nội – nơi gắn bó bao kỷ niệm.
+ “Ngôi nhà”, “góc phố”, “tháng năm gian khổ” là những hình ảnh gợi nhắc không gian sống và những ký ức khó quên.
+ Sự “lắng đọng bình yên” cho thấy những gian khổ đã lùi xa, chỉ còn lại tình cảm sâu nặng.
+ Hà Nội được nhân hóa như một sinh thể biết “kể chuyện riêng”, gần gũi như “hơi thở”, gắn bó với ông bằng sự thân quen, yêu thương.
- Đặc sắc nghệ thuật:
+ Ngôn ngữ giản dị, giàu tính gợi hình, gợi cảm.
+ Nhịp thơ nhẹ nhàng, tha thiết, phù hợp với dòng hồi tưởng.
+ Các hình ảnh thơ mộc mạc nhưng đậm chất thơ và tình.
3. Kết đoạn
- Đoạn thơ mang vẻ đẹp sâu lắng, thể hiện tình yêu tha thiết với Hà Nội – mảnh đất của ký ức và bình yên.
- Gợi nhắc người đọc trân trọng những điều thân thuộc quanh mình.
Câu 2
Phương pháp giải:
Xác định vấn đề cần bàn luận
Liên hệ thực tế
Vận dụng thao tác lập luận, kĩ năng viết bài
Lời giải chi tiết:
1. Mở bài:
- Giới thiệu vấn đề: Trong cuộc sống hiện đại với nhiều cạnh tranh, khiêm tốn là phẩm chất cần thiết giúp con người sống đẹp và được mọi người yêu quý.
- Dẫn vào luận đề: “Con người nên sống khiêm tốn”.
2. Thân bài:
a. Giải thích vấn đề:
- Khiêm tốn là biết đánh giá đúng giá trị của bản thân, không khoe khoang, tự mãn dù có tài giỏi hay đạt được thành tựu.
- Người khiêm tốn thường biết lắng nghe, học hỏi và không xem thường người khác.
b. Biểu hiện của lối sống khiêm tốn:
- Không tự cao, không khoe mẽ khi có thành tích.
- Biết lắng nghe góp ý, nhận lỗi khi sai.
- Luôn học hỏi, cầu tiến, không ngừng hoàn thiện bản thân.
- Đối xử tôn trọng, bình đẳng với mọi người.
c. Ý nghĩa của việc sống khiêm tốn:
- Giúp con người được yêu mến, tin tưởng trong các mối quan hệ.
- Là nền tảng để tiến bộ vì người khiêm tốn luôn sẵn sàng học hỏi.
- Góp phần xây dựng xã hội văn minh, nhân ái, gắn kết.
- Tạo nên sự vững vàng về tâm hồn, tránh ngạo mạn, ảo tưởng bản thân.
- Dẫn chứng: HS lấy dẫn chứng phù hợp
d. Phản đề:
- Phê phán những người kiêu ngạo, xem thường người khác, tự mãn quá mức, dễ bị thụt lùi hoặc cô lập trong xã hội.
- Cũng cần phân biệt khiêm tốn với tự ti – người khiêm tốn vẫn tự tin vào năng lực, còn tự ti là đánh mất niềm tin vào chính mình.
3. Kết bài:
- Khẳng định lại: Khiêm tốn là phẩm chất đẹp, cần được nuôi dưỡng trong mỗi người.
- Liên hệ bản thân: Cần rèn luyện tinh thần khiêm tốn từ những việc nhỏ nhất trong cuộc sống và học tập hàng ngày.


- Đề ôn hè Văn 7 lên 8 - Đề 10
- Đề ôn hè Văn 7 lên 8 - Đề 8
- Đề ôn hè Văn 7 lên 8 - Đề 7
- Đề ôn hè Văn 7 lên 8 - Đề 6
- Đề ôn hè Văn 7 lên 8 - Đề 5
>> Xem thêm