I. Tình huống - vấn đề - Bài 3: Tôn trọng người khác


Giải câu hỏi 1, 2, 3 trang 10, 11 sách bài tập tình huống Giáo dục công dân 8. Sống với những người gần mình trong gia đình ; ở trường, lớp, tổ học tập, đoàn, đội ; ....

Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn

Câu 1

Sống với những nguời gần mình trong gia đình ; trường, lớp, tổ học tập, đoàn, đội; ngoài xã hội trong việc tiếp xúc với người lớn tuổi, với cơ quan nhà nước, chắc chắn em đã gặp nhiều tình huống về việc tôn trọng và không tôn trọng người khác.

Hãy nêu những ví dụ hoặc tình huống đã xảy ra thường ngày vế thiếu, tôn trọng người khác (ở gia đình, ở nhà trường, ngoài xã hội) mà em biết hoặc nhìn thấy. Em phân tích tình huống đó.

Lời giải chi tiết:

Ví dụ:

- Trong giờ Toán, thầy giáo đang giảng bài nhưng An và Bình ở cuối lớp lại cười đùa nói chuyện với nhau gây mất trật tự lớp học, ảnh hưởng đến các bạn xung quanh.

- Trong rạp chiếu phim trong khi mọi người đagn tập trung xem phim thì Huệ và Lan lại nói chuyện cười đùa rất to, đập chân đập tay gây ảnh hưởng đến mọi người xung quanh.

- Khi bố mẹ đang giảng giải cho Lan hiểu về lỗi lầm của mình thì Lan lại tỏ thái độ giận dỗi không vừa lòng, cãi lại với bố mẹ và thậm chí vùng vằng quay đi.

Vậy đó là những thái độ thiếu tôn trọng người khác, thể hiện lối sống thiếu văn hóa.

Câu 2

“Mận là cháu họ của một cô em tôi quê ở Bắc Ninh, là chị cả của 6 đứa em. Nhà nghèo, cô bé đồng ý lên nhà tôi giúp việc. Cái nết chăm làm, ngoan ngoãn của Mận đã được mọi người quý mến. Nhưng bực nhất là thói quen ăn một mình dưới bếp của Mận. Một hôm, không thể chịu nổi, tôi gắt:

- Cháu phải ăn cùng cô chú để tiết kiệm thời gian chứ !

Nhưng ở quê, u(1) con cháu vẫn thường phải ăn dưới bếp, chỉ có một mình thầy(2) cháu được ăn mâm trên nhà; ăn cùng cô chú, cháu thấy không quen !

Bố cháu phong kiến đến thế kia à ?

- U cháu và những người phụ nữ khác ở làng quanh năm đều phải làm ruộng và nuôi lợn gà, khổ lắm. Cháu thấy ở thành phố các cô sướng thật, được ăn cơm cùng mâm với chồng, được các chú cho đi phơi cùng, lại được góp ý kiến. Ở quê cháu, phụ nữ chỉ biết vâng lời, hễ tham gia vào việc lớn, nói leo thì thầy cháu... đánh đòn !...”.

Theo Y.LY

(Báo Hà Nội cuối tuần 26-4-2003)

Phương pháp giải:

Đây là câu chuyện về việc thiếu tôn trọng người phụ nữ còn xảy ra khá phổ biến ở nhiều vùng nông thôn. Em cho đây là vấn đề lớn hay nhỏ ? Ngoài việc không cho vợ, con ăn cùng mâm ở nhà trên, người bố trong câu chuyện còn có thái độ, hành vi thể hiện sự thiếu tôn trọng phụ nữ không ? Em phân tích và cho biết ý kiến của em. Theo em, nên khắc phục như thế nào ?

Lời giải chi tiết:

Câu chuyện về thiếu tôn trọng người phụ nữ là vấn đề không hề nhỏ.

Ngoài việc không cho vợ, con ăn cùng mâm nhà trên, người bố còn tỏ thái độ, hành vi thiếu tôn trọng phụ nữ: phụ nữ chỉ được phép vâng lời, hễ tham gia việc lớn hay nói leo thì đánh đòn.

Vấn đề thiếu tôn trọng phụ nữ bắt nguồn từ phong tục cổ hủ từ thời xa xưa nhưng vẫn còn tồn tại đến ngày nay chủ yếu là ở các vùng nông thôn và miền dân tộc. Vấn đề này ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống và sự tự do của người phụ nữ, cướp đi quyền lợi của người phụ nữ, kìm hãm sự phát triển tài năng của những người phụ nữ.

Theo em, để khắc phục vấn đề này hiện nay Đảng và Nhà nước ta đã có những biện pháp cụ thể như có những điều luật đặt ra để bảo vệ quyền lợi người phụ nữ. Tuy nhiên vẫn cần phải mở rộng tuyên truyền về những vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa về quyền lợi của người phụ nữ, giúp họ tiếp cận tìm hiểu rõ hơn về quyền lợi của mình và giúp những người xung quanh hiểu hơn về nhười phụ nữ, loại bỏ những suy nghĩ cổ hủ lạc hậu.

Câu 3

“Cô giáo mới tốt nghiệp trường sư phạm và về dạy học ở trường trung học cơ sở. Buổi đầu vào lớp, làm quen với học sinh, cô hỏi :

- Các em hãy cho biết cha mẹ các em làm nghề gì ?

Đề tài thật hấp dẫn, em nào cũng hào hứng.

- Thưa cô, bố mẹ em đều là công nhân nhà máy điện ạ !

- Thưa cô, bố em là kĩ sư nông nghiệp, mẹ em là giáo viên ạ !

Đến lượt em Hà, cũng như các bạn, em nói rất hồn nhiên :

- Thưa cô, bố mẹ em đều là công nhân vê sinh ạ !

Trong lớp bỗng rộ lên những tiếng cười. Hà ngơ ngác nhìn các bạn rồi như hiểu ra, mặt Hà đỏ bừng, mắt rơm rớm. Cô giáo bước đến bên, đặt tay lên vai Hà, âu yếm :       

-  Cám ơn bố mẹ em, những người lao động đã giữ cho thành phố chúng ta luôn sạch và đẹp. Không có nghề gì là tầm thường, chỉ có những kẻ lười biếng, vô công rồi nghề mới đáng xấu hổ.

Một không khí im lặng bao trùm cả lớp. Những em lúc nãy cười to nhất, lúc này cúi mặt ngượng ngùng. Một em đứng dậy :

- Thưa cô, chúng em thật có lỗi. Chúng em xin lỗi cô, xin lỗi bạn Hà.”

 THU PHƯƠNG (Sưu tầm)

Phương pháp giải:

Em phân tích thái độ “thiếu tôn trọng người khác” của một số học sinh trong câu chuyện trên: Khi nhận ra lỗi lầm của mình, họ đã làm gì ?

Lời giải chi tiết:

Thái độ “thiếu tôn trọng người khác” của một số bạn học sinh trên là rất đáng chê trách. Nghề nào cũng đáng được tôn trọng, nhưng các bạn lại coi thường nghề nghiệp của bố mẹ Hà, khiến Hà phải ngại ngùng với tiếng cười kệch cỡm đó. Ngoài ra, thái độ “thiếu tôn trọng người khác” của một số học sinh trong câu chuyện còn làm ảnh hưởng đến danh dự và nhân phẩm của bố mẹ em Hà và cả Hà, nếu không được giải quyết sẽ ảnh hưởng đến sự tự tin, ảnh hưởng đến kết quả học tập của em.

Khi nhận ra lỗi lầm của mình họ đã đứng dậy xin lỗi cô giáo và bạn Hà. Đó là hành động nên làm và họ không nên vi phạm điều trên nữa.

Loigiaihay.com


Bình chọn:
4.4 trên 9 phiếu

Tham Gia Group Dành Cho 2K10 Chia Sẻ, Trao Đổi Tài Liệu Miễn Phí

>> Học trực tuyến lớp 8 trên Tuyensinh247.com cam kết giúp học sinh lớp 8 học tốt, hoàn trả học phí nếu học không hiệu quả.