Đề cương ôn tập học kì 1 Văn 10 - Cánh diều>
Tải vềGồm nội dung ôn tập và bài tập vận dụng
Tổng hợp đề thi học kì 1 lớp 10 tất cả các môn - Cánh diều
Toán - Văn - Anh - Lí - Hóa - Sinh - Sử - Địa...
A. NỘI DUNG ÔN TẬP
1. Phần đọc hiểu
a. Thần thoại và sử thi
- Thần thoại là thể loại ra đời sớm nhất trong lịch sử truyện kể dân gian của các dân tộc. Đó là những truyện có nội dung hoang đường, tưởng tượng về các vị thần, những nhân vật sáng tạo ra thế giới,… phản ánh nhận thức, cách lý giải của con người thời nguyên thủy về các hiện tượng về tự nhiên và xã hội
- Sử thi (anh hùng ca) là thể loại tự sự dài, dung lượng đồ sộ, ra đời vào thời cổ đại. Cốt truyện của sử thi xoay quanh những biến cố trọng đại liên quan đến vận mệnh của toàn thể cộng đồng như chiến tranh hay công cuộc chinh phục thiên nhiên để ổn định và mở rộng địa bàn cư trú
b. Thơ Đường luật
* Thơ Đường luật là thể loại thơ phổ biến trong văn học các nước khu vực văn hóa Đông Á thời trung đại (bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên, Việt Nam). Thể loại này đã được học ở Trung học cơ sở, cần lưu ý:
- Hình ảnh trong thơ Đường luật thường có tính ước lệ, tượng trưng cao, chứa đựng tâm sự, cảm xúc của tác giả về thiên nhiên, thời cuộc và con người
- Trong bài thơ Đường luật, thông thường chỉ gieo một vần và là vần bằng ở cuối các câu 1,2,4 (với thơ tứ tuyệt hay còn gọi là tuyệt cú), câu 1,2,4,6,8 (với thơ bát cú)
- Thơ Đường luật rất chú trọng đối và nghệ thuật đối khá đa dạng. Trong bài thơ bát cú, đối thường ở hai câu thực và hai câu luận.
* Thơ Nôm Đường luật
- Ở Việt Nam, trên cơ sở của thơ Đường luật và thơ ca dân tộc, cha ông ta đã sáng tạo ra thơ Đường luật viết bằng chữ Nôm.
- Thơ Nôm đường luật dù vẫn còn mang tính quy phạm của thể thơ Đường luật, nhưng cũng đã có những thay đổi về nhịp điệu câu thơ, tận dụng các phép đối, sử dụng nhiều từ ngữ và hình ảnh từ đời sống mang bản sắc dân tộc
c. Kịch bản chèo và tuồng
- Chèo: là một loại hình kịch hát dân gian, phổ biến ở vùng đồng bằng Bắc Bộ, thường được diễn ở sân đình trong thời gian có các lễ hội. Về sau, chèo được chuyên nghiệp hóa dần với sự hình thành của các gánh chèo, đoàn chèo.
- Tuồng: là một loại hình hát cổ truyền của dân tộc, phát triển mạnh dưới triều Nguyễn ở vùng Nam Trung Bộ. Tuồng có hai bộ phận tương đối khác biệt nhau là tuồng cung đình và tuồng dân gian.
d. Văn bản thông tin
- Là một hình thức viết nhằm truyền đạt thông tin và kiến thức một cách chính xác và trung thực. Loại văn bản này rất phổ biến và hữu ích trong đời sống hàng ngày. Nó bao gồm nhiều thể loại khác nhau, như thông báo, chỉ dẫn, mô tả công việc, hướng dẫn sử dụng sản phẩm, lịch biểu, cơ sở dữ liệu, hợp đồng quảng cáo, các văn bản hành chính, từ điển và bản tin.
- Mục đích chính của văn bản thông tin là truyền đạt thông tin một cách khách quan và trung thực. Người đọc hoặc người nghe có thể hiểu chính xác những gì được mô tả và giới thiệu trong văn bản này. Điều này đòi hỏi người viết phải sử dụng ngôn từ rõ ràng, logic và tránh sử dụng yếu tố hư cấu hay tưởng tượng.
- Thông tin trong văn bản có thể được tổ chức theo nhiều cách khác nhau. Một số cách tổ chức thông tin phổ biến bao gồm: theo nguyên nhân-kết quả, theo trật tự thời gian, theo so sánh và phân loại, và theo vấn đề và giải pháp. Cách tổ chức thông tin phụ thuộc vào mục đích và đối tượng của văn bản.
2. Phần tiếng Việt
a. Lỗi dùng từ
b. Lỗi về trật tự từ
c. Cách trích dẫn, chú thích và các phương tiện giao tiếp phi ngôn ngữ
3. Phần làm văn
a. Viết bài văn nghị luận về một vấn đề xã hội
b. Viết báo cáo kết quả nghiên cứu về một vấn đề
c. Viết bài luận thuyết phục người khác từ bỏ một thói quen hay một quan niệm
d. Viết bản nội quy, hướng dẫn nơi công cộng
e. Viết bài luận về bản thân
B. BÀI TẬP
1. Phần đọc hiểu
*Đề bài
Văn bản Hê –ra –clet đi tìm táo vàng
Câu 1: Ý nghĩa các chi tiết hoang đường, tưởng tượng trong đoạn trích là gì?
A. Làm câu chuyện thêm li kì, hấp dẫn
B. Tăng thêm sức mạnh của nhân vật đồng thời tăng tính thử thách cho người anh hùng
C. Tô đậm thêm chiến công vẻ vang của người anh hùng Hê-ra-clét
D. Tất cả các đáp án trên
Câu 2: Đoạn trích phản ánh nhận thức và cách lý giải của con người thời cổ đại về điều gì?
A. Nguồn gốc của loài người
B. Nguồn gốc của lửa
C. Cả hai đáp án trên đều đúng
D. Cả hai đáp án trên đều sa
Văn bản Chiến thắng Mtao Mxây
Câu 3: Ngoại hình của Đăm Săn được miêu tả qua những chi tiết nào?
A. Trông dữ tợn như một vị thần
B. Đóng một cái khố sọc gấp bỏ múi, mặc một cái áo dày nút
C. Dáng tần ngần do dự, mỗi bước mỗi đắn đo
D. Tất cả các đáp án trên
Câu 4: Đoạn văn miêu tả cảnh Đăm Săn múa khiên có sử dụng biện pháp nghệ thuật nào?
A. So sánh, nhân hóa
B. So sánh, nói quá
C. Nói quá, nhân hóa
D. So sánh, ẩn dụ
Văn bản Ra – ma buộc tội
Câu 5: Bối cảnh Xi-ta và Ra-ma gặp lại nhau được miêu tả là một bối cảnh như thế nào?
A. Vui mừng, hân hoan
B. Háo hức, hồi hộp
C. Nặng nề, trang nghiêm như một phiên tòa phán xử
D. Xúc động, nghẹn ngào
Câu 6: Văn bản kể về sự kiện gì?
A. Ra-ma chiến đấu với quỷ vương Ra-va-na để giành lại người vợ yêu dấu Xi-ta
B. Những ngày tháng đau khổ của Xi-ta trong tay quỷ vương Ra-va-na
C. Hai vợ chồng gặp lại nhau, Ra-ma nghi ngờ và buộc tội Xi-ta không còn trong sạch sau những ngày tháng trong tay quỷ và sự chứng minh của Xi-ta trước giàn hỏa thiêu
D. Cuộc sống hạnh phúc, hòa thuận của hai vợ chồng sau khi Ra-ma giành được Xi-ta từ tay quỷ
Văn bản Cảm xúc mùa thu
Câu 7: Bức tranh thu ở vùng rừng núi hiện lên như thế nào qua hai câu đề bài thơ Cảm xúc mùa thu của Đỗ Phủ?
A. Ảm đạm, hiu hắt
B. Náo nhiệt, sôi động
C. Tươi tắn, giàu sức sống
D. Tất cả các đáp án trên
Câu 8: Câu thơ “Tùng cúc lưỡng khai tha nhật lệ” có thể hiểu là:
A. Khóm cúc nở ra làm rơi giọt nước mắt
B. Khóm cúc nở ra giọt nước mắt
C. Cả hai đáp án trên đều đúng
D. Cả hai đáp án trên đều sai
Văn bản Tự tình
Câu 9: Thời gian và không gian được gợi ra ở hai câu đề như thế nào?
A. Thời gian đêm khuya, không gian trống trải, mênh mông, văng vẳng tiếng trống cầm canh
B. Thời gian chiều tối, không gian trống trải, mênh mông, văng vẳng tiếng trống cầm canh
C. Thời gian đêm khuya, không gian trống trải, mênh mông, văng vẳng tiếng trống thu không
D Tất cả các đáp án trên đều sai
Câu 10: Hai câu thơ nào sau đây bộc lộ một sức sống mãnh liệt, cố vươn lên để thoát khỏi số phận ngay cả trong tình huống buồn đau nhất?
A. Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn/Trơ cái hồng nhan với nước non
B. Chén rượu hương đưa say lại tỉnh/Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn
C. Xiên ngang mặt đất, mây từng đám/ Đâm toạc chân mây, đá mấy hòn
D. Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại/ Mảnh tình san sẻ tí con con
Văn bản Câu cá mùa thu
Câu 11: Nhà thơ đã bao quát cảnh thu như thế nào?
A. Cảnh thu được đón nhận từ cao, xa đến gần, rồi lại từ gần đến cao, xa.
B. Cảnh thu được đón nhận từ gần đến cao, xa rồi lại từ cao, xa trở lại gần
C. Cảnh thu được đón nhận theo trình tự thời gian
D. Cảnh thu được đón nhận từ không gian rộng đến không gian hẹp.
Câu 12: Câu thơ nào trong bài thơ Thu điếu có sự xuất hiện của âm thanh?
A. “Ao thu lạnh lẽo nước trong veo / Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo”
B. “Sóng biếc theo làn hơi gợn tí / Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo”
C. “Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt / Ngõ trúc quanh co khách vắng teo”
D. “Tựa gối buông cần lâu chẳng được / Cá đâu đớp động dưới chân bèo”
Văn bản Xúy Vân giả dại
Câu 13: Nguyên nhân dẫn đến hành động giả dại của Xúy Vân là gì?
A. Vì nàng bị bệnh nặng không qua khỏi
B. Vì buồn chán, nhàn rỗi và tuyệt vọng trong cảnh chờ chồng
C. Vì muốn thoát khỏi Kim Nham để đến với Trần Phương
D. Vì nàng muốn giả điên để thoát khỏi việc bị chòng ghẹo bởi những người đàn ông trong làng
Câu 14: Mong ước của Xúy Vân qua điệu “con gà rừng” là gì?
A. Mong ước về cuộc sống gia đình yên ấm, hạnh phúc, hòa thuận
B. Mong ước được mọi người bỏ qua, không tính toán với lỗi lầm của nàng
C. Mong ước được sống với Trần Phương
D. Mong ước có cuộc sống giàu sang, sung túc
Văn bản Thị Mầu lên chùa
Câu 15: Câu thoại nào sau đây biểu hiện rõ nhất tình cảm của Thị Mầu?
A. "Tuổi vừa đôi tám, chưa chồng đấy thầy tiểu ơi!"
B. "Nhà tao có chín chị em, chỉ có mình tao là chín chắn nhất đấy."
C. "Lẳng lơ đây cũng chẳng mòn
Chính chuyên cũng chẳng sơn son để thờ!"
D. “Thầy như táo rụng sân đình
Em như gái rở, đi rình của chua”.
Câu 16: Ý nào sau đây KHÔNG ĐÚNG khi nhận xét về nhân vật Thị Mầu?
A. Thị Mầu là người con gái có cá tính riêng, dám vượt qua khuôn khổ vốn có của Nho Giáo để bày tỏ và thể hiện mình.
B. Thị Mầu như đại diện cho bao nỗi khát vọng dám đứng lên vì hạnh phúc của mình của người phụ nữ xưa.
C. Là một nhân vật mang tính cách đáng lên án.
D. Là người có ý thức tự do trong tình yêu.
Văn bản Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội: Một hằng số văn hóa Việt Nam
Câu 17: Ý nào sau đây KHÔNG ĐÚNG khi nói về nội dung của văn bản?
A. Hà Nội là một vùng đất linh thiêng giàu văn hóa đồng thời cũng là trung tâm hội tụ đầy đủ những tinh hoa bản sắc của dân tộc từ folklore, lễ hội, dân ca, …đến cách sinh hoạt tôn giáo.
B. Là một trong hai trung tâm du lịch lớn nhất của cả nước, Hà Nội đóng vai trò rất quan trọng trong việc phát triển du lịch của cả nước nói chung và của vùng Bắc Bộ nói riêng.
C. Phong thái và khí chất của con người Hà Nội cũng rất khác, duyên dáng, phong lưu mà sang trọng.
D. Trải qua ngàn đời, ngàn năm xây dựng và phát triển, Hà nội vẫn luôn là mảnh đất xinh đẹp, đáng tự hào của dân tộc ta.
Câu 18: Cụm từ "hằng số văn hóa" trong văn bản có nghĩa là gì?
A. Là những yếu tố chủ quan vũ trụ (còn gọi là yếu tố địa – văn hóa) cố định đã tạo ra nền tảng của một nền văn hóa dân tộc từ đó sinh ra những đặc điểm cơ bản không thay đổi trong lịch sử và trong tương lai.
B. Là những yếu tố chủ quan vũ trụ (còn gọi là yếu tố địa – văn hóa) không cố định đã tạo ra nền tảng của một nền văn hóa dân tộc từ đó sinh ra những đặc điểm cơ bản có thể thay đổi trong lịch sử và trong tương lai.
C. Là những yếu tố khách quan vũ trụ (còn gọi là yếu tố địa – văn hóa) cố định đã tạo ra nền tảng của một nền văn hóa dân tộc từ đó sinh ra những đặc điểm cơ bản không thay đổi trong lịch sử và trong tương lai.
D. Là những yếu tố khách quan vũ trụ (còn gọi là yếu tố địa – văn hóa) không cố định đã tạo ra nền tảng của một nền văn hóa dân tộc từ đó sinh ra những đặc điểm cơ bản thay đổi trong lịch sử và trong tương lai.
Văn bản Lễ hội Đền Hùng
Câu 19: Sơ đồ hướng dẫn di chuyển cung cấp những thông tin gì?
A. Cho biết đường đi, vị trí có thể đến và hướng di chuyển.
B. Cho biết địa điểm, vị trí có thể đến và hướng di chuyển.
C. Cho biết địa điểm, đường đi, vị trí có thể đến và hướng di chuyển.
D. Đáp án khác.
Câu 20: Tác dụng của những phương tiện giao tiếp phi ngôn ngữ trong văn bản là gì?
A. Giúp người đọc tìm kiếm thông tin nhanh chóng và hiệu quả.
B. Giúp bài viết thêm sinh động, thu hút.
C. Giúp người đọc dễ dàng hơn trong việc xác định vị trí và mối quan hệ của các thông tin để hiểu nội dung văn bản.
D. Tất cả các đáp án trên.
2. Phần tiếng Việt
a. Lỗi dùng từ
Câu 1: Câu nào dưới đây mắc lỗi về ngữ pháp?
A. Hê –ra – clét và Ăng – tê đã giao đấu với nhau rất quyết tâm
B. Trong lễ nhậm chức, tổng giám đốc mới đã có màn phát biểu rất ấn tượng
C. Sau những chiến công lừng lẫy, khắp nơi đều nghe danh Đăm Săn
D. Thấy nàng như vậy, như một thiên thần bị đuổi khỏi trời do một thần chú nguyền rủa, mọi người bật ra tiếng khóc thảm thương
Câu 2: Xác định một từ/ cụm từ SAI về ngữ pháp trong câu sau:
Những chứng minh về một nền văn hóa cổ đại ở vùng này còn rất nhiều
A. Chứng minh
B. Văn hóa
C. Cổ đại
D. Rất nhiều
Câu 3: “Người có bản sắc là người có năng lực, tự tin, quyết đoán và không lùi bước trước những khó khăn; biểu hiện của phẩm chất này nằm ở sự quyết đoán, không vì lời nói của người khác mà ý chí bị lung lay”
Câu trên mắc lỗi gì?
A. Lỗi về trật tự từ
B. Lỗi về ngữ nghĩa
C. Lỗi về phong cách
D. Câu trên không mắc lỗi
b. Lỗi về trật tự từ
Câu 4: Câu văn nào sau đây sử dụng lựa chọn trật tự từ nhằm nhấn mạnh tính chất của sự việc:
A. Trong vườn những chùm quả xoan lắc lư.
B. Tôi thấy một anh bọ ngựa trịnh trọng tiến vào.
C. Tôi thấy trịnh trọng tiến vào một anh bọ ngựa.
D. Hôm nay, trời mưa tầm tã.
Câu 5: Các cụm từ in đậm được đặt ở đầu câu trong đoạn văn có tác dụng gì?
“Một thời đại vừa chẵn mười năm.
Trong mười năm ấy, thơ mới đã tranh đấu gắt gao với thơ cũ, một bên giành quyền sống, một bên giữ quyền sống. Trong sự thắng lợi ấy, cũng có công những người tả xung hữu đột nơi chiến trường, nhưng trước hết là công những nhà thơ mới”
A. Thể hiện thứ tự trước sau của sự việc.
B. Nhấn mạnh hình ảnh, đặc điểm của sự vật, hiện tượng.
C. Liên kết câu với câu khác trong văn bản.
D. Đảm bảo sự hài hòa về mặt ngữ âm của lời nói
Câu 6: Hiện quả diễn đạt của trật tự từ trong câu văn sau là gì?
Chung quanh đang cười nó bô bô nhiều anh em công nhân mỏ than vẫn còn nguyên vẹn cái tính tình con người nông dân Thái ở quanh bản, quanh châu Quỳnh Nhai đây
(Nguyễn Tuân)
A.Nhằm diễn tả những đức tình tốt đẹp của anh em công nhân mỏ than
B.Nhằm nhấn mạnh nét hồn nhiên của anh em công nhân ở mỏ than.
C.Nhằm thể hiện tình cảm trìu mến của tác giả đối với các ah em công nhân mỏ than.
D. Nhằm thể hiện trình tự hành động của các anh em công nhân mỏ than.
c. Cách trích dẫn, chú thích và các phương tiện giao tiếp phi ngôn ngữ
Câu 7: Để một ngày kia, thấy chàng trở về từ trận chiến, người ta phải thốt lên: “Chà, chàng đã vượt xa thân phụ của mình”
Câu văn trên sử dụng cách trích dẫn nào?
A. Trích dẫn gián tiếp
B. Trích dẫn trực tiếp
C. Cả hai cách
D. Không sử dụng
Câu 8: Với Nam Việt Đế Lý Bí, lần đầu tiên Việt Nam “xưng đế một phương”, lần đầu tiên miền trung tâm Hà Nội có thành xây đắp (“thành Tô Lịch”), có chia thờ Phật (chùa Khai Quốc – Mở Nước, nay là chùa Trấn Quốc), có một mô hình quân chủ Phật giáo, vừa giống mà lại khác Trung Hoa, cháu nối tiếp ông làm vua, xưng là Phật tử (con Phật) chứ không như vua Trung Hoa xưng là Thiên tử (con Trời)
Các chú thích trong đoạn văn trên là:
A. Đế một phương, thành Tô Lịch, chùa Khai Quốc - Mở Nước, nay là chùa Trấn Quốc, con Phật, con Trời.
B. Đế một phương, chùa Khai Quốc - Mở Nước, nay là chùa Trấn Quốc, con Phật, con Trời.
C. Đế một phương, thành Tô Lịch, chùa Khai Quốc - Mở Nước, nay là chùa Trấn Quốc, con Phật.
D. Thành Tô Lịch, chùa Khai Quốc - Mở Nước, nay là chùa Trấn Quốc, con Phật, con Trời
Câu 9: Văn bản thuyết minh sẽ gặp khó khăn gì khi không có ảnh minh họa?
A. Người đọc khó hình dung những thông tin được nói đến trong văn bản.
B.Bài viết kém độ tin cậy và thuyết phục
C.Văn bản không sinh động
D. Tất cả các đáp án trên
Câu 10: Tại sao không nên quá lạm dụng việc sử dụng hình ảnh, sơ đồ,… trong bài viết?
A. Khiến thông tin mất đi độ chính xác
B. Khiến người đọc không tập trung vào bài viết
C. Khiến người đọc không tập trung vào bài viết, bài viết bị rối
D. Cả ba đáp án trên
3. Phần làm văn
a. Viết bài văn nghị luận về một vấn đề xã hội
Đề 1: Viết bài văn nêu suy nghĩ của em về việc nhận lỗi và đổ lỗi cho người khác
Đề 2: Viết bài văn nêu suy nghĩ của em về việc làm thế nào để con người vượt lên số phận của chính mình trong cuộc sống?
b. Viết báo cáo kết quả nghiên cứu về một vấn đề
Đề 1: Em hãy viết báo cáo kết quả nghiên cứu về đặc điểm hình thức thơ Đường luật qua một số bài thơ trung đại đã học
c. Viết bài luận thuyết phục người khác từ bỏ một thói quen hay một quan niệm
Đề 1: Viết bài luận thuyết phục các bạn từ bỏ thói quen đi học muộn
Đề 2: Viết bài luận thuyết phục mọi người từ bỏ thói quen hay dựa dẫm ỷ lại
Đề 3: Lạm dụng thuốc kháng sinh là một thói quen phổ biến của nhiều người hiện nay. Em hãy viết bài văn nghị luận thuyết phục mọi người từ bỏ thói quen này
Đề 4: Một người bạn của em luôn tin tưởng và hành động theo phương châm “Im lặng là vàng”. Hãy viết bài văn nghị luận để thuyết phục người bạn đó cần nhìn nhận vấn đề toàn diện hơn
d. Viết bản nội quy, hướng dẫn nơi công cộng
Đề 1: Hãy viết một văn bản hướng dẫn du khách khi tham gia một lễ hội hoặc tham quan một di tích lịch sử, văn hóa ở địa phương nơi em sinh sống
e. Viết bài luận về bản thân
Đề 1: Em muốn làm một tình nguyện viên để tham gia tổ chức các hoạt động của lễ hội hoặc giới thiệu với khách tham quan về di tích lịch sử, văn hóa ở địa phương mình sinh sống. Hãy viết bài luận thuyết phục Ban tổ chức của lễ hội hoặc Ban Quản lý di tích chấp nhận mong muốn của em
Đề 2: Hãy viết bài luận về bản thân để thuyết phục một trường đại học ở nước ngoài cấp học bổng du học cho em
C. LỜI GIẢI CHI TIẾT
1. Phần đọc hiểu
1 |
2 |
3 |
4 |
5 |
6 |
7 |
8 |
9 |
10 |
11 |
12 |
13 |
14 |
15 |
16 |
17 |
18 |
19 |
20 |
D |
C |
D |
B |
C |
C |
A |
C |
A |
C |
B |
D |
C |
A |
D |
C |
B |
C |
C |
D |
2. Phần tiếng Việt
1 |
2 |
3 |
4 |
5 |
6 |
7 |
8 |
9 |
10 |
A |
A |
B |
C |
C |
B |
B |
D |
D |
C |
3. Phần làm văn
a. Viết bài văn nghị luận về một vấn đề xã hội
Đề 1: Viết bài văn nêu suy nghĩ của em về việc nhận lỗi và đổ lỗi cho người khác
I.Mở bài: Giới thiệu về vấn đề cần phân tích, nghị luận: "Nhận lỗi và đổ lỗi"
II. Thân bài:
- Giải thích: "đổ lỗi" là gì? "nhận lỗi" là gì?
- Thực trạng của vấn đề nhận lỗi và đổ lỗi: Hiện nay, vẫn có nhiều người không dám đối diện với lỗi lầm của mình mà lại đổ lỗi cho người khác.
- Biểu hiện của hai hiện tượng này là gì?
- Hậu quả của hai hiện tượng "nhận lỗi" - "đổ lỗi"
- Cách khắc phục
III. Kết bài: Nêu cảm nghĩ của bản thân về hai hiện tượng trên, đồng thời đánh giá khách quan về thực tế cuộc sống.
Đề 2: Viết bài văn nêu suy nghĩ của em về việc làm thế nào để con người vượt lên số phận của chính mình trong cuộc sống?
1. Mở đầu:
- Giới thiệu vấn đề cần trình bày: làm thế nào để con người vượt lên số phận của chính mình trong cuộc sống?
2. Triển khai:
- Giải thích: Thế nào là vượt lên số phận của chính mình?
- Biểu hiện của việc vượt lên số phận.
- Nguyên nhân giúp con người có thể vượt lên số phận.
- Ý nghĩa của việc vượt lên số phận.
- Phê phán một bộ phận người thiếu ý chí và nghị lực vươn lên.
- Bài học nhận thức và liên hệ bản thân.
3. Kết luận:
- Khái quát và khẳng định vấn đề.
b. Viết báo cáo kết quả nghiên cứu về một vấn đề
Đề 1: Em hãy viết báo cáo kết quả nghiên cứu về đặc điểm hình thức thơ Đường luật qua một số bài thơ trung đại đã học
1. Mở đầu
- Nêu vấn đề (đề tài) được lựa chọn để nghiên cứu: đặc điểm hình thức thơ Đường Luật qua một số bài thơ trung đại đã học.
- Nêu lí do, mục đích, phương pháp nghiên cứu.
+ Lí do: bản thân cảm thấy hứng thú với thơ Đường luật sau khi được học và tìm hiểu qua một số bài thơ trung đại.
+ Mục đích: giúp mọi người hiểu rõ và hứng thú khi học thơ Đường luật.
+ Phương pháp nghiên cứu: nghiên cứu qua sách vở.
2. Nội dung
- Giới thiệu một số bài thơ Đường luật đã học hoặc được biết đến.
- Phân tích bố cục chung của một bài thơ Đường luật qua một số bài thơ đã tìm hiểu.
- Giới thiệu về quy luật vần, đối, niêm, luật trong thơ Đường luật.
3. Kết luận
Khái quát, tổng hợp các vấn đề đã trình bày.
c. Viết bài luận thuyết phục người khác từ bỏ một thói quen hay một quan niệm
Đề 1: Viết bài luận thuyết phục các bạn từ bỏ thói quen đi học muộn
1. Mở bài
Giới thiệu và dẫn dắt vào vấn đề cần nghị luận: việc học sinh đi học muộn.
Lưu ý: Học sinh tự lựa chọn cách dẫn mở bài trực tiếp hoặc gián tiếp tùy thuộc vào năng lực của bản thân.
2. Thân bài
a. Thực trạng
Ở các trường học khắp nơi, đầu mỗi buổi học không khó để bắt gặp tình trạng các bạn học sinh đi học muộn, tiếng trống báo hiệu vào lớp đã vang lên trước đó nhưng vẫn còn có nhiều bạn chưa đến trường, ở ngoài cổng trường hoặc bắt đầu vào trường.
b. Nguyên nhân
Do ý thức chủ quan của các bạn học sinh chưa tốt, chưa chủ động trong cuộc sống của chính mình cũng như chưa tôn trọng thời gian của mình.
Do cha mẹ chưa thực sự quan tâm đến việc học của con em mình, việc rèn luyện tầm quan trọng của việc tiết kiệm thời gian cho con em mình chưa thực sự đạt được hiệu quản.
Nhà trường chưa giám sát và xử lí nghiêm khắc những trường hợp đi học muộn, tái phạm việc đi học muộn nhiều lần.
c. Hậu quả
Việc học của các em bị trì trệ, tâm lí hớt hải, việc chủ động trong học tập chưa thực sự tốt và hiệu quả học tập từ đó sẽ bị giảm sút.
Ảnh hưởng đến thầy cô, những bạn học sinh khác đã có mặt đúng giờ, ảnh hưởng đến sự thi đua, thành tích của cả lớp học.
Hình ảnh đi học muộn của học sinh ngày càng phổ biến sẽ khiến cho môi trường học đường bị ảnh hưởng tiêu cực, sẽ ngày càng nhiều bạn học sinh vi phạm hơn.
d. Giải pháp
Đầu tiên bạn phải là một người biết coi trọng thời gian và đơn giản là có ý thức tôn trọng người khác và tôn trọng chính bản thân mình.
Phải lên kế hoạch làm việc và đến chỗ hẹn đúng giờ, lập cho mình một thời gian biểu khoa học và thường xuyên theo dõi nó để chắc rằng mình không bỏ quên các cuộc hẹn.
Nhà trường cũng cần giám sát và kỉ luật nghiêm khắc hơn nữa những học sinh có tình trạng đi học muộn nhiều lần.
3. Kết bài
Khái quát lại vấn đề nghị luận: việc học sinh đi học muộn.
Đề 2: Viết bài luận thuyết phục mọi người từ bỏ thói quen hay dựa dẫm ỷ lại
1. Mở bài
- Giới thiệu: Trong xã hội chúng ta đang sống, con người phải chịu rất nhiều áp lực. Bên cạnh nhiều người đang rất cố gắng vươn lên để tồn tại, thành đạt và khẳng định mình, vẫn có những người sống thụ động, chỉ biết trông chờ vào người khác, vào may rủi.
- Nêu vấn đề: “Thói quen dựa dẫm, ỷ lại vào người khác” rất cần được được chúng ta cùng xem xét, bàn luận.
2. Thân bài
- Khái niệm của việc dựa dẫm, ỷ lại vào người khác: sự ỷ lại vào người khác trong một việc làm gì đó. Người thường xuyên dựa dẫm được cho là người bất tài, vô dụng, lười biếng. Chính vì vậy mà dựa dẫm thường mang chiều hướng tiêu cực, bị người khác lên án, chê bai, xem thường.
- Biểu hiện của sự dựa dẫm ỷ lại vào người khác: luôn thờ ơ với cuộc sống, công việc học tập của chính mình, không suy nghĩ cho tương lai, để mặc bố mẹ sắp đặt mọi việc, bé thì được mua điểm, lớn thì được chạy việc cho. Hay đơn giản hơn, từ những việc nhỏ nhất như dọn dẹp phòng ở, giặt giũ,... cũng lười nhác, để bố mẹ làm; gặp bài tập khó thì nhờ vả bạn bè,...
- Nguyên nhân của sự dựa dẫm ỷ lại vào người khác:
+ Do sự lười biếng trong cả vận động và tư duy.
+ Do được gia đình nuông chiều.
+ Do ăn sung mặc sướng từ nhỏ
+ Do sống không có kỷ luật…
- Tác hại:
+ Những người sống ỷ lại, quen dựa dẫm thường lười lao động; khiến mỗi người mất đi những khả năng vốn có; suy nghĩ, tư duy, thiếu năng lực đưa ra quyết định trong những hoàn cảnh cần thiết.
+ Thói quen ỷ lại sẽ khiến bạn trở thành gánh nặng cho gia đình, xã hội. Tương lai của đất nước không thể phát triển tốt đẹp nếu những chủ nhân tương lai của đất nước đều lười biếng, ỷ lại như bạn vậy.
- Bài học rút ra:
+ Bạn cần học cách tự đứng trên đôi chân của mình, không được tự biến mình thành cây tầm gửi trong cuộc sống.
+ Tự thân làm chủ cuộc đời: Mỗi con người chúng ta chỉ có một cuộc đời, vì vậy hãy tự sống cho mình đừng sống làm một cái đuôi bám vào người khác, đó là một điều hèn kém đáng xấu hổ. Bạn được sinh ra trên đời để trở thành một cánh bướm tự do chứ không phải để làm một con sâu ngày ngày chỉ biết đi đục khoét.
+ Gia đình, nhà trường, xã hội cần thay đổi quan niệm về tình yêu thương và giáo dục, không nuông chiều hay quá bao bọc, cần hình thành và rèn luyện tính tự lập cho con mình.
3. Kết bài
- Khẳng định lại vấn đề: Thói quen dựa dẫm, ỷ lại vào người khác là vấn đề phức tạp, khó kiểm soát trong thực tế đời sống và chi phối đến từng cá nhân và cộng đồng rất cần được xem xét, tuyên truyền giáo dục.
- Rút ra bài học cho bản thân: Là một người học sinh, bạn nên hiểu đúng thói quen dựa dẫm, ỷ lại vào người khác biết loại bỏ những biểu hiện tiêu cực nói trên; cố gắng phấn đấu vươn lên để đạt được những mục tiêu của mình… và tuyên truyền giúp đỡ mọi người cùng làm theo.
Đề 3: Lạm dụng thuốc kháng sinh là một thói quen phổ biến của nhiều người hiện nay. Em hãy viết bài văn nghị luận thuyết phục mọi người từ bỏ thói quen này
Sự ra đời của thuốc kháng sinh được coi là bước ngoặt lớn của nền y học, chúng giúp điều trị dứt điểm một số vấn đề về sức khỏe. Tuy nhiên, nhiều người chưa thực sự hiểu biết về loại dược phẩm này, họ có xu hướng lạm dụng thuốc. Mọi người cần từ bỏ việc lạm dụng thuốc kháng sinh bởi thói quen này dẫn đến nhiều nguy cơ mà con người phải đối mặt trong điều trị bệnh tật.
Vậy thế nào là thuốc kháng sinh, là làm dụng thuốc kháng sinh? Thuốc kháng sinh là các loại thuốc có tác dụng tiêu diệt các loại vi khuẩn gây nên các bệnh lý nhiễm trùng hay được kết hợp trong việc điều trị một số loại bệnh khác. Lạm dụng thuốc kháng sinh là sử dụng bừa bãi, bất kì bị bệnh, ôm, ho hay như thế nào cũng dùng thuốc kháng sinh mà không đúng liều lượng. Hiện nay tình trạng lạm dụng thuốc kháng sinh của nhiều nhiều rất phố biến cụ thể như : “Tỷ lệ kháng erythromycin ở Việt Nam là 92,1%”, “Theo số liệu báo cáo của 15 bệnh viện trực thuộc Bộ, bệnh viện đa khoa tỉnh ở Hà Nội, Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng, Hồ Chí Minh,… về sử dụng kháng sinh và kháng kháng sinh giai đoạn 2008 – 2009 cho thấy: năm 2009, 30 – 70% vi khuẩn gram âm đã kháng với kháng sinh nhóm cephalosporin thế hệ 3 và thế hệ 4, gần 40 – 60% kháng với nhóm aminoglycosid và fluoroquinolon”, “ Theo Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), kết quả khảo sát việc bán thuốc kháng sinh ở các hiệu thuốc vùng nông thôn và thành thị cho thấy, nhận thức về kháng sinh và kháng thuốc của người bán thuốc lẫn người dân đều rất thấp. Có đến 88% số dân ở thành thị, 91% số dân ở nông thôn sử dụng kháng sinh không có đơn của bác sĩ”,.... Vậy lí do gì mà người dân lại sử dụng thuốc kháng sinh nhiều như vậy? Đầu tiên phải nói đến do bệnh nhân: Nhiều người tưởng rằng kháng sinh chữa được bách bệnh, nên hễ bị bệnh là dùng kháng sinh, vì ở ta việc mua bán kháng sinh còn dễ dàng. Khuynh hướng tự mua thuốc, tự chữa bệnh ngày càng phổ biến - đó là lý do dễ lạm dụng kháng sinh. Tiếp đến là do thầy thuốc: Trong thực tế hằng ngày, việc sử dụng kháng sinh cũng rộng rãi. Ví dụ, khi chưa xác định được loại vi khuẩn nào và nên dùng loại kháng sinh nào là thích hợp, nhưng theo yêu cầu của bệnh nhân, một số thầy thuốc cũng dễ chỉ định sử dụng kháng sinh. Biết là chưa thật xác đáng, nhưng một số thầy thuốc vẫn kê đơn kháng sinh. Đó cũng là một cách lạm dụng kháng sinh. Lạm dụng thuốc kháng sinh không chỉ lãng phí mà còn gây tổn hại đến sức khỏe, các bệnh do virut không chữa được bằng kháng sinh mà vẫn dùng kháng sinh. Gây khó khăn cho chẩn đoán: bệnh nhân bị viêm ruột thừa cấp mà dùng kháng sinh sẽ làm cho lu mờ các triệu chứng gây khó chẩn đoán. Có khi có tác dụng chữa nhưng lại dễ gây ra phản ứng dị ứng, mẫn cảm thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Sử dụng nhiều kháng sinh và liều cao có khả năng gây suy tủy, nhất là trường hợp sử dụng chloramphenicol nhiều. Một số kháng sinh như streptomycine, kanamycine dùng liều cao có thể gây điếc và suy thận. Lạm dụng kháng sinh làm cho vi khuẩn nhờn thuốc, kháng thuốc ngày càng nhiều, từ đó việc chữa trị bệnh càng khó khăn. Ngày nay các tụ cầu trùng kháng thuốc cephalosporin càng nhiều. Một số vi khuẩn khác cũng kháng thuốc do đó tác dụng chữa trị của kháng sinh ngày càng hạn chế. Nhiều người khi dùng thuốc kháng sinh chỉ cho rằng nó thuận tiện, giá thành cũng không quá đắt nhưng người dân lại đâu biết rằng tác hại của nó vô cùng nghiêm trọng. Vậy nên mọi người cần làm gì để hạn chế hay bỏ tình trạng lạm dụng thuốc kháng sinh? Nguyên tắc bạn cần biết khi dùng thuốc kháng sinh đó là chỉ điều trị bệnh do vi khuẩn gây ra và dùng chúng khi thực sự cần thiết, được bác sĩ đồng ý. Đúng liều: khi được bác sĩ kê đơn có thuốc kháng sinh, luôn uống đủ liều lượng đã được kê, không bỏ dở nửa chừng, ngay cả khi cảm thấy bệnh đã đỡ nhiều. Đúng chỉ dẫn: Không dùng thuốc kháng sinh thừa từ lần sử dụng trước; không chia sẻ thuốc kháng sinh trong toa thuốc đang dùng cho người khác uống, ngay cả khi đó là người thân của mình. Vì khi chia sẻ, sẽ thiếu liều thuốc cần uống và vô tình tạo cơ hội cho vi khuẩn mạnh mẽ lên và kháng lại các thuốc điều trị. Điều này gây nguy hiểm cho chính bản thân, cho gia đình và cộng đồng.
Nâng cao nhận thức ngay từ mỗi cá nhân bằng cách bắt đầu bằng thói quen tuân thủ đơn thuốc của bác sĩ, không tự ý mua kháng sinh về dùng cho bất cứ ai hoặc dùng trong chăn nuôi. Nhắc nhở những người quen nếu thấy họ dùng kháng sinh bừa bãi.
Có thể nói thói quen lạm dụng thuốc kháng sinh là một vấn đề cực kỳ nghiêm trọng mà chúng ta không nên chủ quan. Tốt nhất, mỗi người cần có ý thức sử dụng thuốc phù hợp, theo chỉ định của bác sĩ. Nếu sau một thời gian điều trị bạn không thấy hiệu quả, hãy đi tái khám và nhận tư vấn từ bác sĩ “hãy dùng kháng sinh đúng cách vì tương lai của chính chúng ta”.
Đề 4: Một người bạn của em luôn tin tưởng và hành động theo phương châm “Im lặng là vàng”. Hãy viết bài văn nghị luận để thuyết phục người bạn đó cần nhìn nhận vấn đề toàn diện hơn
Vàng được coi là một loại trang sức, kim loại vô cùng quý hiếm, chính vì vậy mà những thứ gì quý giá người xưa đều so sánh với vàng nhằm thể hiện sự quý giá của nó như "Thời gian là vàng" hay "Im lặng là vàng" nhằm thể hiện việc quan trọng của việc im lặng đúng lúc đúng chỗ, nhưng lúc nào cũng chọn sự im lặng vậy có tốt không?
Câu nói đó muốn chúng ta cần phải biết giữ im lặng đúng nơi đúng chỗ, không nên can thiệp quá sâu vào công việc của ai đó, hoặc dốt nhưng lại thích thể hiện huênh hoang, nói nhiều càng lộ ra sự ngu dốt, thiếu học của mình, hoặc trong trường hợp gây gổ tranh cãi nổi nóng thì sự im lặng lại làm cho mọi việc tốt hơn. Khi mâu thuẫn đến, mỗi lời nói ra trong lúc không kiểm soát đều có thể trở thành những lưỡi dao gây tổn thương người khác. Bởi vậy, im lặng đôi khi còn giá trị hơn cả vạn lời nói...Dĩ nhiên, có phải trong tất cả tình huống, sự im lặng đều là vàng? Có nên im lặng trước cái ác, cái xấu; có nên im lặng trước cường quyền hay có nên im lặng trong các cuộc tranh luận khi mình có những suy nghĩ chín chắn, khách quan về vấn đề đó… Trong các tình huống đó mà mình im lặng tức là mình đánh mất bản thân và đang thỏa hiệp với cái ác, cái xấu. Vậy trường hợp nào nên im lặng? Pythagos từng nói: “Im lặng là cấp độ cao nhất của sự khôn ngoan. Ai không biết im lặng là không biết nói”. Còn Martin Luther King Jr lại phát biểu: “Cuộc sống chúng ta bắt đầu chấm dứt ngay trong cái ngày mà chúng ta giữ im lặng trước những vấn đề hệ trọng”. Chính vì vậy, mỗi chúng ta cần phải nhận thức rõ nên im lặng và lên tiếng trong tình huống cụ thể nào, không nên là kẻ ngậm miệng ăn tiền, rồi im lặng cho cái xấu cái ác hoành hành trong xã hội làm cho đạo đức con người trở nên suy thoái, xuống dốc. Bởi trong cuộc sống, bên cạnh những cái hay cái đúng còn có những quan điểm, lời nói, hành động... sai trái cần lên án, tố cáo. Trong cơ quan, công sở có những kẻ tham ô, hối lộ. Ngoài đường ngoài chợ, có những tên buôn lậu, cướp giật. Trong lớp học, có những hành động tiêu cực trong kiểm tra, đánh giá... Lúc ấy, nếu im lặng tức là đã tiếp tay cho cái ác, cái sai trái hoành hành. Lúc ấy im lặng là vô trách nhiệm, hèn nhát. Cũng có khi, trên đường có một cụ già đang run rẩy trước dòng người xuôi ngược, trong khi bạn đang lưỡng lự thì đã có một bạn khác nhanh chân hơn giúp cụ qua đường. Vậy là chỉ vì im lặng bạn đã lỡ mất cơ hội làm một việc tốt. Trong lớp học, thầy giáo đưa ra câu hỏi, bạn im lặng tức là đã đánh mất cơ hội để cất lên "tiếng nói của mình", cơ hội để thể hiện, cơ hội để thử sức. Những cơ hội, thời cơ nếu ta để lỡ thì sẽ mất đi vĩnh viễn. Khi ấy, im lặng là dại dột, ấu trĩ. Im lặng trong một cuộc thảo luận, tranh luận của tập thể để đi đến thống nhất một vấn đề chung còn nói lên con người bạn nó thiếu quan điểm biết nhường nào. Khi ấy, bạn rất dễ trở thành ba phải trong vô vàn những quan điểm, xu hướng. Như vậy là trong cuộc sống, cần phải biết xác định hoàn cảnh để im lặng hoặc phá vỡ im lặng đúng thời điểm.
Chính vì vậy, trong cuộc sống cần phải biết cân bằng giữa im lặng và lên tiếng phá vỡ im lặng khi cần thiết, không phải lúc nào sự im lặng cũng là vàng cần phải biết cân nhắc tùy hoàn cảnh mà sử dụng quyền im lặng của mình. Hãy coi câu nói của Martin Luther King là một bài học, hãy xắn tay áo lên và hành động ngay từ hôm nay, bắt đầu từ những việc nhỏ bé nhất mà chúng ta có thể. Tôi tin rằng điều đó không phụ thuộc vào tuổi tác, mạnh yếu hay giàu nghèo, mà bất kì ai cũng làm được. Đừng bao giờ thỏa hiệp và làm ngơ trước cái xấu, bạn nhé!
d. Viết bản nội quy, hướng dẫn nơi công cộng
Đề 1: Hãy viết một văn bản hướng dẫn du khách khi tham gia một lễ hội hoặc tham quan một di tích lịch sử, văn hóa ở địa phương nơi em sinh sống
NHỮNG ĐIỀU CẦN LƯU Ý KHI THAM GIA LỄ HỘI ĐỀN A SÀO
Đền A Sào được xây dựng tại khu vị trí ven sông Hóa, nay thuộc xã An Thái, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình. Vùng đất này nổi tiếng gắn liền với sự thắng lợi của cuộc chiến đánh giặc Nguyên – Mông và huyền tích “Con voi của Trần Hưng Đạo”.
Khu di tích A Sào bao gồm: di tích Đền A Sào, di tích Bến Tượng; di tích Gò Đống Yên được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch đã cấp bằng Di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia năm 2011. Ngôi đền này nằm trên vùng đất gắn liền với sự tích Hưng Đạo Đại Vương đánh thắng giặc Nguyên – Mông. Sau này, nhân dân đã lập đền thờ Trần Hưng Đạo gọi là Đệ nhị sinh từ hay A Sào linh miếu (đền A Sào) để tưởng nhớ công ơn Ngài.
Năm 1951, giặc Pháp đóng đồn ở đền A Sào và phá hủy nhiều đồ thờ cúng trong đền. Chúng dùng xe kéo voi đá từ bến sông về bốt để làm ụ súng và bắn gẫy vòi tượng voi đá. Qua nhiều thăng trầm, đền A Sào xưa đã bị phá hủy, chỉ còn là bãi đất hoang và tượng voi đá nằm trên nền đất cũ giữa cánh đồng A Sào. Qua nhiều cuộc hội thảo, nghiên cứu, năm 2005, nhân dân địa phương và các nhà hảo tâm đã quyên góp phục dựng đền mới khang trang như ngày nay.
Sau đây là một số lưu ý khi vào đền:
Thứ nhất, về trang phục, ngôn ngữ, hành vi: Trang phục phải gọn gàng, không quá phô trương, lòe loẹt; ngôn ngữ lịch thiệp, không phát ngôn những lời “không đẹp” trong lễ hội; hành vi chuẩn mực, chung tay bảo vệ môi trường chung.
Thứ hai, về đồ lễ: Người dâng lễ có thể đặt lễ chay hoặc lễ mặn tùy tâm. Lễ chay gồm: hương, hoa tươi, quả chín, phẩm oản, xôi chè. Lễ mặn gồm: gà, giò, trầu cau, rượu…
Thứ ba, về các vật dụng được mang theo và sử dụng đồ cá nhân: mang theo những vật dụng thật sự cần thiết, tránh những vật dụng có hại dễ gây sát thương; đồ cá nhân phải tự giác bảo toàn.
Thứ tư, về ý thức thái độ của khách trong việc bảo vệ các giá trị vật chất của đền: Cần có ý thức và trách nhiệm cao với các sản vật – giá trị vật chất của đền. Không phá bỏ, không làm hư hại, …
Thứ năm, về giải quyết sự cố: Du khách khi gặp một số sự cố không may tại đền có thể liên hệ với Ban tổ chức, Ban tổ chức sẽ phối kết hợp cùng trung tâm phát thanh của đền để giải quyết các sự cố không may.
Ban quản lí di tích tỉnh Thái Bình
e. Viết bài luận về bản thân
Đề 1: Em muốn làm một tình nguyện viên để tham gia tổ chức các hoạt động của lễ hội hoặc giới thiệu với khách tham quan về di tích lịch sử, văn hóa ở địa phương mình sinh sống. Hãy viết bài luận thuyết phục Ban tổ chức của lễ hội hoặc Ban Quản lý di tích chấp nhận mong muốn của em
Kính thưa Ban quản lý di tích tỉnh Thái Bình
Em là Nguyễn Văn Toàn, lớp G, trường THPT Phụ Dực, Thái Bình.
Em biết đến CLB tình nguyện tham gia tổ chức các hoạt động lễ hội qua một thành viên trong CLB. Mục đích em muốn tham gia CLB đó là muốn học hỏi, muốn cống hiến một chút sức nhỏ vào việc tổ chức và giới thiệu, phổ biến với khách tham quan về các di tích lịch sử ở địa phương.
Bản thân em là vốn một người khá hòa đồng, thân thiện, giao tiếp lưu loát, tự tin trước đám đông, cộng với sự nhiệt huyết, muốn cống hiến, em có thể sẵn sàng dành thời gian của bản thân cho các hoạt động tình nguyện vì sự phát triển của cộng đồng địa phương.
Hiện tại, bản thân em đang theo học ngành Văn học, cũng khá quen với những bài giới thiệu. Nếu được vào CLB, em có thể viết những bài giới thiệu, nội quy, lưu ý, hướng dẫn khách tham gia lễ hội. Em cũng từng tham gia khá nhiều CLB khác tại trường. Vì vậy, em có thể tự tin khẳng định em sẽ làm tốt những công việc mà ban chủ nhiệm CLB giao phó.
Em xin cam kết thực hiện tốt nội quy, yêu cầu của CLB và địa phương!
Em xin chân thành cảm ơn BCN về sự quan tâm, đọc và xét duyệt!
Đề 2: Hãy viết bài luận về bản thân để thuyết phục một trường đại học ở nước ngoài cấp học bổng du học cho em
Kính gửi Ban giám hiệu Trường đại học Seville!
Em tên là ....................... , hiện là sinh viên ngành du lịch của khoa ..............., trường ............. , thành phố Hà Nội!
Được thầy cô trong khoa giới thiệu đến học bổng trao đổi một năm tại trường Seville, em đã vô cùng hào hứng và nhanh chóng ngồi viết những dòng này để bày tỏ sự mong muốn của bản thân em. Sở dĩ em đã biết đến trường là một trong những ngôi trường nổi tiếng đào tạo về ngành du lịch ở Tây Ban Nha nên em hy vọng nếu đạt được học bổng này, em sẽ cố gắng tích lũy những kinh nghiệm tốt nhất khi theo học tại trường.
Trong những tháng ngày theo học tại trường đại học, em được thầy cô và các bạn đánh giá là một sinh viên năng động, hoạt bát và thân thiện. Bên cạnh đó, em là một sinh viên cầu tiến, ham học hỏi, nhiệt tình trong các hoạt động ngoại khóa. Vì vậy, khi được học tập tại môi trường học tập mới, cùng với thầy cô và bạn bè mới, em sẽ dần làm quen với những điều mới lạ tại đây.
Để được các thầy cô trong khoa giới thiệu đến học bổng du học này, em tự tin khẳng định bản thân mình là một sinh viên ưu tú và toàn diện. Suốt 3 năm qua, GPA của em luôn đạt loại Giỏi (3.85) nên em đã may mắn đạt được những học bổng khuyến khích học tập tại ngôi trường em theo học. Bên cạnh đó, hiện nay em đang là Chủ nhiệm một CLB tại trường đại học em đang theo học, sôi nổi trong các hoạt động đoàn đội. Vì vậy, em tự tin rằng khi theo học tại trường mình, em sẽ nhanh chóng học hỏi, tiếp thu và giành được kết quả cao trong học tập.
Em xin cam kết thực hiện tốt nội quy, yêu cầu của trường đề ra!
Em xin chân thành cảm ơn Ban giám hiệu đã quan tâm, đọc và xét duyệt!
- Đề thi học kì 1 Văn 10 Cánh diều - Đề số 1
- Đề thi học kì 1 Văn 10 Cánh diều - Đề số 2
- Đề thi học kì 1 Văn 10 Cánh diều - Đề số 3
- Đề thi học kì 1 Văn 10 Cánh diều - Đề số 4
- Đề thi học kì 1 Văn 10 Cánh diều - Đề số 5
>> Xem thêm