Đề thi học kì 2 Văn 10- Chân trời sáng tạo

Đề thi học kì 2 Văn 10 Chân trời sáng tạo - Đề số 1


Đề thi học kì 2 Văn 10 Chân trời sáng tạo đề số 1 được biên soạn theo hình thức trắc nghiệm và tự luận có lời giải chi tiết giúp các em ôn tập hiệu quả chuẩn bị cho bài kiểm tra trên lớp

Tổng hợp đề thi học kì 2 lớp 10 tất cả các môn - Chân trời sáng tạo

Toán - Văn - Anh - Lí - Hóa - Sinh - Sử - Địa...

Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn

Đề thi

I. ĐỌC HIỂU

Học sinh đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi phía dưới

GIÓ LẠNH ĐẦU MÙA

Buổi sáng hôm nay, mùa đông đột nhiên đến, không báo cho biết trước. Vừa mới ngày hôm qua giời hãy còn nắng ấm và hanh, cái nắng về cuối tháng Mười làm nứt nẻ đất ruộng và làm giòn khô những chiếc lá rơi. Sơn và chị chơi cỏ gà ở ngoài cánh đồng còn thấy nóng bức, chảy mồ hôi.

Thế mà qua một đêm mưa rào, trời bỗng đổi ra gió bấc, rồi cái lạnh ở đâu đến làm cho người ta tưởng đang ở mùa đông rét mướt. Sơn tung chăn tỉnh dậy, nhưng không bước xuống giường ngay như mọi khi, còn ngồi thu tay vào trong học, bên cạnh đứa em bé vẫn nắm tay ngủ kĩ. Chị Sơn và mẹ Sơn đã trở dậy, đang ngồi quạt lò để pha nước chè uống. Sơn nhận thấy mọi người đã mặc áo rét cả rồi.

Nhìn ra ngoài sân, Sơn thấy đất khô trắng, luôn luôn cơn gió vi vu làm bốc lên những màn bụi nhỏ, thổi lăn những cái lá khô lạo xạo. Trời không u ám toàn một màu trắng đục. Những cây lan trong chậu, lá rung động và hình như sắt lại vì rét.

Sơn cũng thấy lạnh, vội vơ lấy cái chăn trùm lên đầu rồi cất tiếng gọi chị. Mẹ Sơn nghe thấy, đặt chén nước chè xuống, bảo chị Lan:

- Con vào buồng lấy thúng áo ra mẹ mặc co em đi

Rồi quay lại bảo Sơn:

- Con sang đây mà ngồi cho ấm. Bước khéo để cho em ngủ

Sơn kéo chăn lên đắp cho em, rồi co ro đứng dậy sang phản bên này, ngồi xếp bằng bên khay nước. Mẹ Sơn rót cho một chén. Sơn cầm lấy chén chè nóng ấp vào mặt, vào má cho ấm, rồi để mắt vào miệng chén cho hơi bốc lên. Bà Sơn thường vẫn bảo làm thế chóng tỉnh mắt.

Người vú già sù sù cái áo bông cánh rách, xách siêu nước từ dưới nhà lên, vừa suýt xoa vừa nói:

- Rét quá! Múc nước cóng cả tay

Vú giơ tay hơ trên hỏa lò. Mẹ Sơn hỏi:

- Năm nay rét sớm hơn mọi năm vú nhỉ?

Người vú già ra vẻ nhớ lại, đáp:

- Cũng chả bằng cái năm mợ đi cân gạo bên sông. Gớm, mới rét làm sao! Sáng tôi dậy, bà sai đi chợ, cứ run lên cầm cập.

Sơn cũng nhớ cái rét năm ấy rõ rệt lắm, như mới đây thôi. Buổi sớm hôm ấy, mẹ Sơn cũng ngồi uống nước chè như sáng hôm nay và cũng lấy áo rét ra mặc.

Chị Lan tự trong buồng đi ra, khệ nệ ôm cái thùng quần áo đặt lên đầu phản. Mẹ Sơn lật cái vỉ buồm, lục đống quần áo rét. Sơn nhận ra cũng như cái áo dạ khâu chỉ đỏ. Sơn cầm giơ những chiếc áo lên, thấy mát lạnh cả tay. Từ bộ quần áo thoảng ra hơi mốc của vải gấp lâu trong hòm, làm Sơn nhớ lại những buổi đầu mùa rét từ bao giờ, lâu lắm, ngày Sơn còn nhỏ.

Mẹ Sơn giơ lên một cái áo bông cánh đã cũ nhưng còn lành lặn, nói:

- Đây là áo của cô Duyên đây.

Duyên là đứa em gái bé của Sơn, chết từ năm lên bốn tuổi. Mẹ Sơn nhắc đến làm Sơn nhớ em, cảm động và thương em quá. Vú già là người đã nuôi Duyên từ lúc mới đẻ, với lấy cái áo lật đi lật lại ngắm nghía, tay mân mê các đường chỉ:

- Giá bây giờ em nó có còn cũng chả mặc được

Mẹ Sơn yên lặng không nói gì. Nhưng đến lúc vời Sơn lại gần để mặc áo, Sơn thấy mẹ hơi rơm rớm nước mắt.

Sơn đã mặc xong áo ấm áp: cả cái áo dạ chỉ đỏ lẫn áo vệ sinh, ngoài lại mặc phủ cái áo vải thâm dài. Sơn đứng trên giường trước mặt mẹ, đã quay đi quay lại ba bốn lần để mẹ Sơn ngắm áo. Sau cùng, mẹ Sơn vuốt các tà áo cho phẳng phiu rồi đẩy Sơn ra, bảo:

- Thôi, con đi chơi.

Sơn xúng xính rủ chị ra chợ chơi. Nhà Sơn ở quay lưng vào chợ, cạnh một dãy nhà lá của những người nghèo khổ mà Sơn quen biết lũ trẻ con các gia đình ấy chắc bây giờ đương đợi mình ở cuối chợ để đánh khăng, đánh đáo.

Không phải ngày phiên nên chợ vắng không. Mấy cái quán chơ vơ lộng gió, rác bẩn rải rác lẫn với lá rụng của cây đề. Gió thổi mạnh làm Sơn thấy lạnh và cay mắt. Nhưng chân trời trong hơn mọi hôm, những làng ở xa, Sơn thấy rõ như gần. Mặt đất rắn lại và nứt nẻ những đường nho nhỏ, kêu vang lên tanh tách dưới nhịp guốc của hai chị em.

Đến cuối chợ đã thấy lũ trẻ đang quây quần chơi nghịch. Chúng nó thấy chị em Sơn đến đều lộ vẻ vui mừng, nhưng chúng vẫn đứng xa, không dám vồ vập. Chúng như biết cái phận nghèo hèn của chúng vậy, tuy Sơn và chị vẫn thân mật chơi đùa với, chứ không kiêu kỳ và khinh khỉnh như các em họ của Sơn. Sơn nhận thấy chúng ăn mặc không khác ngày thường, vẫn những bộ quần áo nâu bạc đã rách vá nhiều chỗ. Nhưng hôm nay, môi chúng nó tím lại và qua những chỗ áo rách, da thịt thâm đi. Mỗi cơn gió đến, chúng nó lại run lên, hàm răng đập vào nhau.

Thằng Xuân đến mó vào chiếc áo của Sơn, nó chưa thấy cái áo như thế bao giờ. Sơn lật vạt áo thâm, chìa áo vệ sinh và áo dạ cho cả bọn xem. Một đứa tặc lưỡi nói:

- Cái áo này mặc thì nóng lắm. Chắc mua phải đến một đồng bạc chứ không ít chúng mày nhỉ?

Đứa khác nói:

- Ngày trước thầy tao cũng có một cái áo như thế, về sau bán cho ông lý mất

Con Túc ngây ngô giương mắt lên hỏi Sơn:

- Cái này cậu mua tận Hà Nội phải không?

Sơn ưỡn ngực đáp:

- Ở Hà Nội, chứ ở đây làm gì có. Mẹ tôi còn hẹn mua cho tôi một cái áo len nhiều tiền hơn nữa kia.

Chị Lan bỗng giơ tay vẫy con bé, từ nãy vẫn đứng dựa vào cột quán, gọi:

- Sao không lại đây, Hiên? Lại đây chơi với tôi.

Hiên là đứa con gái bên hàng xóm, bạn chơi với Lan và Duyên. Sơn thấy chị gọi nó không lại, bước tới gần, trông thấy con bé co ro đứng bên cột quán, chỉ có manh áo rách tả tơi, hở cả lưng và tay. Chị Lan cũng đến hỏi:

- Sao áo mày rách thế, Hiên? Áo lành đâu không mặc?

Con bé bịu rịu nói:

- Hết áo rồi, chỉ còn cái này

- Sao không bảo u mày may cho?

Sơn bấy giờ mới chợt nhớ ra là mẹ cái Hiên rất nghèo, chỉ có nghề đi mò cua bắt ốc thì còn lấy đâu ra tiền mà sắm áo cho con nữa. Sơn thấy động lòng thương cũng như ban sáng Sơn đã nhớ thương đến em Duyên ngày trước vẫn chơi cùng Hiên, đùa nghịch ở vườn nhà. Một ý nghĩ tốt bỗng thoáng qua trong trí, Sơn lại gần chị thì thầm:

- Hay là chúng ta đem cho nó cái áo bông cũ, chị ạ.

- Ừ, phải đấy, để chị về lấy.

Với lòng ngây thơ của tuổi trẻ, chị Lam hăm hở chạy về lấy áo. Sơn đứng lặng yên đợi, trong lòng tự nhiên thấy ấm áp vui vui.

Nhưng cái vui của Sơn không được bao lâu. Bữa cơm về tới nhà, Sơn không thấy mẹ đâu cả, hỏi vú già:

- Mợ tôi đâu hả vú?

- Chị Lan và cậu cứ ăn cơm trước đi. Mợ còn đi ăn cỗ đến trưa mới về.

Rồi vú già nhìn rõ vào mặt Sơn, hỏi:

- Có phải cậu đem cho con Hiên cái áo bông cũ phải không?

Sơn ngạc nhiên đáp:

- Phải. Nhưng sao vú biết?

- Con Sinh nó nói với tôi đấy. (Sinh là đứa em họ của Sơn, vẫn hay nói hỗn với vú già nên vú ấy ghét). Nó lại còn bảo hễ mẹ về nó sẽ sang mách mợ cho cậu phải đòn.

Sơn lo quá, sắp ăn, bỏ đũa đứng dậy, van:

- Thế bây giờ phải làm thế nào hả vú? Mợ tôi biết thì chết.

- Ai bảo cậu dại dột đem cho nó áo? Bây giờ cậu sang bảo cái Hiên trả lại thì không việc gì.

Sơn vội vàng đi ra chợ tìm Hiên nhưng không thấy con bé ở đó, đến nhà cũng không thấy ai, mẹ nó cũng không có nhà. Hai chị em lo sợ, đi ra cánh đồng tìm cũng không gặp. Đến buổi chiều, Sơn và chị chưa đòi được áo. Lan trách em:

- Sao em lại nghĩ đem cho nó cái áo ấy, có phải bây giờ mợ mắng chết không.

- Ai bảo chị về lấy? Nếu chị không về lấy thì em biết đâu?

Chị Lan đấu dịu:

- Thôi, bây giờ phải về nhà vậy chứ biết làm thế nào.

- Nhưng mà em sợ lắm.

Chị Lan thở dài, nắm chặt lấy tay em, an ủi:

- Đằng nào cũng phải về cơ mà. May ra có lẽ mợ không mắng đâu.

Hai chị em lo lắng dắt nhau lẻn về nhà. Đến cửa, Sơn nghe thấy riếng mẹ nói ở trong với tiếng một người đàn bà khác nữa, nghe quen quen. Lan dắt tay Sơn khép nép bước vào; hai chị em ngạc nhiên đứng sững ra khi nghe thấy mẹ con Hiên đang ngồi ở cái ghế con trên đất trước mặt mẹ, tay cầm cái áo bông cũ.

Thấy hai con về, mẹ Sơn ngửng lên nhìn rồi nghiêm nghị bảo:

- Kìa, hai cô cậu đã về kia. Thế áo bông của tôi đâu mà tự tiện đem cho đấy?

Sơn sợ hãi, cúi đầu lặng im, nép vào sau lưng chị. Bác Hiên vừa cười vừa nói:

- Tôi về thấy cháu nó mặc cái áo bông tôi hỏi ngay. Nó bảo của cậu Sơn cho nó. Tôi biết cậu ở đây đùa, nên tôi phải vội vàng đem lại đây trả mợ. Thôi, bây giờ, xin phép mợ tôi về.

Mẹ Sơn hỏi:

- Con Hiên nó không có áo à?

- Bẩm nhà cháu độ này khổ lắm, chẳng để dành ra được đồng nào may áo cho con cả. Thành thử vẫn cái áo từ năm ngoái nó mặc mãi.

Mẹ Sơn với cái âu đồng lấy tiền đưa cho bác Hiên:

- Đây, tôi cho mượn năm hào cầm về mà may áo cho con.

Khi bác Hiên bước ra khỏi cửa, mẹ Sơn vẫy hai con lại gần, rồi âu yếm ôm vào lòng mà bảo:

- Hai con tôi quý quá, dám tự do lấy áo đem cho người ta mà không sợ mẹ mắng ư?

(Trích Gió lạnh đầu mùa, Thạch Lam, NXB Hội nhà văn, 2015)

Câu 1: Chọn đáp án thể hiện đầy đủ nhất cốt truyện của tác phẩm Gió lạnh đầu mùa?

A. Sơn tỉnh dậy, lấy áo mặc, ra chợ chơi gặp lũ trẻ con nhà nghèo, thương bạn, cho bạn áo. Đến khi về đến nhà, Sơn sợ mẹ mắng.

B. Sơn nhận thấy sự thay đổi của thời tiết và những sinh hoạt gia đình. Bằng lòng thương cảm đầy trắc ẩn, Sơn cho bạn cái áo cũ. Về nhà, Sơn sợ mẹ mắng.

C. Sơn nhận ra sự thay đổi của thời tiết và những sinh hoạt gia đình. Gặp lũ bạn con nhà nghèo không có áo mặc, Sơn động lòng trắc ẩn mang áo cho bạn. Về đến nhà, Sơn lo sợ mẹ mắng nhưng hai bà mẹ đã rất chia sẻ và thông cảm cho nhau. Mẹ âu yếm trước hành động của hai chị em Sơn.

D. Sơn cho bạn áo, về nhà sợ mẹ mắng.

Câu 2: Tình huống của câu chuyện là gì?

A. Sơn nhận thấy sự thay đổi của thời tiết.

B. Sơn và mọi người trong nhà nhớ đến em Duyên.

C. Chị em Sơn ra xóm chợ chơi với mấy đứa trẻ con nhà nghèo

D. Cho áo và trả áo

Câu 3: Tìm những tính từ có trong câu văn Vừa mới ngày hôm qua giời hãy còn nắng ấm và hanh, cái nắng về cuối tháng Mười làm nứt nẻ đất ruộng và làm giòn khô những chiếc lá rơi

A. Giời, nắng

B. Đồng ruộng, những chiếc lá

C. Ấm và hanh, nứt nẻ, giòn khô

D. Ấm và hanh, nứt nẻ, giòn khô, rơi.

Câu 4: Câu văn … đất khô trắng, luôn luôn cơn gió vi vu làm bốc lên những màn bụi nhỏ, thổi lăn những cái lá khô lạo xạo. Trời không u ám toàn một màu trắng đục. Những cây lan trong chậu, lá rung động và hình như lại vì rét cho thấy thời tiết mùa đông như thế nào?

A. Lạnh và ẩm ướt

B. Nóng và khô

C. Rét, hanh khô

D. Nồm và khô

Câu 5: Từ sắt lại có nghĩa là gì?

A. Màu nâu đồng như sắt

B. Trở nên có vẻ cứng rắn và tựa như đanh lại

C. Khô lại

D. Cứng hơn

Câu 6: Truyện kể theo ngôi kể nào và đặt điểm nhìn vào nhân vật nào?

A. Ngôi thứ nhất, nhân vật Sơn

B. Ngôi thứ nhất, nhân vật vú già

C. Ngôi thứ ba, nhân vật Hiên

D. Ngôi thứ ba, nhân vật Sơn

Câu 7: Tại sao Sơn lại mang cho Hiên áo?

A. Vì thương Hiên

B. Vì Sơn muốn làm được việc tốt

C. Vì Sơn muốn được mẹ khen

D. Sơn thấy động lòng thương đến em Duyên ngày trước vẫn chơi cùng Hiên, đùa nghịch ở vườn nhà

Câu 8: Biện pháp nghệ thuật nổi bật nào được sử dụng trong truyện ngắn Gió lạnh đầu mùa?

A. Sự kết hợp miêu tả và biểu cảm tinh tế

B. Thủ pháp đối lập

C. Nghệ thuật miêu tả tâm lý đặc sắc

D. Tất cả các đáp án trên

Câu 9 (1.0đ): Không gian nghệ thuật trong truyện được xây dựng như thế nào?

Câu 10 (1.0đ): Em học được gì từ hành động cho áo của Sơn?

II. VIẾT (4đ)

Lựa chọn một trong hai đề sau:

Đề 1: Suy nghĩ của anh/ chị về vai trò của lòng nhân ái trong cuộc sống hiện nay.

Đề 2: Viết văn bản nghị luận phân tích, đánh giá chủ đề về lòng nhân ái giống như “Gió lạnh đầu mùa” (Thạch Lam)

-----Hết-----

-  Học sinh không được sử dụng tài liệu.

- Giám thị không giải thích gì thêm.

Đáp án

Câu 1: Chọn đáp án thể hiện đầy đủ nhất cốt truyện của tác phẩm Gió lạnh đầu mùa?

A. Sơn tỉnh dậy, lấy áo mặc, ra chợ chơi gặp lũ trẻ con nhà nghèo, thương bạn, cho bạn áo. Đến khi về đến nhà, Sơn sợ mẹ mắng.

B. Sơn nhận thấy sự thay đổi của thời tiết và những sinh hoạt gia đình. Bằng lòng thương cảm đầy trắc ẩn, Sơn cho bạn cái áo cũ. Về nhà, Sơn sợ mẹ mắng.

C. Sơn nhận ra sự thay đổi của thời tiết và những sinh hoạt gia đình. Gặp lũ bạn con nhà nghèo không có áo mặc, Sơn động lòng trắc ẩn mang áo cho bạn. Về đến nhà, Sơn lo sợ mẹ mắng nhưng hai bà mẹ đã rất chia sẻ và thông cảm cho nhau. Mẹ âu yếm trước hành động của hai chị em Sơn.

D. Sơn cho bạn áo, về nhà sợ mẹ mắng.

 Phương pháp giải:

Đọc kĩ văn bản

Lời giải chi tiết:

Cốt truyện của Gió lạnh đầu mùa: Sơn nhận ra sự thay đổi của thời tiết và những sinh hoạt gia đình. Gặp lũ bạn con nhà nghèo không có áo mặc, Sơn động lòng trắc ẩn mang áo cho bạn. Về đến nhà, Sơn lo sợ mẹ mắng nhưng hai bà mẹ đã rất chia sẻ và thông cảm cho nhau. Mẹ âu yếm trước hành động của hai chị em Sơn.

→ Đáp án C

Câu 2: Tình huống của câu chuyện là gì?

A. Sơn nhận thấy sự thay đổi của thời tiết.

B. Sơn và mọi người trong nhà nhớ đến em Duyên.

C. Chị em Sơn ra xóm chợ chơi với mấy đứa trẻ con nhà nghèo

D. Cho áo và trả áo

 Phương pháp giải:

Đọc kĩ văn bản và suy ra tình huống truyện (tình huống chứa đựng những mâu thuẫn)

Lời giải chi tiết:

Tình huống truyện: Nói về việc cho áo của chị em Sơn và trả áo

→ Đáp án D

Câu 3: Tìm những tính từ có trong câu văn Vừa mới ngày hôm qua giời hãy còn nắng ấm và hanh, cái nắng về cuối tháng Mười làm nứt nẻ đất ruộng và làm giòn khô những chiếc lá rơi

A. Giời, nắng

B. Đồng ruộng, những chiếc lá

C. Ấm và hanh, nứt nẻ, giòn khô

D. Ấm và hanh, nứt nẻ, giòn khô, rơi.

 Phương pháp giải:

Đọc kĩ câu văn và chỉ ra tính từ

Lời giải chi tiết:

Các tính từ trong câu văn: Ấm và hanh, nứt nẻ, giòn khô

→ Đáp án C

Câu 4: Câu văn … đất khô trắng, luôn luôn cơn gió vi vu làm bốc lên những màn bụi nhỏ, thổi lăn những cái lá khô lạo xạo. Trời không u ám toàn một màu trắng đục. Những cây lan trong chậu, lá rung động và hình như lại vì rét cho thấy thời tiết mùa đông như thế nào?

A. Lạnh và ẩm ướt

B. Nóng và khô

C. Rét, hanh khô

D. Nồm và khô

 Phương pháp giải:

Đọc kĩ câu văn, chú ý những chi tiết miêu tả mùa đông

Lời giải chi tiết:

Câu văn cho thấy thời tiết mùa đông rất rét, hanh khô

→ Đáp án C

Câu 5: Từ sắt lại có nghĩa là gì?

A. Màu nâu đồng như sắt

B. Trở nên có vẻ cứng rắn và tựa như đanh lại

C. Khô lại

D. Cứng hơn

 Phương pháp giải:

Dựa vào từ điển và văn bản

 Lời giải chi tiết:

Sắt lại: Trở nên có vẻ cứng rắn và tựa như đanh lại

→ Đáp án B

Câu 6: Truyện kể theo ngôi kể nào và đặt điểm nhìn vào nhân vật nào?

A. Ngôi thứ nhất, nhân vật Sơn

B. Ngôi thứ nhất, nhân vật vú già

C. Ngôi thứ ba, nhân vật Hiên

D. Ngôi thứ ba, nhân vật Sơn

 Phương pháp giải:

Đọc kĩ văn bản, nêu kết luận về ngôi kể và điểm nhìn

Lời giải chi tiết:

Truyện kể theo ngôi thứ ba (người kể chuyện giấu mình) và qua điểm nhìn của nhân vật Sơn

→ Đáp án D

Câu 7: Tại sao Sơn lại mang cho Hiên áo?

A. Vì thương Hiên

B. Vì Sơn muốn làm được việc tốt

C. Vì Sơn muốn được mẹ khen

D. Sơn thấy động lòng thương đến em Duyên ngày trước vẫn chơi cùng Hiên, đùa nghịch ở vườn nhà

 Phương pháp giải:

Đọc kĩ văn bản và giải thích lý do

Lời giải chi tiết:

Sơn mang cho Hiên áo vì Sơn thấy động lòng thương đến em Duyên ngày trước vẫn chơi cùng Hiên, đùa nghịch ở vườn nhà

→  Đáp án D

Câu 8: Biện pháp nghệ thuật nổi bật nào được sử dụng trong truyện ngắn Gió lạnh đầu mùa?

A. Sự kết hợp miêu tả và biểu cảm tinh tế

B. Thủ pháp đối lập

C. Nghệ thuật miêu tả tâm lý đặc sắc

D. Tất cả các đáp án trên

 Phương pháp giải:

Đọc kĩ văn bản, dựa vào kiến thức về biện pháp nghệ thuật để đưa ra câu trả lời

Lời giải chi tiết:

Biện pháp nghệ thuật nổi bật:

+ Sự kết hợp miêu tả và biểu cảm tinh tế

+ Thủ pháp đối lập

+ Nghệ thuật miêu tả tâm lý đặc sắc

→ Đây cũng chính là phong cách sáng tác đặc trưng của Thạch Lam

→  Đáp án D

Câu 9 (1.0đ): Không gian nghệ thuật trong truyện được xây dựng như thế nào?

Phương pháp

Đọc kĩ văn bản và chú ý không gian nghệ thuật trong truyện

Lời giải chi tiết

Gió lạnh đầu mùa là một truyện ngắn xây dựng được không gian rất riêng.

Câu chuyện có một mã nền riêng (Mã nền là một thế giới được tạo nên từ một cặp đối lập cơ bản) đó là “lạnh- ấm”. Chính cặp đối lập này đã thiết lập toàn bộ mô hình cấu trúc không gian của truyện. Ở đó có sự “lạnh- ấm” của thời tiết, có sự đối lập rõ rệt giữa thời tiết của ngày hôm qua với ngày hôm nay.

Đó cũng là sự đối lập hoàn cảnh giàu – nghèo giữa chị em Sơn với những đứa trẻ nghèo xóm chợ.

Sự đối lập lớn nhất trong truyện chính là giữa cái “lạnh” của thời tiết với cái “ấm” của lòng người – sự đối lập giữa trong và ngoài.

Cũng trên cái nền “lạnh -ấm” ấy còn một cặp đối lập nữa đó là “già –trẻ”. Thế hệ trẻ là Sơn, Lan, Hiên, những đứa trẻ nghèo xóm chợ đã gạt bỏ sự khác biệt về hoàn cảnh để đến gần nhau hơn, xích lại gần nhau trong tình người ấm áp. Còn người lớn thì lại khác, mẹ Hiên vẫn luôn ý thức được thân phận và hoàn cảnh của mình nên đã tự trọng đem trả lại áo cho mẹ Sơn. Người lớn không dễ gì xóa nhòa được khoảng cách “giàu- nghèo”, không dễ gì quên được thân phận của mình.

Câu 10 (1.0đ): Em học được gì từ hành động cho áo của Sơn?

Phương pháp

Chú ý hành động cho áo của nhân vật Sơn

Rút ra bài học cho bản thân

Lời giải chi tiết

Gợi ý:

- Biết rung cảm trước những hoàn cảnh khó khăn xung quanh mình

- Biết giúp đỡ, sẻ chia với những người có hoàn cảnh khó khăn

- Không kiêu kì, khinh bạc khi mình có điều kiện vật chất hơn người khác…

II. VIẾT (4đ)

Lựa chọn một trong hai đề sau:

Đề 1: Suy nghĩ của anh/ chị về vai trò của lòng nhân ái trong cuộc sống hiện nay.

Đề 2: Viết văn bản nghị luận phân tích, đánh giá chủ đề về lòng nhân ái giống như “Gió lạnh đầu mùa” (Thạch Lam)

Phương pháp giải:

Sử dụng những kiến thức đã học và kinh nghiệm của bản thân để hoàn thành yêu cầu

Lời giải chi tiết:

Đề 1: Vai trò của lòng nhân ái

1. Yêu cầu chung: HS kết hợp được kiến thức và kĩ năng để viết bài văn nghị luận xã hội. Bài viết phải có bố cục 3 phần (mở bài, thân bài, kết bài) đầy đủ rõ ràng; đúng kiểu bài nghị luận; diễn đạt trôi chảy, đảm bảo tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.

2. Yêu cầu cụ thể:

a.Mở bài: Dẫn dắt và giới thiệu vấn đề cần nghị luận: Vai trò của lòng nhân ái

b. Thân bài

- Giải thích: Lòng nhân ái là tình yêu thương giữa con người với con người, là sự đồng cảm, sẻ chia, thấu hiểu và giúp đỡ người khác khi người ấy gặp khó khăn, hoạn nạn. Lòng nhân ái hiểu rộng ra còn có nghĩa là tinh thần đoàn kết.

- Vai trò của lòng nhân ái: Lòng nhân ái có vai trò gì trong cuộc sống?

+ Giúp con người dễ dàng vượt qua mọi khó khăn trở ngại

+ Giúp con người không cô đơn, sát lại gần nhau hơn

+ Thể hiện lối sống tử tế, nhân văn của mỗi con người

+ Có sức mạnh cảm hóa con người, giúp mọi người tin yêu lẫn nhau

- Mở rộng vấn đề:

+ Phê phán những trường hợp thờ ơ vô cảm trước những nỗi đau khổ của con người

+ Phê phán những trường hợp lợi dụng lòng nhân ái hoặc lợi dụng hoàn cảnh khổ đau của người khác để trục lợi bản thân

- Liên hệ bản thân

+ Có những hành động thiết thực thể hiện lòng nhân ái: biết giúp đỡ mọi người xung quanh, biết yêu thương chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn

c. Kết bài: Khái quát lại vấn đề nghị luận và liên hệ.

Đề 2:

Một số tác phẩm viết về lòng nhân ái như: Đời thừa (Nam Cao), Chiếc lá cuối cùng (O. Henry), Hai đứa trẻ ( Thạch Lam)

a. Mở bài:

- Giới thiệu chủ đề lòng nhân ái và tác giả của tác phẩm cần phân tích

- Nêu nội dung khái quát cần phân tích và đánh giá: những đặc sắc về hình thức nghệ thuật của truyện và những đánh giá về nội dung, chủ đề của tác phẩm

b. Thân bài:

- Xác định đề tài, chủ đề của truyện: đề tài tình yêu thương, chủ đề lòng nhân ái

- Phân tích, đánh giá chủ đề của truyện được thể hiện trong những sự kiện và tình tiết nào đáng chú ý?

- Đánh giá những đặc sắc về hình thức nghệ thuật của truyện

c. Kết bài:

- Khẳng định những giá trị của chủ đề lòng nhân ái và đặc sắc của tác phẩm

- Bài học nhận thức và hành động để trở thành một người tử tế

Loigiaihay.com


Bình chọn:
4.9 trên 7 phiếu

>> Xem thêm

Luyện Bài Tập Trắc nghiệm Ngữ Văn 10 - Chân trời sáng tạo - Xem ngay

2k8 Tham gia ngay group chia sẻ, trao đổi tài liệu học tập miễn phí