Bình giảng về bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng


Bình giảng bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng, những cảm nhận sâu sắc nhất về tác giả và bài thơ


Đề bài

Bình giảng về bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng.

Quảng cáo

Lộ trình SUN 2025

Lời giải chi tiết

     Tây Tiến là bài thơ xuất sắc, tiêu biểu của Quang Dũng và cũng tiêu biểu cho cả giai đoạn văn học kháng chiến của dân tộc. Nổi bật ở bài thơ chính là cảm hứng lãng mạn hào hùng, khắc họa nên hình ảnh con người chiến sĩ và mảnh đất Tây Bắc vừa thơ mộng nên thơ, lại vừa hào sảng anh hùng.

      Ở đoạn thơ đầu, núi rừng Tây Bắc hiện lên thật hùng vĩ, hiểm trở và dữ dội trên đường hành quân của người lính Tây Tiến, cảm hứng lãng mạn liền bắt lây những hình ảnh khác thường gây cảm xúc mãnh liệt:

       Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm

   Heo hút cồn mây, súng ngửi trời

             Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống

 Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi

     Đoạn thơ nhiều từ ngữ tạo hình gân guốc, bạo khỏe. Trong tưởng tượng của người đọc, hình ảnh đoàn quân như đang trèo trên những cồn mây, mũi súng chạm tới đỉnh trời. Chữ "ngửi” vừa bạo, vừa có chất nghịch ngợm “lính tráng", sức diễn tả mạnh mẽ, độc đáo.

Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống

     Câu thớ như bẻ đôi, tạo cảm giác gấp khúc của hai sườn núi vút lên đổ xuống gần như thẳng đứng. Tiếp đó là một câu toàn vần bằng, gợi tưỏng tượng người lính nghỉ chân ngang dốc núi, phóng tầm mắt ngang ra xa để thấy nhà ai đó thấp thoáng ẩn hiện qua một không gian mịt mùng sương rừng mưa núi. Một kết cấu âm thanh đầy sáng tạo, gợi nhớ hai câu thơ tuyệt tác của Tản Đà (Thăm mả cũ bên đường):

Tài cao phận thấp chí khí uất

        Giang hồ mê chơi quên quê hương.

     Điều khác nhau là Tản Đà thì tả tình, còn Quang Dũng thì tả cảnh. Đoạn thơ được kết thúc bằng hai câu thật êm ái dịu dàng:

Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói

    Mai Châu mùa em thơm nếp xôi 

     Đoàn lính dừng chân ở một bản làng nằm giữa rừng sâu. Ở đây có đồng bào, có sinh hoạt đông vui của con người, có những cô gái Mường hay Thái  xinh đẹp như những bông hoa rừng. Những kỷ niệm như thế, người lính Tây Tiến không thể nào quên được. Hai câu thơ này như chuẩn bị đi vào đoạn hai của bài thơ.

     Đoạn thơ thứ hai mở ra một phương diện khác của núi rừng Tây Bắc - Thượng Lào (địa bàn hoại động của đoàn quân Tây Tiến). Có thể nói đây là phương tiện tài hoa mĩ lệ của núi rừng Tây Bắc. Những từ ngữ mạnh mẽ gân guốc của đoạn trên được thay thế bằng ngôn ngữ tinh tế, mềm mại, thơ mộng: Một đêm liên hoan của quân và dân. Giữa “hội đuốc hoa" rực rỡ người lính như thổi lên ngỡ ngàng và trìu mến:

Kìa em xiêm áo tự bao giờ 

     Vẻ đẹp có màu sắc xứ lạ phương xa càng khiến những tâm hồn lãng mạn thêm thi vị:

Khèn lên man điệu nàng e ấp

 Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ

     Bốn câu sau chuyển sang cảnh khác cũng thật đẹp và thơ mộng:

         Người đi Châu Mộc chiều sương ấy

Có  thấy hồn lau nẻo bến bờ

      Có nhớ dáng người trên độc mộc

     Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa

     Bốn câu thơ đầy chất họa (Quang Dũng là một họa sĩ có nhiều bức tranh phong cảnh rất tài hoa), đường nét thanh thoát, màu sắc tươi tắn.

      Có những chữ thật khó nắm bắt ý nghĩa một cách rõ rệt. Thế nào là “hồn lau" nẻo bến bờ? Những bờ lau hàng vạn bông phơ phất theo gió chiều dường như có linh hồn chăng? "Có nhớ dáng người” gợi rất nhiều về vóc dáng thon thả uyển chuyển và duyên dáng của những cô lái đò Châu Mộc (Nguyễn Tuân thì gọi là vóc dáng rất tạo hình của các cô đò Thái). “Trôi dòng nước lũ hoa đong  đưa ". Tả những bông hoa rừng đong đưa nơi mép nước mà thấy được dòng nước lũ chảy xiết. Cần nhớ “đong đưa" chứ không phải ‘đung đưa". “Đong đưa” tình tứ hơn, có hồn hơn.

     Ở đoạn ba, chân dung người lính Tây Tiến thực ra không phải chỉ hiện lên từ đoạn thơ này. Nhưng ở đây nó là đối tượng chính và được mô tả trực diện trên bức tranh thơ. Vẻn vẹn chỉ có tám câu mà nói được đủ cả, từ diện mạo đến tâm hồn, khí phách, thái độ trước hết và vẻ hào hoa rất Hà Nội của những người lính Tây Tiến.

     Tác giả nhìn thẳng vào sự thật: sự cơ cực, cái chết ("Không mọc tóc", “quần xanh màu lá”, "rải rác biên cương mồ viễn xứ", "áo bào thay chiếu anh về đất”..v.-v...). Nhưng cảm hứng lãng mạn đã xóa đi những tiều tụy, lam lũ, bi thảm, lạo nên ở người lính Tây Tiến vẻ đẹp dữ dội oai hùng, vừa sang trọng hào hoa. Cho nên bi mà không lụy, đau buồn có nhưng không thê thảm. Vân đề không phải là che giấu sự thật mà là cách nhìn sự thật xuất phát từ tình yêu nước và lòng cảm phục đối với những con người sẵn sàng hi sinh tuổi trẻ, hi sinh những ước mộng hào hoa, hi sinh cả tính mệnh, sẵn sàng vùi thân nơi biên cương “viễn xứ" hoang vu, heo hút, vì Tổ quốc mình.

      Ớ đoạn thơ này có những chữ dùng rất "sang" (thường khai thác sắc thái trang trọng, cao quý của từ Hán Việt: dáng Kiều thơm, biên cương, viển xứ, chiến trường, áo bào, khúc độc hành....) có những chữ dùng rất dữ lại đi đôi với những ngôn từ rất đỗi dịu dàng thi vị “Mắt trừng gửi mộng qua biên giới...”).

      Đoạn thơ kết thúc bằng một âm hưởng đầy bi tráng:

Áo bào thay chiểu anh về đất

   Sông Mã gầm lên khúc độc hành

     Đó là khúc nhạc dữ dội của núi rừng để tiễn đưa linh hồn người tử sĩ. Bài thơ là một nỗi nhớ những ngày gian khổ và oanh liệt của đoàn quân Tây Tiến. Mở đầu là nỗi nhớ cất lên thành tiếng gọi thiết tha: “Sông Mã xa rồi, Tây Tiến ơi" Nỗi nhớ cứ gợi dần những kỷ niệm của đoàn quân. Trên cái bối cảnh hùng vĩ dữ dội mà cũng rất thơ mộng của núi rừng Tây Bắc, chân dung người lính Tây Tiến hiện lên tiều tụy mà lẫm liệt, lam lũ mà hào hoa, dữ dằn mà đa cảm và đầy thơ mộng. Đó là những "tráng sĩ một đi không về” - một quan niệm về người anh hùng có màu sắc lãng mạn riêng của một thời. Bài thơ cũng kết thúc bằng nỗi nhớ. Nỗi nhớ bao trùm một quá khứ tuy đã lùi xa mà sao vẫn cảm thấy như chỉ mới đây thôi.

     Những kỉ niệm sâu sắc và đẹp thế làm sao mà quên được! cho nên người lính Tây Tiến dù nay ở nơi đâu, hồn vẫn trở về “mùa xuân ấy" ở một vùng núi rừng miền Tây Bắc xa xôi của Tổ quốc: “Hồn về sầm Nứa chẳng về xuôi".

Loigiaihay.com


Bình chọn:
3.2 trên 9 phiếu

>> Xem thêm

Luyện Bài Tập Trắc nghiệm Ngữ Văn 12 - Xem ngay

>> Luyện thi TN THPT & ĐH năm 2024 trên trang trực tuyến Tuyensinh247.com. Học mọi lúc, mọi nơi với Thầy Cô giáo giỏi, đầy đủ các khoá: Nền tảng lớp 12; Luyện thi chuyên sâu; Luyện đề đủ dạng; Tổng ôn chọn lọc.