A. Hoạt động thực hành - Bài 28A: Ôn tập 1


Giải bài 28A: Ôn tập 1 phần hoạt động thực hành trang 105, 106, 107 sách VNEN Tiếng Việt 5 với lời giải dễ hiểu

Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn

Câu 1

Thi học thuộc lòng (theo phiếu)

Đồ dùng: 4 phiếu ghi tên 4 bài tập đọc có yêu cầu học thuộc lòng từ bài 19A đến bài 27C. Trong mỗi phiếu viết sẵn những từ ngữ đầu dòng làm điểm tựa để đọc thuộc lòng một đoạn văn, đoạn thơ. Ví dụ:

Thi cá nhân:

- Hái hoa hoặc bốc thăm phiếu

- Đọc thuộc lòng một đoạn theo yêu cầu ghi trên phiếu.

- Trả lời 1 – 2 câu hỏi của các bạn hoặc thầy cô về bài đọc

- Nghe đánh giá của các bạn và thầy cô

- Bạn nào đọc đúng và hay, trả lời đúng nhất sẽ thắng cuộc.

Câu 2

Tìm ví dụ điền vào bảng tổng kết sau:

- Em tìm ví dụ cho mỗi ô, có thể lấy câu trong bài tập đọc hoặc em tự đặt câu. Viết vào vở hoặc phiếu học tập.

- Đổi bài với bạn để soát và sửa lỗi.

Phương pháp giải:

- Câu đơn là câu chỉ có một cụm chủ vị.

- Câu ghép là câu có từ hai cụm chủ vị trở lên.

Lời giải chi tiết:

* Câu đơn: Trên bãi cỏ rộng, các em bé xinh xắn nô đùa vui vẻ.

 * Câu ghép không dùng từ nối:

+Mặt ao rộng, nước trong veo.

+Mây trôi, gió cuốn.

 * Câu ghép dùng từ nối:

- Câu ghép dùng quan hệ từ:

+Ông đã nhiều lần can gián nhưng vua không nghe.

+Tấm chăm chỉ, hiền lành còn Cám thì lười biếng, độc ác.

- Câu ghép dùng cặp từ hô ứng:

+ Buổi chiều, nắng chưa nhạt, sương đã buông nhanh xuống mặt biển.

+ Thuỷ Tinh dâng nước cao bao nhiêu thì Sơn Tinh làm núi cao lên bấy nhiêu.

Câu 3

Thi học thuộc lòng (tương tự hoạt động 1)

Lời giải chi tiết:

Em chủ động hoàn thành bài tập.

Câu 4

Dựa theo câu chuyện Chiếc đồng hồ, em hãy viết tiếp một vế câu vào chỗ trống để tạo câu ghép:

a) Tuy máy móc của chiếc đồng hồ nằm khuất bên trong nhưng ...

b) Nếu mỗi bộ phận trong chiếc đồng hồ đều muốn làm theo ý thích của riêng mình thì ...

c) Câu chuyện trên nêu lên một nguyên tắc sống trong xã hội là : "Mỗi người vì mọi người và ..."

Phương pháp giải:

Em đọc lại câu chuyện để tìm nội dung phù hợp điền vào chỗ trống.

Lời giải chi tiết:

a) Tuy máy móc của chiếc đồng hồ nằm khuất bên trong nhưng chúng điều khiển kim đồng hồ chạy.

b) Nếu mỗi bộ phận trong chiếc đồng hồ đều muổn làm theo ý thích của riêng mình thì chiếc đồng hồ sẽ không hoạt động được.

c) Câu chuyện trên nêu lên một nguyên tắc sống trong xã hội là “Mỗi người vì mọi người và mọi người vì mỗi người”.

Câu 5

Đọc đoạn văn, phần giải nghĩa và thực hiện các nhiệm vụ được nêu ở dưới:

Tình quê hương

    Làng quê tôi đã khuất hẳn nhưng tôi vẫn đăm đắm nhìn theo. Tôi đã đi nhiều nơi, đóng quân nhiều chỗ phong cảnh đẹp hơn đây nhiều, nhân dân coi tôi như người làng và cũng có những người yêu tôi tha thiết, nhưng sao sức quyến rũ, nhớ thương vẫn không mãnh liệt, day dứt bằng mảnh đất cọc cằn này.

    Làng mạc bị tàn phá nhưng mảnh đất quê hương vẫn đủ sức nuôi sống tôi như ngày xưa, nếu tôi có ngày trở về. Ở mảnh đất ấy, tháng giêng, tôi đi đốt bãi, đào ổ chuột; tháng tám nước lên, tôi đánh giậm, úp cá, đơm tép; tháng chín, tháng mười, đi móc con da dưới vệ sông, ở mảnh đất ấy, những ngày chợ phiên, dì tôi lại mua cho vài cái bánh rợm; đêm nằm với chú, chú gác chân lên tôi mà lẩy Kiều ngâm thơ; những tối liên hoan xã, nghe cái Tị hát chèo và đôi lúc lại được ngồi nói chuyện với Cún Con, nhắc lại những kỉ niệm đẹp đẽ thời thơ ấu.

Theo NGUYỄN KHẢI

- Con da: loài cua nhỏ, chân có lông.

- Chợ phiên: chợ họp vào những ngày nhất định trong tháng.

- Bánh rợm: bánh bột nếp, nhân đậu xanh, thịt.

- Lẩy Kiều: lấy nguyên văn hoặc phỏng theo một vài câu, đoạn trong Truyện Kiều để thể hiện ý của mình

a)   Tìm những từ ngữ trong đoạn 1 thể hiện tình cảm của tác giả với quê hương.

b)  Điều gì đã gắn bó tác giả với quê hương ?

c)   Tìm các câu ghép trong một đoạn của bài văn.

d)  Tìm các từ ngữ được lặp lại, được thay thế có tác dụng liên kết câu trong bài văn.

Phương pháp giải:

Đọc từng cặp câu đứng kế nhau để tìm các từ ngữ được lặp lại hay được thay thế.

- Có thể chép câu văn vào vở, gạch chân các từ ngữ được lặp lại và khoanh tròn các từ ngữ được thay thế cho nhau.

M: Câu 1 và câu 2: Gạch dưới từ tôi, khoanh tròn Làng quê tôi, mảnh đất cọc cằn này

- Đổi bài với bạn, góp ý sửa chữa.

Lưu ý: Nếu bạn cho là ở câu 3 và câu 4 có lặp từ ngữ mảnh đất hoặc có thay thế mảnh đất quê hương -> mảnh đất ấy thì đều được xem là đúng.

Lời giải chi tiết:

a)  Những từ ngữ trong đoạn 1 thể hiện tình cảm của tác giả với quê hương là "đăm đắm nhìn theo", "sức quyến rũ", "nhớ thương mãnh liệt, day dứt".

b)  Những kỉ niệm tuổi thơ gắn bó tác giả với quê hương.

c)  Bài văn có 5 câu. Tất cả các câu trong bài đều là câu ghép.

d)  - Các từ tôi, mảnh đất được lặp lại nhiều lần trong bài văn có tác dụng liên kết câu.

Các từ ngữ được thay thế có tác dụng liên kết câu là:

Đoạn 1: Mảnh đất cọc cằn (câu 2) thay cho làng quê tôi (câu 1)

Đoạn 2: Mảnh đất quê hương (câu 3) thay cho mảnh đất cọc cằn (câu 2). Mảnh đất ấy (câu 4,5) thay cho mảnh đất quê hương (câu 3).


Bình chọn:
4.5 trên 48 phiếu

Tham Gia Group Dành Cho 2K14 Chia Sẻ, Trao Đổi Tài Liệu Miễn Phí