Tóm tắt, phân tích tác giả, tác phẩm văn lớp 10 Tác giả tác phẩm - Chân trời sáng tạo - Tập 1

Thơ duyên - Xuân Diệu


Thơ duyên - Xuân Diệu bao gồm tóm tắt nội dung chính, lập dàn ý phân tích, bố cục, giá trị nội dung, giá trị nghệ thuật cùng hoàn cảnh sáng tác, ra đời của tác phẩm và tiểu sử, quan điểm cùng sự nghiệp sáng tác phong cách nghệ thuật giúp các em học tốt môn văn 10

Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn

Tác giả

Xuân Diệu

1. Tiểu sử

- Xuân Diệu tên khai sinh là Ngô Xuân Diệu (2/21916 - 18/2/1985), là một trong những nhà văn, nhà thơ lớn của Việt Nam.

- Ông nổi tiếng từ phong trào thơ mới với tập Thơ thơGửi hương cho gió. Những bài được yêu thích nhất của Xuân Diệu là thơ tình làm trong khoảng 1936 - 1944, thể hiện một triết lý bi quan, tuyệt vọng về tình ái nhưng lại có một mạch ngầm thúc giục, nhiều khi hừng hực sức sống. Nhờ đó, ông được mệnh danh là "ông hoàng thơ tình". Ông từng được Hoài Thanh và Hoài Chân đưa vào cuốn Thi nhân Việt Nam (1942).

- Sau khi theo Đảng, thơ ông chủ yếu ca ngợi Đảng Lao động Việt Nam, ông không còn sáng tác thơ tình nhiều như trước.

- Ngoài làm thơ, Xuân Diệu còn là một nhà văn, nhà báo, nhà bình luận văn học.

- Năm 1940, ông thi đỗ Tham tá thương chính và vào làm việc tại Mĩ Tho, một thời gian sau ông xin thôi việc ra Hà Nội kết bạn thơ với Huy Cận.

- Xuân Diệu tham gia cách mạng từ năm 1944. Sau cách mạng tháng Tám, ông là Uỷ viên BCH Hội văn hóa cứu quốc, thư kí tòa soạn tạp chí Tiên phong. Ông là đại biểu Quốc hội khóa I; năm 1948 là Uûy viên BCH Hội văn nghệ Việt Nam.

- Từ 1957 cho đến khi qua đời, Xuân Diệu luôn được bầu vào BCH Hội nhà văn Việt Nam. Ông được kết nạp vào Ðảng năm 1949. Năm 1983, ông được công nhận là Viện sĩ thông tấn Viện Hàn lâm nghệ thuật nước Cộng hòa dân chủ Ðức. Năm 1985, Xuân Diệu lâm trọng bệnh và qua đời.

2. Sự nghiệp văn học

Xuân Diệu để lại hơn 40 tác phẩm ở các thể loại sau:

- 13 tập thơ

- Tập truyện ngắn Phấn thông vàng

- Nhiều bút kí và tiểu luận, phê bình

- Giới thiệu và dịch thơ của Targo, Mai-a-cốp-xki, Ðimitrôva,

3. Nhận định về tác giả

- Xuân Diệu là nhà thơ lớn của dân tộc, ông luôn là tấm gương lao động nghệ thuật bền bỉ, dẻo dai, giàu sức sáng tạo, đạt được nhiều thành tựu lớn trong sáng tác.

- Xuân Diệu là người giới thiệu, phê bình thơ rất tinh tế và sắc bén.

- Cuộc đời và thơ của Xuân Diệu gắn với quê hương đất nước. Ông có khát vọng hiến dâng sức lực và trí tuệ của mình cho dân tộc, ông không ngại khó khăn, gian khổ, hăng hái, nhiệt tình, đi khắp mọi nẻo đường Tổ quốc để phục vụ nhân dân. Chính vì lẽ đó, Xuân Diệu được tất cả độc giả trong nước yêu mến và ngưỡng mộ không chỉ ở thơ, mà còn ở tấm lòng say sưa và chân thành với cuộc đời của ông.

4. Xuân Diệu với thơ

a. Thơ Xuân Diệu trước cách mạng tháng Tám

- Trước cách mạng tháng Tám, Xuân Diệu có hai tập thơ: Thơ thơ (1938) và Gửi hương cho gió (1945).

- Ông là nhà thơ tiêu biểu của phong trào Thơ Mới cả về nội dung lẫn hình thức. Trong Thi nhân Việt Nam, Hoài Thanh đã khẳng định: Xuân Diệu là nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới, nhà thơ đại biểu đầy đủ nhất cho thời đại. Khác với những nhà thơ cùng thời kì, Xuân Diệu gắn bó thiết tha với cuộc sống, Lầu thơ của ông xây dựng trên đất của một tấm lòng trần gian. Khát vọng mãnh liệt đến với cuộc đời, giao cảm với đời là một trong những yếu tố tạo nên sức hấp dẫn của thơ Xuân Diệu.

* Cảm hứng về tình yêu là cảm hứng nổi bật trong thơ Xuân Diệu

- Trong thơ ông, tình yêu đã trở thành lẽ sống, làm sao sống được mà không yêu, mặc dầu ông cảm nhận: Yêu là chết ở trong lòng một ít, vì mấy khi yêu mà chắc được yêu.

- Tình yêu trong thơ Xuân Diệu là tình yêu Vội vàng, Giục giã. Ông sợ thời gian, ông muốn vũ trụ ngưng đọng:

Tôi muốn tắt nắng đi

Cho màu đừng nhạt nắng

Tôi muốn buộc nắng lại

Cho hương đừng bay đi

(Vội vàng)

Hay là:

Mau với chứ, vội vàng lên với chứ

Em em ơi, tình non sắp già rồi

Gấp đi em, anh rất sợ ngày mai

Ðời trôi chảy, lòng ta không vĩnh viễn.

- Tình yêu được diễn tả với nhiều cung bậc, từ Gặp gỡ rồi Yêu, cho đến khi Xa cách, và với những tâm trạng và hành động khác nhau: Có khi là sự dại khờ, mời yêu hay ngẩn ngơ, nhớ mông lung, sầu. Cũng có khi rạo rực khát vọng:

Thà một phút huy hoàng rồi chợt tối

Còn hơn buồn le lói suốt trăm năm

- Dẫu tình yêu của nhà thơ có nồng cháy, mãnh liệt nhưng vẫn không được cuộc đời đón nhận, khiến cái tôi phải cầu xin:

Mở miệng vàng và hãy nói yêu tôi

Dù chỉ trong một phút mà thôi
     Càng yêu cuộc đời bao nhiêu, Xuân Diệu càng tự đày ải trái tim của mình và càng thất vọng bấy nhiêu. Ðiều đó đã tạo nên sự cô đơn muôn lần muôn thuở cô đơn cho nhà thơ. Ðặc biệt, có khi cái tôi đã lên đến đỉnh cao của sự cô đơn, nhỏ nhen, tầm thường:
Ta là một, là riêng là thứ nhất
Không có chi bè bạn nổi cùng ta
     Cái tôi gục xuống, sợ hãi, thốt lên lời rên rỉ trước cuộc đời thờ ơ, lạnh nhạt, hay đau đớn van xin: Chớ đạp hồn em, Chớ để riêng em phải gặp lòng em và rơi vào tâm trạng tuyệt vọng:
Xao xác tiếng gà, trăng ngà lạnh buốt
Mắt run mờ, kỉ nữ thấy trăng trôi
Du khách đi, du khách đã đi rồi

- Tình yêu gắn liền với nỗi cô đơn và sự hoài nghi. Cũng có khi được yêu nhưng cái tôi vẫn lo sợ vì cảm nhận sự biệt li, tan vỡ. Ngay cả khi cùng người yêu dạo bước dưới ánh trăng cái tôi vẫn cảm thấy:

Trăng sáng, trăng xa, trăng rộng quá

Hai người nhưng chẳng bớt bơ vơ.

Hay là:

Nắng mọc chưa tin, hoa rụng không ngờ

Tình yêu đến, tình yêu đi ai biết

Trong gặp gỡ đã có mầm li biệt

Những vườn xưa nay đoạn tuyệt dấu hài….

(Giục giã)

     Có thể nói, tình yêu trong thơ Xuân Diệu thời kì này rất nồng cháy, vô biên để rồi rơi vào bi kịch của một trái tim hiến dâng nhầm chỗ và say khướt đau thương.

* Về nghệ thuật:

- Cảm nhận cuộc sống bằng nhiều giác quan mà đặc biệt là cảm giác (Thơ duyên, Vội vàng…)

– Ngôn ngữ thơ giàu sức gợi tả và truyền cảm mạnh mẽ (Ðây mùa thu tới, Khi chiều giăng lưới,…)

- Xuân Diệu đã sử dụng sự tương quan giữa các màu sắc, âm thanh nhịp điệu để tạo nên âm hưởng trong thơ (Nguyệt cầm,…)

Tóm lại: Thơ của Xuân Diệu trước cách mạng tháng Tám biểu hiện rõ tấm lòng của một con người nặng tình với đời song bế tắc. Tình yêu nam nữ trong thơ Xuân Diệu thời kì này được diễn tả với tất cả cung bậc của nó qua những vần thơ uyển chuyển giàu âm thanh, màu sắc, hình ảnh,…. để lại những âm vang mạnh mẽ trong lòng người đọc.

b. Thơ Xuân Diệu sau cách mạng tháng Tám

b.1. Thời kì đầu sau cách mạng tháng Tám

- Thơ Xuân Diệu hướng về cuộc sống cách mạng của dân tộc, tự hào, phấn khởi trước sự thành công của cách mạng tháng Tám.

- Với những cảm xúc mạnh mẽ trước hiện thực cuộc sống cùng với ý thức, trách nhiệm cùa một công dân, Xuân Diệu hào hứng, sôi nổi đón chào cách mạng bằng những vần thơ yêu đời trong sáng. Lần đầu tiên viết về cách mạng, Xuân Diệu đã có được những thành công. Ðiều đó được biểu hiện rõ ở Ngọn quốc kì (1945) và Hội nghị non sông (1946).

- Tác phẩm của Xuân Diệu ra đời kịp thời, mang tính thời sự nhưng cũng giàu chất lãng mạn. Âm hưởng hùng tráng, đằm thắm thiếr tha toát lên từ tác phẩm của ông đã góp phần tạo nên sức cuốn hút, cổ vũ mạnh mẽ bạn đọc nhanh chóng đến với đời sống cách mạng.

b.2. Thời kì kháng chiến chống Pháp

- Xuân Diệu hăng hái tham gia cuộc kháng chiến chống Pháp, gắn bó với cuộc sống nhân dân, để ngày càng hiểu hơn về những con người giản dị mà vĩ đại. Ðó chính là một trong những điều kiện giúp ông sáng tạo nên bốn tập thơ: Dưới vàng sao (1949), Sáng (1953), Mẹ con (1954), Ngôi sao (1955).

- Xuân Diệu cảm nhận sâu sắc những nghĩa tình đẹp đẽ của quần chúng, cảm thông sâu sắc với nỗi khổ đau của họ (Tặng làng Còng, Bà cụ mù lòa,… ). Ðể rồi khi Ta chào Việt Bắc, về xuôi, tác giả viết nên những vần thơ thấm nặng nghĩa tình:

Mẹ nghèo vẫn cố nuôi con

Lúc bùi măng nứa, khi ngon củ mài

Sẽ từng hạt muối cắn đôi

Nhà sàn chung ở chăn sui đắp cùng.

- Mặt khác, Xuân Diệu cũng nói lên được một cách chân thành nỗi trăn trở, day dứt và sự kính yêu của mình khi viết về Bác:

Trên đầu tóc Bác sương ghi

Chắc đôi sợi bạc đó về chúng con.
(Sáng)

- Dù còn có những hạn chế song những tập thơ trên đã thể hiện được những nỗi niềm, tình cảm của Xuân Diệu trước hiện thực đời sống cách mạng. Thơ Xuân Diệu thời kì này đánh dấu một bước chuyển biến lớn về tư tưởng, tình cảm, giọng điệu…. , trên con đường thơ của ông.

b.3. Thời kì xây dựng chủ nghĩa xã hội và kháng chiến chống Mĩ

- Cuộc kháng chiến chống Pháp kết thúc thắng lợi, miền Bắc bước vào cuộc sống xây dựng CNXH. Trước hiện thực sôi động đó, với sự nhạy cảm, lòng tin yêu cuộc đời mới, thơ Xuân Diệu có sự vươn lên mạnh mẽ, đề cập đến nhiều vấn đề trong cuộc đời mới, biểu hiện rõ ở ba tập thơ: Riêng chung (1960), Mũi Cà Mau- Cầm tay (1962), Khối hồng (1964).

- Xuân Diệu say sưa ngợi ca cuộc đời mới với những đổi thay của nó và ông trăn trở nghĩ về mình (Ngói mới, Lệ, Chào Hạ Long,…). Ông nguyện nhìn đời bằng đôi mắt xanh non, bởi vì, ở khắp mọi nơi, từ các làng quê vùng đồng bằng đến vùng núi Mã Pí-Lèng, hay hải đảo Chòm Cô Tô mười bảy đảo xanh, cuộc sống bao giờ cũng xanh non, mãi mãi tươi giòn.

- Trong cảnh đất nước chia cắt ông Nhớ quê Nam và Gửi sông Hiền Lương nỗi nhớ thương:

Gửi ngàn mến với muôn thương trong ấy

Gửi lời về xin bớt nhớ, khoan thương

Gửi kiên trinh một tấm lòng vàng.

     Càng đến với cuộc sống, tình đất nước, tình người trong thơ Xuân Diệu càng đằm thắm thiết tha, càng mang ý nghĩa khái quát sâu sắc.

- Bên cạnh đó, thơ viết về cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước của Xuân Diệu xuất hiện đều đặn trên báo chí . Thơ ông có khả năng ứng chiến nhạy bén trước những sự kiện của đời sống kháng chiến. Ðiều đó được phản ánh rõ nét qua ba tập thơ: Hai đợt sóng (1967), Tôi giàu đôi mắt (1970), Hồn tôi đôi cánh (1976).

- Xuân Diệu có ý thức mở rộng thi đề để phản ảnh mọi mặt của đời sống. Thơ Xuân Diệu vừa giàu chất trữ tình vừa chứa đựng tính triết lý (Quả sấu non trên cao, Sự sống chẳng bao giờ chán nản) và mặt khác, có thêm chất trào phúng (Con chim và xác chiếc tàu bay Mĩ).

b.4. Từ sau 1975 đến khi qua đời

- Sau ngày miền Nam được giải phóng, đất nước thống nhất, Xuân Diệu viết về Miền Nam quê ngoại, lòng dạt dào vui sướng khi Ði giữa Sài Gòn trong ngày chiến thắng và ông bồi hồi nhớ về quê ngoại sau bao năm xa cách.

- Ông có khát vọng: Tôi muốn đi thăm khắp cả miền Nam, Nghe nhạc Nam hay Tâm sự với Quy Nhơn. Những vần thơ của ông thể hiện sự đằm thắm nghĩa tình đối với miền Nam. Có thể nói: Viết về miền Nam là Xuân Diệu đã khơi dậy những tình cảm, những kỉ niệm sâu sắc của mình, những hình ảnh được chắt lọc qua nhiều năm tháng để chỉ còn lại những gì thực sự là máu thịt, là rung động cho thơ (Mã Giang Lân).

b.5. Thơ tình của Xuân Diệu sau cách mạng tháng Tám

- Với thơ tình, Xuân Diệu đã đạt được những thành công rất đặc sắc. Ở mảng thơ này bản lĩnh nghệ thuật của Xuân Diệu bộc lộ rõ nét nhất.

- Nếu trước cách mạng tháng Tám, Xuân Diệu khao khát được ban phát tình yêu để rồi dẫn tới bi kịch của một trái tim hiến dâng nhầm chỗ, thì ở vào thời này ông nói tới một tình yêu bền chặt, gắn bó không thể gì ngăn cản nổi (Từ xa bờ cỏ đường quê).

- Ông khái quát được sự mãnh liệt và diễn tả sâu sắc sự xa cách của tình yêu. Càng yêu nhau họ càng mong muốn gần nhau, hiểu nhau để rồi gắn bó với nhau. Họ mong ước mãi bên nhau để cuộc đời thêm tươi vui, hạnh phúc (Ước chi, Tình yêu san sẻ, Uống xong lại khát, Quả trứng và lòng đỏ,… ).

- Ông cũng nói đến sự đau lòng trong tình yêu, nỗi đau nhức nhối vò xé tấm lòng họ (Cái dằm). Nhưng nỗi đau rồi sẽ qua, họ nhanh chóng làm lành với nhau vì em là nhân của hồn anh.

- Tình yêu trong thơ Xuân Diệu càng trở nên cao đẹp hơn khi lứa đôi hiểu rõ giữa họ với cuộc đời có mối quan hệ thắm thiết, hạnh phúc lứa đôi gắn liền với hạnh phúc của dân tộc (Tình yêu muốn hóa vô biên).

     Có thể nói, đến với thơ tình của Xuân Diệu sau cách mạng tháng Tám, chúng ta nhận thấy: tóc Xuân Diệu dù đã hoa râm nhưng ông vẫn giữ được chất thanh xuân của tâm hồn để cùng tuổi trẻ nói chuyện tri âm, chuyện tình yêu, hẹn thề, nói chuyện say đắm,…

Bởi thế, nhà thơ Trần Lê Văn đã viết:

Bởi quá yêu đời nên nặng lòng ấp ủ

Bởi không muốn già, nên bền chí thanh xuân

(Dây đàn bỗng đứt)

     Mảng thơ tình của Xuân Diệu, chính là món quà tặng người đời mãi mãi, như ông đã Ðề tặng: Tặng lòng con trai:

Tặng lòng con gái

Tặng hoa tặng trời

Tặng tình mãi mãi

………

Tặng hương – tặng Ðời.

5. Xuân Diệu với văn xuôi

- Sự quan tâm của Xuân Diệu đối với các nhà thơ lớp kế cận và lớp trẻ. Không ít nhà thơ trẻ đã đạt được sự thành công trong sáng tạo phần nào có sự giúp đỡ, quan tâm của Xuân Diệu.

- Xuân Diệu giới thiệu thơ quần chúng. Ông chịu khó tìm kiếm, chắt lọc cái hay, cái đẹp trong những sáng tác của họ để giới thiệu một cách trân trọng.

- Xuân Diệu khám phá, phát hiện cái hay, cái đẹp trong thơ của các nhà thơ hiện đại ưu tú như: Tố Hữu, Huy Cận, Chế Lan Viên,…

- Giới thiệu thành tựu của các nhà thơ lớn trong thơ ca dân tộc: Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Khuyến, Tú Xương,…

- Xuân Diệu dịch và giới thiệu một số nhà thơ lớn ở nước ngoài đối với người đọc Việt Nam và đồng thời giới thiệu một số bài thơ Việt Nam tiêu biểu sang các nước khác.

6. Phong cách nghệ thuật của Xuân Diệu

     Xuân Diệu là một nhà thơ luôn gắn bó với cuộc sống và sống hết mình cho cuộc sống. Xuân Diệu luôn có mặt trong cuộc sống, ông đặt tên cho một tập thơ của mình là Tôi giàu đôi mắt. Ông hăm hở, say mê sáng tạo với trách nhiệm của một công dân trước cuộc sống.

     Thơ ông bám lấy thực tại của cuộc sống, đưa sự vật, hiện tượng vào thơ, muốn mở rộng cánh cửa thơ cho cuộc sống tràn vào, do vậy trong thơ ông có sự bề bộn của những chi tiết hiện thực cuộc sống. Ông muốn thơ phải có sức chứa lớn và sức phản ảnh rộng lớn phong phú.

- Xuân Diệu là nhà thơ giàu sức sáng tạo, luôn có ý thức tìm tòi, thể nghiệm trên nhiều phương diện (cách xây dựng hình tượng, nhịp điệu, ngôn ngữ). Ðây cũng chính là một trong những nguyên nhân tạo nên thơ hay và thơ trung bình ở mỗi tập thơ của ông.

- Tâm hồn thơ Xuân Diệu luôn có sự tinh tế và nhạy cảm. Ðó là yếu tố bền vững trong thơ Xuân Diệu trước và sau cách mạng. Nói cách khác, sức thanh xuân luôn tràn đầy trong tâm hồn thơ Xuân Diệu. Tươi trẻ, hăng say như cái thuở ban đầu yêu và đang yêu là nét nổi bật trong thơ Xuân Diệu. Sự nhạy cảm của tâm hồn đã tạo cho thơ ông thêm giàu hương vị của cuộc đời, tác động mãnh liệt đối với nhận thức của người đọc.

- Thơ Xuân Diệu có khi còn nặng về kể, giải bày, ít ẩn ý, thiếu hàm súc, dễ dãi, dài dòng trong nhạc điệu, từ ngữ. Ðiều đó tạo nên sự hạn chế phần nào về sức truyền cảm và hấp dẫn của thơ ông đối với người đọc.

7. Kết luận chung

- Ông là một nhà thơ cần mẫn, sung sức trong sáng tạo nghệ thuật và đã có những cống hiến to lớn cho văn học Việt Nam nói chung, thơ ca Việt Nam nói riêng, nhiều tác phẩm có giá trị, đặc biệt là thơ tình yêu nam nữ.

- Nghĩ về Xuân Diệu là nghĩ về một tài năng, một tấm gương lao động nghệ thuật giàu sức sáng tạo, xứng đáng để các nghệ sĩ noi theo.

Tác phẩm

Thơ duyên - Xuân Diệu

1. Xuất xứ

- Văn bản in trong Tuyển tập Xuân Diệu (Thơ), NXB Văn học, Hà Nội, 1986, 100 - 101)

2. Giá trị nội dung

- Bài thơ cho thấy khung cảnh mùa thu đẹp đẽ, thơ mộng, tinh khôi và tươi mới, đầy sức sống qua cái nhìn của những người trẻ đang tràn đầy nhiệt huyết, yêu đời, yêu người

- Thể hiện được tình cảm, nỗi niềm yêu mến của những người trẻ dành cho nhau vừa chân thành, tha thiết nhưng cũng vừa ngại ngùng, xốn xang

- Cho thấy cảm xúc đôi lứa dành cho nhau từ khi gặp gỡ đến lúc rung động rồi đến khi nhận ra đã phải lòng nhau từ lúc nào gắn với thiên nhiên, cảnh sắc và thời gian, khung cảnh của trời thu, mùa thu

- Cho thấy những cảm xúc, rung động đầu đời là những tình cảm đẹp đẽ, tinh khôi, đáng nhớ, đáng trân trọng

3. Giá trị nghệ thuật

- Sử dụng từ láy, biện pháp đảo ngữ, ngôn từ thuần Việt dễ hiểu

- Cho thấy sự miêu tả tỉ mỉ, tinh tế và nhiều ẩn ý của tác giả

- Thể thơ bảy chữ phù hợp để bày tỏ tình cảm, tâm trạng

- Giọng thơ thủ thỉ tâm tình, nhẹ nhàng, sâu lắng, dễ đi vào lòng người


Bình chọn:
3.7 trên 7 phiếu
  • Lời má năm xưa - Trần Bảo Định

    Lời má năm xưa - Trần Bảo Định bao gồm tóm tắt nội dung chính, lập dàn ý phân tích, bố cục, giá trị nội dung, giá trị nghệ thuật cùng hoàn cảnh sáng tác, ra đời của tác phẩm và tiểu sử, quan điểm cùng sự nghiệp sáng tác phong cách nghệ thuật giúp các em học tốt môn văn 10

  • Nắng đã hanh rồi

    Nắng đã hanh rồi bao gồm tóm tắt nội dung chính, lập dàn ý phân tích, bố cục, giá trị nội dung, giá trị nghệ thuật cùng hoàn cảnh sáng tác, ra đời của tác phẩm và tiểu sử, quan điểm cùng sự nghiệp sáng tác phong cách nghệ thuật giúp các em học tốt môn văn 10

  • Tranh Đông Hồ - nét tinh hoa của văn hóa dân gian Việt Nam

    Tranh Đông Hồ - nét tinh hoa của văn hóa dân gian Việt Nam bao gồm tóm tắt nội dung chính, lập dàn ý phân tích, bố cục, giá trị nội dung, giá trị nghệ thuật cùng hoàn cảnh sáng tác, ra đời của tác phẩm và tiểu sử, quan điểm cùng sự nghiệp sáng tác phong cách nghệ thuật giúp các em học tốt môn văn 10

  • Nhà hát Trần Hữu Trang khánh thành phòng truyền thống - Thêm một bản dịch Truyện Kiều sang Tiếng Nhật

    Nhà hát Trần Hữu Trang khánh thành phòng truyền thống - Thêm một bản dịch Truyện Kiều sang Tiếng Nhật bao gồm tóm tắt nội dung chính, lập dàn ý phân tích, bố cục, giá trị nội dung, giá trị nghệ thuật cùng hoàn cảnh sáng tác, ra đời của tác phẩm và tiểu sử, quan điểm cùng sự nghiệp sáng tác phong cách nghệ thuật giúp các em học tốt môn văn 10

  • Lí ngựa ô ở hai vùng đất - Phạm Ngọc Cảnh

    Lí ngựa ô ở hai vùng đất - Phạm Ngọc Cảnh bao gồm tóm tắt nội dung chính, lập dàn ý phân tích, bố cục, giá trị nội dung, giá trị nghệ thuật cùng hoàn cảnh sáng tác, ra đời của tác phẩm và tiểu sử, quan điểm cùng sự nghiệp sáng tác phong cách nghệ thuật giúp các em học tốt môn văn 10

>> Xem thêm

Luyện Bài Tập Trắc nghiệm Ngữ Văn 10 - Xem ngay

2k8 Tham gia ngay group chia sẻ, trao đổi tài liệu học tập miễn phí

>> Học trực tuyến Lớp 10 tại Tuyensinh247.com, Cam kết giúp học sinh học tốt, hoàn trả học phí nếu học không hiệu quả.