Ca dao là gì?


Ca dao là gì?

Lựa chọn câu để xem lời giải nhanh hơn

Câu 1

I. GIỚI THIỆU CHUNG VỀ CA DAO

1.Thuật ngữ và khái niệm

Trong sinh hoạt văn học dân gian, có một bộ phận quan trọng là sinh hoạt ca hát, trong đó tiêu biểu nhất là việc diễn xướng ca dao, dân ca. Để chỉ lĩnh vực ca hát dân gian, nhân dân sử dụng các từ: ca, hò, ví, lý, hát giao duyên, hát đối, hát huê tình …

Giới nghiên cứu, các nhà nho sưu tầm, biên soạn gọi những câu hát dân gian là: phong sử, phong dao, ca dao, dân ca, thơ ca dân gian, thơ ca truyền miệng dân gian, thơ ca trữ tình dân gian…

Ca dao là thuật ngữ Hán Việt. Theo từ nguyên, ca là bài hát có chương khúc, giai điệu; dao là bài hát ngắn, không có giai điệu, chương khúc.

Sách Trung Quốc ca dao: ca là bài hát có hòa với nhạc, dao là lời của bài hát đó.

Theo Lịch sử văn học Việt Nam của Bùi Văn Nguyên: ca dao là những bài có hoặc không có chương khúc, sáng tác bằng thể văn vần dân tộc (thường là lục bát), để miêu tả, tự sự, ngụ ý và diễn đạt tình cảm. Dân ca là những bài hát có hoặc không có chương khúc do nhân dân sáng tác lưu truyền trong dân gian ở từng vùng hoặc phổ biến ở nhiều vùng có nội dung trữ tình và có giá trị đặc biệt về nhạc.

Thông thường, sự phân biệt giữa ca dao và dân ca là ở chỗ, khi nói đến ca dao, người ta thường nghĩ đến những lời thơ dân gian, còn nói đến dân ca, người ta nghĩ đến cả những làn điệu, những thể thức hát nhất định.

- Một đàn có trắng bay tung,

Bên nam, bên nữ ta cùng cất lên.

Cất lên một tiếng linh đình,

Cho loan sánh phượng, cho mình sánh ta…

(Hát trống quân).

–Trên trời có đám may xanh,

Chính giữa mây trắng chung quanh mây vàng.

Ơi là tình phụ tình phàng.

Chừ là duyên lắm bấy,

Chừ cái dạ em trông chồng, mà không thấy chồng đâu.

Ơi ông chồng, chồng mình ơi !

Chi mà tệ, tệ lắm chàng !

Chi mà bạc, bạc lắm chàng ! …

(Lý vọng phu)

Trong ca dao, đại đa số là tác phẩm trữ tình. Ca dao là loại trữ tình của văn học dân gian. Khái niệm trữ tình dân gian được hiểu trong sự đối lập với khái niệm tự sự dân gian ở góc độ loại hình. Đối tượng của nó là những sáng tác phản ánh hiện thực đời sống không phải thông qua cốt truyện, sự xung đột của hành động nhân vật mài thông qua sự thể hiện tâm trạng các nhân vật trữ tình.

- Trâu ơi ta bảo trâu này,

Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta …

- Bướm vàng đậu đọt mù u,

Lấy chồng càng sớm, tiếng ru càng buồn.

- Còn duyên kẻ đón người đưa,

Hết duyên đi sớm về trưa mặc lòng.

- Thân cò lặn lội bờ sông,

Gánh gạo đưa chồng tiếng khóc nỉ non …

2. Phân loại

Ðồng dao

Ðồng dao là thơ ca dân gian truyền miệng trẻ em. Chủ thể sáng tác diễn xướng chủ yếu là trẻ em thể hiện những cảm nghị, cảm xúc ngây thơ thường nảy ra một cách ngẫu nhiên ở trẻ em. Trẻ em thường vừa chơi trò chơi, vừa ca hát. Ðồng dao được chia thành hai loại: loại gắn với công việc của trẻ em, loại gắn với trò chơi của trẻ em.

- … Nghé ơ … Mẹ gọi tiếng trước,

Cất cổ lên đàng …

Nghé o …Mẹ gọi tiếng sau,

Cất lồng lên chạy …

Có khôn thì đi theo mẹ,

Có khéo thì đi theo đàn,

Chớ đi theo quẩn theo quàng,

Có ngày mất mẹ … nghé ơ …

- Nu na nu nống,

Cái cống nằm trong,

Cái ong nằm ngoài,

Củ khoai chấm mật.

… Con cóc nhảy ra,

Con gà ú ụ,

Nhà mụ thổi xôi,

Nhà tôi nấu chè,

Tay xoè, chân rụt !

- Thằng Cuội ngồi gốc cây đa,

Ðể trâu ăn lúa gọi cha ới ời,

Cha còn cắt cỏ trên trời,

Mẹ còn cưỡi ngựa đi mời quan viên.

Ông thì cầm bút, cầm nghiên,

Ông thì cầm tiền đi chuộc lá đa …

Ca dao lao động

Ca dao lao động là phần lời cốt lõi của dân ca lao động. Những bài ca lao động tồn tại như là một bộ phận của quá trình lao động. Đặc điểm cơ bản là có sự gắn bó giữa nhịp điệu lao động và xúc cảm của con người trong lao động.

- Hò lao động nảy sinh trên cơ sở những công việc có sự lắp đi lắp lại động tác lao động, có tính chất tổ chức nhịp điệu lao động.

Hò giật chỉ (hò kéo lưới) Nam Trung Bộ:

- Ra đi sóng biển mịt mù,

Trời cho lưới nặng dô hò kéo lên.

Phần lời này sẽ do một người lĩnh xướng (cái hát), những người khác xô theo (con hát). Trong quá trình diễn xướng của nó, sẽ có sự diễn biến nhanh chậm tùy theo tính chất công việc. Khi lưới còn ngoài khơi, động tác kéo lưới chậm, tiết tấu nhịp điệu câu hát cũng chậm. Khi lưới gần bờ, tốc độ kéo lưới nhanh, nhịp điệu hát, tiết tấu cũng nhanh mạnh hơn.

Ở Hò giã gạo Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên và một số địa phương Nam Trung Bộ: câu xô gồm 6 tiếng à ơ à à ơ à, thể hiện động tác muốn nhấc cao cái chày lên trước khi đặt nó về chỗ cũ … (Nguyễn Xuân Khoát). Tên các giai đoạn hò cũng tương ứng các giai đoạn của một cuộc giao duyên nam nữ hơn là tính chất công việc lao động: hò mời, hò ân tình, hò xa cách.

Như vậy, ở nhiều bài hò lao động, yếu tố trữ tình luôn đan xen thể hiện chức năng giao lưu tình cảm, có khi lấn áp chức năng phối hợp động tác lao động ban đầu của tiểu loại.

-  Bài ca nghề nghiệp nói về nghề nghiệp truyền thống như bài ca về lịch lao động của nghề làm ruộng, nghề chài lưới ….

- Tháng chạp là tiết trồng khoai,

Tháng giêng trồng đậu, tháng hai trồng cà.

Tháng ba thì đậu đã già,

Ta đi ta hái về nhà phơi khô.

Tháng tư đi tậu trâu bò,

Ðể ta sắm sửa làm mùa tháng năm …

Ca dao ru con

Hát ru có từ lâu đời và rất phổ biến. Trên mỗi miền có một điệu hát ru riêng biệt phù hợp với giọng nói, ngôn ngữ địa phương. Lời hát ru phần nhiều là những câu ca dao có sẵn. Ca dao ru con rất gần gũi, thể hiện rất rõ chức năng thực hành xã hội của ca dao.

- Ru em em thét cho mùi,

Ðể mẹ đi chợ mua vôi ăn trầu.

Mua vôi chợ Quán, chợ Cầu,

Mua cau Nam Phổ, mua trầu chợ Dinh.

- Con cối đá nằm trong cối đá,

Con chim đa đa đậu nhánh đa đa,

Chồng gần bậu không lấy, bậu lấy chồng xa.

Mai sau cha yếu mẹ già.

Chén cơm, đôi đũa, bộ kỉ trà ai dâng?

-  Ca dao nghi lễ, phong tục

- Lạy trời mưa xuống.

Lấy nước tôi uống.

Lấy ruộng tôi cày …

Trong nhiều bài ca tế thần, các yếu tố trữ tình cũng có mặt, cùng với yếu tố hiện thực, chúng biểu hiện sức mạnh của đời sống hiện thực trong các hình thức sinh hoạt tôn giáo trong nhân dân.

- Ở gần hay là ở xa,

Cách phủ cách huyện hay là cách sông?

Xa xôi cách mấy quảng đồng,

Ðể anh bỏ việc bỏ công đi tìm …

Ca dao trào phúng, bông đùa

Ca dao trữ tình.

 

 

 

Câu 2

II. NỘI DUNG CA DAO

1. Ca dao phản ánh lịch sử

Ca dao là những bài ca về lịch sử. Nhưng trước tiên, việc xác định nội dung lịch sử của những câu ca dao cũng là vấn đề cần xem xét.

Tác giả Nguyễn Văn Mại trong Việt Nam phong sử đã trình bày quan điểm của mình trong bài Tựa: Phong là cái gì? Là thơ ở trong ca dao dân tục vậy. Sử là cái gì? Là cái gương sáng để khen chê khuyến trừng việc thị phi thiện ác vậy. Tại sao phong mà lại gọi là sử? Vì nhân đọc dân phong mà biết quốc sử vậy. Với phương pháp biên soạn: đem ý riêng nghị luận bổ thêm vào … lấy phong dao làm gương sáng để chiếu tinh thần quốc sử, lại lấy quốc sử làm căn bản để cắm cái hoa lá phong dao …, tác giả đã có sự gắn kết các câu ca dao vào từng thời kỳ, sự kiện, nhân vật lịch sử. Chẳng hạn:

- Tưởng là chị ngã em nâng,

Chẳng hay chị ngã em mừng em lo.

Được tác giả coi là nói về việc Trịnh Tùng tranh cướp lấn quyền của anh là Trịnh Cối sinh ra hiềm khích đánh nhau.

Theo cách thức như vậy, có thể ghép nhiều nội dung lịch sử khác nhau cho cùng một câu ca dao:

- Nước lã mà vã nên hồ,

Tay không mà nổi cơ đồ mới ngoan.

được cho là nói về việc sau hai bà Trưng lại có Lý Nam Ðế xưng hùng, chống nhau với nhà Lương, người khác lại cho là nói về việc Lê Hoàn được sự nâng đỡ của Dương Vân Nga mà lấy được ngai vàng nhà Ðinh …

Ca dao lịch sử nói đến lịch sử bằng một thứ ngôn ngữ trực tiếp. Ca dao lịch sử không phản ánh hiện tượng lịch sử trong quá trình diễn biến của nó, mà chỉ nhắc đến sự kiện lịch sử để nói lên thái độ, quan điểm nhân dân.

Nhân dân nói về sự kiện Bà Triệu khởi nghĩa chống lại ách thống trị của quân Ngô xâm lược hồi thế kỉ III:

- Ru con con ngủ cho lành,

Ðể mẹ gánh nước rửa bành cho voi.

Muốn con lên núi mà coi,

Coi bà Triệu tướng cưỡi voi đánh cồng.

Túi gấm cho lẫn túi hồng,

Têm trầu cánh kiến cho chồng đi quân.

Về cuộc kháng chiến vĩ đại mười năm chống quân Minh hồi thế kỉ XV gắn với tên tuổi người anh hùng Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn, nhân dân ghi nhớ trong lời ca dao:

- Ai lên Biện Thượng, Lam Sơn,

Nhớ đây Lê Lợi chặn đường quân Minh.

Có những câu ca dao nói đến những sự kiện phản ánh tình hình suy thoái của chính quyền phong kiến.

- Cơm ăn mỗi bữa mỗi lưng,

Bao giờ gánh đá ông Ðăng cho rồi.

nói về sự khốn khổ của nhân dân Thanh Hóa thời Hậu Lê (1600) phải đi phu gánh đá xây sinh từ cho Ðăng quận công Nguyễn Khải.

- Vạn Niên là Vạn Niên nào,

Thành xây xương lính, hào đào máu dân.

Câu ca dao là lời ta thán của nhân dân khi phải chịu cảnh phu phen tạp dịch nặng nề để xây lăng Vạn Niên cho vua Tự Ðức.

Bằng lời lẽ táo bạo nhân dân đánh vào sự thối nát, rối ren của chính quyền thống trị của họ Trịnh cuối thế kỷ XVIII:

- Trăm quan có mắt như mờ,

Ðể cho Huy Quận vào sờ chính cung.

- Ðục cùn thì giữ lấy Tông,

Ðục long, Cán gãy, còn mong nỗi gì !

2. Phản ánh nếp sống, phong tục, tập quán truyền thống

Những phong tục, tập quán truyền thống trong các lĩnh vực sinh hoạt vật chất, tinh thần của nhân dân được thể hiện rất phong phú trong ca dao.

Ðây là những tập quán trong lao động nông nghiệp, ngư nghiệp:

- Người ta đi cấy lấy công,

Còn tôi đi cấy còn trông nhiều bề,

Trông trời, trông đất, trông mây,

Trông mưa, trông nắng, trông ngày, trông đêm.

Trông cho chân cứng, đá mềm,

Trời yên bể lặng mới yên tấm lòng.

- Cày đồng đang buổi ban trưa,

Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày …

- Chồng chài, vợ lưới, con câu,

Mênh mông bể Sở biết đâu là nhà.

Những cảnh sinh hoạt truyền thống:

- Hôm qua anh đến chơi nhà,

Thấy mẹ nằm võng, thấy cha nằm giường.

Thấy em nằm đất anh thương…

- Ai đen năm nút viền bâu,

Ai may cho bậu hay là bậu may.

- Mua cau chọn những buồng sai,

Mua trầu chọn những trăm hai lá vàng.

Tai nghe trống chiến trống chầu,

Xếp ba miếng kẹo lộn đầu, lộn đuôi.

3. Phản ánh đời sống tình cảm nhân dân

Ca dao trước hết là tiếng hát về tình yêu của con người, đây là một tình cảm phong phú và rộng lớn.

Những thắng cảnh thiên nhiên mọi miền đất nước, những công trình văn hóa từ bao đời … được khắc họa như một bức tranh rộng lớn trong ca dao, thể hiện sự nhận thức về cương vực tổ quốc, lòng yêu mến, tự hào về đất nước, con người.

- Nhất cao là núi Ba Vì,

Thứ ba Tam Ðảo, thứ nhì Ðộc Tôn.

- Nhất cao là núi Tản Viên,

Nhất sâu là vũng Thủy Tiên cửa Vường.

- Làm trai cho đáng nên trai,

Phú Xuân đã trải, Ðồng nai đã từng.

- Ðường vô xứ Nghệ quanh quanh,

Non xanh nước biếc như tranh họa đồ.

Yêu em anh cũng muốn vô,

Sợ truông nhà Hồ sợ phá Tam Giang.

Phá Tam Giang ngày rày đã cạn,

Truông nhà Hồ nội tán cấm nghiêm.

- Rủ nhau chơi khắp Long Thành,

Ba mươi sáu phố rành rành chẳng sai.

Hàng Bồ, hàng Bạc, hàng Gai,

Hàng Buồm, hàng Thiếc, hàng Hài, hàng Khay.

Mã Vĩ, hàng Ðiếu, hàng giày,

Hàng Lờ, hàng Cót, hàng Mây, hàng Ðàn.

Phố Mới, Phúc Kiến, hàng Than,

Hàng Mã, hàng Mắm, hàng Ngang, hàng Ðồng.

Hàng Muối, hàng Nón, cầu Ðông,

Hàng Hòm, hàng Ðậu, hàng Bông, hàng Bè.

Hàng Thúng, hàng Bát, hàng Tre,

Hàng Vôi, hàng Giấy, hàng The, hàng Gà.

Quanh đi đến phố hàng Da,

Trải xem phường phố thật là cũng xinh.

Phồn hoa thứ nhất Long Thành,

Phố giăng mắc cửi đường quanh bàn cờ.

Người về nhớ cảnh ngẩn ngơ,

Bút hoa xin chép vần thơ lưu truyền.

Sự giàu có của những sản vật tự nhiên, và những sản phẩm do bàn tay sáng tạo của con người đã làm nên nét đẹp quê hương có mặt rất nhiều trong ca dao:

- Muốn ăn mật rú vô Trèn,

Muốn xơi ốc đực thì lên Thác Ðài.

- Lụa này thật lụa cố đô,

Chính tông lụa cống các cô đang dùng.

- Bến Tre giàu mía Mõ Cày,

Giàu nghêu Thạnh Phú, giàu xoài Cái Mơn.

Ca dao trữ tình về tình yêu nam nữ có nội dung phản ánh được mọi biểu hiện của tình cảm lứa đôi trong tất cả những chặng đường của nó: giai đoạn gặp gỡ, ướm hỏi nhau, giai đoạn gắn bó trao gửi những lời thề nguyền, giai đoạn hạnh phúc với những niềm ước mơ, những nỗi nhớ nhung hoặc nỗi đau khổ với những lời than thở, oán trách …

- Hôm qua tát nước đầu đình,

Bỏ quên cái áo trên cành hoa sen.

Em được thì cho anh xin,

Hay là em để làm tin trong nhà.

Ai anh sứt chỉ đường tà,

Vợ anh chưa có mẹ già chưa khâu.

Ai anh sứt chỉ đã lâu,

Mai mượn cô ấy về khâu cho cùng.

Khâu rồi anh sẽ trả công,

Ít nữa lấy chồng anh sẽ giúp cho.

Giúp em một thúng xôi vò,

Một con lợn béo, một vò rượu tăm.

Giúp em đôi chiếu em nằm,

Ðôi chăn em đắp, đôi trằm em đeo.

Giúp em qua tám tiền cheo,

Quan năm tiền cưới lại đèo buồng cau.

- Quạt này anh để che đầu,

Ðêm đêm đi ngủ chung nhau quạt này.

Ước gì chung mẹ, chung thầy,

Ðể em giữ cái quạt này làm thân.

Rồi ra chung gối chung chăn,

Chung quần chung áo, chung khăn đội đầu.

Nằm thì chung cái giường Tàu,

Dậy thì chung cả hộp trầu ống vôi.

Ăn cơm chung cả một nồi,

Gội đầu chung cả dầu hồi nước hoa.

Chải đầu chung cái lược ngà,

Soi gương chung cả ngành hoa giắt đầu…

- Muốn khuây dạ nỏ chịu khuây,

Sự đâu đem đổ dạ này mê man.

- Buổi mai em xách cái thống,

Em xuống dưới ao em bắt con cua,

Em bỏ vô trong cái thống;

Hắn kêu cái rỏng, hắn kêu cái rảnh,

Hắn kêu một tiếng chàng ôi !

Chàng đà yên phận tốt đôi,

Em nay lẻ bạn mồ côi một mình.

- Ngọn lang trắng, ngọn vắn, ngọn dài,

Rau tần ô, ngã dọc, ngã ngang,

Trái dưa gang sọc đen, sọc trắng,

Ngọn rau đắng, trong trắng ngoài xanh.

Chim quyên uốn lưỡi trên nhành,

Bởi em ở bạc, ông trời nào đành để em.

- Trèo lên cây bưởi hái hoa,

Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân …

Một bộ phận bài ca này còn mang thêm ý nghĩa xã hội, những bài ca nói đến sự trắc trở trong tình yêu đôi lứa:

- Hai ta là bạn thong dong,

Như đôi đũa ngọc nằm trong mâm vàng.

Bởi chưng thầy mẹ nói ngang,

Cho nên đũa ngọc, mâm vàng xa nhau.

- Vắn tay với chẳng đặng kèo,

Cha mẹ anh nghèo cưới chẳng đặng em.

Ca dao trữ tình thể hiện rất phong phú những biểu hiện của tình cảm gia đình: tình cảm vợ chồng, tình cảm cha mẹ và con cái, tinh cảm anh em … phản ánh nhiều mặt đời sống tình cảm của nhân dân.

Ðây là hình ảnh một gia đình truyền thống:

- Sáng trăng trải chiếu hai hàng,

Bên anh đọc sách, bên nàng quay tơ.

Tình nghĩa gắn bó, thủy chung, tiếng nói đạo nghĩa của nhân dân:

- Muối ba năm muối đương còn mặn,

Gừng cay chín tháng gừng hãy còn cay,

Ðạo nghĩa càng thường chớ đổi đừng thay,

Dẫu có làm nên danh vọng, rủi có ăn mày ta cũng theo nhau.

Những bài ca tuyệt hay về tình mẹ con:

- Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa,

Miệng nhai cơm bún, lưỡi lừa cá xương.

- Mẹ già ở túp lều tranh,

Sớm thăm, tối viếng mới đành dạ con.

4. Phản ánh đời sống xã hội cũ

Ca dao trữ tình lấy đề tài trong đời sống xã hội khắc họa một bức tranh phong phú về hiện thực. Ca dao phản ánh những tâm trạng đau khổ, chua xót, uất ức, thái độ phản kháng của nhân dân chống ách thống trị phong kiến.

- Gánh cực mà đổ lên non,

Còng lưng mà chạy, cực còn chạy theo.

- Bộ Binh, bộ Hộ, bộ Hình …

- Con cò mà đi ăn đêm,

Ðụng phải cành mềm, lộn cổ xuống ao.

Ông ơi ông vớt tôi nao,

Tôi có lòng nào ông hãy xáo măng.

Có xáo thì xáo nước trong,

Ðừng xáo nước đục, đau lòng cò con.

- Con vua thì lại làm vua,

Con sãi ở chùa lại quét lá đa,

Bao giờ dân nổi can qua,

Con vua thất thế lại ra quét chùa.

Ca dao phản ánh khá nổi bật đời sống, tâm trạng người phụ nữ trong xã hội cũ. Ðây cũng là những tâm trạng uất ức, đau khổ trước những bất công xã hội áp đặt đối với người phụ nữ.

- Thân em như hạt mưa sa,

Hạt vào đài các hạt ra ruộng cày.

- Thân em như giếng giữa đàng,

Người khôn rửa mặt, người phàm rửa chân.

- Lênh đênh chiếc bách giữa dòng,

Thương thân goá bụa phòng không lỡ thì.

Gió đưa cây trúc ngã quỳ,

Ba năm chực tiết còn gì là xuân !

Người phụ nữ trong ca dao không cam chịu với địa vị thấp kém, phụ thuộc:

- Chồng con là cái nợ nần,

Chẳng thà ở vậy nuôi thân béo mầm.

- Không chồng mà chửa mới ngoan,

Có chồng mà chửa thế gian sự thường.

Những bài ca về người lính và người vợ lính phản ánh sự phản kháng mạnh mẽ của nhân dân trước những cuộc chiến tranh phong kiến xảy ra liên miên suốt bốn thế kỷ từ đầu thế kỷ XVI đến đầu thế kỷ XIX.

Ðây là bài ca về người lính thú với tâm trạng u uất, buồn khổ:

- Ba năm trấn thủ lưu đồn,

Ngày thì canh điếm, tối dồn việc quan.

Chém tre đẵn gỗ trên ngàn,

Hữu thân hữu khổ phàn nàn cùng ai !

Miệng ăn măng trúc, măng mai,

Những giang cùng nứa biết ai bạn cùng?

Nước giếng trong con cá nó vẫy vùng.

Bài ca về người vợ lính sáng lên hình ảnh người phụ nữ với đức hy sinh, tinh thần đấu tranh chống phong kiến.

- Cái cò lặn lội bờ sông,

Gánh gạo đưa chồng tiếng khóc nỉ non.

Nàng về nuôi cái cùng con,

Ðể anh đi trẩy nước non Cao Bằng.

- … Chém cha cái giặc chết hoang,

Làm cho thiếp phải gánh lương theo chồng.

Gánh từ xứ Bắc, xứ Ðông,

Ðã gánh theo chồng lại gánh theo con.

5. Chứa đựng tiếng cười trào phúng

Ca dao trào phúng và ca dao trữ tình có mối quan hệ khăng khít nhau. Ca dao trào phúng thể hiện tính thích trào lộng của nhân dân. Phạm vi đề tài của ca dao trào phúng cũng rất rộng rãi. Các hiện tượng trái tự nhiên, không bình thường có thể trở thành đối tượng của nó.

- Chồng còng mà lấy vợ còng,

Nằm phản thì chật, nằm nong thì vừa.

- Lỗ mũi em mười tám gánh lông,

Chồng yêu chồng bảo tơ hồng trời cho.

Ðêm nằm thì ngáy o o,

Chồng yêu chồng bảo ngáy cho vui nhà.

Ði chợ thì hay ăn quà,

Chồng yêu chồng bảo về nhà đỡ cơm …

Phần lớn ca dao trào phúng có nội dung xã hội. Bằng tiếng cười trào phúng, nhân dân phê phán, đả kích giai cấp thống trị, những hiện tượng không bình thường, phi lý, những tệ trạng … thể hiện khát vọng của nhân dân về một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Những bài thách cưới có tính chất trào phúng phê phán những tục lệ thách cưới, nộp cheo, là những hủ tục trong chế độ hôn nhân xưa:

- Em về thưa với mẹ cha,

Bắt lợn đi cưới bắt gà đi cheo.

Ðầu lợn lớn hơn đầu mèo,

Làng ăn không hết làng treo cột đình.

Ông quan đánh trống thình thình,

Quan viên mũ áo ra đình ăn cheo.

- Cưới nàng anh toan dẫn voi,

Anh sợ quốc cấm nên voi không bàn.

Dẫn trâu, sợ họ máu hàn,

Dẫn bò, sợ họ nhà nàng co gân.

Miễn là có thú bốn chân,

Dẫn con chuột béo, mời dân, mời làng.

- Chàng dẫn thế em lấy làm sang,

Nỡ nào em lại phá ngang như là …,

Người ta thách lợn thách gà,

Nhà em thách cưới một nhà khoai lang;

Củ to thì để mời làng,

Còn như củ nhỏ họ hàng ăn chơi.

Bao nhiêu củ mẻ chàng ơi,

Ðể cho con trẻ ăn chơi giữ nhà…

Nhân dân hướng mũi nhọn đả kích vào tầng lớp thống trị phong kiến tập trung vào một số đối tượng rất quen thuộc trong văn học dân gian: vua chúa, các loại quan văn, quan võ, các loại thầy cúng, thầy bói, sư giả hiệu …

- Vua Lê ba mươi sáu tàn vàng,

Thấy gái đi đàng ngó ngó nom nom.

Cô nào óng ả son son,

Vua đóng vào hòm đem trẩy về kinh.

- Em là con gái đồng trinh,

Em đi bán rượu qua dinh ông Nghè.

Ông Nghè sai lính ra ve,

Trăm lạy ông nghè ông đã có con.

Có con thì mặc có con,

Thắt lưng cho giòn theo võng cho mau.

- Cậu cai nón dấu lông gà,

Cổ tay đeo nhẫn gọi là cậu cai.

- Cậu cai buông áo em ra

Ðể em đi chợ kẻo mà chợ trưa …

- Chập chập cheng cheng,

Con gà trống thiến để riêng cho thầy.

Ðơm xôi thì đơm cho đầy,

Ðơm mà vơi đĩa thì thấy không ưa.

- Hòn đất mà biết nói năng,

Thì thầy địa lý hàm răng chẳng còn.

Từ sự phê phán những biểu hiện cụ thể, đây còn là quan điểm của nhân dân về vấn đề tôn giáo:

- Ai lên Hương Tích Chùa Tiên,

Gặp cô sư bác, anh khuyên đôi lời:

Ðem thân làm cái kiếp người,

Tu sao cho trọn nước đời mà tu?

Câu 3

III. NGHỆ THUẬT CA DAO

1. Thể thơ

Ca dao sử dụng nhiều thể thơ khác nhau.

Thể lục bát gồm câu sáu, câu tám, thể thơ này rất phổ biến trong ca dao.

Thể song thất lục bát gồm hai câu bảy, câu sáu, câu tám, được sử dụng không nhiều.

Thể văn thường gồm một câu có bốn hoặc năm chữ, rất đắc dụng trong đồng dao.

Ngoài ra ca dao cũng sử dụng hợp thể là thể thơ gồm từ bốn, năm chữ thường kết hợp với lục bát biến thể.

- Anh nói với em,

Như dao chém xuống đá,

Như nhựa chém xuống đất,

Như mật rót vào tay.

Bây chừ anh đã nghe ai,

Bỏ em giữa chốn thuyền chài rứa ri.

Các thể thơ phong phú diễn tả được nhiều tư tưởng tình cảm của nhân dân.

2. Cấu tứ

Các kiểu cấu tứ của ca dao khá phong phú.

Cấu tứ theo lối ngẫu nhiên không có chủ đề nhất định.

- Cái sáo mặc áo em tao,

Làm tổ cây cà,

Làm nhà cây chanh…

Cấu tứ theo lối đối thoại khá phổ biến trong ca dao.

- Bây giờ mận mới hỏi đào,

Vườn hồng đã có ai vào hay chưa?

Mận hỏi thì đào xin thưa,

Vườn hồng có lối nhưng chưa ai vào.

Cấu tứ theo lối phô diễn về thiên nhiên là một kiểu cấu tứ quen thuộc trong ca dao.

- Một đàn cò trắng bay tung,

Bên nam bên nữ ta cùng hát lên.

- Nước chảy liu riu, lục bình trôi líu ríu,

Anh thấy em nhỏ xíu anh thương.

3. Ngôn ngữ

Cách sử dụng và tổ chức ngôn ngữ ca dao rất độc đáo. Có những lời ca ca dao giản dị, cụ thể. Có những lời ca dao điêu luyện, tinh tế.

- Nước ròng bỏ bãi xa cừ,

Gặp em hỏi thử sao từ ngỡi nhân?

- Sông Cầu nước chảy lơ thơ,

Ðôi ta thương nhớ bao giờ cho nguôi.

- …Em ơi chua ngọt đã từng,

Non xanh nước bạc ta đừng quên nhau.

4. Thời gian và không gian nghệ thuật

Luận điểm của G. Mansep: Trong dân ca trữ tình chúng ta thấy rõ luận đề này; hãy nói cho tôi biết nhân vật trữ tình đang ở thời điểm nào, đang đứng ở đâu, tôi sẽ có thể nói điều gì đang diễn ra với nhân vật.

Thời gian nghệ thuật trong ca dao là thời gian hiện tại, lúc diễn xướng bài ca

- Bây giờ ta gặp nhau đây,

Như con cá cạn gặp ngày trời mưa.

- Ngó lên nuột lạt mái nhà,

bao nhiêu nuột lạt, thương bà bấy nhiêu.

Không gian nghệ thuật trong ca dao là không gian có tính hiện thực, xác định.

- Cầu Tràng Tiền sáu vài mười hai nhịp,

Em qua không kịp tội lắm anh ơi,

Bấy lâu ni mang tiếng chịu lời,

Dẫu xa nhau chăng nữa cũng tại trời mà xa.

5. Các biện pháp nghệ thuật truyền thống

So sánh, ẩn dụ, nhân hóa, chơi chữ, ngoa dụ … là những biện pháp nghệ thuật rất tiêu biểu trong ca dao.

- Thân em như hạt mưa rào,

Hạt rơi xuống giếng hạt vào vườn hoa.

- Thuyền ơi có nhớ bến chăng,

Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền.

- Bà già đi chợ cầu Ðông,

Bói xem một quẻ lấy chồng lợi không.

Thầy bói xem quẻ nói rằng,

Lợi thì có lợi nhưng răng không còn.

- Ðêm nằm mà nghĩ gần xa,

Trở mình nó gãy mười ba thanh giường.

Câu 4

IV. VÀI NÉT VỀ BỘ PHẬN CA DAO THỜI KỲ ĐẤU TRANH CHỐNG THỰC DÂN ĐẾ QUỐC

1. Hoàn cảnh xã hội lịch sử

Thực dân Pháp trở lại xâm lược đất nước. Nhân dân dưới sự lãnh đạo của Ðảng và Bác tiến hành cuộc kháng chiến gian khổ và anh dũng kết thúc bằng chiến thắng Ðiện Biên Phủ vĩ đại.

Ðế quốc Mỹ can thiệp vào miền Nam âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta. Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đấu tranh thống nhất đất nước diễn ra liên tục 20 năm. Chiến thắng mùa xuân 1975 mở ra một kỷ nguyên mới cho dân tộc ta.

2. Nội dung

Phản ánh hiện thực, văn học dân tộc thực sự trở thành vũ khí đấu tranh cách mạng của nhân dân, văn học dân gian, ca dao đã trở thành vũ khí đấu tranh sắc bén chống thực dân và đế quốc xâm lược. Ca dao có bước phát triển mới, gửi gấm một cách trực tiếp, sâu sắc tư tưởng, tình cảm của nhân dân trên hiện thực mới: hiện thực đấu tranh cách mạng của nhân dân.

Trên đại thể, có hai bộ phận: ca dao kháng chiến, ca dao chống Mỹ.

Ca dao mang nội dung yêu nước chống xâm lược, phản ánh tình cảm lớn của dân tộc, công cuộc đấu tranh cách mạng của nhân dân.

Ca dao kháng chiến, ca dao chống Mỹ là khối thống nhất tổng hợp tình cảm, tư tưởng nhân dân trong 30 năm chiến đấu chống xâm lược.

Ca dao vạch rõ kẻ thù của dân tộc từ những năm đầu Pháp xâm lược:

- Nhà vua thân với Lang sa,

Ðể Tây ăn cắp trứng gà của dân.

Truyền thống yêu nước vĩ đại được phát huy mạnh mẽ. Nhân dân ý thức sâu sắc nhiệm vụ đánh đuổi ngoại xâm, thực hiện kháng chiến trường kỳ. Thể hiện sức mạnh quật khởi của dân tộc không gì đè bẹp nổi.

- Bao giờ hết cỏ nước Nam,

Thì dân ta mới hết người đánh Tây.

Khác với thời kỳ trước, ca dao sau cách mạng tháng Tám nói chung chứa đựng thêm tình cảm của nhân dân đối với lãnh tụ.

- Cụ Hồ ở giữa lòng dân,

Tuy xa xa lắm nhưng gần gần ghê.

Nhân dân xem hình ảnh lãnh tụ là biểu tượng đẹp nhất, cao quý nhất của đất nước. Ca dao chống Mỹ có nhiều bài thể hiện tấm lòng miền Nam đối với Bác Hồ:

- Tháp Mười đẹp nhất bông sen,

Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ.

Ca dao phản ánh tư tưởng lớn của dân tộc đó là tinh thần quyết chiến quyết thắng kẻ thù xâm lược: thời kháng chiến quyết tâm đánh đuổi thực dân Pháp, thời chống Mỹ, quyết tâm đấu tranh thống nhất nước nhà.

Ca dao thể hiện tinh thần phục vụ sự nghiệp chiến đấu cứu nước của nhân dân: không khí sôi nổi của phong trào thi đua yêu nước cho thấy cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc là cuộc chiến tranh nhân dân.

- Hôm qua anh đến chơi nhà,

Thấy mẹ dệt vải thấy cha đi bừa.

Thấy cháu 1 tờ đang học bi bô.

Thì ra vâng lệnh cụ Hồ,

Cả nhà yêu nước thi đua phen này.

Nổi bật trong ca dao hình ảnh người phụ nữ hậu phương đảm đang, người nữ du kích với tinh thần chiến đấu kiên cường.

- Trên trời mây trắng như bông,

Ở giữa cánh đồng bông trắng như mây.

Những cô má đỏ hây hây,

Ðội bông như thể đội mây về làng.

- Chị em du kích Thái Bình

Ca lô đội lệch vừa xinh vừa giòn …

Bộc lộ trong ca dao còn là mối tình quân dân thắm thiết:

- Cụ Hồ dân kính dân yêu,

Mà anh bộ đội dân chìu, dân thương.

3. Ðặc điểm nghệ thuật

Sự kế thừa nghệ thuật và phát triển nghệ thuật ca dao cổ truyền.

Sự bền vững nhất của ca dao thể hiện ở yếu tố phong cách nghệ thuật. Ở đây vẫn là những xúc cảm dạt dào, sâu lắng của ca dao, nét mới là sự thể hiện tình yêu tổ quốc, yêu lãnh tụ, yêu Ðảng, tình quân dân …

Nghệ thuật trào phúng vẫn đậm nét hướng đến đối tượng mới: kẻ thù xâm lược, những nhân tố lạc hậu trên bước phát triển của cuộc sống mới.

Thể thơ truyền thống được sử dụng linh hoạt.

Kết cấu lối đối đáp truyền thống được sử dụng với những nhân vật trữ tình mới.

Sử dụng lại một số câu ca dao cũ có nội dung tương đồng để thể hiện sự so sánh, cảm nhận cuộc sống mới và cũ hoặc chắp vần nối tiếp nhằm diễn đạt nội dung mới.

Loigiaihay.com


Bình chọn:
2.7 trên 7 phiếu

Tham Gia Group Dành Cho 2K11 Chia Sẻ, Trao Đổi Tài Liệu Miễn Phí

>> Học trực tuyến lớp 7 trên Tuyensinh247.com cam kết giúp học sinh lớp 7 học tốt, hoàn trả học phí nếu học không hiệu quả.