Đề số 20 - Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn

Tải về

Tổng hợp đề thi giữa kì 2 lớp 12 tất cả các môn

Toán - Văn - Anh - Lí - Hóa - Sinh - Sử - Địa - GDCD

Đề bài

I.ĐỌC HIỂU

Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:

Trên thế giới này có quá nhiều sách dạy con người tương tác và giao tiếp, dạy chúng ta làm thế nào để trở thành một “cao thủ thuyết phục”, chuyên gia đàm phán, nhưng lại không có sách nào dạy chúng ta làm thế nào để đối thoại với chính mình. Khi bạn bắt đầu hiểu được những thứ bên trong của bản thân, bạn sẽ nhận được sự tín nhiệm và yêu mến của người khác một cách rất tự nhiên. Nếu như không hiểu được chính mình, bạn sẽ khiến nội tâm bị nhiễu loạn, làm nguy hại đến môi trường giao tiếp với mọi người. Sự tương tác giả dối với người khác sẽ là mầm họa lớn nhất khiến cho bạn tự trách mình và trách người, nó cũng là mầm mống tạo ra những giông bão cả phía bên trong và bên ngoài của bạn.

Sự đối nhân xử thế rất quan trọng! Nhưng bạn bắt buộc phải hiểu được chính mình, giao tiếp với chính mình, thì lúc đó bạn mới hiểu và tương tác lành mạnh với người khác. Biết được bản thân cần gì, bạn mới biết được người khác cần gì. Điều này sẽ giúp ích cho hành trình xuất phát lại từ đầu của sự nghiệp cũng như sự điều chỉnh lại trong gia đình, tất cả đều bắt đầu từ việc bạn buộc phải hiểu được chính mình!

(Lư Tô Vỹ, Con không ngốc, con chỉ thông minh theo một cách khác, NXB Dân trí, 2017, tr.206 – 207)

Câu 1: Theo tác giả, trên thế giới có quá nhiều loại sách nào và còn thiếu loại sách nào?

Câu 2: Cũng theo tác giả, chúng ta chỉ “nhận được sự tín nhiệm và yêu mến của người khác” khi nào?

Câu 3: Vì sao tác giả cho rằng, “biết được bản thân cần gì, bạn mới biết được người khác cần gì”?

Câu 4: Trong văn bản trên, tác giả đề cao việc “làm thế nào để đối thoại với chính mình”. Vì từ “đối thoại với chính mình” mới hiểu được mình để có cách ứng xử và hành động hợp lí.

Theo anh/chị, có thể coi đoạn văn sau trong tác phẩm Chí Phèo của Nam Cao là lời “đối thoại với chính mình” của Chí Phèo không? Sau những lời này, Chí Phèo có thực sự “hiểu được chính mình” không?

Hắn nhìn bát cháo hành bốc khói mà bâng khuâng […]. Thị Nở giục hắn ăn nóng. Hắn cầm bát cháo đưa lên mồm. Trời ơi cháo mới thơm làm sao! Chỉ khói xông vào mũi cũng đủ làm cho người nhẹ nhõm. Hắn húp một húp và nhận ra rằng: những người suốt đời không ăn cháo hành không biết rằng cháo hành ăn rất ngon. Nhưng tại sao mãi đến tận bây giờ hắn mới nếm mùi vị cháo.

Hắn tự hỏi rồi tự trả lời: Có ai nấu cho mà ăn đâu? Mà còn ai nấu cho mà ăn nữa!

(Trích Chí Phèo, Nam Cao, Ngữ văn 11, NXB Giáo dục 2007, tr.150)

II. LÀM VĂN

Câu 1.

Từ nội dung đoạn trích phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn khoảng 200 chữ bàn về ý nghĩa của việc hiểu mình và hiểu người.

Câu 2.

Để hiểu được thể loại văn học kịch, SGK Ngữ văn 11 (Bộ chuẩn, NXB Giáo dục 2007, Tr.110) cho rằng:

Tập trung chú ý vào lời thoại của các nhân vật.

Theo anh/chị, tại sao phải chú ý vào lời thoại của các nhân vật? Phân tích ý nghĩa cuộc đối thoại giữa hồn và xác trong vở kịch Hồn Trương Ba, da hàng thịt của Lưu Quang Vũ để trả lời câu hỏi trên.

Lời giải chi tiết

I. ĐỌC HIỂU

Câu 1:

- Loại sách có nhiều: sách dạy con người tương tác và giao tiếp, dạy chúng ta làm thế nào để trởthành một “cao thủ thuyết phục”, chuyên gia đàm phán.

- Loại sách còn thiếu: dạy con người ta đối thoại với chính mình.

Câu 2:

- Khi “bạn bắt đầu hiểu được tất cả những thứ bên trong của bản thân” tức hiểu chính mình khi ấy sẽ nhận được sự tín nhiệm và yêu mến của mọi người.

Câu 3:

- “Biết được bản thân cần gì, bạn mới biết được người khác cần gì” vì: Thấu hiểu bản thân là điều vô cùng khó khăn, bởi chúng ta luôn có xu hướng tự che giấu, tự bao biện cho những mong muốn hoặc sai lầm của bản thân. Bởi vậy, chỉ khi thực sự hiểu bản thân cần gì, muốn gì thì khi ấy mới có thể hiểu người khác muốn gì.

Câu 4:

- Có thể coi đó là lời đối thoại của Chí Phèo với chính mình.

- Sau những lời thoại đó Chí Phèo đã hiểu bản thân hơn và hắn khao khát được làm hòa với mọi người, hắn thèm được sống lương thiện.

II. LÀM VĂN

Câu 1:

Giới thiệu vấn đề

Giải thích vấn đề

- Hiểu mình tức là hiểu bản thân mình có những điểm mạnh, điểm yếu gì để phát huy. Hiểu bản thân cần gì, muốn gì để từ đó có những phương hướng, hành động đúng đắn.

- Hiểu người là hiểu những suy nghĩ, cảm nhận của những người xung quanh mình để từ đó có những ứng xử sao cho phù hợp.

Bàn luận vấn đề

- Ý nghĩa của việc hiểu mình và hiểu người.

+ Đối với bản thân, hiểu được chính mình là điều quan trọng và không dễ dàng thực hiện. Hiểu mình sẽ giúp phát huy năng lực, sở trường của bản thân, sửa chữa những mặt còn hạn chế. Hiểu được chính mình cũng giúp bạn xác định được mục tiêu, hướng đi đúng đắn cho bản thân.

+ Đối với người khác, việc hiểu được họ cũng có ý nghĩa quan trọng. Hiểu người khác sẽ giúp bạn có cách hành xử đúng mực. Thấu hiểu không chỉ là yếu tố để xây dựng và duy trì những mối quan hệ lành mạnh và tích cực, mà còn góp phần giúp con người làm việc hiệu quả hơn và thành công hơn trong cuộc sống. Không chỉ vậy còn khiến mọi người yêu quý, tôn trọng.

- Làm thế nào để hiểu bản thân và hiểu người khác.

+ Với bản thân: để hiểu chính mình cần chấp nhận sự thật và những chỉ trích từ những người xung quanh. Chấp nhận mình có điểm yếu kém để thay đổi. Chấp nhận chỉ trích để rút ra kinh nghiệm cho chính mình. Hiểu điểm mạnh để phát huy khả năng hơn nữa.

+ Với những người xung quanh: luôn luôn quan sát mọi người; biết lắng nghe những câu chuyện của họ; có cái nhìn bao dung, độ lượng cảm thông với lầm lỗi của những người xung quanh; chấp nhận sự khác biệt ở họ.

Mở rộng vấn đề và liên hệ bản thân

Câu 2:

1. Mở bài

* Giới thiệu về tác giả Lưu Quang Vũ và tác phẩm Hồn Trương Ba, da hàng thịt và ý kiến trên

- Lưu Quang Vũ được đánh giá là một trong những nhà viết kịch tài năng nhất của văn nghệ Việt Nam hiện đại. Ông có công lớn góp phần vực dậy cả một nền sân khấu lúc đó đang có nguy cơ tụt hậu.

- Kịch của Lưu Quang Vũ hấp dẫn chủ yếu bằng xung đột trong cách sống và quan niệm sống, qua đó khẳng định khát vọng hoàn thiện nhân cách con người.

- Hồn Trương Ba, da hàng thịt là một trong số những tác phẩm kịch nổi tiếng của ông từng gây tiếng vang rất đặc biệt trên sân khấu nước nhà những năm đầu của công cuộc đổi mới. Ông viết vở kịch này từ năm 1981, đến năm 1984 vở kịch mới được công diễn và công diễn nhiều lần trên sân khấu trong nước và ngoài nước.

- Để hiểu được thể loại văn học kịch, có ý kiến cho rằng: Tập trung chú ý vào lời thoại của các nhân vật.

2. Mở bài

2.1 Giải thích ý kiến

- Kịch là là một bộ môn nghệ thuật sân khấu, một trong ba phương thức phản ánh hiện thực của văn học. Thuật ngữ này bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp có nghĩa là “hành động”, được bắt nguồn từ “I do”, là sự kết hợp giữa hai yếu tố bi và hài kịch.

- Mặc dù kịch bản văn học vẫn có thể đọc như các tác phẩm văn học khác nhưng chủ yếu để biểu diễn trên sân khấu. Đặc trưng của bộ môn nghệ thuật này là phải thể hiện cuộc sống bằng các hành động kịch, thông qua các xung đột tính cách xảy ra trong quá trình xung đột xã hội, được khái quát và trình bày trong một cốt truyện chặt chẽ với độ dài thời gian không quá lớn. Mỗi vở kịch thường chỉ trên dưới ba giờ đồng hồ và còn tùy kịch ngắn, kịch dài.

- Ngôn từ đối thoại biểu hiện sự giao tiếp qua lại (thường là giữa hai phía) trong đó sự chủ động và sự thụ động được chuyển đổi luân phiên từ phía bên này sang phía bên kia (giữa những người tham gia giao tiếp); mỗi phát ngôn đều được kích thích bởi phát ngôn có trước và là phản xạ lại phát ngôn có trước ấy. Phát ngôn trong kịch có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, nó giúp chúng ta:

+ Phát hiện được tính cách, phẩm chất của mỗi nhân vật.

+ Ngôn ngữ kịch còn mang tính hành động tức là thứ ngôn ngữ mang đặc tính tranh luận biện bác tác động trực tiếp và thúc đẩy mâu thuẫn xung đột tăng tiến tạo kịch tính với những sắc thái tấn công phản công; thăm dò lảng tránh; chất vấn chối cãi; thuyết phục phủ nhận; cầu xin từ chối; đe doạ coi thường

- Do kịch là thể loại sân khấu nên ngôn ngữ đối thoại được sử dụng một cách dày đặc và là phương tiện để xây dựng nên nội dung của tác phẩm. Thông qua ngôn ngữ đối thoại, tính cách cũng như tâm lí của nhân vật được biểu hiện một cách rõ nét nhất.

→ Ý kiến trên khẳng định vai trò quan trọng của đối thoại trong kịch và phương tiện hữu hiệu nhất để tìm hiểu kịch là tìm hiểu đối thoại.

2.2 Phân tích ý nghĩa cuộc đối thoại giữa hồn và xác

a. Giới thiệu về nhân vật Trương Ba và bi kịch của ông

* Nhân vật Trương Ba

- Hiền đức, có tâm hồn cao khiết, sống mẫu mực: yêu vợ, thương con, quý cháu, tốt bụng với láng giềng,…

- Là người làm vườn chăm chỉ, khéo léo, có tình yêu cây cỏ, nâng niu từng cành cây ngọn cỏ.

- Chơi cờ rất giỏi, nước cờ khoáng hoạt, thâm sâu, dũng mãnh ⟶ khí chất, nhân cách con người.

* Bi kịch của ông

- Do sự tắc trách của Nam Tào, Bắc Đẩu: gạch sổ nhầm ⟶ chết oan.

- Được sống lại: hồn Trương Ba, da hàng thịt ⟶ khập khiễng, trớ trêu, nghịch cảnh éo le -> đối mặt với những đau khổ.

- Trương Ba bắt đầu nhận ra sự tha hóa và những bi kịch của bản thân.

+ Nhiễm thói xấu: ham uống rượu, thích bán thịt, không mặn mà với chơi cờ, những nước cờ của ông giờ thật “ti tiện” – tính cách con người ảnh hưởng.

+ Bị bọn trương tuần hoạnh họe.

+ Con trai không còn tôn trọng bố, muốn bán vườn để có vốn mở cửa hàng thịt, vì: ông Trương Ba bây giờ ăn 8,9 bát cơm chứ không phải 2,3 bát như xưa.

→ Chán chỗ ở không phải của mình, sợ thân thể kềnh càng, thô lỗ của mình, muốn thoát khỏi nó dù chỉ một ít phút. “Ôm đầu một hồi lâu rồi đứng vụt dậy” ⟶ bế tắc, mất phương hướng, đau khổ tột cùng; căng thẳng, u uất, bức bách. “Đứng vụt dậy” – không chịu đựng được nữa, phải hành động để tự giải thoát mình. “Không, không, tôi không muốn sống như thế này mãi!” ⟶ khát vọng dồn tụ.

b. Phân tích đối thoại giữa hồn và xác

- Khi hồn muốn thoát khỏi xác:

+ Xác tuyên chiến trước bằng giọng nhạo báng, mỉa mai “ông không thoát ra khỏi tôi được đâu, hai ta đã hòa vào làm một rồi,…”.

+ Hồn: không tin “ta vẫn giữ được một đời sống riêng nguyên vẹn, trong sạch, thẳng thắn…”, xác chỉ là xác thịt âm u, đui mù, lời nói của bản năng, của con thú, không chi phối được hồn.

+ Xác: phủ nhận: cảm xúc khi ông đứng cạnh vợ tôi, trước các món ăn, tát thằng con ông tóe máu mồm, máu mũi,… ⟶ thô bạo.

+ Hồn: đổ tội cho xác “tại mày”

+ Xác: nhân nhượng, nhún nhường, ra vẻ buồn rầu, rủ Trương Ba tham dự trò chơi tâm hồn – đổ hết tội lỗi cho tôi để giữ sĩ diện của kẻ nhiều chữ với điều kiện phải chiều chuộng những đòi hỏi của xác.

+ Hồn: lời nói không đồng ý, vẻ mặt bần thần chấp nhận, vì không thể làm khác ⟶ đuối lí, cuối cùng không nói nên lời, chỉ bật ra những lời đứt quãng.

→ Từ hăng hái, quyết liệt trở thành đuối lí, chủ động tách khỏi xác ⟶ bần thần nhập lại vào xác ⟶ thua cuộc.

- Xưng hô: ta – mày ⟶ anh.

→ Hồn có phụ thuộc vào xác. Đó còn là cuộc đối thoại giữa hồn và xác, ý thức – bản năng trong mỗi chúng ta. Nếu chúng ta để phần bản năng chiến thắng ⟶ đánh mất phần người 

→ Mỗi người phải biết đấu tranh hoàn thiện nhân cách và vươn tới những giá trị tốt đẹp.

c. Ý nghĩa cuộc đối thoại trên:

- Trước hết, ở góc độ Hồn Trương Ba, người đọc nhận ra khát vọng sống cao thượng, thánh thiện của con người, khi bị những cám dỗ vật chất phàm tục làm cho tha hoá, biến chất.

- Ở góc độ Xác hàng thịt, ta nhận ra những nếp nghĩ sai lầm của con người: đó là thói quen đề cao tinh thần mà coi thường vật chất, tự ru ngủ mình trong những giấc mơ cao thượng mà quên đi rằng, cần phải thiết lập mối quan hệ hoà hợp, gắn bó giữa chúng.

→ Như vậy, Hồn và Xác là những ẩn dụ nghệ thuật lớn, và cuộc đối thoại giữa Hồn và Xác là một tình huống kịch đặc sắc, tô đậm bi kịch “bên ngoài một đằng, bên trong một nẻo”, sự thiếu hài hoà, không thống nhất trên các phương diện: linh hồn và thể xác, vật chất và tinh thần, nội dung và hình thức, bản năng và lí tưởng, cao cả và tầm thường...ở mỗi con người.

- Kết thúc cuộc đối thoại, Hồn Trương Ba dằn vặt, đau đớn, hoang mang, tuyệt vọng trở về cuộc sống trái với chính mình. Chi tiết “Hồn Trương Ba bần thần nhập lại vào xác hàng thịt, ngồi lặng lẽ bên chõng” diễn tả cô đọng tính chất căng thẳng của xung đột kịch: mâu thuẫn không những không được giải quyết mà còn được đẩy lên đến một mức cao hơn.

d. Nhận xét:

- Như vậy qua cuộc đối thoại giữa hồn và xác ta có thể thấy được những phẩm chất, tính cách của mỗi nhân vật:

+ Hồn Trương Ba: là một người có tâm hồn cao khiết, thanh cao, luôn hướng đến cái đẹp, cái thiện.

+ Xác hàng thịt: là một người phàm phu tục tử, thích rượu ngon, thích gái đẹp

- Đồng thời qua lời đối thoại này đã đẩy kịch tính lên đỉnh điểm, hồn Trương Ba dằn vặt, đau đớn, tuyệt vọng “bần thần nhập lại vào xác hàng thịt, ngồi lặng lẽ bên chõng”, đến đây xung đột kịch tiếp tục đẩy lên cao trào và  buộc phải giải quyết.

3. Kết luận

- Khái quát và mở rộng vấn đề.

Xem thêm: Đề và Lời giải chi tiết Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn mới nhất tại Tuyensinh247.com

Loigiaihay.com


Bình chọn:
4 trên 7 phiếu
Tải về

>> Xem thêm

Luyện Bài Tập Trắc nghiệm Ngữ Văn 12 - Xem ngay

>> Luyện thi TN THPT & ĐH năm 2024 trên trang trực tuyến Tuyensinh247.com. Học mọi lúc, mọi nơi với Thầy Cô giáo giỏi, đầy đủ các khoá: Nền tảng lớp 12; Luyện thi chuyên sâu; Luyện đề đủ dạng; Tổng ôn chọn lọc.