Đề thi học kì 2 Lịch sử và Địa lí 8 - Đề số 1
Tải vềCâu 1: Với cuộc Cải cách Minh Mạng, cả nước được phân chia thành các đơn vị hành chính thế nào? A. Đất nước được chia thành Bắc đạo, Nam đạo và Tây đạo. B. Đất nước được chia thành Bắc Thành, Gia Định Thành và phủ Thừa Thiên. C. Đất nước được chia làm 29 tỉnh và phủ Thừa Thiên. D. Đất nước được chia thành 30 tỉnh và 1 phủ (Thừa Thiên).
Tổng hợp đề thi học kì 2 lớp 8 tất cả các môn - Kết nối tri thức
Toán - Văn - Anh - Khoa học tự nhiên
Đề bài
PHẦN I. TRẮC NGHIỆM NHIỀU PHƯƠNG ÁN LỰA CHỌN
Câu 1: Với cuộc Cải cách Minh Mạng, cả nước được phân chia thành các đơn vị hành chính thế nào?
A. Đất nước được chia thành Bắc đạo, Nam đạo và Tây đạo.
B. Đất nước được chia thành Bắc Thành, Gia Định Thành và phủ Thừa Thiên.
C. Đất nước được chia làm 29 tỉnh và phủ Thừa Thiên.
D. Đất nước được chia thành 30 tỉnh và 1 phủ (Thừa Thiên).
Câu 2: Bộ luật được ban hành dưới thời vua Gia Long có tên gọi là gì?
A. Quốc triều hình luật.
B. Hoàng Việt luật lệ.
C. Hình thư.
D. Hình luật.
Câu 3: Một tôn giáo mới được du nhập vào nước ta từ giai đoạn trước và tiếp tục phát triển dưới thời Nguyễn là
A. Phật giáo.
B. Đạo giáo.
C. Công giáo.
D. Hồi giáo.
Câu 4: Bản đồ Việt Nam được vẽ dưới triều vua Minh Mạng có tên gọi là
A. Đại Nam nhất thống toàn đồ.
B. Hồng Đức bản đồ.
C. An Nam tứ chí lộ đồ thư.
D. Việt Nam nhất thống toàn đồ.
Câu 5: Thực dân Pháp nổ súng xâm lược nước ta đầu tiên ở địa phương nào?
A. Hà Nội.
B. Thuận An (Huế).
C. Đà Nẵng.
D. Gia Định.
Câu 6: Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân Việt Nam (1858 – 1884), tình hình sau trận Cầu Giấy lần thứ hai (19-5-1883) có điểm gì khác so với trận Cầu Giấy lần thứ nhất (21-12-1873)?
A. Triều đình vẫn ảo tưởng vào con đường thương thuyết.
B. Quân Pháp ở Hà Nội và Bắc Kì vô cùng hoảng sợ.
C. Nhân dân cả nước vui mừng phán khởi.
D. Chính phủ Pháp càng đặt quyết tâm xâm lược nước ta.
Câu 7: Các tư tưởng cải cách canh tân đất nước cuối thế kỉ XIX đã có ý nghĩa quan trọng trong việc
A. hình thành của con đường cứu nước theo khuynh hướng vô sản ở Việt Nam.
B. chuẩn bị cho sự ra đời của phong trào Duy tân ở Việt Nam vào đầu thế kỉ XX.
C. thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của Việt Nam theo con đường tư bản chủ nghĩa.
D. đưa xã hội Việt Nam thoát khỏi sự bế tắc của chế độ thuộc địa nửa phong kiến.
Câu 8: Tháng 8/1883, triều đình nhà Nguyễn tiếp tục kí với Pháp bản hiệp ước nào sau đây?
A. Hiệp ước Nhâm Tuất.
B. Hiệp ước Giáp Tuất.
C. Hiệp ước Hác-măng.
D. Hiệp ước Pa-tơ-nốt.
Câu 9: Nhân vật lịch sử nào được đề cập đến trong câu đố dân gian sau:
“Năm xưa Yên Thế khởi binh,
Hùm thiêng một cõi chiến chinh vang lừng?”
A. Nguyễn Hữu Huân.
B. Hoàng Hoa Thám.
C. Phan Đình Phùng.
D. Nguyễn Trung Trực.
Câu 10: Hệ quả lớn nhất trong chính sách cai trị của thực dân Pháp đối với Việt Nam sau cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất là
A. nền kinh tế phát triển rõ rệt.
B. công nghiệp phát triển.
C. cơ cấu kinh tế ít nhiều có sự biến chuyển, cơ cấu xã hội biến đổi sâu sắc.
D. phong trào yêu nước phát triển mạnh.
Câu 11: Biển Đông thuộc
A. Thái Bình Dương.
B. Ấn Độ Dương.
C. Đại Tây Dương.
D. Bắc Băng Dương.
Câu 12: Vùng biển Việt Nam có diện tích khoảng
A. 3,44 triệu km2.
B. 1 triệu km2.
C. 2 triệu km2.
D. 4 triệu km2.
Câu 13: Đặc điểm nào sau đây đúng với vùng tiếp giáp lãnh hải nước ta?
A. Là vùng nước tiếp giáp với bờ biển, ở phía trong đường cơ sở và là bộ phận lãnh thổ của Việt Nam.
B. Là vùng biển có chiều rộng 12 hải lí tính từ đường cơ sở ra phía biển. Ranh giới ngoài của vùng là biên giới quốc gia trên biển của Việt Nam.
C. Là vùng biển tiếp liền và nằm ngoài lãnh hải Việt Nam, có chiều rộng 12 hải lí tính từ ranh giới ngoài của lãnh hải.
D. Là vùng biển tiếp liền và nằm ngoài lãnh hải Việt Nam, hợp với lãnh hải thành một vùng biển có chiều rộng 200 hải lí tính từ đường cơ sở.
Câu 14: Quần đảo Trường Sa thuộc tỉnh/thành phố nào nước ta?
A. Khánh Hòa.
B. Phú Yên.
C. Bình Định.
D. Đà Nẵng.
Câu 15: Độ muối trung bình của vùng biển Việt Nam không thay đổi theo yếu tố nào sau đây?
A. Theo mùa.
B. Theo độ sâu.
C. Theo khu vực.
D. Theo mưa.
Câu 16: Nguyên nhân chủ yếu làm ô nhiễm môi trường biển – đảo của nước ta hiện nay là do
A. phá rừng đầu nguồn.
B. hoạt động phát triển kinh tế - xã hội vùng ven bờ.
C. du lịch biển.
D. thiên tai.
Câu 17: Điều kiện nào sau đây thuận lợi để phát triển du lịch biển Việt Nam?
A. Bờ biển dài, có nhiều bãi tắm đẹp.
B. Khí hậu nắng và thay đổi liên tục trong ngày.
C. Cơ sở vật chất hiện đại cao.
D. Nhiều loại khoáng sản có trữ lượng lớn.
Câu 18: Suy thoái môi trường biển đảo là
A. sự suy giảm về chất lượng và số lượng của thành phần môi trường, gây ảnh hưởng xấu đối với con người và sinh vật.
B. sự suy giảm về chất lượng của thành phần môi trường, gây ảnh hưởng xấu đối với con người và sinh vật.
C. sự suy giảm về số lượng của thành phần môi trường, gây ảnh hưởng xấu đối với con người và sinh vật.
D. sự suy giảm về chất lượng và số lượng của thành phần môi trường, không gây ảnh hưởng xấu đối với con người và sinh vật.
Câu 19: Đặc điểm nào sau đây không đúng với vùng thềm lục địa nước ta?
A. Có sự tiếp nối với địa hình trên đất liền.
B. Vùng thềm lục địa rộng.
C. Bằng phẳng ở miền Trung, hẹp và sâu ở phía tây và phía nam.
D. Bằng phẳng ở phía bắc và phía nam.
Câu 20: Những hành động nào sau đây mà em không nên làm để góp phần bảo vệ môi trường biển đảo?
A. Tham gia các hoạt động làm sạch bờ biển, giữ gìn môi trường sinh thái,... nhằm giảm thiểu sự suy thoái, ô nhiễm môi trường biển và trên các đảo.
B. Đấu tranh với các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên biển đảo trái với quy định của pháp luật.
C. Rèn luyện kĩ năng để thích ứng với các thiên tai và sự cố xảy ra trong vùng biển đảo.
D. Xả rác thải khi tham gia du lịch biển ra môi trường biển.
PHẦN II. TRẮC NGHIỆM ĐÚNG SAI
Câu 21: Đọc đoạn tư liệu, chọn đúng hoặc sai
“Tàn sát người dân chịu sưu dịch, trấn áp nho sĩ, phá các trường học và các hội buôn được thành lập theo đúng lời chỉ dẫn của Chính phủ, đó là những biện pháp mà Nhà nước Đông Dương đã thực hiện sau các cuộc biểu tình khẩn nài của dân Nam chống lại sưu cao dịch nặng đã đấy họ vào cảnh nghèo khổ và chết đói....”
(Phan Châu Trinh, Điều trần gửi Hội nhân quyền (Pa-ri, 1912): Những cuộc biểu tình năm 1908 của dân Trung Ki, trích trong: Phan Châu Trinh, Toàn tập, Tập 2, NXB Đà Nẵng, Đà Nẵng, 2005, tr.161)
a) Chính quyền Pháp ở Đông Dương đã thi hành những chính sách không phù hợp sau cuộc biểu tình của nhân dân Trung Kì.
b) Chính quyền Pháp ở Đông Dương đã có dấu hiệu đi ngược lại với chính sách của Chính phủ Pháp.
c) Chính phủ Pháp đã chỉ đạo đàn áp các cuộc biểu tình của người dân Việt Nam.
d) Chính phủ Pháp đã chỉ đạo phá các trường học và hội buôn ở Đông Dương.
Câu 22: Cho thông tin sau, hãy chọn đúng hoặc sai cho mỗi ý a) b) c) d) dưới đây:
Để xác định các vùng biển, Việt Nam dựa vào Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và Luật Biển Việt Nam năm 2012. Vùng biển Việt Nam có diện tích khoảng 1 triệu km² trên Biển Đông, bao gồm: nội thuỷ, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của Việt Nam.
a) Vùng biển nước ta gồm 5 bộ phận.
b) Lãnh hải là vùng biển có chiều rộng 12 hải lí tính từ đường cơ sở ra phía biển.
c) Vùng tiếp giáp lãnh hải là vùng biển tiếp liền và nằm ngoài lãnh hải Việt Nam, có chiều rộng 12 hải lí tính từ ranh giới bên trong của lãnh hải.
d) Việt Nam có toàn quyền trong việc khai thác, sử dụng tài nguyên và quản lý các vùng biển thuộc quyền sở hữu của mình.
PHẦN III. TỰ LUẬN
Câu 23: Hãy nêu những nét chính về tình hình kinh tế thời Nguyễn.
Câu 24: Vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông hiện đang là một vấn đề nóng hiện nay. Em hãy viết một đoạn văn ngắn (khoảng 150 – 200 từ) bày tỏ quan điểm của mình về vấn đề này.
----- HẾT -----
Đáp án
HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT
THỰC HIỆN: BAN CHUYÊN MÔN LOIGIAIHAY.COM
PHẦN I. TRẮC NGHIỆM NHIỀU PHƯƠNG ÁN LỰA CHỌN
Câu 1 (NB):
Phương pháp:
SGK Lịch sử và Địa lí 8, nội dung Nhà Nguyễn củng cố nền thống trị.
Cách giải:
Với cuộc Cải cách Minh Mạng, cả nước được phân chia thành 30 tỉnh và 1 phủ (Thừa Thiên).
Chọn D.
Câu 2 (NB):
Phương pháp:
SGK Lịch sử và Địa lí 8, nội dung Nhà Nguyễn củng cố nền thống trị.
Cách giải:
Bộ luật được ban hành dưới thời vua Gia Long có tên gọi là Hoàng Việt luật lệ (Luật Gia Long), với các điều luật bảo vệ quyền uy tuyệt đối của nhà vua, củng cố trật tự phong kiến, trấn áp mọi âm mưu chống lại chính quyền.
Chọn B.
Câu 3 (NB):
Phương pháp:
SGK Lịch sử và Địa lí 8, nội dung Sự phát triển của văn hóa Việt Nam nửa đầu thế kỉ XIX.
Cách giải:
Một tôn giáo mới được du nhập vào nước ta từ giai đoạn trước và tiếp tục phát triển dưới thời Nguyễn là Công giáo.
Chọn C.
Câu 4 (NB):
Phương pháp:
SGK Lịch sử và Địa lí 8, nội dung Quá trình thực thi chủ quyền.
Cách giải:
Bản đồ Việt Nam được vẽ dưới triều vua Minh Mạng có tên gọi là Đại Nam nhất thống toàn đồ, thể hiện quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc lãnh thổ Việt Nam.
Chọn A.
Câu 5 (NB):
Phương pháp:
SGK Lịch sử và Địa lí 8, nội dung Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược từ năm 1858 – 1874.
Cách giải:
Thực dân Pháp nổ súng xâm lược nước ta đầu tiên ở Đà Nẵng.
Chọn C.
Câu 6 (TH):
Phương pháp:
So sánh.
Cách giải:
- Với chiến thắng Cầu Giấy lần thứ nhất (21-12-1873) khiến cho thực dân Pháp hoang mang lo sợ và tìm cách thương lượng.
- Với chiến thắng Cầu Giấy lần thứ hai (19-5-1883), chính phủ Pháp càng đặt quyết tâm xâm lược nước ta. Lí do là sau chiến thắng này, vua Tự Đức, triều đình nhà Nguyễn ngày càng rối ren. Vì thế, Pháp đã quyết định đánh thẳng vào Huế, buộc triều đình nhà Nguyễn phải đầu hàng.
Chú ý khi giải:
Nên lập bảng những sự kiện quan trọng trong quá trình xâm lược Việt Nam của Pháp và cuộc kháng chiến của nhân dân ta để dễ so sánh theo từng giai đoạn cụ thể.
Chọn D.
Câu 7 (TH):
Phương pháp:
Suy luận.
Cách giải:
Các tư tưởng cải cách canh tân đất nước cuối thế kỉ XIX đã có ý nghĩa quan trọng trong việc chuẩn bị cho sự ra đời của phong trào Duy tân ở Việt Nam vào đầu thế kỉ XX.
Chọn B.
Câu 8 (TH):
Phương pháp:
SGK Lịch sử và Địa lí 8, nội dung Phong trào kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược lan rộng ra cả nước (1873 – 1884).
Cách giải:
Tháng 8/1883, triều đình nhà Nguyễn tiếp tục kí với Pháp bản Hiệp ước Hác-măng.
Chọn C.
Câu 9 (VD):
Phương pháp:
Dựa vào câu đố dân gian để suy luận.
Cách giải:
Hoàng Hoa Thám tên khai sinh là Trương Văn Thám, quê ở Tiên Lữ (Hưng Yên), theo gia đình lên làm ăn ở Sơn Tây, sau sang Yên Thế (Bắc Giang) sinh sống. Ông sớm tham gia vào toán nghĩa quân chống Pháp. Năm 1892, Đề Nắm hi sinh ông trở thành lãnh tụ tối cao của phong trào Yên Thế - với biệt danh “hùm xám Yên Thế”.
Chọn B.
Câu 10 (VD):
Phương pháp:
Suy luận.
Cách giải:
Hệ quả lớn nhất trong chính sách cai trị của thực dân Pháp đối với Việt Nam sau cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất là cơ cấu kinh tế ít nhiều có sự biến chuyển, cơ cấu xã hội biến đổi sâu sắc.
Chọn C.
Câu 11 (NB):
Phương pháp:
SGK Lịch sử và Địa lí 8, Biển Đảo Việt Nam.
Cách giải:
Biển Đông là một biển thuộc Thái Bình Dương, trải rộng từ khoảng vĩ độ 3°N đến vĩ độ 26°B và từ khoảng kinh độ 100°Đ đến kinh độ 121°Đ.
Chọn A.
Câu 12 (NB):
Phương pháp:
SGK Lịch sử và Địa lí 8, Biển Đảo Việt Nam.
Cách giải:
Biển Việt Nam có diện tích khoảng 1 triệu km2.
Chọn B.
Câu 13 (NB):
Phương pháp:
SGK Lịch sử và Địa lí 8, Biển Đảo Việt Nam.
Cách giải:
Vùng tiếp giáp lãnh hải là vùng biển tiếp liền và nằm ngoài lãnh hải Việt Nam, có chiều rộng 12 hải lí tính từ ranh giới ngoài của lãnh hải.
Chọn C.
Câu 14 (NB):
Phương pháp:
SGK Lịch sử và Địa lí 8, Biển đảo Việt Nam.
Cách giải:
Quần đảo Trường Sa thuộc Khánh Hòa.
Chọn A.
Câu 15 (NB):
Phương pháp:
SGK Lịch sử và Địa lí 8, Biển đảo Việt Nam.
Cách giải:
Độ muối của vùng biển Việt Nam thay đổi theo khu vực, theo mùa và theo độ sâu.
Chọn D.
Câu 16 (NB):
Phương pháp:
SGK Lịch sử và Địa lí 8, Môi trường và tài nguyên biển đảo Việt Nam.
Cách giải:
Nguyên nhân chủ yếu làm ô nhiễm môi trường biển – đảo của nước ta hiện nay là do hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của con người vùng ven bờ, đặc biệt là các hoạt động phát triển cảng biển, nuôi trồng thủy sản, phát triển du lịch, rác thải sinh hoạt của người dân,…
Chọn B.
Câu 17 (NB):
Phương pháp:
SGK Lịch sử và Địa lí 8, Môi trường và tài nguyên biển đảo Việt Nam.
Cách giải:
Bờ biển dài, có nhiều bãi tắm đẹp thuận lợi để phát triển du lịch biển Việt Nam.
Chọn A.
Câu 18 (NB):
Phương pháp:
SGK Lịch sử và Địa lí 8, Môi trường và tài nguyên biển đảo Việt Nam.
Cách giải:
Suy thoái môi trường biển đảo là sự suy giảm về chất lượng và số lượng của thành phần môi trường, gây ảnh hưởng xấu đối với con người và sinh vật.
Chọn A.
Câu 19 (TH):
Phương pháp:
SGK Lịch sử và Địa lí 8, Biển đảo Việt Nam.
Cách giải:
Địa hình thềm lục địa có sự tiếp nối với địa hình trên đất liền. Vùng thềm lục địa rộng, bằng phẳng ở phía bắc và phía nam, hẹp và sâu ở miền Trung. Đáy biển có nhiều khối núi ngầm.
Chọn C.
Câu 20 (VD):
Phương pháp:
Liên hệ.
Cách giải:
Xả rác thải khi tham gia du lịch biển ra môi trường biển sẽ làm ô nhiễm môi trường biển.
Chọn D.
PHẦN II. TRẮC NGHIỆM ĐÚNG SAI
Câu 21 (VD):
Phương pháp:
Suy luận dựa trên đoạn tư liệu.
Cách giải:
a) Đúng, chính quyền Pháp ở Đông Dương đã sử dụng các biện pháp như tàn sát dân, phá trường học và hội buôn, phản ánh chính sách cai trị không phù hợp và tàn bạo.
b) Đúng, chính quyền Pháp ở Đông Dương đã thực hiện các hành động tàn bạo, mâu thuẫn với tinh thần nhân quyền mà Chính phủ Pháp công khai đề cao, thể hiện sự đi ngược với chính sách chính thức của họ.
c) Sai, tư liệu không nói rằng Chính phủ Pháp trực tiếp chỉ đạo đàn áp mà chỉ nêu các hành động được thực hiện bởi chính quyền Pháp ở Đông Dương.
d) Sai, tư liệu không cho thấy Chính phủ Pháp chỉ đạo việc phá trường học và hội buôn, mà chỉ đề cập đến các hành động của chính quyền Pháp tại Đông Dương.
Câu 22 (VD):
Phương pháp:
Dựa vào đoạn thông tin và nội dung về các vùng biển của Việt Nam ở Biển Đông.
Cách giải:
a) Đúng. Vùng biển nước ta gồm 5 bộ phận: nội thuỷ, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.
b) Đúng. Dựa vào sơ đồ trên ta có thể thấy lãnh hải là vùng biển có chiều rộng 12 hải lí tính từ đường cơ sở ra phía biển.
c) Sai. Dựa vào sơ đồ trên ta có thể thấy vùng tiếp giáp lãnh hải là vùng biển tiếp liền và nằm ngoài lãnh hải Việt Nam, có chiều rộng 12 hải lí tính từ ranh giới ngoài của lãnh hải.
d) Đúng. Các vùng biển của Việt Nam bao gồm các khu vực có "chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia" của Việt Nam. Điều này có nghĩa là Việt Nam có toàn quyền trong việc khai thác, sử dụng tài nguyên và quản lý các vùng biển thuộc quyền sở hữu của mình, tuân thủ theo các quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển.
PHẦN III. TỰ LUẬN
Câu 23 (NB):
Phương pháp:
Trình bày những nét chính.
Cách giải:
- Về nông nghiệp:
+ Quan tâm đến việc tổ chức khai hoang, di dân lậpấp, lập đồn điền ở nhiều tỉnh phía bắc và phía nam, ...
+ Ở vùng hạ lưu sông Hồng, với vai trò tổ chức của Nguyễn Công Trứ, hai huyện mới đã đượclập, đó là: Tiền Hải (Thái Bình) và Kim Sơn (Ninh Bình).
+ Tuy nhiên, do địa chủ, cường hào bao chiếm ruộng đất nên nông dân vẫn không có ruộng để cày cấy, phải lưu vong. Ở các tỉnh phía bắc, lụt lội, hạn hán xảy ra thường xuyên.
- Thủ công nghiệp, thương nghiệp: có điềukiện phát triển.
+ Thủ công nghiệp có những cải tiến nhất định về kĩ thuật. Nghề khai mỏ được đầy mạnh.
+ Thương nghiệp: Hoạt động buôn bán trong nước và với nước ngoài ngày càng tăng.
+ Tuy nhiên, do Nhà nước có những quy định ngặt nghèo (về thuế, mẫu mã, ...) và thi hành chính sách bế quan toả cảng, thợ giỏi bị bắt vào làm trong các quan xưởng, nên một số ngành, nghề không phát triển được. Nhiều đô thị, trung tâm buôn bán nổi tiếng từ thời kì trước như Thăng Long, Phố Hiến, Thanh Hà, Hội An dần bị sa sút.
Câu 24 (VDC):
Phương pháp:
SGK Lịch sử và Địa lí 8, Biển đảo Việt Nam.
Cách giải:
Vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông đang là một vấn đề nóng hiện nay của Việt Nam và của toàn thế giới. Trước tình thế này, em nghĩ các quốc gia cần phải đàm phán và giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình để không làm cho diễn biến trở nên phức tạp hơn. Là một người dân của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa và là một học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường, em cần có ý thức và trách nhiệm trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc mình. Thứ nhất, tham gia vào các hoạt động tuyên truyền bảo vệ chủ quyền biển đảo và nâng cao nhận thức đối với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo. Thứ hai, tăng cường học tập, nghiên cứu, tìm hiểu về bảo vệ môi trường biển đảo. Cuối cùng, xây dựng và phát huy những tiềm năng của biển đảo Việt Nam trong công cuộc hiện nay.

